Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

MỘT TRƯA ĐẤT TIÊU


Nhưng dọc đường bị ách lại bắt hết, dẫu đã có giấy của Ủy ban xã. Giấy thì của xã, nhưng lệnh cấm là của trung ương, ai to hơn thì theo người ấy. Than khóc như ri cả đêm ở trạm kiểm soát Nước Mặn (Quảng Nam), dân đi buôn thời ấy gọi là trạm nước mắt, mà lệnh tịch thu vẫn không đổi....
------------


          Cũng lười không chịu tra cứu trong sổ tay xem ai là người đầu tiên phát hiện ra cây tiêu rất hợp với đất Chư Sê, rồi rinh nó về, để hôm nay nó lên ngôi, trở thành cây vàng cây bạc cho xứ này. Lâu nay người ta chỉ nhớ đến Hồ Tiêu Quảng Trị, Phú Quốc, giờ, Chư Sê luôn ngất nghểu trong những cái tên phải nhắc.

          Rồi Chư Sê chia ra 2 huyện, giờ vương quốc tiêu không chỉ Chư Sê mà còn cả Chư Pưh.

          Một trưa nắng nhễ nhãi, tôi lội nắng cùng cựu bí thư huyện ủy Chư Sê vào một ngôi nhà rất to có cái sân rất khủng ở làng Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Trên sân bốn năm người đàn ông lực lưỡng đang đảo tiêu. Chủ nhà bước ra, sau cái nheo nheo mắt là vòng tay mở ra: Ôi anh Phụng.

          Tổng biên tập báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng cách đây hơn chục năm là bí thư huyện ủy Chư Sê. Ông này có máu đi, máu lê la. Thì nhờ đi nhờ lê la thế mà hơn chục năm trở lại, ông chủ nhà này nhớ ngay ra tên. Chưa hết, chủ nhà còn nhắc: Hồi ấy anh xuống, bảo đất này người này mà không làm giàu được thì chỉ có do làm biếng thôi. Ai làm biếng bắt bỏ rọ nhốt hết lại, để những người siêng làm ăn.

Ông Khoa (trái ảnh)
          Cái thời huyện Chư Sê còn rất nghèo vì người ta chưa tìm ra “cây gì con gì” cho đất này, tức là chưa tìm ra “thế mạnh” thì Chư Sê bạt ngàn lạc và đậu xanh. Tôi nhớ hồi ấy cũng từng theo để viết mấy nhân vật điển hình “vua” đậu xanh, “vua” lạc… nhưng rồi nó cứ chìm nghỉm đi đâu, có thể là không có đầu ra, hoặc cũng có thể là chả bõ để xuất khẩu, mà bán kiểu bày mẹt ngoài chợ thì làm sao mà giàu được, may chăng đủ tiền xe để… về quê. Dân Chư Sê hồi ấy chủ yếu là người Huế đi kinh tế mới, khổ kêu trời kêu đất, vì ngoài nắng, bụi, đất đỏ, gió… thì tất cả mọi thứ đều thiếu, từ trường học, chợ, bệnh viện vân vân… nên người bỏ về quê rất nhiều, dù Huế thời ấy cũng đói thảm hại. Ai ngờ, giờ, trong một bài viết tôi phải gọi đùa dân Chư Sê bây giờ là… Huế kiều ở Chư Sê.

          Ấy là cùng một lúc có 3 thứ cây đổ bộ vào xứ này, là cao su, tiêu và cà phê. Trong đó cao su và tiêu là 2 mũi nhọn khiến dân ở đây cứ ngun ngút giàu, trở thành địa phương có số tỉ phú nhiều nhất khu vực. Mà không chỉ dân Kinh giàu, đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất giàu. Vào các nhà ở đây giờ cái cảnh thấy một cái sân mênh mông  đặc tiêu dưới ấy, một cái ô tô trùm vải nằm trong mái hiên, nhà to như cái đình, bên trong nội thất và tiện nghi sang trọng… là rất bình thường.

          Trưa ấy, chúng tôi ngồi sôi nổi chuyện với ông Khoa. Vâng chủ nhà tên là Nguyễn Văn Khoa. Ngồi một lúc nói chuyện, khi ông xưng tên thì bộ nhớ của tôi vụt hiện, hỏi ngay: anh có phải Khoa Tiêu không? Là hai Khả không? Té ra con người này tôi đã rất nhiều lần được nghe nói tới và hôm nay mới gặp.

          Ông Khoa này lại cùng quê với Đoàn Minh Phụng. Dân Phù Mỹ cả. Từ năm 1966 ông đã thoát ly lên rừng theo du kích. Vùng Phù Mỹ hồi ấy rất ác liệt, hoặc thoát ra rừng theo du kích, hoặc ở lại cũng đi lính. Cán bộ chủ chốt các tỉnh Tây Nguyên sau này chủ yếu là lứa dân đồng bằng Bình Định, Quảng Ngãi nhảy núi thời ấy. Năm 68 thì bị bắt đày ra Phú Quốc. Côn Đảo là nơi giam tù chính trị, còn Phú Quốc là tù binh. Ông ở đấy đến năm 1973 thì được trao trả và lại tiếp tục vào lính quân giải phóng, oánh nhau đì đùng đến 1975 thì ra quân vì bị thương. Về quê cưới một cô vợ cũng là thương binh, là con gia đình tập kết. Nhưng rồi ở quê khổ quá, đất đã xấu mà lại không đủ để làm, con cái nheo nhóc, vợ chồng  ngặt nghèo. Năm 1977 ông đưa cả nhà Chư Sê tiến.

          Nói luôn, hồi ấy Chư Sê cũng vô  cùng khổ. Quãng năm 1982 khi tôi xuống Chư Sê, vào một làng bà con người Huế kinh tế mới, làng vợi đi một nửa. Số vợi đi ấy đa phần là bỏ về quê, dù quê hồi ấy cũng vô cùng cơ cực, ăn toàn khoai và mặc thì toàn lấy vải bao cát may áo quần. Quê ở đấy nên tôi biết rất rõ. Một số vợi đi nữa là do… chết. Sốt rét ư, rắn cắn ư, Fulro ư… đủ thứ để chết. Tôi nhớ được một gia đình mời ăn giỗ bữa trưa, đã quây cái sân lại rất kỹ, nhưng một cơn gió, đất đỏ cuồn cuộn ụp xuống, mâm cỗ mịt mù. Thức ăn phủ một màu đỏ quạch. Mọi người vẫn ăn vì đã quá quen rồi, tôi thì không thể, vì răng đã kịp ê sau khi nhai nguyên một viên sạn…

          Lên Chư Sê (giờ là Chư Pưh), việc đầu tiên của 2 vợ chồng là đi… làm thuê. Có thẻ thương binh ông được cấp 2000 mét đất. Vốn dân ham đất ông làm tí là xong, còn thời gian là đi làm thuê và… nghe ngóng. Đất ấy chưa đủ, ông thuê thêm nữa. Và cũng như mọi người, ông trồng lạc, đậu xanh, mía… thứ gì cũng tốt nhưng trồng nhiều quá chả có chỗ bán, mà mang ra ngoài thì không được vì ngăn sông cấm chợ. Nhớ hồi ấy tôi đi xe đò về Huế, trên xe có mấy gia đình chở đậu xanh của nhà trồng được về quê để đối lưu. Nhưng dọc đường bị ách lại bắt hết, dẫu đã có giấy của Ủy ban xã. Giấy thì của xã, nhưng lệnh cấm là của trung ương, ai to hơn thì theo người ấy. Than khóc như ri cả đêm ở trạm kiểm soát Nước Mặn (Quảng Nam), dân đi buôn thời ấy gọi là trạm nước mắt, mà lệnh tịch thu vẫn không đổi. Ông Khoa cũng đã từng ngồi trên đống lạc, đậu xanh mà đói như thế…

          Ly rượu buổi trưa làm mặt ai cũng  ưng ửng mà mồ hôi rịn ra dù cái quạt đời mới đang quất hết công suất. Là ông đang nhớ tới cái đận đưa tiêu về đây.

          Năm nào đó ông đi Buôn Ma Thuột rước tiêu Đăk Lăk về Nhơn Hòa. Ban đầu chỉ dám trồng 100 trụ tiêu. Trụ thì tận mua ở lò gạch. Lao động thì vợ chồng hì hụi vừa làm vừa nghiên cứu. Ngày ấy không có điện lưới. Để trồng được 100 trụ tiêu, vợ chồng ông đào 1 cái giếng sâu 30 mét. Đêm đêm, khi mọi người yên giấc, hai vợ chồng hì hục quay nước tưới tiêu. Lúc ấy mọi công việc đều phải mày mò, chưa có qui trình qui phạm như bây giờ. Những vụ đầu, vợ chồng ông thu hái, rồi đạp bằng chân cho tiêu rụng hạt khỏi cuống. Làm mấy năm cực quá, ông lại… sáng kiến. Nhìn cái máy xạc đậu do ông làm từ hồi mới lên, qua thời cải tiến sang xạc bắp kiếm ăn cũng đã khẩm, nay hết thời, nó chỉ còn là một vật để ở nhà kho làm kỉ niệm mà tiếc. Ông manh nha việc làm máy xạc tiêu. Thế nhưng vỏ lạc, hạt bắp là những thứ cứng. Đằng này hạt tiêu tươi lại mềm dễ bị nát hỏng. Mà giá tiêu lúc ấy vì hiếm nên qui ra gạo thì rất cao (lúc bấy giờ cái gì cũng đều phải qui ra lúa gạo), 1 cân tiêu đổi ngang được 15 cân gạo. Lại còn khi ấy chỉ quen bán tiêu đen, nếu tiêu bị xây xát tróc vỏ coi như vứt. Ông thổ lộ ý định với vợ. Mới nghe nửa câu, vợ ông đã giật nảy mình như của đã mất đến nơi. Không ngờ mày mò, đến khi làm thì kết quả trên cả tuyệt vời… 

          Đến khoảng năm 2000 thì hàng năm gia đình ông Khoa đã thu về tiền tỉ chủ yếu từ cây tiêu. Khi có bát ăn bát để ông Khoa không quên ơn địa phương, bà con… nên ông luôn tạo điều kiện đùm bọc giúp đỡ người nghèo khó. Ông đóng góp cho làng xã tiền làm đường giao thông, tiền kéo hệ thống điện cho cộng đồng. Có năm ông thế chấp cả tài sản gia đình vay ngân hàng hàng cho hàng chục hộ nghèo lấy vốn làm ăn. Ông tích cực đóng góp tài trợ cho các tổ chức xã hội cơ sở như hội cựu chiến binh, hội nông dân,.. có thêm kinh phí hoạt động. Những năm phong trào trồng tiêu phát triển mạnh, ông Khoa đã không ngừng quảng bá, hướng dẫn kĩ thuật và giúp các hộ nghèo hàng ngàn dây giống tiêu để lập vườn lập trại.          Năm 2000, vì thành quả lao động xuất sắc, có nhiều sáng kiến, ông Khoa được cử đi tham quan học tập kinh tế trang trại tại Đài Loan, có hỗ trợ kinh phí của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Khi được tin, thay vì mừng rỡ, ông lại băn khoăn. Vì tiếc việc, lo cây trồng, lo thời vụ, lại tiếc tiền đi lại... Ông bảo: Vui một chuyến mà thấy nhiều cái phí quá. Trong lúc rất nhiều đại gia tiêu vào thời điểm ấy mong cho có hội nghị thội thảo, được mời để có cớ đi vui vẻ tiêu tiền. Có chủ trang trại đi hội nghị cách nhà hơn hai trăm cây số ẵm đi hơn chục triệu đồng (tiền lúc ấy còn lớn), tuyên bố chưa hết tiền chưa về. Vậy mà ông Khoa đã nhường người khác suất đi Đài Loan…


          Giờ, ông Khoa có chừng 20 nghìn trụ tiêu. Ông chia bớt cho các con bảo quản, bảo già rồi, không ôm hết, hơn nữa, giao cho chúng, chúng sẽ tự vận động để làm sao có hiệu quả tốt nhất. 5 đứa con ông giờ cũng là 5 ông chủ lớn của đất này. Một anh bạn nhẩm tính: 2 chục nghìn trụ tiêu, năm nay ông thu 50 tấn, với giá thị trường hiện giờ, năm nay bố con ông thu xấp xỉ chục tỉ. Tôi không rành lắm chuyện tỉ chuyện triệu, chỉ biết rằng, ở vùng Chư Sê Chư Pưh này, như ông thì hiếm, chứ dưới ông một tí, thậm chí là nhiều tí, vẫn là tỉ phú, giờ nhiều lắm. Hồi chưa chia huyện, ở tỉnh Gia Lai, đơn vị nộp ngân sách thứ 2 của tỉnh, sau thành phố Pleiku, là huyện Chư Sê, chứ không phải 2 thị xã đàn anh An Khê và Ayun Pa…
                                                         


 

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Có sức người lao động sỏi đá sẽ thành vàng. Chúc mừng dân Chư Sê Chư Pưh...