Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

MỘT NGÀY GLAR

Thực ra thì chỉ 1 buổi thôi, 8h tôi lái xe chở cô học trò và 2 biên tập viên rời Pleiku, 11h trưa đã có mặt lại ở Pleiku...



Tôi chạy đúng 30 phút thì xuống đến xã. Nếu hy vọng bây giờ về làng Tây Nguyên sẽ gặp một ngôi làng đúng nghĩa thì bạn đã lầm. Sự phát triển xã hội nói chung đã kéo theo những ngôi làng Tây Nguyên biến đổi. Ngày xưa làng của người Bahnar thường chon von trên các sườn đồi, có các lối độc đạo xuống suối. Làng trống huơ trống hoác, những ngôi nhà sàn như những con gà con quây quần tíu tít quanh con gà mẹ là cái nhà rông cao vút nhưng mềm mại giữa làng. Nhà sàn của người Bahnar rất đẹp, dáng hạ thu thượng thách, trông rất mềm mại trữ tình. Nếu nhà rông của người Sơ Đăng cao vút như một thanh kiếm dựng ngược lên trời thì nhà rông của người Bahnar thấp hơn, có nhiều đường cong hơn, uốn lượn hơn, vẫn uy dũng nhưng lại nữ tính. Thực ra các đường cong mềm mại ấy là cách các nhà rông chống lại gió bão, nhất là gió mùa khô Tây Nguyên cứ lồng lộn suốt ngày, thế mà gặp các mái nhà rông kia, nó như sự the thẩy cho thêm duyên cái nhà rông vốn được coi là niềm tự hào, là sức mạnh của làng kia...
------------



          Phương Thảo là học trò tôi hồi tôi thỉnh giảng môn Mỹ học cho trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Gia Lai. Thực ra thì tôi cũng chả nhớ nếu không có một hôm tôi gọi cho giám đốc bảo tàng nhờ một việc. Chị giám đốc bảo tàng sốt sắng: em sẽ cho một cán bộ giúp anh. Lát sau thì có người gọi điện thoại, gọi tôi là thầy, xưng tên và nói chị V nói em giúp thầy.

          Việc giúp rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được: Đưa tôi xuống xã Glar, huyện Đăc Đoa tiếp xúc với các nghệ nhân dệt thổ cẩm.

          Sau khi học xong lớp trung cấp bảo tàng, Thảo về công tác ở huyện Đắc Đoa, ở đội thông tin lưu động, đấy là lý do cô thuộc Đắc Đoa như lòng bàn tay, và là lý do giám đốc bảo tàng cử cô giúp tôi. Hiện chồng cô vẫn làm ở phòng văn hóa huyện Đắc Đoa, sáng sớm đi tối mịt về, còn cô thì đã chuyển được về bảo tàng tỉnh, nơi có nhà và 2 con ở đấy. Chắc cũng khá gian nan vất vả để có thể chuyển được một cú ngoạn mục như thế ở thời buổi bây giờ. Tôi không hỏi sâu việc này, chỉ bày tỏ sự mừng cho cô học trò cũ, dù vẫn áy náy việc chồng cô hàng ngày vẫn xe máy xuống huyện đi làm. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa Tây Nguyên thì kinh lắm. Thế mà đằng đẵng đã bao năm rồi…


        Thực ra thì cũng không xa, tôi chạy ô tô đúng 30 phút thì xuống đến xã. Nếu hy vọng bây giờ về làng Tây Nguyên sẽ gặp một ngôi làng đúng nghĩa thì bạn đã lầm. Sự phát triển xã hội nói chung đã kéo theo những ngôi làng Tây Nguyên biến đổi. Ngày xưa làng của người Bahnar thường chon von trên các sườn đồi, có các lối độc đạo xuống suối. Làng trống huơ trống hoác, những ngôi nhà sàn như những con gà con quây quần tíu tít quanh con gà mẹ là cái nhà rông cao vút nhưng mềm mại giữa làng. Nhà sàn của người Bahnar rất đẹp, dáng hạ thu thượng thách, trông rất mềm mại trữ tình. Nếu nhà rông của người Sơ Đăng cao vút như một thanh kiếm dựng ngược lên trời thì nhà rông của người Bahnar thấp hơn, có nhiều đường cong hơn, uốn lượn hơn, vẫn uy dũng nhưng lại nữ tính. Thực ra các đường cong mềm mại ấy là cách các nhà rông chống lại gió bão, nhất là gió mùa khô Tây Nguyên cứ lồng lộn suốt ngày, thế mà gặp các mái nhà rông kia, nó như sự the thẩy cho thêm duyên cái nhà rông vốn được coi là niềm tự hào, là sức mạnh của làng kia. 

Làng này có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. Thực ra tất cả các cô gái Tây Nguyên đều phải biết xe chỉ dệt vải may váy áo. Từ bé đã được mẹ truyền cho việc ấy. Nhưng giờ, hàng chợ nhan nhản, bán vài cân tiêu hạt là có thể mua một bộ quần áo thời trang dù không biết chất lượng nó đến đâu. Thêm nữa, hội lễ ít đi, thay vào hội lễ là sinh hoạt đoàn chẳng hạn, người ta lại mặc áo đoàn… vậy thì diện vào lúc nào. Mà không mặc, không sử dụng thì không cần làm nữa. Làm ra một cái váy cái áo đúng truyền thống vô cùng mất thời gian, tỉ mẩn, có khi năm sáu tháng trời chưa xong một bộ. Thế là thất truyền. Mà ngành văn hóa nói riêng, chính quyền nói chung lại luôn hô hào gìn giữ bản sắc, có hẳn những nghị quyết những chương trình bảo tồn văn hóa truyền thống. Thế là nhà nước bỏ tiền ra mở các lớp khuyến công, dạy nghề. Có điều kiện đi sâu vào chuyện học nghề cũng vui lắm. Chẳng đã có chuyện vui là làng nọ có 5 cái xe máy nhưng có đến 12 chàng trai được cử đi học sửa xe. Tương tự thế cả làng có 1 cái máy xay xát lúa, của một gia đình người Kinh nhưng lại có 5 anh trai làng được chọn đi học cơ khí máy xát… Có những lớp dạy đánh chiêng, dạy chỉnh chiêng, dạy làm tượng mồ, nhà nước đầu tư cũng kha khá tiền vào đấy. Riêng nghề thổ cẩm, nhà nước xuống Glar mở 1 lớp, có trụ sở hẳn hoi, ai đi học được cấp một ngày 15 ngàn. Chị Mlop được mời dạy thì được trả trọn gói 5 triệu một lớp 3 tháng. Hỏi có vất vả không, bảo chỉ tháng đầu thôi, sau đó họ đến tự mình làm được thì mình khoán rồi kiểm tra chất lượng.



          Mlop là mẹ, con gái chị tên là Mlonh ở nhà bên cạnh, 2 mẹ con làm thành một dây chuyền khép kín. Mẹ thì làm ra chỉ, dệt thành vải, con thì dùng vải ấy may thành váy áo truyền thống hoặc các hàng lưu niệm theo đặt hàng. Vấn đề là 2 mẹ con chị này đã giải quyết công ăn việc làm cho khá nhiều người dân trong làng trong xã, kể cả các em học sinh trong dịp nghỉ hè. Giải quyết ấy là, ai rỗi thì đến làm, làm công hoặc khoán sản phẩm, nhưng nguyên tắc của bà con Tây Nguyên là sòng phẳng, làm xong là phải có tiền ngay. Chịu khó làm một ngày người ít được 2 chục, người nhiều một trăm. Ở làng thế là cũng ổn, Mlonh bảo thế, hai chục là mua thức ăn một ngày rồi. Vấn đề là, 2 mẹ con không đủ tiền mặt trả cho họ, vì hàng làm ra bán được ít, và thu hồi vốn chậm. Là cũng bỏ cho người ta bán, người ta bán xong mới trả tiền cho mình.

          Nhưng là nói thế cho… oai, thực ra hỏi kỹ và nhìn kỹ thì cả 2 mẹ con nhà này, dù rất khéo tay, và giỏi thật sự, nhưng làm ăn cũng rất cò con, lý do thì nhiều nhưng có 2 cái lớn nổi lên là vốn và đầu ra. 2 vấn đề này thì đến ngay cả các đại gia người Kinh cũng đang la oai oái. Nhưng tầm thì các đại gia và những nghệ nhân này hoàn toàn khác nhau. Là những phụ nữ Tây Nguyên cả đời chưa ra khỏi làng mà giờ tự sản xuất ra hàng hóa, tự nhảy xe đò mang đi bán, cũng bị thiếu nợ, thậm chí bị quỵt, nhưng rồi vẫn cứ nhẫn nại làm, nó vừa là sinh nhai, lại cũng vừa là lòng yêu nghề, yêu những gì cha ông để lại. Cường điệu một trong hai đều không phải. Sinh nhai thì cũng chỉ là bù đắp thêm để sống, bên cạnh làm rẫy. Tình yêu đối với bản sắc, với vốn cổ truyền thì rất vô hình vô lượng, ai mà đong đếm được. Thậm chí nhiều người gán cho họ họ còn xấu hổ.

Về làng bây giờ thấy khác ngày xưa nhiều lắm. Và đấy chính là quy luật. Nhiều người cứ gào lên: mất hết bản sắc. Cơ khổ,chả lẽ cứ bắt bà con mãi mãi đốt xà nu uống nước bầu đóng khố mặc váy vú vê lõng thõng. Cái sợ nhất chính là sự can thiệp của chính những người có trách nhiệm. Họ được đào tạo lõm bõm, rồi “mang ánh sáng văn hóa mới” về áp dụng. Đã từng có phong trào xóa khố trong lúc cán bộ công nhân viên được một năm chỉ 4m vải. Phong trào xóa nhà sàn làm nhà trệt như người Kinh trong khi phương cách và sinh hoạt sống hoàn toàn khác nhau. Làng Glar này giờ nhà trệt khá nhiều, nền nhà lát gạch hoa, vào nhà phải bỏ dép. Hình dung thời xưa, đường đất bụi mù, chân đất, nước gùi từng quả bầu về dùng mà bắt người ta ở nhà trệt nền đất thì có mà đày đọa nhau. Không phải ngẫu nhiên mà đồng bào nghĩ ra cái nhà sàn và ở chung thủy với nó đời này sang đời khác. Giờ ở Glar nhà nào cũng có nước máy, hoặc bể chứa nước, nhà vệ sinh nhà tắm lát gạch men trắng bóc, thì cái sự nhà trệt, tự nó phải đến, chả cần vận động…



 Trước khi về tôi để ý thấy, cả 2 mẹ con và những phụ nữ đang dệt vải và may váy áo truyền thống cho họ đều mặc áo thun quần tây mua ở chợ, trông rất khỏe mạnh và gọn nhẹ. Và khi tôi hỏi giá một bộ váy áo truyền thống Bahnar bán bao nhiêu, Mlop nói: 850 ngàn. Giờ may theo lối công nghiệp, không phải dệt chỉ từ cây gai rừng mà mua chỉ ngoài chợ về, dùng cả phéc mơ tuya… thì cũng phải vài tháng với rất nhiều công đoạn mới xong một bộ như thế…

                                                       


 

1 nhận xét:

Unknown nói...

" nhiều người cứ kêu gào lên: Mất hết bản sắc. Cơ khổ chả lẽ cứ bắt bà con mãi mãi đốt xà nu uống nước bầu , đóng khố , mặc váy vú vê lòng thòng . Cái sợ nhất chính là sự can thiệp của chính những người có trách nhiệm "
Nhận xét của bác Hùng rất đúng . Đành rằng bản sắc là đáng quý cần gìn giữ , nhưng xã hội muốn phát triển văn minh cũng cần phải hy sinh nhiều thứ , đó là quy luật phát triển của xã hội . Không riêng gì nghề dệt thổ cẩm thoi thóp mà nhiều nghành nghề khác cũng vậy . Đơn cử như nghề chằm nón lá ở Miền Trung hay nghề may nón kết ở Sài Gòn v v v . Đồng bào dân tộc đã thiệt thòi bao lâu nay, những chích sách của chính phủ về an sinh xã hội đối với họ nhiều khi chưa lan toả được sâu rộng . Đọc nhiều bài báo nói về những nơi ăn chặn tiền gạo mà chính phủ hỗ trợ cho những người dân tộc thiểu số mà thấy xót xa , đó là một sự bất công đối với họ
Nhưng vẫn có một niềm hy vọng cho vùng đất Tây Nguyên : Đó là hàng năm có hàng ngàn sinh viên ở vùng đất này theo học ở những trường đại học ở các thành phố lớn . Học xong ra trường một số trụ lại , số còn lại trở về đem kiến thức học được đem áp dụng vào nơi họ đã ra đi . Tôi đã chứng kiến rất nhiều cháu đã rất thành công trong việc xây dựng trang trại và quản lý . Đó cũng là một niềm an ủi , một niềm hy vọng , về một tương lai tốt đẹp cho vùng đất Tây Nguyên nói riêng , và các vùng dân tộc trên đất nước nói chung