Khi về, trên xe thì iPad hết pin. Lấy pin dự phòng ra lắp vào thì... không dẫn nguồn. Chả lẽ xui thế, cả laptop lần iPad đều tiêu?
Buồn thế nhưng một chiều Bắc Ninh bù lại. Là không khí thơ quá hoành tráng khi họ đón các nhà thơ như đón... lãnh đạo. Biết bí thư kiêm chủ tịch tỉnh này là bạn học với Phạm Đức Long, mình để ý xem ông ấy ứng xử thế nào. Nhưng cuối cùng thì, không để ý đến ông ấy nữa, vì mải ngó Quan họ.
Một cái nhà hát quan họ bề thế, dẫu mình không biết liệu quan họ vào nhà hát có tốt hơn là nó ở trong 49 làng quan họ không? Cách đây mấy tết mình đã xếp bằng giữa một làng quan họ với ban văn trẻ, ăn cơm của họ, rồi nghe họ hát ngay trên chiếu, tụi mình ngồi lẫn với họ, không khoảng cách, không âm thanh tăng cường, nhìn thấy từng cái ực nước bọt của nghệ nhân. Còn giờ, một sân khấu tráng lệ, một khán phòng rất khó kiếm chỗ chê. Nhưng hình như hơi lễnh lãng. Là nghĩ thế khi thấy các bác đọc diễn văn, còn khi quan họ ra, trời ạ, quên hết, chỉ thấy quan họ là quan họ.
Ngày xưa, lâu lắm rồi, từ hồi mình chưa đến Bắc Ninh, chỉ nghe kể là những chàng trai cô gái đi hát với nhau thế, quyến luyến thế, thắm thiết tình tứ đầu mày cuối mắt thế... nhưng không bao giờ được lấy nhau. Trời ạ, đấy là nỗi đau kinh khủng. Và có lẽ đau thế nên họ... hát hay và đau đớn khắc khoải đến thế. Và mình làm bài thơ này:
thôi đành
quan họ ra về
áo khăn để lại lời thề chia hai
người ơi vai chẳng kề vai
mà sao thương mãi thương hoài ngàn năm
thương từ thuở nhớ xa xăm
để cho câu hát lặng thầm trên môi
thì cầm lòng vậy người ơi
trái tim thổn thức thành lời buồn đau
ngàn năm sau
vạn năm sau
lửng lơ câu hát quặn đau kiếp người
dầu lòng vậy nhé người ơi
mạn thuyền ngồi tựa cho vơi lòng sầu
mắt lá răm chẳng về đâu
gửi nhau lúng liếng làm cầu nhớ thương...
Có một hồi mình liên tục đi xem bộ phim "Đến hẹn lại lên" ngoài bãi khi còn ở ngoài Bắc chỉ vì thích nghe những bài quan họ, đặc biệt là bài giã bạn. Hôm nay nghe các quan họ dàn hàng ngang trên sân khấu luyến láy Người ơi người ở đừng về... quả là mình đã rưng rưng...
Người ơi người ở đừng về.
Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy lời này rằng,
Sông (ì í a a) sâu là sâu sông nên chớ lội,
Mà này cũng có (a) đò đầy, đò đầy người chớ qua,
Người ơi người ở đừng về.
Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy lời này rằng,
Đâu (ì í a a) hơn là hơn đâu hơn người kết,
Mà này rằng có (a) đâu bằng, đâu bằng người đợi em,
Người ơi người ở đừng về.
Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy cau tái hồi,
Yêu (ì í a a) em thời em mong anh gìn giữ
Mà này cũng có (a) đừng ngồi, đừng ngồi với ai.
Người ơi người ở đừng về.
Người ơi! Người ở em về!
À, không thể không kể đến bữa ăn Bắc Ninh chiêu đãi. Toàn món mình thích, trong đó đặc biệt 3 món đỉnh, nhưng mình cố mời 2 tên nhà thơ Tây ngồi bên thì nó cắn một miệng rồi rất lịch sự... ngồi nhìn. Ấy là các món bánh tẻ, bánh đúc ăn với canh riêu cua và bánh khúc. Ở Pleiku có món xôi người thì gọi xôi cúc người gọi xôi khúc, nhưng nó chỉ là xôi gói nhân đậu xanh. Còn đây là bánh Khúc, xanh màu khúc và thơm mùi khúc, ngập tràn mùi mùa đông miền Bắc, lăn tăn cả mùi sương muối, cả những li ti lông trắng... nữa. Nhưng thôi để dành... tán trong một bài khác về mấy món này...
Thế đã, đi tắm phát đây, mệt quá rồi. À, về đây mới phát hiện, cả laptop cả iPad đều ổn. Laptop là tại sóng wifi yếu, về đây thử phát chạy ro ro, mail 1 lúc 10 cái ảnh vẫn êm ru. iPad thì là do cái đầu zắc cắm của pin dự phòng, chứ cái sạc zin của nó lắp vào, cũng ro ro chạy. Ơn giời, không cái gì hỏng cả...
Duyên quan họ |
Cũng là duyên quan họ... |
2 nhận xét:
Lan man nghĩ về tháng giêng!
Tháng giêng, miền Bắc gắn liền với lễ hội, nơi nơi lễ hội diễn ra. Không biết các lễ hội (phần nhiều là phục dựng) có lưu truyền thống không nhưng sự lộn xộn, chen lấn xô đẩy thì thấy rõ. Mình thiển nghĩ lễ hội ngày xưa nó diễn ra trong một làng, một tổng. Nó mang đặc trưng rất riêng của cư dân làng, của tổng đó. Rồi một thời gian vì nhiều lý do nó mai một đi. Nay người ta tổ chức lại, quảng bá rầm rộ nhưng nó biến tướng đi nhiều quá... Không biết đó có phải là cái mà người Việt (Ở miền Bắc) coi là tốt đẹp, là chiều dày truyền thống không?
Mình là người miền Bắc rất muốn biết về phong tục tết Nam bộ, tết xưa của cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long, các lễ hội của họ. Bác VCH đi nhiều, biết nhiều, viết nhiều không biết bác có thể viết về nó được không.
TNC
Đồi Lim trong ký ức tôi là triền đồi thoai thoải , rộng bao la với những cây đào già đỏ hoa , liền anh liền chị thấp thoáng với những bài ca quan họ lúng liếng dặt dìu , khi gần khi xa ...
Nhưng năm ngoái hội Lim để lại cho tôi ấn tượng kinh hoàng , khi tắc xe 3 tiếng từ Từ sơn về Lim . Các bọn quan họ dựng lều hát ở các nơi được xây sẵn cách nhau chừng 20 m , bọn quan họ làng này " đấu" với làng kia bằng những bộ tăng âm và loa thùng hàng trăm W . Người ta đua nhau hát nhạc đỏ , nhạc tình , đọc thơ cùng quan họ . Quan họ trên thuyền thì diễn ra ở 1 cái ao nước đọng , tạm bợ , gọi là " quan họ ao tù " thì đúng hơn . Các bạn Bắc ninh bảo , hội Lim vốn đông , nhưng từ khi quan họ được vinh danh thành đi sản văn hoá thì càng đông và láo nháo hơn . Cái danh quan họ đang bức tử cái thực của quan họ .
Đăng nhận xét