Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

NHẬT KÝ... THƠ



          Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp các nhà thơ quốc tế sang Việt Nam dự liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ II đã nói: văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, nhiều nhà khoa học, kỹ thuật, văn hóa trên thế giới đã và đang hợp tác cùng Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước. Đây là sự tiếp nối truyền thống, tình cảm mà bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam trước đây cũng như phát triển đất nước ngày nay. Các nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế có mặt tại Hà Nội nhân dịp này sẽ là những sứ giả về văn hóa, khoa học, góp phần làm đầy đặn hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân các khu vực trên thế giới với nhân dân Việt Nam trong quá trình hợp tác phát triển và hội nhập. Ðây là sự tiếp nối truyền thống, tình cảm mà bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam trước đây cũng như phát triển đất nước ngày nay. Sự có mặt của các nhà thơ, nhà văn quốc tế tại Việt Nam còn là dịp cùng Việt Nam chia sẻ những giá trị văn hóa hết sức to lớn…


          Những đánh giá ấy là có cơ sở, khi mà, hơn 150 nhà thơ đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ những nước thân cận ta như Lào, campuchia, Thái Lan, Indonexia, Trung Quốc… đến những nước từ bên kia bán cầu như Mỹ, Cu Ba, Colombia… đều đồng loạt bày tỏ sự ngạc nhiên đến kính trọng sự yêu thơ của người dân Việt Nam. Hôm rằm tháng giêng, ngoài sân thơ Văn Miếu, hàng trăm sân thơ lớn nhỏ trên khắp cả nước đồng loạt được mở ra với hàng chục ngàn người dự khán, nâng tầm sinh hoạt thơ lên như mọt lễ hội, lễ hội văn hóa.

          Riêng đối với các nhà thơ tham dự liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần này, thơ trải dọc ở các địa phương từ Hạ Long đến Bắc Ninh, từ Nhà hát lớn Hà Nội đến Văn Miếu, và cho đến tận làng Phú Thụy, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Có những buổi đọc thơ đến gần 12 giờ đêm như ở Hạ Long và 12 giờ trưa như ở Văn Miếu.

          Riêng ở Văn Miếu hôm rằm tháng giêng, có đến 2 sân thơ được mở. Năm nay không tổ chức sân thơ trẻ như mọi năm, mà cả 2 sân thơ đều dành chung cho thơ, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam thay nhau đọc thơ, diễn thơ. Hàng chục nghìn người đã dự ngày thơ này, rất nhiều người ở các tỉnh xa về. Người đi xe đò, nhóm chung nhau thuê xe. Nhiều tỉnh lên tổ chức các gian hàng thơ địa phương mình ở Văn Miếu. Có cả các trường đại học, các đơn vị quân đội cũng tham gia…

Được mời lên đọc thơ ở Văn Miếu, nhà thơ M. Salmawy, Quốc vụ khanh văn hóa chính phủ Ai Cập, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập đã chia sẻ một câu chuyện thú vị về giấc mơ gặp vị thần thi ca của Ai Cập của mình. Vị thần ấy là đại diện của cái đẹp, tình yêu, nghệ thuật, và tại đất nước của thi ca, hòa bình và tình yêu bao la như đất nước Việt Nam, vị thần ấy đã không muốn quay trở về Ai Cập, ông sợ toát mồ hôi bật tỉnh và… gặp ngay mình đang đứng ở sân khấu thơ Văn Miếu.

          Và té ra, không chỉ các nhà thơ Việt Nam “nghiện” đọc thơ như lời đồn, mà các nhà thơ thế giới cũng… không kém. Có nhiều nhà thơ khi được mời lên đã… tranh thủ đọc không chỉ một bài mà đến và ba bài, có bài dài như trường ca khiến ban tổ chức… toát mồ hôi hột vì cháy kịch bản. Việc tổ chức sinh hoạt ăn ở hoạt động cho hơn trăm nhà thơ quốc tế là một việc không hề đơn giản. Và, thực ra, không chỉ có người Việt, nhà thơ Việt mới… giờ cao su. Các đối tượng nghe thơ cũng rất phong phú đa dạng. Từ công chúng bình thường (rất đông, đặc biệt là hôm nguyên tiêu ở Văn Miếu) đến bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, các phó bí thư, các phó chủ tịch, lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh… đều vừa hăm hở, vừa… kiên nhẫn nghe thơ.

          Ngày 6/3 ban tổ chức đưa các nhà thơ quốc tế đi viếng và thắp hương danh nhân Cao Bá Quát là một hành vi đẹp và ý nghĩa. Một mặt các nhà thơ nước ngoài biết được ứng xử với thơ và tiền nhân cả người Việt Nam, mặt khác họ biết thêm thân thế và sự nghiệp của một nhà thơ độc đáo, lỗi lạc, mà như đánh giá của giáo sư Mai Quốc Liên, chuyên gia sâu về Cao Bá Quát thì ông có thể sánh ngang với các nhà thơ lỗi lạc thế giới. Bởi thơ ông không chỉ nói về thân phận cá nhân, mà nói về cả số phận dân tộc, nói về tình yêu thương con người, và ông cũng chống cường quyền bạo tàn, đề cao tính nhân văn, hướng tới những giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng. Trong nền văn học cổ điển Việt Nam, Cao Bá Quát là thi sĩ có tài xưa nay hiếm, được nhân dân tôn vinh là Thánh Quát (Thần Siêu Thánh Quát). Là nhà thơ đích thực mang tinh thần thời đại mình, một nhà thơ của nhân dân, nhà thơ không bao giờ hạ mình trước bạo lực và bất công. Cao Bá Quát là một nhà thơ mà trong bạo tàn đã ca ngợi tự do. Khi mời các bạn thơ quốc tế đến Phú Thị viếng Cao Bá Quát, ban tổ chức muốn các bạn được thấy đây là một trong những làng quê đặc biệt của Việt Nam, chứng kiến và trải nghiệm sự tôn vinh của nhân dân đối với những danh nhân đã cống hiến cuộc đời cho quê hương của họ. Đặc biệt, muốn  bạn thơ quốc tế chứng kiến lòng mến khách của những người dân lao động bình thường nhất của Việt Nam, và những lễ thức dâng hương hoàn toàn thuần Việt của người dân đối với danh nhân của họ, chứng tỏ một điều rất quan trọng là thơ ca đã trở thành một tôn giáo. Cao Bá Quát có thể được xem như một vị thần của thơ ca, ông là một trong ba thiên tài cổ điển của thơ ca Việt Nam.

          Đây cũng là lần thứ 2 chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các nhà thơ quốc tế. Và chính sự thân thiện, cởi mở của chủ tịch nước mà các nhà thơ đại diện các quốc gia, lãnh thổ, các tổ chức như Hội nhà văn Á Phi… phát biểu đề đạt được nhiều ý kiến, trong đó, một mặt cho rằng Việt Nam là lá cờ đầu của thơ ca thế giới (Chủ tịch Hội nhà Văn Colombia), mặt khác, đề nghị Việt Nam nên nâng cấp liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương thành liên hoan thơ thế giới (Tổng thư ký hội nhà văn Á Phi)…

          Như thế là cả chuỗi 3 sự kiện văn học quốc tế là hội nghị quảng bá văn học lần thứ III, liên hoan thơ châu Á Thái Bình dương lần thứ II và ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII đã... xong. Các sự kiện diễn ra trong gần 1 tuần trở thành một điểm nhấn đầu xuân đầy tính văn hóa ở một thủ đô văn hóa đã khiến Hà Nội và các tỉnh lân cận tưng bừng trong không khí văn học, nó khiến cho chúng ta có quyền lạc quan nghĩ đến những vụ mùa văn học đang thấp thoáng những dự báo bội thu…

KHách đi dự ngày thơ ở Văn Miếu

Thơ ta thơ Tây

Cũng thích chụp ảnh...

Chỉ duy nhất 1 nhà thơ Việt đọc thơ không cầm giấy,còn lại toàn bộ là... cầm giấy. Ông nhà thơ Pakistan này còn cầm... điện thoại để đọc thơ.

Cameraman nghiệp dư

Liên hoan mừng thơ ở nhà Phan Đình Minh


                                                                 

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường