Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

LẠI GHI VỤN

1.Có thể gọi là lừa đảo trong việc ông Lê Minh Toán ở Hà Nội gửi tiết kiệm tương đương 1 căn nhà, sau 20 năm thì toàn bộ số tiền ấy ăn được 3 tô phở không nhỉ? Và ai phải chịu trách nhiệm trong việc này? Không muốn để ý nhưng thấy nó cứ nằm ở đầu trang của tuoitre online nên xót mà đành phải thốt lên. Và không chỉ mình ông Toán nhé. Ngay nhà cháu đây cũng bị, nhưng ít hơn. Dẫu ít nhưng vẫn là tiền của mình, mồ hôi nước mắt của mình. Ngay hồi ấy (phải) mua bao nhiêu công trái, mua xong bỏ đâu đấy, thế là cũng bằng nhau. Dẫu gửi tiết kiệm là quan hệ kinh tế, nhưng nhà nước nên có sự bảo hộ để những người dân như ông Toán không phải đau hơn hoạn thế? Phỏng ạ?



2.Nếu cấm hoặc không có ai quay clip các vụ nữ sinh đánh nhau rồi tung lên mạng thì ai sẽ biết các vụ ấy. Tất cả các vụ kinh hoàng ấy đều nhờ là có một ai đó quay rồi đưa lên rồi thì nhà trường và các cơ quan chức năng mới biết?
Điều đau lòng là, các cháu học sinh đánh bạn ở lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đều có học lực khá hoặc giỏi và đạo đức tốt ở trường theo đánh giá của nhà trường. Cầm đầu vụ đánh dã man này chính là lớp trưởng. Thế thì các cháu học yếu và hạnh kiểm yếu còn hành xử với bạn như thế nào nữa?
Tất cả các vụ đánh người (không phải đánh nhau đâu, vì chỉ có một cháu bị đám đông đánh) rồi đều chỉ xử nhẹ hều, và đấy là một trong những lý do các cháu oánh tiếp. Sâu xa hơn, chúng ta dạy lệch, hay nói chính xác, có vấn đề trong việc dạy nhân cách cho các cháu. Hình ảnh chàng trai cầm cả chồng ghế phang vào đầu bạn học là nữ đã bị no đòn co ro góc tường nói lên điều gì? Nếu một người có nhân cách bình thường không bao giờ hành xử như thế. Rồi còn bao nhiêu đứa đánh hôi, bao nhiêu đứa đứng nhìn? Có đáng báo động không thưa các bác?

3.Đây là bài thơ của một bạn Campuchia biết tiếng Việt, viết xong tự dịch ra tiếng Việt. Lại nhớ có một bạn nào mới nghiên cứu về từ "cứt". Sao lâu nay ta cứ phải nói trại đi nhể? Gọi đúng tên sự vật có nhã hoặc trong sáng hơn không nhỉ? Lại nhớ chuyện 1 anh rất đẹp trai, mọi nhẽ, yêu một cô cũng xinh cũng mọi nhẽ, nhưng được một thời gian anh chàng này bị cô này đá thẳng cẳng, lý do anh này ngọng, toàn nói L thành N, cô gái bảo: cái ấy của em gọi đúng vần L nó vang lên kiêu hãnh, nồng nã, gợi cảm, hun hút, thẳm sâu, rạo rực, ấm áp, đam mê, cuồng dại... các loại thế, khi lắp chữ n ngọng của anh vào, thấy nó lùn tịt, bẹt dí, nông choèn, chán nản, uể oải... chả ra thể thống gì nữa, phí cả... L, thôi để em dành cho người khác, hehe...

 4.Vụn cuối cùng: Hôm qua họp trực tuyến "đánh giá kết quả thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá năm 2014, triển khai kế hoạch 2015"... Mình có hỏi một số thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh là: Cái giấy chứng nhận gia đình văn hóa ấy, ông, bà treo nó ở đâu trong nhà. Đa số cười trừ, vài người lắc đầu...

Có nhà ai treo cái bằng ấy trong nhà, chụp ảnh đưa lên cho bà con xem với nhé. Hàng năm nhà nước bỏ khá nhiều tiền để in cái giấy ấy đấy ạ.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái giấy(không phải là bằng đâu vì cấp phường thì làm gì có quyền cấp bằng)gia đình văn hóa ấy là để cho quan các cấp lấy thành tích để thăng tiến chứ dân thì chẳng ai cần vì ai sống như thế nào thì họ vẫn sống như thế ấy thôi.

Quý nói...

- Năm 1982, 5000 đồng một chỉ vàng.
Năm đó, căn phòng 12 m2 ở khu Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) giá 1 cây vàng ( tức là 50000 đồng).
- Năm 1983, 1 cân thịt lợn nạc giá 140 đồng.
- Năm 1984, 1 miếng vải tầm thường ( tại Đông Hà) để may 1 quần nam giá 400 đồng.
- Năm 1985 10000 đồng một chỉ vàng.
Có thể bạn không tin các con số trên. Hãy cố nhớ lại những năm ấy đi. Có thể bạn không nhớ, nhưng vẫn còn có những người xung quanh bạn nhớ.
Không có chuyện 4100 đồng những năm 1982-1985 mua được căn nhà bé ở trung tâm Hà Nội.
Việc ông Lê Minh Toán mua căn hộ 15 m2 năm 1980 với 3100đ là sự thật. Nhưng không thể suy đoán với 4100 đồng cũng có thể mua 1 căn hộ vào năm 1982-1985.
Vậy nếu không có trí nhớ tốt xin đừng...khuấy đảo dư luận.
Xin lỗi vì đã nói thẳng.

Văn Công Hùng nói...

@Quý:
Nguồn ở đây bạn ạ:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/gui-tiet-kiem-20-nam-mot-can-ho-con-ba-to-pho/718520.html

Và quan trọng hơn, đây là ý kiến của nguyên thống đốc ngân hàng, chắc ông ấy không amateu:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/nguyen-thong-doc-ngan-hang-noi-gi-vu-gui-tiet-kiem-20-nam/20150312/nguyen-thong-doc-ngan-hang-noi-gi-vu-gui-tiet-kiem-20-nam/719492.html

Vũ Xuân Tửu nói...

Đọc đoạn 3, khi cô nàng chê anh chàng nói ngọng vần L thành N, tôi lấy làm ngạc nhiên, gợi nhớ bức tranh "Nguồn cội trần thế" của Gustave coubet.
Vũ Xuân Tửu

quý nói...

Tôi đã đọc lại kỹ cả hai bài báo của TUỔI TRẺ. Không có thông tin nào khẳng định 4100 đồng những năm 1982-1985 mua được căn nhà nhỏ ở trung tâm Hà nội cả, ngoại trừ đó là đo ông Lê Minh Toán nói ra.
Nếu được gặp ông Toán tôi xin nói thật rằng số tiền ông gửi nếu đem mua vàng vào thời điểm mang đi gửi cũng chỉ mua được tổng cộng hơn nửa chỉ vàng. CÓ THẾ THÔI,KHÔNG HƠN ĐÂU.
Cũng cần nói thêm rằng, những người có tiền gửi tiết kiệm trước 1985 thì sau 2 năm, sang đến cuối năm 1987 đã coi như mất trắng. Ví dụ cuối năm 1985 trong số tiết kiệm có cả gốc lẫn lãi là 1000đồng ( tiền mới, tương đương 1/2 chỉ vàng) thì sau 2 năm ( cho dù lãi suất 3%/tháng)cũng chỉ thu về khoảng 2000đ, đủ mua được 1 kg thịt lợn.
Hầu như tất cả mọi người đến năm 1988-1989 đã biết rõ cái rủi ro này, họ đành chấp nhận và quên nó từ lâu.
Bây giờ sau gần 30 năm, tình cờ một vài người nhìn thấy cuốn sổ cũ trong góc tủ, tự nhiên tâm lý tiếc của lại trỗi dậy, cộng với trí nhớ đứt quãng, chắp vá, lại thêm được mấy ông nhà báo tung hứng nên mới ồn ào như thế.
Một lần nữa xin ngắn gọn thế này:
Đúng là các vị đã mất oan tiền, nhưng mà mất 30 năm trước rồi, khi đó các vị đã biết là mất, chứ không phải bây giờ mới biết mất. Mà số của mất chỉ cỡ cái xe đạp xoàng thôi, không có nhà nào, không có cây vàng nào ở đây cả.

Vũ Xuân Tửu nói...

Trao đổi với bạn Quý (23:40, 12/3/15). Tôi biết, vào thời điểm đó, có nhà bán cả đàn bò, gửi tiền tiết kiệm, đến khi rút về, chỉ mua được 1 con bò. Thế là mất cả gia sản, chứ không phải nhỏ (cỡ cái xe đạp xoàng như bạn nói). Nếu tôi không lầm, thì đó là cách chuyên gia nước ngoài bày cho ta, chống lạm phát 800%. Thời điểm đó, Ba Lan cũng lạm phát hàng nghìn phần trăm. Đó là sự mất mát đau đớn, phải ghi nhận để tránh lặp lại rằng, không thể móc túi dân để mưu lợi cho nhà nước, mà ngược lại, nhà nước phải phụng sự nhân dân.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Lạm phát là một thứ "siêu thuế" đánh vào mọi người (Thiệt hại nhất là dân lao động) mà ít ai biết! Cũng như ít ai chỉ ra được thủ phạm của nó!

Nặc danh nói...

Ở ghi vun 3 thấy bác VCH cảm nhận về L quá hay. Cứ trả về bản ngã của sự vật xem ra ổn hơn nhiều bác nhể.
TNC