Chưa hết, còn thăm thẳm nỗi nhớ con, đứa con gái bé bỏng phải cai sữa mẹ giờ ở một phương trời khác, một thế giới khác, bởi danh chính ngôn thuận, đất nước mình bị chia hai, miền Bắc mịt mù, miền Bắc mênh mông, miền Bắc hậu phương nhưng để về được đến hậu phương ấy là cả diệu vợi xa xôi, là hiểm nguy rình rập từng phút từng giây… từng ấy mối lo, từng ấy mối bận tâm, từng ấy quan hệ trong người con gái Hà Nội bé nhỏ giữa ngổn ngang xung quanh là chiến trận, đạn bom, là cái chết cận kề...
------------
Cuối
cùng thì một ngày giáp tết Mùi 2015, cùng nhà văn Thái Bá Lợi, nhà lý luận phê
bình Hồ Thế Hà, tôi cũng đã đến thăm được mộ chị Dương Thị Xuân Quý, nhà văn nữ
mà tôi rất kính trọng, khâm phục cả văn tài và nhân cách sống.
Nhưng
phải ngược một thời gian về với thời sinh viên của tôi. Chừng bốn chục năm trước.
Hôm
ấy lũ sinh viên năm 2 chúng tôi tổ chức ngày 8/3 cho chị em nữ trong lớp. Không
lòe loẹt như bây giờ đâu, hoa hoét cũng chả có. Đói dài ra ai nghĩ đến hoa. Có
chăng ai quý ai hơn người khác tí ti thì tối nháy nhau đi đãi ly chè, còn thì
chúng tôi phím với thầy giáo dạy hôm ấy, cho chúng tôi một tiết để… tán về phụ
nữ. Và một gã lôi thôi xộc xệch nhất lớp đứng lên đọc bài thơ “Bài thơ về hạnh
phúc” của Bùi Minh Quốc. “Thôi em nằm lại
với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một
sắc xanh nguyên/ Trời chiến trưòng không một phút bình yên…/ Anh sẽ sống đẹp những
ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu”… Cả lớp lặng đi. Nhiều bạn nữ lén lau
nước mắt. Một bạn đứng lên kể rành rọt: Đây là bài thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc
viết trong nỗi đau tận cùng trước cái chết của vợ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý.
Chị Quý khi ấy là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, mới sinh con được mười mấy
tháng nhưng đã gửi con cho bà ngoại để vào Nam, vào đúng chiến trường khốc liệt
nhất Miền Nam hồi ấy là Quảng Đà để vừa làm báo viết văn, vừa trực tiếp chiến đấu,
và cũng để chia lửa với chồng là nhà thơ Bùi Minh Quốc đang chiến đấu ở vùng ấy.
Chị đã trải qua tất cả những gì là dữ dội nhất của cuộc chiến tranh với tư cách
người lính. Thế mà chị lại còn là phụ nữ, phụ nữ ở nơi rất ít phụ nữ, là nhà
báo, nhà văn, và là người vợ chứng kiến chồng mình hàng ngày chịu đựng và chiến
đấu như một người lính. Chưa hết, còn thăm thẳm nỗi nhớ con, đứa con gái bé bỏng
phải cai sữa mẹ giờ ở một phương trời khác, một thế giới khác, bởi danh chính
ngôn thuận, đất nước mình bị chia hai, miền Bắc mịt mù, miền Bắc mênh mông, miền
Bắc hậu phương nhưng để về được đến hậu phương ấy là cả diệu vợi xa xôi, là hiểm
nguy rình rập từng phút từng giây… từng ấy mối lo, từng ấy mối bận tâm, từng ấy
quan hệ trong người con gái Hà Nội bé nhỏ giữa ngổn ngang xung quanh là chiến
trận, đạn bom, là cái chết cận kề. Thế mà chị còn viết. Tôi nhớ từ hồi ấy đã đọc
một cái chuyện của chị, viết về cô thanh niên xung phong. Trong trẻo và dũng cảm,
xúc động và xốn xang…
Và
rồi, chị hy sinh, đúng đêm mùng 8 tháng 3 năm 1969 tại xã Duy Thành, huyện Duy
Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lính khui được hầm của chị là lính Nam Triều Tiên, ác nổi
tiếng thời bấy giờ. Ngày chị gửi đứa con gái để vào Nam là tháng 4/1968.
Chưa
đầy một năm vào chiến trường thì chị hy sinh. Chị đã chiến đấu như một người
lính.
Anh
Võ Bắc, chủ nhà bây giờ nơi anh Quốc đặt bia và xây mộ chị kể hồi ấy đã biết chị
bị khui hầm. Nhưng rồi thi thể chị ở đâu thì không biết. Có thể những người
lính bắt được chị đã mang chị đến một chỗ khác rồi chôn. Cũng có thể họ mang chị ra bệnh viện Đà Nẵng chữa trị rồi
chị mất và bị liệt vào danh sách vô danh, có thể thế này, có thể thế kia… nhưng
chỉ biết, chồng chị và đồng đội của chị, những nhà văn cũng thời như Nguyễn Bá
Thâm, Thái Bá Lợi, Thanh Quế… đã đi tìm chị rất nhiều, và ngay trong cái vườn
có cái hầm mà chị bị phát hiện cũng đã được đào bới rất nhiều lần để tìm di hài
chị…
Cho
đến một ngày, có một người mà anh Quốc rất quý, tên là Đặng Xuân Ba, cũng là một
cựu chiến binh, nói rằng sẽ tìm được chị, ở trong chính khu vườn ấy.
Thế
là hân hoan, tất cả kéo đến khu vườn. Và kỳ lạ, chị hiện lên thật. Đúng hơn là
những di vật, đặc biệt trong ấy có cái kẹp tóc, có khắc chữ hẳn hoi: Tặng chị X.Quý. EI…
Thế
là anh chị chủ vườn, vô cùng hào sảng và yêu quý cả chị Quý và anh Quốc, đã cho
hẳn miếng đất để anh Quốc dựng một hòn đá nguyên khối được họa sĩ Trần Hồng chế
tác thành tấm bia, và phía sau tấm bia là ngôi mộ chị Quý. Ngôi mộ không hài cốt,
tất nhiên.
Khỏi
phải nói anh Quốc và bạn bè đã vui mừng đến thế nào. Họ đã bỏ ra nhiều năm trời,
đào tung hết vùng ấy để tìm chị, nhưng chỉ thấy một mẩu khăn dù chị hay dùng
ngày ấy, giờ rành rành là chị, dẫu không xương thịt nhưng cái kẹp tóc kia là bằng
chứng không thể chối cãi là chị đã nằm đây…
Mấy
tháng sau, báo chí đưa tin, ông Đặng
Xuân Ba bị bắt tại Quảng Trị, lừa đảo tìm mộ liệt sĩ.
Số
là sau khi “tìm” được chị Quý với di vật không thể chối cãi thì danh tiếng ông
này nổi như cồn. Và ông ra Quảng Trị “hành nghề”. Khi bị bắt trong hành lý của
ông có rất nhiều “di vật” liệt sĩ, có cả những lọ Penicilin ghi sẵn tên những
liệt sĩ mà ông đang tìm. Khi những người đào hài cốt và gia đình đang chăm chú
đào thì việc lén thả những lọ Penicilin và “di vật” chuẩn bị sẵn chắc cũng chả
khó khăn gì. Mới đây Cậu Thủy cũng lặp lại chiêu ấy sau khi đã lừa hàng nghìn
người thì bị bắt…
Thế
là bây giờ, nơi chị hy sinh thành nơi chị an nghỉ.
Chúng
tôi để xe ở đầu làng, đi bộ vào. Bà con trong làng rất thân thiện, nhiều người
hỏi trước: về thăm chị Quý hả? Chị Quý, cái tên ấy từ lâu đã trở nên thân thiết,
trở thành một phần đời sống của bà con nơi đây.
Đang
làm đồng từ rất xa, vợ chồng anh Võ Bắc cũng vội vã chạy về. Trên mộ chị, một lọ
hoa vạn thọ còn tươi. Nhà văn Thái Bá Lợi kể khi khuân hòn đá bề để làm bia thì
chưa có con đường xi măng như bây giờ, mà toàn ruộng. Ông Nguyễn Bá Thâm phải
quan hệ với điện lực Quảng Nam mượn cái xe cẩu, và huy động cả làng ra đẩy hòn
đá vào.
Giờ
làng thanh bình quá thể, rất đẹp và trữ tình với quanh co đường có những hàng
cau soi bóng, những ruộng rau, luống khoai xanh mướt, như chưa từng có những
ngày chiến tranh bom đạn ở đây, chưa từng có chuyện một nữ nhà văn nhỏ bé yếu
đuối cô đơn giữa vòng vây trùng điệp những người lính Đại Hàn và bị bắn chết ở
đây. Anh Võ Bắc kể, hồi ấy dẫu còn nhỏ nhưng cũng nhớ, lính đông lắm, đóng rất
lâu trong làng, dùng máy ủi, máy xúc chà đi xát lại, lật từng mét đất tìm hầm,
vậy nên dẫu cùng hầm với 4 nam du kích, tận tay anh du kích tên Mười bế chị lúc
trúng đạn thấy chị tắt thở rồi, mà vẫn không thể nào tìm ra chị, dẫu đã dùng tất
cả mọi phương pháp từ thô sơ đến hiện đại, dù những lời linh thiêng nhất, những
nghĩa cử xúc động nhất đã dành cho chị, hôm nay, chị vẫn chưa về, xương thịt chị
vẫn lạc đâu đó ở mảnh đất Duy Xuyên này…
Vẫn
có điều buồn, nhà văn Thái Bá Lợi ưu tư: Chị Quý vẫn chưa được phong anh hùng,
dù tất cả những việc làm của chị, sự hy sinh của chị, xứng đáng là anh hùng,
hơn hẳn nhiều bác đã được phong anh hùng, không kể cái ông mới bị tước danh hiệu
anh hùng. Nhưng cơ quan cũ của chị là khu ủy khu V thì đã giải tán, bây giờ nơi
có tư cách làm hồ sơ cho chị theo quy định là báo Phụ nữ Việt Nam, mà làm thì vô cùng nhiêu khê, nên… anh Lợi bỏ dở câu
nói và tôi hình dung cái đoạn trường của câu bỏ dở ấy…
Thôi
thì chị nằm lại đấy, như câu thơ của chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc viết và được
khắc vào tấm bia khổng lồ kia: Thôi em nằm
lại với đất lành Duy Xuyên…
Chao
ơi đất lành thế, mà đã từng có những ngày khủng khiếp đến thế…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét