Mấy hôm trước dân tình dậy sóng với những
hình ảnh trên các báo việc Tổng cục thuế tổ chức thi tuyển công chức, và các
thí sinh này xếp hàng mua… phao ở ngay gần trường thi. Không biết tự bao giờ,
phao trở thành một cái nạn rất xấu hổ phát triển rất rầm rộ trong học sinh,
sinh viên và cả cán bộ.
Chưa bao giờ mà vấn đề giáo dục trở thành mối quan tâm lớn
cho xã hội như hiện nay. Điều ấy trước hết là tín hiệu tốt lành cho xã hội. Nó
chứng tỏ nhân dân ta rất ham học, ham thật sự, và mặt bằng tri thức trong xã hội
khá cao. Nhưng đồng thời sự quan tâm ấy cũng đặt lên vai ngành giáo dục đào tạo
những trọng trách rất nặng nề, kéo theo những hệ luỵ không tránh khỏi. Nếu có một
thống kê thì sẽ thấy, vấn đề được bàn thảo nhiều nhất, được nhiều người quan tâm
nhất, không gì khác, chính là giáo dục, là chuyện học hành của con cái, mà chả
cứ con cái, của cả chúng ta. Tôi có cái may mắn là cũng có nhiều cơ duyên với
nghề dạy học. Và từ đó nhận ra một điều rằng, chúng ta đang tạo ra một xã hội học
tập, nhưng không phải học vì kiến thức, mà học vì bằng cấp. Chính điều này hiện
nay đang làm rối xã hội, làm các chuẩn mực tri thức, năng lực, khả năng hành xử…
bị lệch.
Học trò ngày nay càng ngày càng thông
minh. Chúng biết nhiều thứ cao siêu mà bằng tuổi chúng cha anh chúng không biết.
Nhưng ngược lại, có nhiều điều vô cùng sơ đẳng thì chúng lại không biết. Chúng
ta đang làm cho học sinh ngày càng xa lạ với cuộc sống. Mà chả cứ học sinh,
ngay các thầy cũng thế. Ngày xưa dưới thời phong kiến ngu dân, thối nát phản động,
nhưng họ đào tạo ra các tiến sĩ "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý",
còn tiến sĩ của ta bây giờ, nhiều vị chả biết gì ngoài chuyên môn sâu của họ. Mà
đấy là các tiến sĩ thứ thiệt, còn tiến sĩ "ảo", tiến sĩ "Một vài
vấn đề về...", "thử nêu..." thì không dám nói đến ở đây. Nhân đây
nói luôn rằng là có lẽ chỉ ở Việt Nam chúng ta mới có một thứ thạc sĩ rất lạ, ấy
là thạc sĩ quản lý giáo dục. Nguyên tắc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là anh phải tốt
nghiệp đại học loại giỏi rồi học và thi tiếp lên đúng chuyên ngành ấy. Đằng này
học bất cứ ngành nào, bất cứ hệ nào cũng đều có thể thi và đỗ vào thạc sĩ quản
lý giáo dục. Ở đây, lỗi không phải ở những thạc sĩ này, mà lỗi ở chính cái chủ
trương đào tạo thạc sĩ kia.
Học trò bây giờ được trang bị phương
tiện học tập tận răng, nên chúng... lười đi, nhất là đọc sách. Đã từng có một học
sinh giỏi văn cấp tỉnh nhưng chưa từng đọc hết một cuốn sách. Nhưng thầy thì cũng
chẳng hơn gì. Đã có mấy thầy cô dạy văn đặt báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Tạp
chí Văn học..., mấy người cập nhật tình hình thời sự văn chương trong nước và
thế giới. Phần lớn kiến thức họ dạy hôm nay là có được từ hồi học trong trường,
rơi vãi đã gần hết. Có một điều tra xã hội học công bố năm nào đó khiến ta phải
buồn mà cười. Ấy là khoảng một nửa giáo sư không sử dụng Internet, phần đông không
biết ngoại ngữ. Giáo sư mà còn thế thì nói gì tới giáo viên phổ thông. Nhưng họ
lại rất tự cao (hay tự ti)...
Các bộ môn khác cũng chẳng hơn gì. Người
có tiếng rồi thì túi bụi dạy thêm, dạy đến nhược người, người yếu hơn thì làm các
việc khác, rất ít người có điều kiện và dành điều kiện để bồi bổ tự nạp thêm kiến
thức.
Rất nhiều các môn học đang được dạy một
cách không thực tế dẫn đến việc đánh giá chất lượng không chuẩn như các môn thủ
công, hát nhạc... ở lớp dưới, và cả môn thể dục ở lớp trên. Xin kể một ví dụ. Một
cháu học sinh nữ ba năm học cấp ba đều là học sinh giỏi, thi tốt nghiệp đạt loại
giỏi nhưng chỉ được nhận bằng khá vì cháu bị liệt môn thể dục. Nếu bằng giỏi thì
cháu được cộng thêm 1,5 điểm và thừa điểm để vào nguyện vọng 1, nhưng ở đây cháu
đã thiếu 0,5 điểm và phải học nguyện vọng 2. Vấn đề là sức khoẻ cháu cực tốt, nặng
gần sáu chục kí lô, vào đại học cháu ở trong đội bóng đá nữ của khoa. Tất nhiên
khoẻ là một chuyện, học thể dục là chuyện khác, nhưng rõ ràng với cách tính điểm
các môn như hiện nay thì nhiều cháu bị oan vì những môn phụ, bởi ai cũng biết,
gần như toàn bộ các mẫu thêu thùa đan lát... cô giao về nhà đều là... phụ huynh
làm.
Công cuộc cải cách giáo dục đã gây ra
không ít phiền toái cho xã hội cả về công sức và tiền bạc. Có nhiều chuyện cải
cách gây buồn cười cho xã hội như lộn chữ E ra trước chữ A. Không nói đến việc đúng
sai, chỉ cần đặt một câu hỏi là có cần bỏ ra rất nhiều đô la đi vay để làm việc
ấy không? Rồi liên thông đại học, đã từng năm nào đó thi đậu đại học sư phạm
Quy Nhơn được cử ra Huế học đại học Y vì quan niệm như thế là... liên thông-
hình như việc này rồi bị đình lại. Rồi nhập cấp tách cấp, rồi bộ đề, văn mẫu, sách
tham khảo nhiều gấp hàng chục lần sách giáo khoa... khiến các lò luyện thi mọc
lên như nấm sau mưa và học trò thì biến thành... vẹt. Kỳ quái nhất là cái cách
học thuộc lòng từng đoạn văn, bài văn rồi chép vào bài thi, thế mà vẫn có điểm.
Rồi dạy thêm học thêm trở thành chuyện... đương nhiên, như một phần tất yếu của...
giáo dục, là một nghĩa vụ không thể thoái thác của học trò, dẫu học giỏi hay dốt.
Có một thực tế nữa là lòng yêu nghề bị
giảm sút nghiêm trọng. Cứ nhìn đầu vào là các trường đại học sư phạm thì thấy
ngay. Lẽ ra những học sinh giỏi nhất phải được tuyển vào đại học sư phạm, ở đây
là ngược lại, chưa kể học sinh cử tuyển, mỗi môn ba, bốn điểm cũng có thể được
gọi đi học và sau bốn năm thì trở thành... giáo viên cấp ba.
Nhưng nhìn lại, cũng phải thấy những cố
gắng vượt bậc của ngành giáo dục. Hàng ngàn giáo viên cắm ở vùng sâu vùng xa, đa
phần là nữ, đã hy sinh tuổi xuân của mình, theo nghĩa đen của từ này, cho sự
nghiệp giáo dục, cho học sinh thân yêu. Nhà công vụ cho giáo viên chưa có, phương
tiện tối thiểu chưa có..., có nhiều trường hợp khiến khi nghe và thấy ta phải rơi
nước mắt, thậm chí có cảm giác không thể tin được. Thế nhưng họ vẫn bám trụ vì
vừa là tấm lòng với trẻ, với nghề, vừa coi đấy như một nghề kiếm sống, dù cái
nghề ấy mang lại cho họ nhiều khi chỉ năm sáu trăm ngàn một tháng. Về tận các
buôn làng vùng sâu vùng xa, cái mà chúng ta gặp đầu tiên ấy là ngôi trường với
những giáo viên. Họ chính là hiện thân của văn hoá mới, là điểm tựa của dân làng,
là cầu nối của dân làng với thế giới văn minh bên ngoài. Họ lặng lẽ đánh vật với
học trò để đưa con chữ trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống". Chưa
bao giờ việc học lại trở thành “quốc sách” như bây giờ. Từ quan niệm “không học
cũng biết làm ruộng, cũng biết lấy chồng lấy vợ nuôi con...” đến bây giờ là
phong trào “toàn dân đi học, toàn dân đi thi” là một sự thay đổi quan niệm từ bản
chất, đồng thời nó cũng đặt lên vai ngành giáo dục một gánh nặng, nhiều lúc tưởng
như quá sức đối với những người đang phải gánh vác xứ mạng cao cả này.
Cứ thế, các mảng màu đối lập vẫn xen kẽ.
Dạy và học cứ song hành trong đời sống xã hội vừa thúc bách, vừa đương nhiên của
chúng ta hôm nay…
3 nhận xét:
Thời nào cũng có GS,TS thật và GS,TS dỏm.
So sánh trình độ và đóng góp khoa học của các GS,TS qua các thời kỳ thì thấy rằng trình độ và đóng góp khoa học của các GS,TS trẻ ngày nay hơn hẳn các GS,TS các thời trước.
Rất nhiều GS thời trước từng được xem là cây đa cây đề nhưng thực chất rất hữu danh vô thực.
Bô GD đang tìm người soạn sách GK,tui lo rằng sẽ lại có những cuốn soạn theo kiểu chữ e đứng đầu bảng chữ cái...
Nam Tào hỏi Bắc Đẩu : nghe nói ở trần gian có các giáo sư tiến sĩ , họ là ai vậy ?
Bắc Đẩu trả lời : họ là những người biết bơi , nhưng không giỏi như cá , biết bay - nhưng không giỏi như chim , biết chạy - nhưng không nhanh như thỏ . Cái gì họ cũng biết 1 tí , nhưng họ chẳng làm việc gì ra hồn . Có lẽ họ là những con vịt .
Bai viet hay anh a
Đăng nhận xét