Hoàng Kim là một tiến sĩ, chuyên về sắn. Ông là tiến sĩ thứ thiệt, là tôi nói thế để phân biệt với rất nhiều tiến sĩ không thứ thiệt hiện nay. Ông có chuyên môn rất sâu về sắn, nhưng ngồi nói chuyện với ông mới biết ông sâu nhiều thứ nữa. Ông có đến mấy blog, có trang "học mỗi ngày" rất bổ ích. Ông dạy ở Đại học Nông Lâm TP HCM, mỗi lần lên GL thỉnh giảng, ông đều gặp tôi bằng được, bởi ông bảo, lên GL chưa gặp VCH tức là chưa lên GL, huhu khổ tôi chưa...
Có lần tôi phản biện ông khi ông bảo nếu trồng sắn trên Tây Nguyên bao nhiêu diện tích đấy thì sẽ khong cần... hút dầu dưới biển nữa, tôi bảo thế thì rừng Tây Nguyên thành rừng sắn à. Ông lại hớn hở phân tích cho tôi cái lợi của việc bỏ rừng nghèo để... trồng sắn. Tôi thì đang phản đối quyết liệt việc lợi dụng phá rừng nghèo để trồng cao su nên phản biện ông quyết liệt...
Ông có thể bàn về mọi chuyện, một cách có chứng cứ, vanh vách số liệu chứ không vu vơ như... tôi. Đời ông cũng kinh, tôi bảo bác có khiếu thế, chỉ cần viết lại đời bác, bảo đảm có một tiểu thuyết cực hay. Cái cách ông kể thế, nhớ vanh vách thế, tôi tin là ông sẽ viết, và nếu ông viết, tôi tin sẽ hay, cái cuộc đời tận cùng khổ, giờ lại thành nhà khoa học thứ thiệt, quê ở ngay dòng sông Son, Phong Nha, Quảng Bình....
Và hôm qua ngồi đọc vu vơ, vô tình thấy ông viết mấy dòng về tôi trên trang của ông, kể thì cũng hơi quá, thôi thì cũng đành tự sướng, lôi về đây- đây không phải lần đầu ông viết về tôi-
-------------
ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Cuối đông tôi nhấm nháp đọc lại "Tây Nguyên của
tôi", "Hồi ức đò dọc" của Văn Công Hùng. Hai tản văn này là sự tiếp nối
trường ca "Lời vĩnh cửu" của anh mà tôi yêu thích. Tìm hiểu văn chương,
văn hóa Tây Nguyên, tôi đoan chắc với bạn sau Nguyên Ngọc thì Văn Công
Hùng ... là một địa chỉ xanh đáng tin cậy. Đọc thơ Văn Công Hùng thật
ngộ. Thơ anh như có nhạc, có ảnh, có cồng chiêng và cả sự tung tẩy: "Anh
đã đi qua miền đông miền thu miền hạ, gặp miền em diệu ảo đến không
ngờ. Em dâng cho cuộc đời thêm một miền khao khát, đến vỡ oà trái đất
giữa miền em. Những xác tín cuộc đời rơi như cát kẽ tay, em chân thật
đến tận cùng chân thật, yêu tận cùng mê đắm, tận cùng dâng hiến, tận
cùng hy sinh, tận cùng như chưa thể tận cùng. Có gì mong manh hơn nước
mắt, nhưng cũng không có gì mạnh bằng nước mắt. Dẫu trong veo nhưng mặn
chát nghìn trùng. Ai cũng hiểu nước mắt đâu chỉ là nước mắt, nó là bể
dâu sấp ngửa phận người. Nó được chắt ra từ tận cùng khổ đau tận cùng
sung sướng, từ tận cùng nhịp thổn thức trái tim. Nó cứng như đá hoa
cương, mềm như hoa cải ven sông, mềm hơn cả những gì dịu dàng nhất. Nó
là tinh hoa của hạnh phúc, là những điều không thể nói người ơi. Là
những điều em đào sâu chôn chặt. Nhưng dẫu chặt đến cỡ nào nước mắt vẫn
trào ra. Có những lúc ta ngồi nhâm nhi nước mắt, nghe rưng rưng năm
tháng chảy qua đời, nghe phập phù bao điều ân nghĩa, nghe mặn mòi những
kỷ niệm vời xa. Mà bến sông xưa con đò giờ xiêu dạt, chớp lưng chừng
trời bông gạo tả tơi, một vết cắt ngọt ngào đau rát, dấu chân mòn vệt cỏ
chẳng hề xanh. Có đôi mắt nào long lanh sau kẽ lá, em nhìn ai nắng đọng
bên rào, em nhìn ai chiều xoay như mắt bão, em nhìn ai chấp chới men
rừng. Con đò xưa con đò xưa xa vắng, sông lững lờ thao thiết sông trôi.
Ngày hôm nay bỗng dâng đầy nước mắt... Chẳng thể nào anh hiểu hết em
đâu, nếu chiều nay em không tiễn ngày đi bằng nước mắt. Nước mắt của một
đời im lặng, bỗng vỡ oà trong thăm thẳm chiều trôi. Và anh hiểu phía
sau điều tưởng như vặt vãnh ấy là bao la dằng dặc kiếp người. Té ra
trong cuộc đời còn biết bao điều bí ẩn mà nếu vô tình ta chẳng thể nhận
ra " (trích Lời vĩnh cửu). Đọc văn anh, lại thấy dường như có thơ, có sự
dạo chơi tâm tình trò chuyện . Bạn hãy xem trích đoạn mở đầu của Hồi ức
đò dọc: "Hôm rồi về quê, bạn tổ chức một cuộc đi thuyền ngược phá Tam
Giang. Chao ơi là thênh thang, là rười rượi, là sảng khoái,là mê ly…
Từ
bến đò Lê Lợi, thuyền đi xuôi về phố cổ Bao Vinh, chui qua một loạt cây
cầu, qua ngã ba Sình, đến cửa Thuận rồi hòa vào phá. Mênh mông và rợn
ngợp. Không thấy bờ, tất nhiên. Sóng rất ngoan và nắng rất hiền, gió thì
như lên đồng lúc the thẩy lúc ngang tàng nhưng luôn luôn làm cho sự hài
hòa không khí đầm phá như là dĩ nhiên nó thế. Rất ấn tượng với hệ thống
nò, lưới, với những cái am giữa phá, những lá cờ đỏ phấp phới vừa báo
hiệu vừa tâm linh khiến ta có cảm giác vừa rợn ngợp vừa thân thiện…".
Riêng tôi thì Tây Nguyên của tôi đúng như Văn Công Hùng tự nhận xét đó
là một trong những tản văn ưng ý nhất của anh. Nó hay và sâu sắc đến ám
ảnh: "Tây Nguyên đang rời xa đi cái gốc nguyên thủy của nó, đang bị
giằng xé dữ dội giữa phát triển và bảo tồn, giữa những vòng quay chóng
mặt của ngộ nhận và cố chấp, của cả tự ti và áp đặt, của vênh vang và
ngu dốt, của thực dụng và hiếu thắng… Chứ trong tôi, một Tây Nguyên hài
hòa, nhân văn, trữ tình và đầy khát vọng nhưng cũng rất khiêm nhường
luôn luôn thường trực, một Tây Nguyên biết cứ khi nào con người mỏi chân
thì lại hiện lên một cái cây bóng mát, một Tây Nguyên có hẳn một nghi
lễ khóc trâu trước khi hiến tế, và một Tây Nguyên cương quyết không lừa
thần linh, nên dẫu nhà nước hứa rồi nhưng lại không cho thần linh ăn
trâu thì họ mang về làng để làm. Bởi họ không ăn trâu, mà là dâng hiến
cho thần linh. Sự dâng hiến tự nguyện và thành kính. Nhân nghĩa thủy
chung và cũng rất giữ lời, trung thực một cách cực đoan như vậy đấy, Tây
Nguyên của tôi...".
Đối với tôi, Miền Trung, Nam Bộ, Tây
Nguyên - đất phương Nam - nay sao thân thiết lạ, xa mà gần, thăm thẳm
một vùng thương nhớ. Cám ơn Văn Công Hùng. Cuối đông nhớ bạn.
1 nhận xét:
Hic, được Hoàng tiến sĩ thứ thiệt viết như zầy, thì dẫu lạc vào xứ tuyết vẫn cứ ấm toàn thân, anh Văn Công Hùng nhỉ !
Đăng nhận xét