Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

CỖ CƯỚI PHÚ THỌ

NÓi gì thì nói, Phú Thọ là đất tổ, những gì mà họ làm, phải là hình mẫu của văn hóa Việt, kể cả đám cưới. Vậy nên chiều nay, bác Hà Phạm Phú, Trần Nhương, Hà Đình Cẩn, Đỗ Trung Lai rủ mình đi Phú Thọ (Việt Trì) dự đám cưới con trai Nguyễn Tham Thiện Kế, mình hăm hở đi ngay...



Khách Văn từ Hà Nội về khá đông. Ngoài xe của mình do lão tướng Hà Phạm Phú cầm tài, còn thấy có xe của Phạm Xuân Nguyên chở Ngô Hà Thái- p Tổng giám đốc TTX VN, TS Nguyễn Thị Minh Thái... thấy có các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Hàn, Trần Quang Quý, Báo Văn Nghệ có Khuất Quang Thụy, Nguyễn Chí Hoan, Lã Thanh Tùng... các tỉnh khác có Trương Thiếu Huyền Quảng Ninh, Hải Thanh, Ngọc Tung- Vĩnh Phúc...


Khách đến nhưng chưa thấy chủ đâu, ngồi uống nước đã. Ở Pleiku (và phía Nam) thì giờ này cả gia đình cô dâu chú rể đang xếp hàng chào khách, có cái thùng đựng tiền rất to. Ở đây chả thấy có chỗ ấy, phong bì nhét vào túi bố chú rể... là bọn mình ấy, còn mọi người thì không biết vì không thấy...
Mình rất kinh các món cưới ở Pleku dù nó rất thịnh soạn, nhưng nó cứ xa lạ thế nào, thèm cọng rau cũng không có. Ở đây mình gặp những món vô cùng thân thuộc. Đây là bánh tẻ, bánh răng bừa- có nơi gọi thế. Mình xin phép các bác, xơi liền 2 miếng...

Quả Lặc lè- hay nặc lè gì đấy, của người Mường, ăn rất mát, chấm muối vừng.
Một mâm cỗ cưới. Cứ  đủ người là chén. Gia đình và cô dâu chú rể không phải díu nhau đi mời, chào... Chỉ có bố chú rể, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế chạy lại bàn các nhà văn chúc một ly rượu... Ở Pleiku kinh nhất là cứ phải díu nhau như sợ lạc đến từng bàn mời bia. Có nhà mời đông khách qúa, chưa đi giáp vòng khách đã về hết...

Một mâm 2 chai rượu Hà Nội, ở Pleiku là một thùng bia, đa phần là Ken, giờ nghe ai tuyên truyền là Ken hay bị giả thì chơi Tiger, hehe, lại rẻ nữa. Uống hết 1 thùng thì nhà hàng lại mang ra. Hô hét như đánh trận... Ở đây 2 chai rượu, thi thoảng mời nhau 1 chén, phần lớn là còn thừa rượu...

Cái tô nước kia là nước đậu xanh. Đậu xanh hầm với sườn, húp vào 1 bát lại như là chưa uống chút rượu nào. Mà rất ngon thật. Mình cũng làm 2 bát luôn. Còn thịt gà, cá rán... thì ế chỏng. Nói chung là cỗ nên chú trọng món ăn, khác Pleiku là  toàn món để nhậu (những món bắt buộc là súp, nem chả, gỏi, gà luộc hoặc rán, đa phần là nha gà... hầm, dê nướng ống, bò lúc lắc, chân giò hầm, tôm- nếu nhà giàu, cà ri bánh mì)... Hiện trên bàn có  bánh tẻ, xôi, bánh bao, cơm... là những thứ để ăn... nước đậu xanh để giã rượu... Không có MC nói nhăng cuội, không ban nhạc oành oành như pháo bắn, không hát như phá nhạc, như tàn sát phổi, như hủy hoại tai khách, đây cứ lặng lẽ ăn rì rầm nói chuyện, cũng ít đi các bàn cụng ly. Đã bảo cưới ở Pleiku mình kinh nhất là thấy 1 bác tay bưng ly bia, miệng cười cười, thủng thẳng đi tới. Ấy là màn... mời bia. Rồi cả cảnh một bác trong bàn trịnh trọng đứng lên, một tay khép áo, một tay trân trọng... gắp thức ăn bỏ vào bát cho từng người như chia phần. kinh là bởi có món mình không muốn ăn mà cứ bị bỏ đầy bát. Đổ ra thì không tiện, mà để thế thì nó cứ lù lù một đống như mả tổ trước mặt...

Và thêm một món rau nữa: bầu xào- giản dị như đang ăn cơm ở nhà... Bưởi tráng miệng cũng được mang lên từ đầu...
Trầu têm cánh phượng...


Và trưởng lão Trần Nhương ăn trầu...


10 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi thấy một chút quê hương trong cỗ cưới này.
Cưới hỏi là tình thân, là thiêng liêng, là trọng đại không nên để người dẫn nói những câu hết sức kém duyên, sượng sạo, nghe đến buồn...
Ngày xưa đám cưới cũng có người dẫn, đó là một người có duyên ăn nói trong làng, nói những câu ông cha truyền lại, nói những câu như rót mật vào lòng.
... mà cũng không nên nói nhiều....

Nặc danh nói...

Người ta vẫn nói là "Ăn bắc mặc nam" mà bác VCH. Cái cỗ nói chung và cỗ cưới nói riêng giờ nó hỗn tạp lắm, không còn phân biệt được vùng miền và nét văn hóa đặc trưng riêng nữa.
TNC

Nặc danh nói...

xin phép anh dem đưa bài này lên FB cua em nhe

Nặc danh nói...

Cỗ cưới và không khí một đám cưới thật tao nhã đậm chất văn hóa cổ truyền.Đây mới thật là thực tế của một nét văn hóa đậm đà bản sắc chứ không như những lời kêu gào trống rỗng.Bao giờ cho đến ngày xưa nhỉ?

Nặc danh nói...

Tui đọc nhiều VCH và có nhận xét là lúc nào cũng có măm và nhắm, tục gọi là nhậu. hi hi

Nặc danh nói...

Rất dân dã và tuyệt. Văn hóa Bắc bộ đấy.

vanhanguyen nói...

Ôi! biết bao giờ quê mình được trở lại cái ngày xưa nhỉ, dân dã, yên bình chứ không phải phô trương, ồn ào và bầy đàn như bây giờ. Nghe bác Hùng kể mà thấy thèm quá, thì ra cũng còn một chút xa xưa để mà thấy lòng mình được an ủi!

Nặc danh nói...

Vâng ăn bắc mặc nam! Nhưng tui thấy các bác bắc vào nam ai cũng phì nhiêu cả, thịt lợn ăn như ... Pháp !!? Nay no đủ, ê hề rồi xoay ra khen các món dưa, bưởi miền Bắc ngon ! các bác ăn chay 1 tuần xem sự thể ra sao ?

mẹ mướp nói...

Đọc qua rồi, giờ đọc lại và để lại nhời vàng ngọc: - Cảm ơn bác đem đến cho iêm thêm sự hiểu biết về một vùng quê.
- Iêm không thích bác chê Phờ lây cu bất cứ đều gì, dù cái sự thật đi ăn đám cưới Phờ lây cu là nó đúng i xì xì như bác viết
- Iêm sẽ bổ sung ngay cái món đỗ xanh hầm sườn lợn vào thực đơn gia đình

Văn Công Hùng nói...

http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/canh-suon-do-xanh-gia-ruou-cho-ngay-tet-824476.tpo

Lưu cái link này vào đây phát, có cái ảnh của tớ mà chả chịu đề tên tác giả, cứ như là của giời rơi xuống...