Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

ĐỔI VAI



Rồi đến một lúc nào đó, cũng trên phim, cứ nhắc đến giám đốc lại là ăn chơi, tham ô, máu gái, dốt nát, nhà báo thì vô duyên láu táu, cứ cái túi vải đeo vai, máy ảnh khoác cổ dù khi diễn chưa biết bấm thế nào, chỗ nào cũng xông vào chả biết để làm gì, phán như thánh, phỏng vấn nhân chứng như công an hỏi tội phạm, chân dài thì đương nhiên kèm đại gia, còn đại gia thì chỉ thấy chơi chả thấy làm gì mà tiền của cứ như trên trời rơi xuống…
----------



          Khác với nhiều dân tộc khác, ở Việt Nam ta, lâu nay cứ nghiễm nhiên chuyện chợ búa cơm nước là của… đàn bà, đàn ông làm những việc lớn hơn, như ra đình ngả vạ, xem trăng sao trời mây để đoán định mùa màng, quyết định những việc trọng của nhà, của làng, ăn cỗ và… nhậu… Thời tôi còn bé, sơ tán về nông thôn miền Bắc còn thấy bữa ăn một nhà chia làm hai mâm, mâm trên là đàn ông, con trai, mâm dưới là đàn bà con gái…

          Có dịp sang Ấn Độ vừa rồi, điều làm tôi ấn tượng nhất là việc, nếu không phải trăm phần trăm thì cũng chín mươi lăm phần trăm người bán ngoài chợ là đàn ông. Phụ nữ lại chỉ ở nhà đẻ và nuôi con.

          Ngày xưa các thương buôn làm nên con đường tơ lụa nghe nói cũng toàn đàn ông, tất nhiên không phải đàn ông Việt ta.

          Nhưng hiện nay đang có sự đổi vai rất thú vị, ấy là đàn ông Việt Nam ta cũng tham gia vào việc buôn bán, cũng ra chợ. Chả cần nói các khu chợ nổi tiếng ở nước ngoài, nhất là ở Nga, mà dân Việt ta có hẳn những khu rất hoành tráng, ngay ở các chợ trong nước Việt này ta thấy đàn ông tham gia ngày càng đông. Còn rụt rè thì bán cùng vợ, kiểu như ở các làng vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên thế nào cũng có vài ba hộ người Kinh tổ chức bán buôn đủ thứ, như cái hợp tác xã thời bao cấp, thậm chí còn nhanh nhạy hơn. Ở đó, vai trò người đàn ông rất quan trọng…


Ảnh Hoàng Ngọc, Phóng viên báo Gia Lai

          Trong thực tế, có những việc ta tưởng là chuyên biệt của phụ nữ, nhưng té ra đỉnh cao lại là của đàn ông, ví dụ, đầu bếp nước ta, những người nổi tiếng chủ yếu là đàn ông, phụ nữ có nhưng rất hiếm. Hiện tại chưa thống kê, nhưng chắc không dưới 80% đầu bếp chính ở các nhà hàng cả nước hiện nay là nam. Thế mà chả hiểu sao người ta lại cứ mặc định việc bếp núc là của phụ nữ.

          Cũng như thế, các cửa hàng buôn lớn cũng chủ yếu là đàn ông, tất nhiên bên cạnh vẫn phải là bà vợ chống lưng…

          Nên cái hiện tượng mà tôi tạm gọi là “đổi vai” có khi thực ra lại là sự… trả vai.

          Cũng như thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đàn ông đi đánh nhau hết, đàn bà phải đi cày, có cả thơ, bài hát… ca ngợi những đường cày đảm đang ấy, nhưng khi hòa bình, đàn ông trở về, họ lại được trả vai.

          Bởi thế cái sự đàn ông ra chợ, nó tất nhiên thôi, cũng là một cách kiếm sống như mọi cách khác, và, nó còn chứng tỏ sự… bình đẳng, khi mà phụ nữ bây giờ cũng lái máy bay, cũng lên vũ trụ, cũng ngồi nghị trường, thì đàn ông bán hàng, trông cũng đáng yêu phết…


  
        Vấn đề là, có một thời trong văn chương nghệ thuật và báo chí nước ta, cứ nhắc đến kẻ thù là xấu xa bỉ ổi thối nát ác độc đến cùng cực, tất nhiên thì phe ta phải trong sáng đến tuyệt vời, đến cái chết cũng đẹp, điều này trong phim là rõ nhất, người chết phải xoay mấy vòng thấy trời xanh qua kẽ lá, thấy hoa thấy bướm và đôi mắt từ từ nhắm lại, từ từ đổ xuống nhẹ như chiếc lá, thảnh thơi như đang ngủ, còn kẻ thù chết thì vật vã đau đớn các loại, thậm chí đang đứng ở chỗ bằng phẳng, phải ôm ngực lảo đảo lao đến một cái hố bùn đen ngòm rồi ngã vào đấy sau khi chạy một vòng xung quanh. Rồi đến một lúc nào đó, cũng trên phim, cứ nhắc đến giám đốc lại là ăn chơi, tham ô, máu gái, dốt nát, nhà báo thì vô duyên láu táu, cứ cái túi vải đeo vai, máy ảnh khoác cổ dù khi diễn chưa biết bấm thế nào, chỗ nào cũng xông vào chả biết để làm gì, phán như thánh, phỏng vấn nhân chứng như công an hỏi tội phạm, chân dài thì đương nhiên kèm đại gia, còn đại gia thì chỉ thấy chơi chả thấy làm gì mà tiền của cứ như trên trời rơi xuống…

          Tức là ở đây có sự đổi vai rất quyết liệt, đến gần như là quay ngoắt lại hoàn toàn. Sự mặc định trong suy nghĩ từng giai đoạn nó gây nên những cách hiểu cách nhìn lệch chuẩn, thậm chí ngược chuẩn…

          Trả lại bản chất thật cho từng người, từng giới, từng hiện tượng có khi cũng là một trong những cách làm cho xã hội bớt sức ì, thúc đẩy sự phát triển, có khi chỉ từ những việc rất đơn giản, những anh chồng, thay vì ngồi chờ vợ dọn cơm, thì hãy bước xuống bếp, tự bê mâm lên, còn bà vợ, mở tủ lạnh ra, lấy 2 lon bia và… bật. Tất nhiên chuyện cho con bú thì đừng có mà lăng xăng đòi đổi vai…
  

                                                                           
Ảnh: Người đàn ông mặc áo thun trắng, ngồi sâu nhất trong ảnh là anh Điệu, chủ của cái quán duy nhất ở làng Kon Mahar, xã Hà Đông, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai. Đây là một làng vùng sâu, rất xa, cách thành phố Pleiku 80 cây số đường rất khó đi, và toàn bộ là người Barnah, trừ anh, tất nhiên. Anh này là dân thành phố Pleiku, từng "kinh  qua" các công việc xây dựng, nhận thầu các trường học ở vùng sâu vùng xa, công ty 2 sọt (sắm xe máy, chất tất cả hàng hóa lên đấy, kềnh càng chạy, vào làng càng xa càng tốt, bán cho đồng bào và mua cho mình, rất vất vả nhưng cũng có đồng vào đồng ra) và giờ thì “cắm bản”. Sau bao nhiêu năm đi khắp hang cùng ngõ hẻm phát hiện làng này có thể làm ăn được và chưa có người kinh nào ở, thế là dựng nhà ở. Bây giờ anh có ô tô, đến mấy chiếc, U oát và xe tải thôi, vì chỉ chúng mới có thể vào làng được. Xe để chở hàng. Lấy hàng từ Pleiku xuống, thượng vàng hạ cám, bà con cần gì thì cất xuống bán. Và mua lại những gì bà con bán. Không chỉ buôn bán đơn thuần, mà thực sự thì vai trò của những gia đình người Kinh này lớn hơn nhiều, ví dụ họ làm chức năng của… ngân hàng. Bà con không có tiền cứ đến lấy hàng, đến mùa trả bằng hàng, chủ yếu hiện nay là sắn. Nhờ cây sắn mà đồng bào tương đối sung túc. Tôi hỏi có hay bị… nợ khó đòi không, cười bảo ít lắm, vì đồng bào rất thật thà và mình thì cũng biết ăn ở, rằng là ở đây nhưng không chỉ chăm chắm kiếm tiền, dù rằng là ở để kiếm tiền. Sống phải biết mình biết ta thì mới sống được. Chính anh này đã “cứu nguy” khi chúng tôi đổ bộ 1 đoàn vào quán nhà anh giữa trưa đói lả, anh đã nấu phở cho chúng tôi ăn, có cả bia nữa…

Không có nhận xét nào: