Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

CHUYỆN VUI VĂN CHƯƠNG HÔM NAY- KỲ V- DẠY VĂN



          Khi mà học trò chán học văn thì rõ ràng dạy văn cũng có vấn đề.

          Tôi vừa có dịp tiếp xúc với khá đông các cô giáo dạy văn của một số trường chuyên của cả nước. Đương nhiên họ là giáo viên giỏi rồi. Và nghe họ nói chuyện với nhau cũng thủng ra rất nhiều chuyện.

          Yêu nghề, tất nhiên, nhưng không phải ai cũng thế. Rất nhiều giáo viên văn sở dĩ phải dạy văn là bởi tự lượng sức mình không thi được vào các ngành khác nên phải thi vào khoa văn. Một thời nghe nói sinh viên văn khoa là đầy sự ngưỡng vọng bởi sự lãng mạn, tài hoa, tinh tế, nhưng giờ cái giá của nó đã xuống rất nhiều.
 Kỳ I
          Nhà thơ Lê Khánh Mai, nguyên là giáo viên văn trường chuyên của tỉnh Phú Khánh cũ, nguyên giáo viên trường cao đẳng sư phạm Phú Khánh, khẳng định từ thực tiễn bản thân chị và học trò chị, rằng giáo viên văn là những người đọc sách ít nhất trong giới trí thức, mà chả cứ sách, cả báo chí nữa, nên kiến thức xã hội rất ít. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy nguyên giáo viên văn trường Phổ thông trung học Krong Pách, Đăk Lăk nói thêm: Giáo viên văn luôn bị quay cuồng trong cái guồng thu tiền, soạn giáo án, chấm bài… có đêm chấm đến 2h sáng. Văn thì luẩn quẩn trong các trích đoạn, rất ít người đọc nguyên bản tác phẩm, chủ yếu đọc tóm tắt và trích trong sách giáo khoa. Mà nếu “lỡ” chệch ra ngoài giáo án thì rất nguy, nên chị rất băn khoăn chuyện ra đề mở như hiện nay… Cũng Đinh Thị Như Thúy, chị nói chị rất biết ơn internet, chính internet đã giúp một cô giáo dạy văn trường huyện như chị tự học, hoàn toàn tự học, trở thành một giáo viên “dạy được” và sau này là nhà thơ nổi tiếng. Chị nói, lúc nào trong chị cũng có hai con người, một con người dạy văn khô cứng và một người đọc văn bình thường, đầy cảm xúc từ những con chữ mang lại. Dạy văn mà phải khô cứng, chịu, không hiểu nổi, dù nó cũng khá dễ lý giải.

          Chương trình dạy văn hiện nay là chương trình “đóng” nên khi dạy và chấm văn cũng phải theo khuôn, anh nào “mở” ra là chết luôn, dù đề thi mấy năm nay có vẻ mở, nhưng nó thiên về xã hội nhiều hơn là văn học.

          Có người quả quyết, giáo viên dạy văn bây giờ rất mù mờ với đời sống văn chương đương đại. “vũ khí” chính của họ, “cây gậy” của họ là sách giáo khoa và sách hướng dẫn giáo viên, vậy nên hỏi trên thị trường sách đang có quyển gì hay, các nhà văn đương đại đang viết gì, họ mù tịt, thản nhiên không quan tâm. Nhà văn Linh Nga Nie K’dam còn nói với tôi, rất nhiều cô giáo dạy văn mà trong nhà không có tủ sách?

          Và quả là, tôi có để ý đến các hoạt động văn học ở một số địa phương, như các cuộc ra sách, các đêm thơ, các ngày thơ chẳng hạn, giáo viên văn đến dự rất ít, số đến lại chủ yếu là vì có quan hệ với các tác giả sẽ xuất hiện trong sự kiện ấy nhiều hơn là tự giác đến vì văn chương.

          Tất nhiên, vẫn có những niềm vui trong mặt bằng chung ấy. Đấy là các giáo viên văn có tham gia các hoạt động văn học, hoặc những người âm thầm lặng lẽ tự trang bị kiến thức, trong các giờ lên lớp, ngoài việc giảng theo giáo án, còn mở rộng kiến thức cho học sinh. Tôi thi thoảng có được tiếp xúc với một số giáo viên văn, thấy họ rất có nhu cầu thông tin văn học, nhưng vì nhiều lý do việc ấy bị hạn chế, nên khi gặp tác giả họ rất mừng. Nhưng quả là, những cuộc như thế rất ít, thảng hoặc, như những ánh lóe chứ không phải là các hoạt động thường xuyên.

          Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa đồng ý với việc thi tuyển vào dại học Y nên có môn văn, mà một trong những lý do như bộ trưởng tiết lộ: Các chuyên viên của bộ viết vẫn còn sai ngữ pháp, chính tả rất nhiều. Xin chia sẻ với Bộ trưởng, nhưng cũng thưa thật, chả cứ các chuyên viên của Bộ ta. Ngay các nhà văn nhà báo vẫn cứ viết sai như thường. Ví dụ tôi theo dõi thấy các nhà văn hay dùng từ “Đảo ngũ” thay vì phải là “Đào ngũ”, các nhà báo thì rất hay nhầm giữa “Điểm yếu” và “Yếu điểm”. Lỗi này lại vẫn phải quy về việc dạy văn từ trong trường phổ thông. Dạy gì mà sau mười hai năm học vẫn viết sai những điều sơ đẳng…

          Việc dạy văn trong trường phổ thông quá xa với đời sống xã hội và cả đời sống văn chương nên nó trở nên “cô đơn” dù một trong những thuộc tính của văn chương là cô đơn. Người ta đã chỉ ra nhiều đoạn trích, nhiều tác phẩm ngây ngô, nhiều phương pháp tiếp cận tác phẩm cũ kỹ, rập khuôn. Có một thời rộ lên mốt sách tham khảo. Trời ạ, tham khảo cái gì, thí sinh học thuộc lòng hoặc ôm hàng bó phao vào phòng thi. Thi làm văn mà mang phao để chép thì chắc chỉ có nước Nam ta có. Thế mà đã có rất nhiều người chép văn mẫu mà đậu nọ đậu kia, trở thành nọ thành kia. Vậy nên dân gian lưu truyền chuyện vui: Nhà văn Nguyễn Khải làm giúp con bài văn về “Mùa lạc”- tác phẩm của chính ông- bị cô giáo phê: Lạc đề. Chắc chỉ vì ông đã… không chép theo sách hướng dẫn. 

Đấy là nói phổ thông, còn đại học thì đây: Tổng biên tập một tờ báo vừa điện cho tôi kể: định tuyển mấy đứa sinh viên văn khoa về báo, hỏi biết Mạc Ngôn là ai, viết gì, ở đâu không, nó bảo không biết? Hỏi thế biết ai, bảo biết Nguyễn Minh Châu với “Mảnh trăng cuối rừng”. Hỏi tiếp: Nguyễn Minh Châu giờ đâu rồi, lại ngơ ngác: không biết. Hỏi đọc “Mảnh trăng cuối rừng” ở đâu, bảo đọc ở sách giáo khoa. Khi tôi đem chuyện này kể cho một phụ huynh nghe thì chị ấy lại kể câu chuyện “cam đoan thật một trăm phần trăm”: Cô giáo tầm 30 tuổi, dạy cấp 2 trường điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi hỏi học sinh biết những truyền thuyết nào? thằng con chị này xung phong phát biểu và nói luôn: "Truyền thuyết thành Troy". Cô bảo: "chuyện này cô không biết". Thằng con về hỏi mẹ: "Sao cô không biết, kỳ vậy mẹ?". Mẹ cháu potay.com nhưng vẫn không chuyển trường vì thấy cô giáo này cũng còn dũng cảm nói không biết. Từ đó chị này kết luận: Sinh viên ra trường không biết Mạc Ngôn cũng dễ hiểu thôi.

Còn rất nhiều chuyện bi hài nữa về việc dạy văn hôm nay, bởi suy cho cùng, chúng ta làm như coi trọng môn văn nhưng kỳ thực thì lại coi thường nó. Vì thế mà dạy đối phó và học cũng đối phó. Không ít lần trong các kỳ thì, ta nghe rất nhiều thí sinh nói: cầu cho môn văn không bị điểm liệt. Và giáo viên, người truyền lửa và mở khóa cho học sinh bước vào chân trời văn chương thì cũng lại… mất lửa và mất chìa khóa trước. Tất nhiên, xin nhắc lại, những thầy cô có năng lực thật sự, yêu nghề, yêu trò cũng rất nhiều trong xã hội, tuy thế, những bi hài vẫn cứ hồn nhiên diễn ra…
                                                                 

3 nhận xét:

Bùi Công Tự nói...

Kể cho bạn nào là hâu sinh nghe ,thời chúng tôi hoc cấp1 ,trươc 1958 ,có một bài tập đọc ,chính tả và học thuộc lòng ghê rợn thế này .Vì là thưở đó rất chăm học nên đế giờ 60 năm sau còn thuộc lòng
Vo ve trong tiếng vo ve
Của bầy ruồi ,nhăng ta nghe thấy gì ?
Vo ve chúng rủ nhau đi
Tìm ăn những chỗ cực kỳ tanh hôi
Đống phân thổ tả giữa trời
Xác người hôi thối nằm phô giữa đồng
Thân người hủi cụt trôi sông
Đờm người lao phổi lẫn pha máu đào...
Miễn bình luận

SỐ 2 nói...

được lời như cơi tấm long...híc híc... chuyện học văn và dạy văn bây giờ cứ như là"râu ông nọ chắp cằm bà kia...
Học sinh, sinh viên bây giờ cảm thụ văn học cứ như ...trên trời rơi xuống (số này đông lắm), còn số it nữa thì ...hiếm hoi mặn mà...
Chao ơi, văn chương của tôi....!!!

Trần Thắng TB nói...

Tôi nói một câu thế này VCH có đồng ý không KHÔNG BIẾT VĂN CHƯƠNG LÀ VÔ VĂN HÓA