Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

CHUYỆN VUI VỀ VĂN CHƯƠNG HÔM NAY (Kỳ1)




          Tôi là người làm văn chương và đang là công chức trong hệ thống văn chương nước nhà, có đến hơn ba mươi năm làm việc liên quan trực tiếp đến văn chương, và có lẽ sẽ còn tiếp tục đến khi vì lý do gì đấy mà phải ngừng bút. Và tôi chơi với nhiều bạn bè, đàn anh cũng cùng nghiệp khá nhiều. Những gì tôi viết trong loạt bài dưới đây là rút ra từ quá trình làm việc của mình, cũng như từ bạn bè, các đàn anh trong nghề và trong đời.
 
          Có thể nói, phàm là người viết văn không ai không mơ tưởng đến ngôi nhà thiêng liêng là trụ sở Hội Nhà Văn, và mơ ước mình sẽ là hội viên của cái hội sang trọng ấy. Bây giờ thấy có nhiều người chửi hoặc rêu rao nói xấu hội Nhà Văn, nhưng thực ra tôi biết chửi hoặc nói xấu cũng là một cách để… kê cao mình lên, trừ một vài bác có sự căng thẳng thật. Bản thân tôi, cho đến khi được đi dự hội nghị nhà văn trẻ vào năm 1994 thì mỗi lần đi qua trụ sở Hội Nhà Văn hồi ấy ở 65 Nguyễn Du thì vẫn… tim đập chân run. Cả chục năm sau vẫn còn cảm giác ấy. Rất nhiều lần đi qua đi lại liếc vào với tâm thế rất thành kính thiêng liêng mà không dám bước vào.

          Sau này trong một bài viết dạng kỷ niệm văn chương, anh Nguyễn Xuân Phước, hội viên hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, trưởng phòng tổng hợp của văn phòng tỉnh ủy Gia Lai có kể cái tâm trạng viết được một bài rồi đạp xe đạp đến cơ quan tôi gửi bài, hồi ấy tôi làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, ngồi ngay cái bàn ở cửa ra vào, và anh này cả buổi sáng đã gù lưng đạp xe chục lần qua lại mà không dám dừng, cứ đến đầu đường đỗ lại, quay đầu, đạp qua, đến đầu đường kia đỗ lại, quay đầu đạp qua… cuối cùng sau khi lưng áo đẫm mồ hôi thì anh đạp thẳng ra… bưu điện, gửi từ bưu điện vào. 
      
          Để thấy, đã ham hố văn chương lại còn bị sự thiêng liêng hóa nó hành, khổ đến mức nào?

          Chả biết ở các nước thế nào, ở nước ta thì hệ thống văn chương được tổ chức từ trung ương tới… cơ sở. Trung ương có Hội Nhà Văn, ai mà có thẻ “nhà Văn trung ương” là oai lắm. Có anh được vào hội thì làm lễ rước thẻ, phóng cái thẻ bằng cái chiếu, cả làng đi rước về đình rồi… liên hoan. Anh này lý luận: ngày xưa ông nghè cả làng đi rước bằng võng thì ngày nay nhà văn chả lẽ lại không được thế, mà nhà văn có phải làng nào cũng có đâu. Có anh thì dâng thẻ lên bàn thờ rồi mời mọi người có mặt… hôn thẻ. Đến tỉnh thì có Hội Văn học Nghệ thuật, có nơi đông quá thì mở thành liên hiệp hội, trong ấy có hội Nhà Văn của tỉnh. Như thế có nhiều tỉnh có đến hai… hội nhà Văn, người không hiểu không biết đâu mà lần. Một là Hội nhà Văn của tỉnh thành ấy, và hai là chi hội Nhà Văn Việt Nam tại tỉnh thành ấy. Hội viên của Hội Nhà Văn tỉnh thành có thể không là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam nhưng hội viên chi hội Hội Nhà Văn thì đương nhiên là hội viên hội Nhà Văn tỉnh thành ấy.

          Một số nơi mạnh nữa thì có hội (hoặc chi hội) đến tận huyện thị xã trực thuộc tỉnh.

          Hội Nhà Văn Việt Nam thì không nói, nhưng các hội Văn học Nghệ thuật địa phương thì cũng có nhiều vấn đề.

          Lực lượng không đồng đều trong khi tỉnh nào cũng có hội VHNT. Nên có nhiều tỉnh phải điều cán bộ ban tuyên giáo, tỉnh đoàn, Đảng ủy khối, dân vận… sang làm lãnh đạo hội. Và tất nhiên trong hoàn cảnh ấy thì Hội, với tư cách là ngôi nhà chung của anh em văn nghệ sĩ, lại trở thành cơ quan hành chính. Và rất nhiều những chuyện bi hài xảy ra. Nhẹ nhất là kiện tụng liên chi hồ điệp, nặng nữa thì đã có chủ tịch hội phải ra tòa. Người ta tiền đụn bạc thúng chả sao, mình có ít triệu mà phải ra tòa thì đúng là không thể nào lý giải nổi. Nhưng cũng tại các bố kiện tụng nhau ghê quá. Mà giới văn chương đã chẻ hoe ra thì cái kim thành  cái búa, sợi tóc thành cáp quang ngay…

          Kinh phí cho các hội Văn học Nghệ thuật của ta chủ yếu là ngân sách cấp. Nếu so với hoạt động thì nó rất bèo bọt, nhưng vẫn bị mang tiếng là hưởng lương từ thuế của dân để sáng tác. Trong khi thực sự những người hoạt động sáng tạo VHNT ở ta sống được bằng nhuận bút tác phẩm rất ít, nếu có là ở mảng Âm nhạc, Mỹ thuật, Kiến trúc… chứ văn chương là cực hiếm. Bình quân các báo, tạp chí văn nghệ bây giờ trả nhuận bút một bài thơ từ 50 ngàn tới 200 ngàn, truyện ngắn từ một trăm tới năm trăm ngàn, mà một anh làm thơ, cứ cho là đẻ giỏi thì một năm làm chừng hơn chục bài, cứ cho là giỏi quay vòng đi, mỗi bài thơ in hai lần, thì nhẩm ngay thu nhập của nhà thơ từ thơ. Thế mà vợ không cằn nhằn, con không bĩu môi mới lạ. Thế nhưng mà cũng rất lạ, số người làm thơ ở nước ta đông khủng khiếp, ngày càng phát triển, có người đùa giờ mà có vốn lập “trại cai nghiện thơ” là sẽ kiếm bộn tiền. Tất nhiên bệnh nhân vào đây phải là vợ con họ cưỡng bức, chứ phàm đã bập vào thơ thì đố anh nào tự nguyện cai nghiện, chả thế mà đã có rất nhiều vụ dùng thơ để lừa đảo mà mới nhất là anh  Nguyễn Đăng Khích- “nhà thơ nhà báo” Đăng Hạ lập ra một hệ thống thơ từ trung ương tới địa phương có hàng mấy nghìn người tham gia là ví dụ ?...
                                                                 

7 nhận xét:

Vũ Xuân Quản nói...

Bài viết sâu sắc, đọc thấm lắm.
Vũ Xuân Quản

Unknown nói...

cố viết ngăn nắp nhe anh Hùng, lý thú lắm. sau này có cái để người ta làm luận án tiến sị về lịch sử văn vẻ nước nhà

Nặc danh nói...

Phải nên viết là" cái kim thành cây thiết bổng, sợi tóc thành cáp quang ngay…" nếu không sẽ khập khễnh.

Trương Quang Thứ nói...

Bài viết rất thực tế, sâu sắc và thú vị. Mong được đón đoc các phần hấp dẫn tiếp theo của nhà thơ!
Trân trọng!

Lạc danh nói...

Không hiểu nổi câu "cái kim thành cáp quang" nghĩa là gì.???
Và câu "sợi tóc thành cáp quang" cũng không hiểu nốt.
Thiếu gì cách ví von mà các vị cứ phải dùng những khái niệm mà chưa hiểu rõ bản chất.???

Vũ Xuân Tửu nói...

Nghe nhà thơ VCH kể chuyện anh Phước gửi bài, lại nhớ cảnh mình khi xưa.
Hồi ấy, mình học dưới Hà Nội, cứ thứ bảy, lại ra quầy báo ở bến xe Hà Đông mua tờ Văn nghệ. Đọc mãi thấy mê, bèn viết bài, mang ra trụ sở tòa soạn ở 17, Trần Quốc Toản. Mình cứ ngồi đối diện cổng tòa soạn, chờ khi vắng người mới chạy ù sang, bỏ vội bì thư vào thùng treo bên cột cổng, lại cậy thử xem nắp có chắc không, rồi mới về.
Mãi mấy chục năm sau, mình mới có truyện ngắn Cánh chân sào, đăng trên tuần báo Văn nghệ. Truyện này, được 19 báo, tạp chí, đài đăng, phát lại. Thế mới thấy Văn nghệ nó sang. Cố nhà văn Đinh Công Diệp bảo, anh nào có truyện đăng Văn nghệ, coi như đỗ tú tài.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Một cháu bé ở Vũ Quang vì quá đói mà ngã xuống sông chết thảm! Bác hãy làm một entry lên án cái bệnh thành tích "chỉ tiêu giảm nghèo" của cán bộ: Để dân đói đến chết mà vẫn vô cảm! Hãy lên án bao công trình hoành tráng, báo số liệu báo cáo láo như mơ trong khi người dân vẫn chết đói tại "cường quốc về lúa gạo"! Chẳng đâu xa, hàng ngày người ta đổ đi biết bao là thức ăn thừa tại nhà hàng, quán xá...thế mà vẫn tồn tại cảnh người mẹ vét từng nắm gạo cuối cùng mà VTC đang chiếu! Vạch trần sự dối trá và lên án sự vô cảm: Đây cũng là sứ mệnh cao cả của văn chương Bác ạ!