Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

CÚ ĐẤM VÀ THÓI QUEN



          Nhớ năm nào đó, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh cấm pháo. Đây là việc động trời bởi pháo đã gắn với đời sống người Việt, đặc biệt vào cái thời khắc thiêng liêng là giao thừa, rồi các dịp vui như đám cưới, thượng thọ… nên dân tình vô cùng  nháo nhác. Rất nhiều người không tin là sẽ thực hiện được, rồi lại đầu voi đuôi chuột như các lệnh khác thôi. Hồi ấy cố thủ tướng ra mấy cái lệnh đều liên quan đến chữ Đ, như đốt (pháo), đường (chỉ thị 317 Ttg), Đầu tư, điện và 87/88 liên quan đến đèn mờ thì cũng có chữ Đ. Đến giờ chuyện pháo đã trở thành dĩ vãng, và mọi người thấy rằng, không có pháo cũng không có ai… chết như hồi đầu có người đã nghĩ, kể cả người đang viết bài này.

          Bây giờ lại đang có ý kiến là cấm xe máy. Dân tình cũng đang sốc, rất nhiều ý kiến phản biện. Thì quả là, không biết từ đâu và từ hồi nào, cái xe máy nó lại dính cứng lấy… mông người Việt đến như thế. Tôi nghiệm thấy có 2 món vật dụng được người Việt ta “phổ cập” nhanh nhất là xe máy và điện thoại di động. Có thời chỉ đại gia mới có con di động to như cục gạch vừa để a lô vừa để… chèn bánh xe lỡ khi mất phanh, giờ thì các anh xe ôm, các chị bán rau, các o bán vịt lộn, các bà mua ve chai, em bán vé số… đều dùng điện thoại như vật bất ly thân.

          Nhưng xe máy thì khác. Đã đành nó là vật dụng phù hợp với đời sống người Việt, nhưng nó cũng gây nên những thảm cảnh mà ai cũng chứng kiến hàng ngày: tắc đường và tai nạn. Trên thế giới chắc chỉ có dân Việt ta là xài xe máy kín đường như thế, nhà nghèo thì  một hai cái, nhà giàu thì ba bốn năm sáu, xe máy từ là đồ trang sức, là của để dành, trở thành vật dụng thông thường.

          Cứ tốc độ này, xe máy sẽ chen người và choán hết chỗ của người. Con người phải sống chung và tranh cướp không gian chật chội với xe máy. Nó từ chỗ là vật dụng thân thuộc hữu ích trở thành… tội nợ. Xe máy nó khiến cho con người lười một cách khủng khiếp. Bước chân ra khỏi nhà là phải xe máy, dăm bước chân cũng xe máy. Dẫu hoàn toàn không muốn lấy nước ngoài để so sánh, nhưng đúng là mấy nước mà tôi từng qua, xe máy rất ít, có những nơi hầu như không có như Singapore, thế mà đất nước của họ vẫn phát triển, vẫn không có ai chết vì phải… đi bộ, đi tàu điện ngầm, đi xe bus.

          Tất nhiên để hạn chế tiến tới cấm xe máy thì nhà nước cũng phải bảo đảm điều kiện để thay thế, nhưng không có nghĩa là con người không phải đi bộ. Để đến bến xe bus, bến tàu điện ngầm… vẫn phải đi bộ, trung bình năm trăm mét đến một cây số. Và thú thật, tôi rất thích ngắm các cô gái mặc váy công sở chân tăm tắp đi thoăn thoắt ở các ga xe bus hoặc tàu điện ngầm bên Singapore. Trời cho cái dáng chuẩn thế, cặp chân đẹp thế, không đi bộ để khoe cũng phí. Nhưng phải nói thêm, là đường phải thông, hè phải thoáng và rất ít bụi để các cô có dịp khoe.

          Cũng như thế, chúng ta đã hô hào cải cách giáo dục suốt mấy chục năm nay rồi, năm nào cũng cải cách, cuối cùng cứ loay hoay để… trở về như cũ. Tức là không có một cải cách quyết liệt, từ gốc, mà ta cứ nhắm vào mấy kỳ thi, lấy các kỳ thi làm gốc trong khi thi tốt nghiệp thì toàn gần 100% là đỗ và lấy đấy là thước đo sự ưu việt của nền giáo dục.

          Bởi nếu chỉ có mình ngành giáo dục thì không thể cải cách gì được hết, khi mà các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng lại dựa vào bằng cấp. Thế là bằng mọi giá người ta phải có một cái bằng, các cơ sở đào tạo mọc ra như nấm để đáp ứng nhu cầu bằng này. Khi tuyển dụng tiến thêm một bước là cộng điểm tốt nghiệp thì các trường tư thục, các trường yếu thế hơn lại bỗng nhiên có giá, bởi học ở đấy dễ… giỏi hơn, điểm cộng sẽ cao hơn. Thế nên mới có chuyện cử nhân văn chương ra làm việc bảo thảo cái công văn nửa trang không xong. Cử nhân Sử hỏi Đoàn Trưng Đoàn Trực là ai không biết. Nhưng điểm cộng của họ lại cao hơn người giỏi thật sự  học ở các trường lớn. Ở trường đại học nghiêm túc, có uy tín, trường tốp trên ấy, họ chấm điểm đúng chất lượng, thì cả lớp tốt nghiệp chỉ dăm ba người giỏi chứ lấy đâu như nước lũ ở các trường ngoài công lập kia, nên đương nhiên là người học lơ mơ nhưng điểm cao được tuyển, và cái vòng cộng ấy gạt hết người giỏi ra ngoài… Nếu không cải cách triệt để từ chuyện học, chuyện thi đến tuyển dụng thì người giỏi vẫn không có nơi làm việc và người kém sẽ vẫn được ngồi chễm chệ ở cái nơi mà lẽ ra họ không nên và không được phép ngồi.

          Biết thế, nhưng ai là người ra cú đấm cuối cùng.

          Chúng ta giờ hay nương theo dư luận. Có những chuyện nghe dư luận là đúng, như mấy ông bà ngồi nghĩ ra chuyện ngực lép không được lái xe, ngay cái quy định nam phải trên 1,6 mét mới được lái xe giờ cũng lỗi thời rồi, bởi xe hiện đại nó thỏa mãn hết mọi nhu cầu của con người, có hệ thống trợ lực hết, không cần đến cơ bắp cũng như chiều cao như xe đời cũ, nhưng cái quy định ấy thì vẫn còn, và vì thế, mà phải… chạy. Rất nhiều người hiện đang lái xe ô tô không đủ chiều cao 1,6 mét phải chạy mua giấy khám sức khỏe, và họ vẫn lái tốt. Hay việc cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

          Nhưng có những chuyện dư luận nảy ra từ những thói quen. Chúng ta đã quen đã thi tốt nghiệp thì không được 100% cũng phải đỗ 98%, dưới đấy là không được, có đủ lý do để không thể được, nên có năm nào đấy, thử thít lại một cái, thế là ào ào như ong vỡ tổ, như ngày tận thế đã đến, nên rồi lại… thi đợt 2, và… như cũ. Cũng vậy là cái thói quen chạy xe máy từ trong nhà ra đường, để rồi hòa vào cái dòng xe như một dòng sông khổng lồ không chảy. Ngay cả đi bộ thể dục buổi sáng buổi chiều thì cũng chạy xe máy đến nơi gửi xe rồi mới đi. Xong lại cưỡi xe máy về…

          Thôi thì trong khi chưa đâu vào đâu, cứ phải chờ vậy. Chờ cũng là một thói quen, biết làm sao được…
                                               

9 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

- Lại nói chuyện cấm pháo: Hồi ấy, chúng tôi làm kế hoạch bảo vệ tết, có đề xuất cấm pháo, nhưng không ai đoái hoài. Đến khi ông trên ra lệnh cấm, thế là trên dưới cùng a-la-xô. Lạ thế...
- Còn chuyện cấm xe máy: Hình như, cấm xe máy là của mấy ông đi ô-tô nghĩ ra, cầu trời mấy ông đó có máy bay riêng để cấm ô-tô. Còn như cái anh xe đạp, chẳng ai ra lệnh cấm, thế mà nó dần đi vào lịch sử... Có lẽ, Lịch sử loài người là lịch sử phát triển của phương tiện giao thông.
Vũ Xuân Tửu

Alo nói...

Người mình hay ý kiến và hay tranh cãi quá cho nên không giải quyết được việc gì cả. Từ những chuyện nhỏ như chiếm dụng vỉa hè lòng đường, nhà siêu mỏng siêu méo,đền bù giải tỏa đất đến chuyện vừa như CCGD cho đến chuyện xâm lăng của TQ quan hệ Việt-Mỹ vv...quanh năm chỉ thấy tranh cãi và tranh cãi.
Về CCGD thì người ta tranh cãi từ vài chục năm nay rồi,nhiều người chủ chốt(phần lớn là GS TS,quan chức, cây đa cây đề) tranh cãi trước đây thì bây giờ lại vẫn tham gia tiếp tục tranh cãi với những người mới bắt đầu tranh cãi.Tại sao có chuyện như thế? Một là dốt thì hay ý kiến, hai là biết 1 mà không biết 10 cũng rất hay ý kiến ý cò.
Do đó muốn được việc thì cần phải có cú đấm thẳng tay như cụ Kiệt đấm pháo Bình Đà ấy,không ai chết trái lại dân tình bây giờ sung túc văn minh ít tai nạn hơn.
Tui thấy trong CCGD có một chuyện không thấy các GS TS tranh cãi mấy
đó là chuyện ngủ dậy thấy mình từ phó trở thành tiến sỹ mà không phải chạy đồng nào và sau đó hễ anh nào làm NCS đều thành TS. Tôi nghĩ các GS TS hiện nay nên lập đền thờ để thờ anh nào đưa ra cú đấm ngoạn mục này.

Nặc danh nói...

tham luận ở bài này rộng quá bác ơi, dễ lạc đề, em chỉ chém tý về phần 1, xe máy và đô thị. Ở VNNET đang có tranh luận hay về phố cổ HN, ng ngoài HN thi nhau chửi, miệt thị ng phố cổ, đơn giản chuyển hết các cơ quan trung ương, HN, trường học, bệnh viện, v,v... ra khỏi trung tâm là sẽ vắng vẻ, quạnh hiu, ko có tắc đường, đông xe đap, ôtô, xe máy,... nhưng mãi mãi ko bao giờ có chuyện đó, con ng, quan chức, lãnh đạo, sẽ ra ngoại thành, về quê cho... sướng, he...he ko cần thủ đô nữa, phwvs tạp ...bỏ mẹ

Khách qua đường nói...

Ở đời, cái gì bị lạm dụng quá mức, thậm chí, ý nghĩa gốc của nó cũng không còn, sớm muộn gì cũng bị hạn chế hoặc xóa bỏ.
Mô-tô, xe máy thì xin nhường lời bình phẩm cho mọi người. Tôi chỉ nói về pháo.
Bạn nào đã mê pháo, chơi pháo, đi sâu về pháo, mới thấy hụt hẫng, mất đi hơn nửa cái Tết, khi bị ông-chồng- bà-Cầm ban bố lệnh cấm đốt pháo.Lý do cấm thì ai cũng rõ:
an ninh, an toàn, lãng phí...Tôi chỉ đi vào cái hay, cái đẹp, cái sung sướng, cái mỹ tục của pháo.
Đã chơi pháo, mê pháo rồi, khi nghe tràng pháo nổ, Bạn sẽ cảm được nhiều cái trong đó. Vòng đời mỗi một người, chỉ được mấy chục lần đón cái giây phút giao thừa của dương thế, của đất trời. Phút giao thừa ấy sẽ mất gần hết cái không khí đón năm mới khi thiếu đi tràng pháo. Và tiếng pháo nổ chỉ diễn ra trong không gian, thời gian này mới có ý nghĩa duy nhất, trọn vẹn. Đoàng...đoàng...đoàng
(to, thưa).Đoàng, đoàng, đoàng, đoàng(nhỏ, trầm, nhặt). Rồi réo rắc hàng chục tràng pháo từ khởi đầu còn đếm được, nối nhau, gối lên nhau đến độ lạnh cả sống lưng.
Và kết thúc bằng 3-4 tiếng nổ uy nghiêm, chát chúa. Khói pháo từ sân bay vào nhà. Khói nhan cúng giao thừa nghi nghút bay ra sân. Thầy, mẹ, vợ chồng, con cháu dùng bánh, uống trà, chúc mừng năm mới!
Nghĩ cạn thì thương. Nghĩ cùng thì hận cái ông-chồng-bà-Cầm...

Unknown nói...

Văn hóa xe máy.
Đúng,là xe máy sẽ tạo một thói quen cho người ta ở sự tùy tiện. Ví dụ ở SG bà nội trợ chỉ cần thắng xe ở vỉa hè là mua đc bao nhiêu thứ, và người bán ở chợ, sau khi đã đăng ký và nộp thuế thì biết bán cho ai? Trong khi đó người bán rong thì xả rác và ko tốn phí, khi có CA thì zọt...hehe. Nhưng khi nói tới vấn đề xe máy thì mình phải suy nghĩ dùm... hình minh họa của tác già chắc là ở miệt TB. Ta sẽ thấy đó là những người đầy lo toan cho cuộc sống. Chính họ là những người ngày đêm làm ra của cải cho xã hội. Rất thương họ! Vậy cái đáng trách là gì? Đó là " hạ tầng cơ sở"...hehe...tôi ko nói thêm về 'Thượng tầng..." Nếu hệ thống xe công cộng ngo cơm, tui ngu gì đi xe máy. Lúc đó xe máy sẽ tự đào thải. Nó chỉ xuất hiện ở nông thôn.Và đừng nên kết tội xe máy khi chúng ta chưa làm đc gì.PS: Mấy hôm nay báo chí cũng có bài kết tội um sùm.

Tuấn trắng nói...

Ngoài chuyện cấm pháo, một chuyện nữa cũng có cái kết rất ngoạn mục và đầy bất ngờ, là đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Còn lại thì chủ yếu là...tầm phào, không khả thi, trái quy luật, gượng ép, duy ý chí, không có lợi cho đời sống người dân... Không cần liệt kê, tốn "đất" của VCH.
Chuyện cấm xe máy cũng duy ý chí. Hãy để quy luật phát triển điều tiết nó, giống như chiếc xe đạp bây giờ, như bác Vũ Xuân Tửu nói.

Nặc danh nói...

Cấm xe máy vẫn không xóa được ùn tắc giao thông.Nhật(Tokyo) có xe máy mấy đâu vẫn tắc đường.
Còn tập trung mọi thứ tốt nhất(Bệnh viện tốt nhất,trường học tốt nhất,nhà hàng ,cửa hiệu tốt nhất...)vào Thủ đô và thành phố lớn thì còn tắc đường.Mai ngày còn học tập Đà Nẵng,Bình dương xây nhà cao tầng dồn tất cả các cơ quan vào một chỗ thì đường càng tắc nữa.("Cú đấm" này cũng đáng lo đây)

Nặc danh nói...

các bác ơi, phàm là lãnh đạo lúc nào cũng đúng...Lãnh đạo các ngành phải hóa trang đi thực tế sẽ biết, chứ cứ nghe báo cáo, sai hết. Ví dụ Bộ trg y tế thử 1 mình đi các bệnh viện, bảo vệ đicách xa, thấy rõ hết. Bộ trưởng công an, giao thông, cho xe mình chạy sau, ngồi thử xe khách, xe tải, choáng luôn, từ chức liền... mà việc này ko cần phải đi học ở đâu, lòng người, đạo đức người thôi

Người trong cuọc nói...

Oi, nói ra thì đau lòng, không nói thì ấm ức; không biết xã hội này đi về đâu khi thượng thư bộ lại chỉ ký và nhận, lớp con cháu của họ được ngồi vào mâm để trực tiếp vận hành cơ chế; mọi việc từ óc một đứa chuyên viên nào đó , mà nó thì ngòi trên mây đề xuất, qua cửa vụ ký nháy, lên thượng thư trình rồi ký; ban hành bắt thảo dân thực hiện không được thì bỏ có chết âi đâu; chỉ tội cho công dân của một đất nước mà có thể chế giỏi giảng rứa thôi !