Nhân mấy ngày nghỉ, tôi lọ mọ tìm
những bài hát về Tây Nguyên cop vào iPad để nghe khi di chuyển trên đường. Và
tôi đã vô cùng sửng sốt khi tìm được bài “Dấu
chân trên rừng” của nhạc sĩ Vĩnh An. Sửng sốt bởi những người ở thế hệ trên
50 dưới 60 tuổi chúng tôi từng nghe bài này trên Đài tiếng nói Việt Nam, rồi im
bặt, chả nghe lại nữa. Cứ như là chưa từng có bài này. Bây giờ nói đến Tây
Nguyên là “Mi Mô sa từ đâu em đến”, là “Còn một chút gì để nhớ”, “Ca ngợi anh
hùng Núp”, là Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor… vân vân…
Suốt
2 ngày trời, tôi liên tục mở bài này để nghe, và bằng khả năng thẩm nhạc lõm
bõm của mình, tôi khẳng định, đây mới là bài hát hay nhất về Tây Nguyên từ xưa
đến nay!!!
Tôi
không rõ thời gian ra đời của bài hát này, nhưng biết nó có từ thời đầu của cuộc
kháng chiến chống Mỹ, ngay sau khi nhạc sĩ Vĩnh An tập kết ra Bắc. Cứ căn vào
cái bản mà tôi tìm được đầu tiên là do ca sĩ Song Ninh cùng dàn nhạc Đài tiếng
nói Việt Nam thu thanh thì chắc nó phải ra đời từ hồi cuối những năm 50 đầu những
năm 60 của thế kỷ XX. Theo chú thích của trang baicadicungnamthang.net thì ca sĩ Song Ninh chính là phu nhân của
giáo sư Hoàng Xuân Tùy, nguyên là hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội,
sau làm thứ trưởng bộ Giáo Dục Việt Nam. Bà là mẹ của Hoàng Lê Minh, người đoạt
huy chương vàng toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam, hiện là viện trưởng viện
Công nghệ phần mềm và nội dung số của bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhạc
sĩ Vĩnh An là người Bình Định, ông là tác giả của 300 ca khúc, trong đó có nhiều
bài nổi tiếng như “Nắng ấm quê hương”, “Đi tìm người hát Lý thương nhau”… và là
phu quân của một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng, NSND Đàm Liên.
Bài
hát có cả giai điệu và ca từ rất lạ. Nó rất lạc quan, nhí nhảnh theo cái gu thời
ấy, nhưng tận cùng chiều sâu của nó, ta vẫn bắt gặp nỗi buồn, một nỗi buồn rất
cá thể, như có thể nắm bắt được, lại như mông lung lan tỏa giữa một không gian
vời vợi Tây Nguyên thăm thẳm của một tâm trạng day dứt bồi hồi, trong một thời
gian cụ thể là một buổi chiều. Buổi chiều thường buồn, huống gì chiều Tây
Nguyên vời vợi thế, vô định thế, mênh mang thế, lễnh loãng thế. “Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng/ Lặng
nghe con chim nó kêu lạc đàn/Núi rừng đó người đâu không có/ Mà dấu chân còn rõ
trên đường/ Rừng xanh năm tháng đợi chờ bóng dáng/ Người đi năm xưa vẫn chưa trở
về/ Lá rợp lá cành che khe đá/ Mà núi sâu còn dấu chân người”… Nội dung cụ
thể của bài hát là nỗi nhớ của người dân Tây Nguyên với các chiến sĩ bộ đội sau
khi họ rút đi tập kết chỉ còn những dấu chân trên rừng, nhưng cách xử lý của
tác giả rất giỏi để nó không hào hùng quá nhưng cũng không bi lụy quá, nó cũng
không chung chung, mà là một nỗi nhớ có thật của một cá thể nhớ một cá thể bằng
trái tim phập phồng yêu, vì thế cái từ “người”
giỏi vô cùng. Âm hưởng dân ca vừa phải đủ để bài hát không chỉ nhớ mà cả
thương, không chỉ là cái nhớ cái thương vô hồn mà nó rất cụ thể, mỗi đoạn nhạc
cất lên là thấy có nước mắt chảy, thấy có sự dập duội của con tim, xa vắng và
thao thiết, gửi gắm và hy vọng, nhưng chung quy vẫn là nỗi cách xa. Và cách xử
lý cách xa thông dụng là nhấm nháp ký ức “Nhớ
năm tháng nào còn đó khi bóng người về đây/ Ơi ơi các anh bộ đội mang trái tim
Cụ Hồ/ Đến với lòng dân nơi buôn rừng xanh/ Mưa trên rừng lạnh lắm không có lều
mà che/ Đi trong đêm mờ mịt không ánh sao rọi đường/ Nước suối cầm hơi anh đi về
đâu/ Đánh lũ giặc Pháp giữ cái buôn, giữ cái rừng (ê ê hề hê)/ Đi theo cái khe,
theo cái suối, theo cánh chim trên rừng (ê hề)/ Khi các anh dừng chân ghé qua,
tiếng người hát tiếng đàn t’rưng ca/ Buôn làng em bắc thêm cần rượu/ Núi Ơ-lang
đã nở hoa bốn mùa cảnh thay/ Suối Đakhora lặng lờ như nhớ ai đợi chờ/ Tiếng hát
lời thơ năm xưa bên dòng suối/ Nhắn con chim rừng ngừng cánh hỡi chim rừng về
đâu/ Cho nhớ thương gửi lời đem đến anh bộ đội/ Xa xôi hỡi anh nghe chăng bao lời
ca”... Là một nhà thơ nhưng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ dùng nhiều
chữ đến thế trong một ca khúc. Thường thì các nhạc sĩ chỉ dùng một đoạn thơ hoặc
văn vần ngắn rồi lặp đi lặp lại, nhưng ở đây nhạc sĩ Vĩnh An đã dùng nguyên cả
đoạn lời rất dài để diễn tả hết cảm xúc, và các chữ đều đắt, không phô và thô
như một số lời bài hát gần đây, dù nó cũng rất thực. Toàn bộ lời bài hát là các
trạng huống cảm xúc của những người xa nhau, nhớ nhau, trải lòng về nhau, vời vợi
thẳm sâu: “Đặt chân trên dấu chân người vắng
bóng/ Trồng cây hoa bên dấu chân của người/ Nước ngừng xối, cành thôi rơi lá, để
dấu chân còn cả trên đường/ Người đi năm tháng không mờ bóng dáng/ Lòng dân như
con suối trong đợi chờ/ Thú rừng trốn lùi sau ánh nắng, ngày dấu chân người cũ
lại về”...
Té
ra không chỉ mình tôi thích bài hát này, mà suốt 2 ngày trời, các con tôi, là
những trí thức đời mới, sống ở thành phố Hồ Chí Minh, là thành phố sôi động nhất
nước, đã cùng nghe với tôi, rồi rất nhiều bạn bè khi được tôi chia sẻ đã cùng
công nhận đây là bài hát hay nhất về Tây Nguyên từ trước đến nay. Sau bản đầu
tiên do ca sĩ Song Ninh và tốp ca thu thanh tại đài Tiếng Nói Việt Nam thì bài
này đã được các ca sĩ Tuyết Nhung- Thanh Hương song ca (đây là 2 ca sĩ nổi tiếng
của ĐTNVN một thời), tốp ca nữ đoàn văn công Tổng cục chính trị… và mới nhất là
ca sĩ Anh Thơ mới thu thanh. Tôi đã nghe tất cả các bản thu ấy và đến giờ vẫn
thấy thích nhất bản do chị Song Ninh và tốp nữ hát. Tôi nhận thấy trong ấy tâm
trạng và thân phận của nhạc sĩ, và cũng chiêm nghiệm được những dấu lặng phía
sau những khuôn nhạc, phía cuối những nốt nhạc.
Rất
muốn ý kiến của mình là không chủ quan, nên tôi mời các bạn vào trang http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/dau-chan-tren-rung-3809.html
cùng nghe nhé, rồi từ đó nghe tiếp các bản thu khác, của bài hát này…
5 nhận xét:
Thế hệ chúng tôi hầu như ai cũng biết bài hát này nhưng đọc bài viết của Văn Công Hùng mới cảm nhận được cái hay của ca khúc. Cám ơn VCH! Xin phép tác giả mượn bài viết mang về nhà giới thiệu cùng bạn bè.
Trang Nhị Hà văn quán: http://nhihavanquan.com/vi/spct/id890/TUNG-CO-MOT-BAI-HAT-RAT-HAY-VE-TAY-NGUYEN/
Thời trẻ mình cũng đã được nghe
Lần đầu tiên được biết và nghe bài hát này, hoặc đã nghe mà không nhớ, nên để nói là hay hoặc không hay thì cũng khó, nhưng nếu nói là bài hay nhất về tây nguyên, e hơi chủ quan.
Đúng là thời trẻ mình cũng đã nghe và thích bài này .Không hiểu vì sao mà lại không được phát lên ĐTNVN hoặc TIVI?
Tương tự một số bài hát cũng chỉ có một thời?
Rất cám ơn anh Văn Công Hùng. Tình cờ thế nào mà hôm nay tôi cũng đi tìm bài hát này và lần tới trang này, biết thêm được một số thông tin mà mình không biết (về nhạc sĩ Vĩnh An, về bà Song Ninh...). Các giai điệu của bài hát này khắc rất sâu trong óc tôi từ thủa ấu thơ cách nay đã hơn 1/2 thế kỷ, nó là một trong những giai điệu, ca từ đầu tiên làm cho ta yêu những người bộ đội cụ Hồ đích thực, những người lính của Quân đội Nhân dân, bên cạnh rất nhiều những khúc hát khác. Và hơn thế, từ chính những tấm gương của cha, anh.
Đăng nhận xét