Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

TÉ RA XOAN CHÍNH LÀ XUÂN

Một ngày lâu rồi, giáp tết vừa rồi, mình về Phú Thọ, được các đại ca Nguyễn Hữu Nhàn, Kim Dũng, Lê Kim Hạt, các bạn Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Tham Thiện Kế... đưa đi thăm làng Xoan cổ An Thái. Về rồi cập rập đủ thứ, mình đã phá lệ, sự phá lệ lười nhác và đáng trách: không viết được gì về chuyến đi ấy, trong khi, thông lệ, mình đã ghé đâu là về cố gắng có 1 cái ghi chép vui... Hôm kia bác nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm ở Quảng Ninh cũng điện hỏi: Ơ sao đi về lâu rồi chưa thấy viết gì???

Hôm nay giỗ tổ, đi uống cà phê về, ngồi lôi ipad ra xem lại mấy cái clip quay dạo ấy, lại thấy mồn một những gì đang chứng kiến, trong khi trên tv cũng đang Xoan.

Té ra Xoan chính là Xuân, nhưng phải gọi chệch đi cho khỏi húy. Nó như Thanh Hoa thành Thanh Hóa, Hồng thành Hường... quê tôi thì nói chệch tránh húy mới nặng. Ví dụ chú ruột tôi tên Dũng thì chệch thành Doãn, tiếng Huế nói thành Doạn. Hồi mới về quê nghe mấy o hỏi thăm cậu Doạn tôi chả hiểu nói ai, qua mấy vòng giải thích, dịch tiếng Huế ra tiếng... Việt thì mới biết là hỏi chú Dũng tôi.

Cũng như thế, tên ở nhà của ba tôi là Lai thì gọi là Lơi, không bao giờ gọi Thái mà là xắt bởi Thái là tên bà nội tôi...

Chị Nguyễn Thị Lịch, trùm nữ duy nhất của các làng Xoan tiếp chúng tôi tại đình làng An Thái, nhà có 5 đời hát Xoan. Hát Xoan có từ thời Vua Hùng. Bố chị làm ở công an nhưng cứ ngày nghỉ lại về và tập cho mọi người hát Xoan. Và chính ông truyền nghề lại cho chị. Giờ chị là nghệ nhân dân gian quốc gia. Chị học hát Xoan từ năm 13 tuổi, ông nội rồi bố là trùm phường nên đi đâu cũng lôi cháu, con gái đi. Và giờ chị thành trùm phường tiếp.

Làng có miếu cấm, nơi ngày xưa rước vua về để hát Xoan cho vua nghe. Sau cũng cứ thế. Đồn rằng Vua đi đánh giặc trở về, qua làng An Thái thì vợ vua đau bụng đẻ. Mãi không ra, dân làng đã đến hát cho vợ vua dễ đẻ và đã mẹ tròn con vuông. Người hát là bà Quế Hoa, và vợ vua tên là Xuân. An Thái chính là an thai. Và bà Quế Hoa là cụ tổ của hát Xoan.

Cái quý nhất là hát Xoan truyền đời này sang đời khác, nhưng mọi người hoàn toàn tự nguyện, thậm chí âm thầm, chứ không ai có lương tiền gì. Khác với Quan họ hay các dân ca cổ khác được khuyến khích lưu truyền. và bản thân nó cũng có sức hút, hát Xoan rất ít người biết cho đến ngày nó trở thành di sản thế giới...

Hát Xoan đã qua rất nhiều thời kỳ, từ tối cổ đến phong kiến, đến cả hiện đại ngày nay. Hát Xoan là loại tâm truyền...

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, một trong những nhà văn am hiểu về nông thôn nông dân nhất hiện nay, đặc biệt là vùng Phú Thọ đất tổ quê ông, chả hiểu sao ông lại quý tôi thế, luôn giúp tôi hiểu về vùng đất mà tôi luôn háo hức này. Lần đi này cũng thế, ông là một trong những người bày ra, rồi tổ chức cho tôi vào tận nới phát tích của hát Xoan, mà rồi vẫn chưa thấy đã, ông hẹn tôi lúc nào đấy, có nhiều thời gian (thứ mà tôi luôn luôn thiếu khi ra khỏi nhà, huhu), thì lên, ông sẽ dẫn tôi đi, còn nhiều nơi cổ và lạ lắm. Ông thổ công mà còn thấy lạ thì với tôi nó hứng thú đến thế nào? Nhưng rồi chưa biết lúc nào cái ý định ấy thực hiện được, bởi còn nhiều vùng đất tôi chưa đến nữa, nhiều nơi tôi cũng thèm nữa...

Nói thật là hồi đầu, mới đây thôi, khi Xoan trở thành di sản nhân loại, thấy tv chiếu hát Xoan, tôi xem rất hờ hững, và bảo sao mà lại bằng nhã nhạc cung đình Huế, bằng Quan họ... được. Té ra không phải thế. Lên tận nơi, ngồi nghe các chị các bà say sưa hát, thấy cũng rất là gì lắm. Nhưng cái giống nhạc nó thế, nghe quen là nó hay, bởi trình độ chung cỡ như tôi nó chỉ ngang bình dân học vụ. Vậy nên muốn Xoan có nhiều người thích và không bị thất truyền thì phải tìm cách phổ biến nó. Được biết tỉnh Phú Thọ có kế hoạch đưa Xoan phổ cập vào trường học. Ý định ấy tốt, và cũng cần mở rộng hơn nữa, để mọi con dân trên đất nước Việt Nam này nghe Xoan và thích Xoan. Gì thì gì, nó là điệu hát tối cổ từng phục vụ vua Hùng, từng làm cho một hoàng hậu AN THAI...

Gõ vội mấy dòng bái vọng vua Hùng với lòng kính trọng ngài và mong ngài khiến cho bọn tham ô tham nhũng, bọn đầu trâu mặt ngựa, bọn hại dân hại nước... lăn đùng bổ ngửa ra chết hết đi, để cho đất nước mãi XOAN...

Đình làng An Thái

KIệu trong đình

Các nghệ nhân hát Xoan, trùm Lịch ngoài cùng bên trái


Cột đình, các mộng đều khít rịt, không có đinh

Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc (đứng) nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (ngồi đầu bàn) đang thưa chuyện với các nghệ nhân
Hát Xoan cổ nó là như thế này



6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cột đình, các mộng đều khít rịt, không có đinh
...
Mầm chi có, vì kèo kiểu đó là mới làm lại và hở...toang hoách bác Hùng hói ơi

Nặc danh nói...

Tất cả nhà rường từ miền Bắc,Trung đến Huế đều không dùng đinh chứ gì riêng ngôi đền này..

An Trạch nói...

Hát gì hễ là di sản là lại đòi đưa vào trường học để khỏi mai một, kiểu này thì mấy đứa con cháu nhà tui ngày nào cũng xoan,xẩm,quan họ,ví dăm,hò huế,nhã nhạc,đờn ca tài tử... chắc tui chết mất thôi, hu hu

Tuấn trắng nói...

Thích nhất câu kết :" gõ vội mấy dòng bái vọng vua Hùng...để cho đất nước mãi Xoan".
Đất nước mãi xuân, thiên đường thật rồi, dưng mà phải chờ xây dựng xong...CNXH đã. Không biết cuối thế kỷ này có hình thành không...hehe

Trương Tính nói...

Hát xoan thì lo hát cho hay đi! Còn cầu Cụ Tổ vật bọn gian thần tham nhũng hại dân, hại nước thì Cụ không đành lòng đâu. Chúng cùng dường Cụ nhiều thế Cụ nỡ lòng nào!

Nặc danh nói...

Tôi quê Phú Thọ, có câu ca dao:
"Trai 30 tuổi đang xoan (xuân)
Gái 30 tuổi đã toan về già "