Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

TS MẠC VĂN TRANG LÀ CON TRAI LÃO AM

Hà Nội ngày 19-1-2014
Kính gửi nhà thơ Văn Công Hùng!
Vừa rồi, vào trang web của bác, Khải có đọc được bài viết về giáo dục mà bác nhận định là “cực hay” của TS Mạc Văn Trang. Khải đồng tình với bác, đó là một bài viết hay, có tâm, có tầm về thực trạng nền giáo dục nước nhà.

Nhân thấy bác nói bác không liên hệ được với tác giả, Khải đoán bác, cũng như đông đảo độc giả của trang web Văn Công Hùng ít biết về nhân thân của TS Mạc Văn Trang. Vậy xin giới thiệu đôi chút: Hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ trích đoạn “Con trâu nhà lão Am” trong sách học một thời (lão Am là nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết “Cái sân gạch” và “Vụ lúa chiêm” của nhà văn Đào Vũ). “Lão Am” là một nhân vật có thật ở ngoài đời, và TS Mạc Văn Trang chính là con trai của “lão Am”. Trong tiểu thuyết của Đào Vũ, anh được đổi tên là Trọng. Về việc này, Khải đã có bài viết in trên báo cách đây hơn chục năm. Xin cứ gửi đây và nếu có thể được, nhờ bác đưa lên cho bạn đọc của trang web Văn Công Hùng biết thêm về vị Tiến sĩ đáng kính này.
Thân!

                                                                     Phạm Khải



"Lão Am" chưa từng biết tiểu thuyết
“Cái sân gạch”?
                                                                  
PHẠM KHẢI

Nhiều bạn đọc đã biết: Lão Am là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết “Cái sân gạch” và “Vụ lúa chiêm”- hai trong bốn cuốn sách đã đưa nhà văn Đào Vũ đến với Giải thưởng Nhà nước (đợt I) về văn học - nghệ thuật. Tuy nhiên, hẳn ít người biết rằng, lão Am là một nhân vật có thật trong đời, với tên cúng cơm là Mạc Văn Tự. “Lão” người thôn Vũ La, xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, sinh năm 1890 và mất năm 1963. Nhà văn Đào Vũ đã từng đi thâm nhập thực tế ở quê “lão Am” để lấy chất liệu viết nên hai cuốn tiểu thuyết nói trên.

Theo như bài viết “Đào Vũ - nhà văn và họa sĩ tưởng một hóa hai” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì thời gian ấy “Hàng ngày, Đào Vũ đi làm đồng với bà con, đêm về tham gia hội họp và ghi chép. Rồi ông ở luôn đấy và sáng tác tiểu thuyết. Tất cả những nhân vật trong sách đều có thật. Cũng có những nhân vật ngoài đời rất thích được đưa vào tiểu thuyết của ông. Nhưng “lão Am” thì  đã “cự” lại. “Lão Am” không thích cái lão Am lạc hậu, hay suy bì dằn vặt trong tiểu thuyết. Đào Vũ phải thuyết phục mãi, cuối cùng “lão Am” ngoài đời mới bảo: “Thôi thì tùy nhà văn muốn viết gì thì viết. Viết về cái xấu của tôi cũng được. Miễn là để cho mọi người tốt lên vì hợp tác xã, đừng có lạc hậu tính toán cá nhân như tôi” (“Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ”- NXB Hội Nhà văn, 2001).   

Trước đây, qua một người bạn, tôi từng được nhiều lần tiếp xúc với một người con trai của “lão Am”. Anh hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Đó là Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nguyên Tổng biên tập tạp chí Phát triển giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo). Bởi vậy, khi nhận thấy ở câu chuyện trên có những điểm không thật đúng những gì mình biết, tôi đã liên lạc trở lại với anh.

Phạm Khải (PK): Anh còn nhớ những kỷ niệm về nhà văn Đào Vũ thời kỳ ông “nằm vùng” ở quê anh để viết nên “Cái sân gạch” và “Vụ lúa chiêm”?

Tiến sĩ Mạc Văn Trang (MVT): Hồi đó (quãng 1958-1959), miền Bắc có mấy hợp tác xã (HTX) vào loại điển hình tiên tiến, trong đó HTX Vũ La quê tôi là được đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi về tham quan, viết bài hơn cả. Thứ nhất là vì HTX này gặt hái được nhiều thành công hơn HTX An Bài - Chí Linh, thứ nữa là vì nó tiện đường tàu xe. Riêng con trâu nhà tôi, vì là trâu đực, vừa to béo vừa khỏe cày nên nó không chỉ được nhà văn Đào Vũ đề cập kỹ trong cuốn tiểu thuyết “Vụ lúa chiêm” sau này, mà trước đó, nhà văn Nguyễn Khải cũng đã mượn nó làm nguồn cảm hứng để viết nên cái bút ký  “Cày hai lưỡi” in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều lúc tôi đã nói đùa, như vậy là “hai nhà văn cày chung... một con trâu”. Chính tôi đã hướng dẫn ông Vũ cầm cày. Có thể nói, mặc dù xuất thân là “con nhà giàu”, song ông Vũ rất biết hòa đồng với quần chúng. Tôi còn nhớ, ngoài việc tìm hiểu thực tế để sáng tác, ông Vũ còn tham gia dạy bổ túc văn hóa, soạn các bài giảng phù hợp với người dân địa phương. ở quê tôi, chắc anh đã biết, người dân thường nói ngọng, ví dụ “nông dân” thì họ nói là “lông dân”. Để chữa tật đó, nhà văn Đào Vũ đã kỳ công soạn một bài tập: “Con bồ nông trong lồng nhăn nhó/ Nào ai người lấp ló liếc sang/ Nó nằm hai cánh xoè ngang/ Cái đầu lúc lắc...". Đại loại như thế. Bà con nông dân thích lắm.

PK: Trong các tác phẩm của nhà văn Đào Vũ, anh thích tác phẩm nào nhất?

Tiến sĩ MVT: Tôi thích “Cái sân gạch” hơn cả. Không phải vì trong đó có nhắc nhiều tới bố tôi mà vì nó đề cập tới đúng thời điểm HTX của thôn bắt đầu được thành lập. Thời kỳ ấy đẹp lắm. Vì là HTX cấp thấp nên bà con còn liên kết làm ăn một cách nhiệt tình, trung thực và vì thế nên rất có hiệu quả. Sau này, khi HTX phát triển ra toàn xã, bộ máy quản lý chẳng những cồng kềnh mà cung cách làm ăn lại thiên về “trống rong cờ mở” nên tình trạng “cha chung không ai khóc” đã nảy sinh. Cuốn “Vụ lúa chiêm” phản ánh thời kỳ này vì thế đã nặng về lý thuyết hơn là thực tế.

PK: Anh vừa nhắc tới “lão Am”. Xin được hỏi, khi cuốn “Cái sân gạch” ra đời, “lão” có phản ứng gì không?

Tiến sĩ MVT: Nói thật là ông cụ tôi không biết có cuốn sách đó. Một phần vì cụ ở hẳn nhà trên, không hay trò chuyện với cánh thanh niên. Phần nữa vì nhà văn Đào Vũ cũng không dám tặng sách cụ. Ăn ở nhà cụ mà viết “xấu” về cụ, cụ chẳng chửi cho chết cha. Kể nếu mà đọc, chắc cụ cũng bực mình, vì sách viết không đúng về cụ. Nhưng bọn tôi, lúc ấy tuy còn trẻ song rất hiểu là nhà văn khi sáng tác cũng cần phải hư cấu.

PK: Như vậy, không có chuyện cụ tán thành cuốn sách của nhà văn Đào Vũ với hàm ý “để cho mọi người tốt lên”, để “đừng có lạc hậu tính toán cá nhân như tôi”? Anh có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về sự khác nhau giữa “lão Am” ngoài đời và “lão Am” trong tiểu thuyết?

Tiến sĩ MVT: “Lão Am” không phải là người tự tư tự lợi như sách đã viết. Việc “lão” không muốn đem trâu của mình tập trung vào HTX không phải vì “lão” so đo hơn thiệt mà vì “lão” thương trâu, sợ trâu của mình không được “người ta” chăm sóc đúng kiểu. Sự thật thì sau này, khi con trâu nhà tôi được đưa vào công hữu hóa, người ta đã sử dụng nó một cách vô tội vạ. Ngoài việc đi cày, nó còn phải kéo xe chở nguyên vật liệu xây dựng, kéo máy ép mía. Rốt cục nó đã gục chết vì kiệt sức. May mà khi ấy cụ tôi đã mất, chứ nếu cụ tôi mà biết, hẳn cụ đau lòng lắm... Nhân đây cũng cần nói thêm, trong tiểu thuyết của mình, nhà văn Đào Vũ có nêu bật cuộc đấu tranh về quan điểm giữa lớp trẻ tiến bộ, trong đó có tôi (vai nhân vật Trọng) với những người như ông cụ, đại diện cho tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Việc tuy hơi cường điệu nhưng cơ bản là có thật. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thanh niên chúng tôi thời đó đã không hiểu đúng các cụ. Đặc biệt là sau những thất bại của phong trào HTX mới thấy các cụ chín chắn, từng trải bởi các cụ chỉ tin vào những gì mà các cụ thấy thật có cơ sở. Có thể nói, ông cụ tôi là người bản lĩnh. Cụ bảo vệ quan điểm của mình đến cùng.

PK: Chính điều đó đã làm nên “sức sống” của cụ. Theo nhận định của nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn thì “lão Am đã vượt qua cả ý định của tác giả để trở thành nhân vật mang giá trị dự báo”. Và “thời gian đã minh oan cho lão, lão không phải là nhân vật điển hình của người nông dân tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu...”. Xin hỏi anh câu cuối cùng: Trong mấy chục năm qua, quan hệ của anh với nhà văn Đào Vũ thế nào?

Tiến sĩ MVT: Chúng tôi vẫn thường qua lại, thăm hỏi nhau, nhất là thời kỳ nhà văn Đào Vũ còn ở phố Trần Hưng Đạo. Cách đây mấy năm, tôi còn cùng ông về lại Vũ La để tham gia bộ phim làm về thời kỳ ông đi thâm nhập thực tế để sáng tác nên “Cái sân gạch” và “Vụ lúa chiêm”. Bà con  ai nấy đều tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhà văn Đào Vũ và kết quả là anh em quay phim đã “bắt” được một cảnh rất tự nhiên và cảm động. Một số cán bộ chương trình truyền hình VTV3 đã nhận xét bộ phim về nhà văn Đào Vũ là một trong những bộ phim thành công về thể tài chân dung văn nghệ sĩ...

                                                                       




2 nhận xét:

nacdanh nói...

Có gì đó không bình thường sao?

Nặc danh nói...

Hình như bài phỏng vấn này bị thiêu thiếu cái phần...đuôi? Chắc bị cắt?