Nó là cuốn sách của Kế ấy mà, nó viết về mấy chục văn nhân của đất nước. Văn tên này thì kinh rồi, cứ giẫy lên đành đạch mà lại lả lướt như cái dáng ngã ba sông quê hắn, cái nhìn của y cũng sắc lẹm, như lột... áo người khác ra nhưng lại vẫn nghiêm cẩn nhà cháu cứ là kính mời bác ngồi chơi xơi nước để nhà cháu thưa chuyện...
Bài này là của Nico, một nữ sĩ xinh đẹp giỏi giang đang ở Pháp. Chị này mình mới gặp trên... mạng, nhưng biết chắc chắn chị tài và xinh, hihi...
-------------
Miền lưu dấu văn nhân
Nhà sách
Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn 2013
Nico
Loại hình chân dung đang bùng nổ. Không có gì lạ khi nó
đáp ứng từ hai phía: nhu cầu chính đáng được nâng niu tên tuổi, nhu cầu khám
phá một thế giới khác với những gì bộc lộ trong sáng tạo của văn nghệ sĩ nhằm nghiên
cứu mối liên quan giữa tác giả và tác phẩm. Cũng phải kể thêm nhu cầu bản năng của
số đông là thỏa mãn trí tò mò trước đời tư hấp dẫn của những nhân vật danh
tiếng. Riêng nhà văn, khi bắt tay vào viết, trước hết là cuộc cam kết về trách
nhiệm của họ với từng nhân vật có thật ngoài đời và với văn chương. Sau đó là
cách thức nhìn nhận khi anh ta trình diễn trước công chúng những người đã hoặc
chưa nổi tiếng, những đam mê và khát vọng, thành công và thất bại của mỗi cá
nhân để từ đó dựng nên khung cảnh văn chương của một thời đại.
Vì thế để có một chân dung đích thực theo đúng nghĩa
không đơn giản. Người ta dùng chì than xổ vài nét một gương mặt, thuyết phục đó
là chân dung tôi, phác thêm bông hoa,
gật gù: cái này gọi là chân dung nghệ
thuật. Kể hay tả về một người được gọi là chân dung, lăng-xê bằng vài tính từ có thể gắn cho văn sĩ cũng đúng
hay thượng nghị sĩ cũng chẳng sai, dù ngợi ca hoặc bài khích trên sách báo, được
tóm đồng là chân dung văn học.
Nơi tôi sống, xứ sở mà chân dung được coi là một thể loại văn học từ những năm 1650, được bàn
sâu và cụ thể trên giảng đường các trường đại học, thì chân dung nghệ thuật nó phức tạp hơn bông hoa một chút và chân dung văn học cũng phong phú hơn
phương diện tính từ một chút.
Chân dung, đơn thuần là sao chụp, khắc họa con người
trong một khoảnh khắc của cuộc sống, thiết lập nó trong bộ nhớ, chống lại sự
hao mòn của thời gian, giống như những chấm phá của ánh sáng, của màu sắc.Chân dung nghệ thuật là tinh hoa của
nhiều khoảnh khắc tạo nên thần thái một gương mặt, bật thức dấu ấn thành công
và thất bại, niềm vui và đau khổ mà nhân vật đã thấm trải. Chân dung văn học, ngoài việc phải làm được hai công việc trên, còn
phải có khả năng kích hoạt được sự quan tâm và cảm xúc của người đọc, phản ánh
được hình ảnh của một thời đại, của một nền văn hóa mà tác giả và nhân vật làm
nhân chứng. Chân dung đơn thuần là
sản phẩm tự nhiên và chân thực của tình cảm yêu mến. Không mấy ai thực hiện
chân dung người mình căm ghét để treo trong nhà. Chân dung nghệ thuật và chân
dung văn học bộc lộ chi tiết về hình thức và tâm lý không những bằng tình
yêu mà có khi còn bị sự thù ghét phối dẫn ngòi bút tác giả. Nhân vật bị đẽo gọt
theo tâm trạng và cảm xúc của người viết, được trao phó cho tài năng, nhân cách
và uy tín của tác giả để gây sức ảnh hưởng tới sự tôn trọng hay khinh ghét của
người đời.
Tôi nhớ, một giáo sư Pháp từng kể trên bục giảng về tập
truyện ngắn trong đó có «Viên mỡ bò[1]» của
Maupassant. Flaubert[2]
-lúc đó đã nổi tiếng, nhận được cuốn sách của tác giả gửi, nồng nhiệt thốt lên:
Tôi coi «Viênmỡ bò» là một kiệt tác. Đúng
vậy anh bạn trẻ ạ. Không hơn, không kém, một kiệt tác của bậc thầy… Cô gái của
anh duyên dáng đấy, nhưng, giá anh có thể làm cho nàng mảnh mai hơn một chút
thì tôi mới thật sự vừa lòng»! Sau này, các nhà nghiên cứu phê bình, khi so
sánh nhân vật «Viên mỡ bò »
trong cuốn sách được xuất bản với bản thảo gốc, nhận thấy nhân vật đã bị nhào nặn
lại, giảm mỡ ở bộ phận này, khéo léo che giấu cơ quan khác dù hình ảnh nàng được
lấy từ một nguyên mẫu có thật là cô Adrienne Legayhết sức tròn trịa ngoài đời. Cho
nên, tuy thành công, nhưng «Viên mỡ bò» là một nhân vật của truyện chứ không thể
là một chân dung.
Vậy thì mối quan tâm trong một tập sách chân dung, chính là sự thật. Sự thật làm
nên sự thành công của một tập chân dung. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong tập
sách này? Bởi ngay chính say mê yêu dấu chỉ cần quá liều lượng khi phóng
bút có khả năng vô tình biến đổi chân
dung thành một hình tượng hay một
điển hình văn học. Điều này làm mất
nguyên tắc thống soái của thể loại chân dung: đó là sự pha trộn của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên.Không có chúng, chân
dung của anh bỗng trở thành một nhân vật được sáng tạo của truyện ngắn hay một
tiểu thuyết ngoài ý muốn.
«Miền lưu dấu văn nhân» - Ba mươi nhân vật, ba mươi
số phận công dân với cá tính trội. Người tóc bạc lẫy lừng, kẻ tuổi xanh chập chững.
Người sách, tranh, tiền bạc ngang đầu, kẻ khó rớt. Người ngựa xe đón đưa mỗi bước,
kẻ hoang khuất miền quê. Tất cả bình đẳng
ngồi chung chiếu thời cuộc vì cùng mang thiên chức sáng tạo nghệ thuật trong
mình.
Ai đã thưởng thức tập sách da diết «Dặm ngàn hương cốm
Mẹ», lấp lánh tài hoa tùy bút của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, từng ngỡ ngàng
với khả năng phù phép chữ và hình ảnh cùng những liên tưởng không giới hạn, thì
trong «Miền lưu dấu văn nhân» sẽ lại có dịp được chiêm ngưỡng nhà ảo thuật chơi
cùng bàn phím, biến ảo nhuần nhuyễn giữa truyện ký và tùy bút. Huy động những kỷ
niệm tình cờ, các tiệc rượu hay những cuộc tiếp xúc với các văn nhân - những
người vừa là bạn chơi, vừa là đồng nghiệp, sắp đặt dữ liệu kiểu ngẫu hứng, chọn
lựa chi tiết ngoại hình, qua kỹ năng ví von và ẩn dụ, tác giả thắp sáng cơ chế
suy nghĩ và mô hình thế giới nội tâm của nhân vật. Chân dung dần lung linh thứ
ánh sáng riêng. Mỗi chân dung biệt lập một hiện thực sống giữa đời thường và
tác phẩm. Mỗi số phận nhân vật phản ánh lịch sử đời sống tinh thần giàu có và
phong phú theo cách riêng phổ vào dàn hợp
xướng đương đại của văn chương Việt.
Các văn nghệ sĩ khi đọc nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế tả về mình, chắc
đều phải tủm tỉm giấu nụ cười. Hơi ngượng mà vui. Đằm thắm ánh nhìn giễu cợt
thân tình giữa hai kẻ tâm giao, rồi lại dè dặt tách lớp vỏ ngoài hé lộ tâm tư hay
một thoáng mong manh mà văn nhân thường xuyên phải đối diện. Quan trọng là tác
giả không cố tình tô son điểm phấn, không phóng đại mình lên. Tả thực, chính xác mà không thô, không trần trụi. Đâu là
đòn bẩy để đưa nhân vật thoát ra khỏi vỏhình thức về mặt thị giác để được người
đọc tiếp cận bằng linh giác? Đó là nghệ thuật gạn lọc giữa những điểm nhấn sắc
nét về hình thức tượng trưng cho tính cách, hài hòa trongsự thống nhất hoàn
cảnh và tâm lý, cùng kỹ năng hoán dụ và các mệnh đề, dùng hình ảnh, sắc thái và
giọng điệu nối nhân vật với thế giới bên ngoài; ý thức về thời gian đồng thời
phủ nhận sự thống trị của thời gian.Như khi viết về
họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: «cặp môi ham hố, đam mê đỏ son không bình thường
như kẻ mới biết khui nút chai. Ánh mắt qua cặp kính mắt tròn muôn thuở sáng
trầm: mơ, quái, phiền buồn, biểu cảm trạng thái thấu thị hình ảnh phía sau,
phía truớc và chẳng muốn nhìn thấy gì, nhớ gì. Gương mặt im im, phẳng lặng
trĩu ký ức thời gian cộng hưởng.» (Đỗ Phấn-Kẻ hạnh phúc vì sự thất vọng);«Quần áo bò cả cây bạc
phếch. Giày chiến sự. Tầm thước, quánh đặc, nâu mịn, đường nét sắc đậm.
Tóc suông bóng, rẽ ngôi giữa. Mày rậm. Mũi gồ. Râu bàn chải. Cằm mạnh mẽ. Mắt
to, ẩn chứa cả thông tuệ lẫn mơ mộng, tự tin lẫn rụt rè. Phóng khoáng mà gìn
giữ. Lịch sự nhưng không cách xa. Thứ văn hóa giao thoa giữa Đông và Tây… »(Chiếc bình rượu của Nguyễn Quang Thiều);«nụ cười sáng duyên chữ và cả duyên tình
trong ngữ điệu», «Âm lượng nhỏ, nhưng dài và
vang, từng âm tiết, từng chữ, từng câu được phối âm rõ ràng, không nhanh cũng
chẳng chậm có sức mạnh bí ẩn buộc lòng người ta phải lắng nghe, phải chú ý. Một
giọng nói chiếm ưu thế để đứng trên bục làm thầy thiên hạ… »(Đỗ Ngọc Thống và những đồng cảm); «Người đàn ông cao lớn, như được vạc đẽo từ những vết rìu
quyết liệt bước ra. Ngăm đen, ria mép dài cợp, gò má cao, mắt rực, áo veste dạ đen, khăn len huyết dụ, quần
bộ đội ghi xám cấp tá, nhưng đôi giày da lính Liên-Xô sần sùi bên buộc dây bên
không. Tự tin giữa lồng lộng phông màn sân khấu đỏ, xanh, nõn chuối bay phần
phật, anh ta cúi chào, quá ư duyên dáng, quá ư mềm mại… »(Văn Chinh và đối cực).
Là ông chủ xa hoa của kho tiếng
Việt phong phú, luôn ý thức làm mới và tạo nghĩa cho chữ, Nguyễn Tham Thiện Kế
không dừng lại ở việc tạc ngoại hình hay tính cách mà tìm cách tôn vinh những
giá trị tinh thần. Sinh trưởng ở miền văn hóa gốc Hùng Vương đất Tổ, quê hương qui
tụ nhiều văn tài, tác giả có điều kiện sống, giao tiếp cùng những con người đặc
biệt là nhân chứng của nửa thế kỷ trầm luân. Những hình ảnh day dứt: «Tuổi thơ Trần Quang Quý đẫm phù sa sông Đà», chiếc xe đạp của Bút Tre: «vỏ yên nhựa đứt ngậm, vếch lên như mõm chó,
không chắn bùn, chắn xích, lốp buộc khúc lồi khúc lõm như rắn cạp nong,
poóc-ba-ga chằng một bó sắn tươi bọc lá cọ… »; hay Ngô Ngọc Bội «Đọc văn ông như thấy ông đang trèo cọ hom
tàn, đang cuốc nương đồi sỏi… », là những vật chứng trên bức tranh đau
lòng và sinh động về hiện thực đói nghèo của dân tộc một thuở.Văn nhân nuôi
sống mình bằng nỗi đam mê bằng ảo tưởng và cả sự suy sụp tinh thần tới tận cùng
để làm văn nghệ.Tuy mang số phận và nhãn quan của thời đại mình sống, nhưng là
thứ số phận và nhãn quan đã được thẩm lọc, nâng cao đẩy lên một chiều kích đủ
lớn bảo đảm cho tính sáng tạo hội đủ năng lượng
bùng nổ sản sinh nên tác phẩm đến với người đời.
Nếu như công trình nghiên cứu công phu «Nhà văn hiện đại» của Vũ Ngọc Phan làm
việc trên những mô hình và văn bản, «nói
đến thân thế của nhà văn để đặt họ vào những tác phẩm, đem cuộc đời của họ mà
đọ với những ý nghĩ của họ» , «Các
nhà thơ cổ điển Việt Nam[3]» của Xuân Diệu, hay «Hồn thơ thế kỷ[4]» của Anh Ngọc là những
trang phê bình văn chương trào dâng cảm xúc với thơ, hay «Chân dung và đối thoại[5]» của Trần Đăng Khoa cố
gắng dựng chân dung các nhà văn trong vài nét chấm phá thì «Miền lưu dấu văn nhân» của Nguyễn Tham Thiện Kế là sự tạc chân
dung trong ý nghĩ, trong thịt da cuộc sống bên cạnh những sẻ chia cảm động đẫm
ân tình, với cả những hiện diện âm thầm như cái bóng, giải mã họ trong sự giằng xé giữa những quan niệm về nhân tính, về văn
hóa truyền thống để gắn liền lao động khổ nhọc của nhà văn dưới cái nhãn mác
nhà văn. Một Trần Hoài Dương tất tả đón tác giả như đón người em trai từ Hà Nội
lo lắng và che chở ; một Đỗ Ngọc Thống,vị giáo sư tóc hoa râm hấp tấp tận
tụy cầm dù che cho thầy, một Văn Công Hùng với đám trẻ bán hương và dịch vụ
trước cửa Đền Hùng, là những cảnh phim quay chậm mới thương làm sao và lãng mạn
làm sao!Cuối cùng thì «Văn chương, cơn cớ
muôn thuở để người đến với người, người nhớ người và người xa người. Nó không
là đích, cũng chẳng phải phương tiện mà là ánh xạ lòng trắc ẩn buồn vui mỗi
thân phận... »(Đỗ Ngọc Thống và
những đồng cảm)
Thành công trong việc khắc, khảm chân
dung của Nguyễn Tham Thiện Kế, bên cạnh những tên đặt ấn tượng cho từng bài viết phải kể đến phong
cách khái quát hóa trên mỗi câu kết trong bài làm nên thần của một bức tranh 3D.
Thực và hư, những hình ảnh cô đọng, trừu tượng mang tính tượng trưng khiến cho
chân dung văn học lưu dấu với thời gian. Đó cũng là bí quyết trong xây dựng văn
học chân dung của các nhà văn cổ điển Pháp: Chateaubriand, Proust.
«Y
ngồi bất động trên chiếc ghế nhựa gia công sứt sẹo. Ẩm ướt một bình minh trung
du. Và trước ngã ba đường…» (Phạm
Xuân Nguyên- đầu bạc không ăn đúng bữa)
« Ánh
nhìn thi sĩ loang sắc trăng rừng có hợp lưu sóng nước sông Lô sông Đáy và cả ngọn
lửa mất ngủ từ ngôi nhà tuổi mười bảy cháy rực. » (Chiếc bình rượu của Nguyễn Quang Thiều)
«Cành
hoa đào núi rực lên vẻ riêng khác thường không thể lẫn với bao nhiêu sắc đào
trên đường Hà Nội. Phong trần trong lịch lãm. Trên vai bạn tôi đã có dăm cánh
đào vừa rụng…» (Hồ Anh Thái – Người
đứng sau cánh gà mang hoa đào trên phố.)
«Dấu
chân tiếp dấu chân cô độc trên cát, phút chốc sóng biển đã xóa nhòa, phẳng mịn.
Những dấu chân còn “vong thân” huống hồ sự đổi mới, cách tân thơ của thiên niên
kỷ mới, chàng Mai Văn Phấn không vong thân, thì làm sao có một Mai văn Phấn
đang đi bên lệch cả miền sóng? » (Chàng
thi sĩ đi bên bờ sóng)
«Gương
mặt phong trần rạng ngời lên những hạnh phúc. Thứ hạnh phúc của người tự nguyện
và sẽ mãi là người hữu ích cho đến khi nào có thể đang giúp được những người Việt,
dù xa lạ hay thân quen ở mọi ngõ ngách trên trái đất cùng cười cùng vui cùng
đau khổ và gánh vác sẻ chia những thăng trầm của đất nước trên một diễn đàn bé
nhỏ mà ông đã lao tâm tạo dựng với tất cả nhiệt huyết và tình yêu của một con
dân yêu nước». (Trần Nhương - Ẩm chập
IC tài hoa đa hệ)
Tác giả xử lý logic văn chương bằng một cuộc tìm kiếm
bản sắc riêng và phong phú. Điều gì xảy
ra khi «văn nhân», những tên tuổi nguyên mẫu ngoài đời trở thành nhân vật của
văn chương?Họ khẳng định «sự độc đáo» của tính cách có thể làm nên giá trị để tồn
tại độc lập. Họ phản ảnh một cá thể tinh thần được tạo nên bởi thường nhật cuộc
sống và sức mạnh của đam mê. Những chân dung chân thực của nhà văn Nguyễn Tham
Thiện Kế dựng nên một góc không gian xã hội và văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Cuốn sách đáp lại đòi hỏi của sự thống nhất, một đường
thẳng giới hạn, một trách nhiệm với thực tế. Bản thân nhà văn tự nguyện đảm
trách làm hàn thử biểu cho xã hội, đó chính là giá trị toàn cầu của tinh thần. Mong
mỏi cho tác phẩm và tên tuổi được biết đến, không còn mang nghĩa «háo danh»
thông thường mà là nguồn động lực không nhỏ để họ sáng tác trong chiếc áo khoác
số phận gọi là thiên chức. Nỗi hạnh
phúc phủ đầy kiêu hãnh, đôi khi tiêu kiệt sinh lực của người nghệ sĩ. Giữa đời
thường bon chen và đố kỵ, hơn bao giờ hết, văn nhân- những trái tim mong manh,
dễ thương tổn cần tiếng nói tự thức của sự thấu hiểu và tấm
lòng. Nếu giữa những bạn văn còn thiếu chia sẻ thì làm sao văn nghệ sĩ có thể
làm trọn chức phận canh đêm đợi sáng cho đồng loại.
Và cuối cùng, trong khi nỗ lực giải mã bí ẩn bản sắc
phong nhiêu của mỗi văn nhân, tác giả đã hé mở những bí mật về thế giới nội tâm
của chính mình: Một tấm lòng ngậm nhiều mưa nắng, chẳng nguôi song hành nhịp đập
bên các nhân vật. Cuốn sách khơi ngọn lửa từ chân trời trung du gọi ta về buổi
những con người đã tận hiến cho đam mê và cả khổ đau của xứ sở. Ta có thêm một
nhân vật nữa - chân dung thứ ba mươi mốt. Tôi muốn đặt tên: Nguyễn Tham Thiện Kế
- tài hoa bên các văn nhân.
N.C – Paris, ngày 07 tháng 10 năm 2013
[1] «Viên mỡ bò» dịch từ «Boule de Suif» - Truyện ngắn của Guy de
Maupassant, nhà văn Pháp(1850 – 1893)
[2] Guistave Flaubert - Nhà văn Pháp (1821-1880)
[3] Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - Xuân Diệu – NXB Văn học
[4] Hồn thơ thế kỷ - Anh Ngọc – NXB Thanh Niên
[5] Chân dung và đối thoại – Trần Đăng Khoa – NXB Thanh
Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét