Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

GIA LAI CÀ KÊ 9

Hôm qua sau cuộc làm việc thì dự một cuộc chiêu đãi, toàn VIP. Xong cái thì lại chạy xuống huyện Ia Grai... nhậu tiếp. Là đi hộ tống ông tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn xuống thăm trường dân tộc Nội trú Ia Grai. Mình thì cứ xuống làng xuống huyện là ham, dù biết xuống đấy là gươm kề cổ là súng kề tai, là thân sống chỉ coi còn một nửa. Thì không ư, bao giờ mà chả lá mì cà đắng, mà chả rượu cần các kiểu, giờ thì... bia lon. Các cô giáo của trường nội trú huy động học sinh cũ ra tiếp khách, hỏi ra, toàn bí thư, chủ tịch các xã biên giới...

Trong các ông quan xã ấy, có 1 ông chủ tịch xã Ia Krái, mình hỏi phải xã của A Sanh không? anh này đang ngắc ngứ thì mình hỏi lại Puih San. Anh ta à lên, em là cháu Puih San. Anh ta bảo không hiểu sao mà chú Puih San lại thành A Sanh...

Mình kể cho hắn nghe...

Hồi chiến tranh chống Mỹ có bài hát rất nổi tiếng "Người lái đò trên sông Pô Kô" trong đó có nhân vật A Sanh. Hôm qua phấn khích mình cũng đứng dậy hát tướng lên bài này. "A Sanh, ngày đêm anh lái đò trên sông/ dù gian nguy vẫn vững tay chèo...". Mọi người vỗ tay rầm rầm làm mặt mình vênh lên, lâng lâng tưởng mình là... Đàm Vĩnh Hưng.

Hồi ấy mình vào Gia Lai được chừng chục năm, một hôm nghe Thanh Phong, đồng nghiệp ở báo Gia Lai kể có ông A Sanh đang sống ở làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Phong đã đi về và viết 1 bài ngắn trên báo GL. Mình hỏi thăm xong... mò xuống. Chu cha là bụi. Con đường đất đỏ chứ chưa nhựa như bây giờ, bụi ngập bánh xe honda. Xuống đến nơi người như một cây bụi. Đến nhà ông thì ông đang đi chăn bò. Nhờ người gọi về thì gặp một ông cao gầy, mặt sắt lại, nói tiếng Kinh không sõi. Nhờ chị Cải, một người đàn bà rất năng nổ, làm dân vận rất giỏi của huyện phiên dịch (Hôm qua cũng nghe tin chị Cải mới mất, xin chia buồn cùng gia đình chị), chúng tôi nói chuyện lõm bõm được với ông. Thì biết ông từng là lính, chuyên chở đò trên sông Pô Kô, ở bến phà 10, biên giới Việt Nam và Cam Pu Chia, con đò độc mộc mỗi chuyến cao nhất chỉ không quá 10 người. Hàng chục năm như thế, một đêm thương binh về nhiều quá, mọi người cứ ào xuống mặc ông khuyên can để ông quay lại đón. Ra đến giữa sông, đò chìm. Toàn bộ thương binh chết hết. Và ông bỏ lên bờ từ đấy, không bao giờ chèo đò nữa. Ngay hôm ấy tôi đã ra lại cái bến đò nơi phà 10 qua ấy, thấy con sông bé tí, hiền hòa lắm.

Bài hát Người lái đò trên sông Pô Kô


  Khi ra quân ông là trung úy, và ông lẳng lặng sống, chăn bò và làm rẫy, rất nghèo dù có lương, không ai biết đến ông, cho đến khi chúng tôi... phát hiện.

Tôi viết 1 bài báo trên báo Văn Hóa và trên tạp chí do tôi làm là tạp chí Văn Nghệ Gia Lai. Một hôm đang yên lành thì có 1 cú điện thoại- hồi ấy là điện thoại bàn, tôi đang uống cà phê thì nhân viên gọi về nghe- một người xưng là giám đốc công ty sông Đà, nói đọc bài của tôi trên tạp chí xong rất xúc động, sáng nay ông đã cho toàn bộ CBCNV nghỉ để... sinh hoạt, nghe đọc tập thể bài này xong thì... thảo luận, phát huy các loại, sau đó là thống nhất: Mỗi CBCNV công ty trích một ngày lương ủng hộ ông, và công đoàn công ty bỏ ra một ít nữa, và cử 1 đoàn vào thăm ông, tặng quà giao lưu và học tập. Ông giám đốc cám ơn và mời tôi cùng đi. Nhưng nếu đi thì các ông phải vòng ra mấy chục cây đón tôi nên tôi bày cho các ông mời chị Cải, đón chị ấy đi, chị ấy phiên dịch luôn cho.

Sau đấy nữa thì các báo và truyền hình vào cuộc. Truyền hình Tp HCM cũng liên hệ với tôi để làm phim về ông. Và rồi ông được phong anh hùng. Báo QĐND hồi ấy in bức ảnh ông bìa 1 quân phục Trung úy đứng nghiêm cho đại tướng Phạm Văn Trà gắn huy hiệu.

Thế tại sao đang từ Puih San ông lại thành A Sanh.

Đơn giản là chúng tôi khẳng định ông chính là A Sanh, dù khi chị Đào Mai Trang làm thơ và anh Cầm Phong phổ nhạc thì... chưa ai gặp ông.  Nhưng một người lính người dân tộc Tây Nguyên, lái đò trên sông Pô Kô, dũng cảm như thế, oai hùng như thế... không là ông thì là ai. Và có cho dù là ai đi nữa thì cũng cần có 1 người cụ thể để trở thành anh hùng. Và ông xứng đáng như thế.

Nghe đồn là hồi ấy bộ đội đến bất cứ bờ sông nào, chỉ cần kêu A Sanh ơi cho sang đò là có một con thuyền độc mộc lao sang, có hàng chục bến đò như thế, hàng chục người lái đò vô danh như thế...

Vấn đề là sau đấy, khi lên Kon Tum, có vài người dẫn tôi đến giới thiệu với mấy người bahnar nữa, cũng đều lái đò, cũng trên sông Pô Kô... và bảo đấy mới là... A Sanh.

Nhưng A Sanh chỉ có thể là 1 người. Và ông Puih San đã trở thành A Sanh. Đằng nào cũng chỉ 1 người, thì thôi ông Puih San đã đại diện.

Ông đã mất cách đây gần chục năm. Tất nhiên sau đấy thì cuộc đời ông thay đổi. Ngoài quà cáp thăm hỏi thì có 1 ngân hàng thương mại xây cho ông một căn nhà khá khang trang, và ông hay được đi đây đi đó, có lương tiêu. Hôm qua tôi không kịp hỏi con cái ông dạo này thế nào???

11 nhận xét:

tuấn trắng nói...

Tôi vẫn chưa rõ tại sao Puih San lại trở thành nhân vật A Sanh?

Văn Công Hùng nói...

@ tuấn trắng:
ơ tôi viết rồi mà, đơn giản là bởi chúng tôi khẳng định ông Puih San chính là A Sanh, hehe... Thế mới tài...

Vquoc nói...

VN có nhiều ông Văn Công (diễn) thôi thì cho cái tên Công Văn cho thỏa.

Nặc danh nói...

thực ra VCH chả biết gì....

AIM nói...

A Sanh là ngoại ngữ kinh lai banar. Dịch ra tiếng Việt là ... đò ơi !

Tuấn trắng nói...

VCH tưởng mình là...Trung Kiên thì mới vãi, chứ là DVH thì quá muỗi, hihi...( Người lái đò trên sông Pô Cô là bài tủ của Trung Kiên ( NSND).).

Nặc danh nói...

@ bác Tuấn trắng: em cũng như bác, mới đọc qua thì cũng chẳng hiểu tại sao "Puih San lại trở thành nhân vật A Sanh." Sau khi đọc tới đọc lui thì em hiểu ra là như thế này: A Sanh là tên người đưa đò trong bài hát 'Người lái đò trên sông Pô Kô' do nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc theo bài thơ do thi sĩ Đào Mai Trang sáng tác vào thời kháng chiến chống Mỹ; A Sanh chỉ là tên đại diện cho nhiều anh hùng đưa đò vô danh. Sau giải phóng năm 1975, bác VCH của chúng ta tình cờ khám phá ra quá khứ oai hùng thầm lặng của bác Puih San có quá nhiều chiến tích bi hùng tương đồng với người đưa đò huyền thoại A Sanh nên A Sanh đã được bác VCH của chúng ta hiện thực hóa thành bác Puih San. Em thấy mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật nếu gắn liền với một 'người thật-việc thật' thì sẽ đem lại nhiều cảm xúc và làm tăng giá trị của tác phẩm lên rất nhiều vì tính chân thật của nó. Điển hình như 'Đất nước đứng lên' của Nguyên Ngọc có sức sống bền bỉ là nhờ vào tính chân thật của nhân vật anh hùng Núp. Cũng như thế, 'Người lái đò trên sông Pô Kô' rồi cũng sẽ được nhắc đến mãi vì nhân vật huyền thoại A Sanh đã bước ra khỏi nhạc và thơ để hóa thân thành Puih San đời thường gần gũi giữa chúng ta.

Alo nói...

Một khi đã gọi là CÀ KÊ thì đừng có mà nhiêu khê thắc mắc.

Tuấn trắng nói...

Tôi nói vẫn chưa rõ, vì đã đọc 1 entry khác của VCH nhắc tới " sự tích" về A Sanh...Thôi, cứ cho nó là..." nghi án văn chương" đi, cho nó...huyền bí và thi vị, không thì bạn Alo lại bảo mình "thắc mắc", ặc ặc...

Hung Luong nói...

Liệu có phải nhờ những người viết văn như bác VCH mà chúng ta có anh hùng Lê Văn Tám không?!

Tra levan nói...

Chú vẫn chưa kể hết bài 8 đâu ạ. Kể tiếp Chú nhé