Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

ĐÀN BẦU GẨY CÕI NHÂN GIAN

Vẫn là ông Đỗ Ngọc Yên, băm bổ viết, băm bổ mail và băm bổ... gọi điện thoại: Tao yêu quý chú mày, yêu blog của mày, nên có bài gì hay là gửi cho mày. Khổ, khi làm con blog này, mình chỉ định toàn đăng bài mình, những lung tung lang tang của mình, thế mà rồi các ông bác cứ yêu, cứ mail... vừa nãy Nguyễn Tham Thiện Kế a lô: sắp ra một cuốn sách vĩ đại, ông phải PR trên con lốc vĩ đại của ông, hehe...



Nhà thơ Trần Nhuận Minh:

Đàn bầu gẩy cõi Nhân gian
Đỗ Ngọc Yên
                                                                                         
Trong Đối thoại văn chương với Nguyến Đức Tùng (Canada), nhà thơ Trần Nhuận Minh nói rằng giai đoạn từ 1960- 1986 là thời kỳ “tập sự” làm thơ, viết những cái mà cuộc sống cần phải có như thế hay đúng hơn là con người tự nhiệm kiểu nhà nho  được pha lẫn nông dân khoác trên mình chiếc áo dân tộc hóa, xem ra chẳng hợp với ông chút nào, nhưng lại cần phải có lúc bấy giờ. Còn từ sau 1986 là “tôi viết về những cái mà mình cần phải có ở tác phẩm của mình”. Trần Nhuận Minh từng chia sẻ về việc phân chia quá trình sáng tác thành hai giai đoạn: “Và hình như trong thế hệ cầm bút với tôi, không có ai sự phân chia đó lại rõ ràng như tôi. Và thái độ cũng quyết liệt như tôi trong việc tự làm lại mình từ đầu”.
*
*     *

Trước đây, tôi có đọc một vai tập thơ của Trần Nhuận Minh như Nhà thơ hoa và cỏ, Bản Sonate hoang dã và mới đây đọc tập thơ 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, không chỉ để thưởng lãm cái hay cái đẹp của ngôn từ, mà còn để ngẫm cái sự- tình trong ý- tứ. Có điều cái sự tình ấy lại chỉ được toát lên từ cái hay, cái đẹp của lời thơ. Thiển nghĩ, thơ Việt lâu nay không có được điều ấy là bao. Trần Nhuận Minh là người mạnh mẽ đến quyết liệt không chỉ trong việc đổi mới thơ, mà quan trọng hơn là làm lại chính mình với tư cách là một chủ thể thơ, một sự làm lại nhọc nhằn, quằn quại và đau đớn, nhưng cũng đầy vinh quang và ngây ngất. Ông không cần quan tâm đến lý thuyết về các trào lưu, trường phải hay chủ nghĩa nào sất, mà chỉ quan tâm làm sao đem đến cho thơ Việt một diện mạo mới và một hơi thở, sức sống mới, khi lịch sử đã làm phiên đổi gác khá ngoạn mục, bàn giao sứ mệnh giải phóng sang sứ mệnh dựng xây đất nước, như một tất yếu không thể cưỡng lại được, khiến những bản tráng ca, tụng ca một thời làm mưa làm gió trên thi đàn Việt, ngày càng xa hơn nhu cầu thưởng lãm chính đáng của công chúng thơ thời nay.
Ấy là vào thời điểm Đảng ta đưa ra chủ trương đổi mới nền kinh tế, từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thì văn chương- nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng hà cớ gì cứ mãi lẽo đẽo theo sau để “minh họa” cho những chủ kiến cá nhân hay sở thích của một nhóm người nào đấy, thay vì phải đổi mới chính mình, kiên quyết đoạn tuyệt với lối thơ hô hào, tung hứng, tuy có lúc cũng hào sảng đấy, nhưng xem ra không còn thích hợp với thời đại mới hay là lối thơ mủi lòng, ru ngủ đám đông quần chúng vẫn còn chìm đắm trong cơn ngái ngủ kéo dài hàng thập niên của nền kinh tế thời chiến và quan liêu bao cấp, trong thưởng thức và đồng sáng tạo thi ca .
Quả thật, sau khi đọc 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, tập thơ thứ hai được
xuất bản trong vòng 10 năm trở lại đây sau Bản Sonate hoang dã (2003), điều ấy được thể hiện rõ hơn không chỉ trong từng câu chữ, mà còn trong tư duy thơ của ông đã đổi khác nhiều so với những gì trước đây ông đã từng làm. Từ việc tạo ý, lập tứ, đến bố cục tác phẩm; từ ngôn ngữ đến hình tượng; từ giọng điệu đến khúc thức,… đều là của riêng Trần Nhuận Minh. Mới, rất mới! Và tren thực tế những người làm được như ông không nhiều.
Tóm lại, ông đã thay đổi một cách căn bản cảm quan về thế giới. Tức là thế giới trong mắt thi nhân là thế giới tồn tại như nó vốn có, chứ không phải tồn tại theo cái mà người ta muốn và cần nó có. Đấy là một thế giới vừa sần sùi góc cạnh, nhưng hãy còn nóng hổi dư vị của cuộc sống. Đấy là một thế giới thơ mộng đầy lãng mạn, đậm chất nhân văn, nhưng không thiếu những lời cảnh tỉnh. Chất hiện thực đời sống trong thơ ông ở giai đoạn trước là những điều mắt thấy tai nghe, có thể cân đo đong đếm được, thậm chí còn có cả những điều người ta cần phải có trong đời sống và trong thơ ca hơn là những điều đang có, mà người ta thường gọi là hiện thực hữu hình. Còn cái hiện thực ở giai đoạn sau là hiện thực của cảm và nghĩ. Càng cảm, càng nghĩ thì càng thấy vời vợi xa và thăm thẳm sâu, đấy là hiện thực vô hình. Theo tôi, ở giai đoạn sau, nhất là trong hai tập Bản Sonate haong dã45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Trần Nhuận Minh đã không viết thơ, làm thơ mà là sống thơ, cảm và nghĩ thơ, ở bất cứ đâu, lúc nào.  
Có người hỏi tại sao lại cứ phải 45 khúc đàn bầu, mà không là 46 hay 44, 50,…Đọc kỹ 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, ta không quá khó để thấy rằng tổng hai chữ số 4 và 5 bằng 9. 9 là số của Đạo, chẳng hạn như 9 vía, 9 kiếp tiền duyên. Lại nữa, vì sao không là 45 khúc đàn ghi ta, đàn organ,… mà cứ phải là đàn bầu. Bởi, đàn bầu là nhạc cụ biểu trưng cho dân tộc Việt, tiếng đàn bầu là hồn cốt của người Việt từ hàng ngàn năm nay. Còn cái Vô danh ư? Chính là cái danh không mặc định được, nó là chân nhân vô cùng, vô tận, là MỘT và cũng là MUÔN, là TẤT CẢ. Chỉ riêng ẩn ý chứa trong tên của tập thơ, đã nói lên được nhiều điều mà không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu thấu ngay được.  

*
*    *

Trong Bản Sonate hoang dã45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, theo tôi có hai mạch chính là mạch trữ tình chiêm nghiệm và mạch tự sự khái quát.
Thứ nhất là mạch trữ tình chiêm nghiệm. Ở mạch này, khởi xuất chỉ là sự tách chia lưỡng cực để phồn sinh theo giống đực và giống cái, với con người là đàn ông và đàn bà do Đấng Âm U tạo nên từ thưở hồng hoang rồi trở thành “bát ngát”:
Con người là những giọt nước mắt
Của Đấng Âm U rơi xuống trần gian
Giọt nước mắt bên phải là đàn ông
Giọt nước mắt bên trái đàn bà
Chúng lẫn trong nhau
Mà hoá ra bát ngát...
Nhưng con người nhiều khi cũng dở hơi và đáng trách, thậm chí là tầm thường, mà cứ ngỡ phi thường, khi nó vô cảm trước sự vần vũ, đổi thay của các vương triều, cõi người, thậm chí với cả trăng sao, vạn vật nữa:
Dửng dưng với đói rét đau thương
vương triều đổ nát
Dửng dưng với cõi người
quẩn quanh nhợt nhạt
Dửng dưng với trăng sao
giả dối tầm thường...
Vì thế, con người chẳng thể lớn lên được mà chẳng qua chỉ sự “lăng xê” cái con người xưa cũ của quá khứ sang tương lai mà thôi, chứ thực ra nó chưa hề đi đến, sống và lớn lên trong tương lại:  
Non sông dù đã thay
Mặt người thì vẫn cũ
Đi hết một vòng đời
Lại gặp mình thuở nhỏ...
Còn đây lại là một đoạn trữ tình chiêm nghiệm đầy tài hoa của Trần Nhận Minh thông qua hình tượng Em viết hoa:  
Buông trên vai Em
Mà đêm mượt như nhung
Lọc qua áo Em
Mà hương trời thơm vậy
Những ngôi sao yêu nhau ríu rít ở trên cành
Ta đứng chờ
Em bạc cả sắc thu xanh
Sắc trời thu xanh vốn chỉ đổi thay “tự nó”, chứ không đổi thay vì ta và cho ta. Vậy mà ta đứng chờ cái Đẹp đã khiến trời xanh cũng phải bạc sắc, đổi màu. Câu thơ thật sự ám ảnh, vời vợi sâu, khiến ta liên tưởng đến tháng năm chờ đợi hạnh phúc đối với mỗi người còn dài hơn cả vong đời tồn tại. Bởi trong ta: Khát vọng Tự Do và nỗi cô đơn thăm thẳm/ Thấm vào tôi từ tuổi trong lành…như một bẩm tính tự nhiên theo cách “nhân chi sơ vốn bản thiện
Còn ở Bản Sonate hoang dã trước đó, Trần Nhuận Minh bày tỏ nỗi niềm của thi nhân khi đã trót dại. Vì thơ ca là tài sản riêng của Đấng Mê Tơi, mà con người vô tình đã đánh cắp. Bởi thế thơ và người thơ đều là tội đồ của Ngài:
Tôi trót dại đã khoe
                             Trước Đấng Mê Tơi
Cây đàn Thơ mà tôi lấy trộm
                            Của những đêm trăng buồn
Rồi đến một lúc nào đấy, ông chợt nhận ra rằng chỉ có cái Đẹp mới cứu rỗi và
hóa giải được cõi đời này cũng như thơ ca. Nếu không có cái Đẹp thì thơ ca cũng trở nên vô nghĩa như chính người thơ vậy. Vì thế Cây đàn Thơ của Đấng Mê Tơi bị lấy cắp cũng chẳng qua vì con người luôn muốn cho cuộc sống của mình ngày càng tốt đẹp hơn, cũng là để xua đuổi đi cái xấu, cái ác mà thôi:
Tôi gõ vào vách đá, núi Bài Thơ
Cánh cửa đá đã mở
Và bên trong
Tôi thấy một thiếu nữ dịu dàng
Tôi gõ vào ngực tôi
Tôi ơi, mở cửa ra
Cánh cửa tôi đã mở
Và tôi thấy chả có gì…
Nhưng chao ôi! Nếu không có cái Đẹp cứu rỗi linh hồn, thì dù cánh cửa ngực ta đã mở, mà trái ta tim trống rỗng, như cái “chả có gì”, thì mới khủng khiếp làm sao!?
Rõ ràng âm hưởng trữ tình trong những câu thơ trên đầy tính chiêm nghiệm của một người từng nếm trải đủ mọi thăng trầm của cuộc đời, chứ không phải là cái trữ tình của sự mủi lòng ở những người dễ xúc động, mau nước mắt.  

*
*     *

Mạch thứ hai là tự sự khái quát, mang tính tổng kết nghiệm sinh và suy tư về cuộc đời, về sự bất biến của tự nhiên. Nhưng cái tài của Trần Nhuận Minh là ở chỗ những nghịch lý muôn thưở của cuộc sống được ông nhìn nhận ở nhiều chiều kích đối nghịch giữa có lý và phi lý, thật và giả, thực và ảo, nhân tính và bất nhân,… một cách sắc lẹm, khiến người đọc phải quặn đau và mất ngủ:
Chỉ cần đoàn kết, chẳng cần tài năng
Cây cỏ thu mình trong hàng rào danh dự
Bông hoa không thể nở ở ngoài tường…
Đấy không chỉ là sự thật của một thời, mà có khi còn là của muôn thời, một khi con người chưa chấp nhận được những cái khác mình, ngoài mình, thì chao ôi tài năng lấy đất đâu mà đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái cho đời. Hình ảnh ẩn dụ “cây cỏ” và “bông hoa” như làm thức dậy trong ta “vùng cấm” của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Khi thói đời còn lắm đổi thay, tình người tráo trở, thì hỡi ôi tài năng, thơ phú phỏng có ích gì. Hạng trung thần đến như Bao Công cũng trở nên lạ hoắc với đàn chó dữ canh nhà, vì chúng nào đâu có phân biệt được trắng đen, phải trái. Sinh ra chó để mà sủa. Chó khôn thấy chủ thì mừng. Còn chó dại cắn luôn cả chủ không chừng. Họa phúc đâu khôn lường:
Không tài năng nào yên ổn ở Quê hương
Trẻ con bây giờ
Cũng chẳng còn nói thật
...
Cái trông thấy cũng có khi không thật
Bao Công về thăm lại làng mình
Chó vẫn cắn râm ran
Ấy cũng là lúc ông ngộ ra rằng:
Kẻ khôn ngoan thường dấu điều mình nói
Ý nghĩ ở đằng đông
Miệng nói ở đằng tây
 
Giấu mưu toan dưới những cốc rượu đầy

Ta già rồi
Chẳng biết dấu vào đâu
Nỗi ngu dại
Học từ thời Tốt Đẹp
Nén hương tắt mình chưa trọn kiếp
Cầm chân hương đi đến cuối cuộc đời…                            
Còn đây lại là một thực tế nhãn tiền nhức buốt tâm can của bất cứ ai không thể quên được ông cha, tổ tiên, nguồn cội. Chỉ thương cho cánh cò đơn côi loay hoay tìm chỗ đậu. Nhưng còn đâu hỡi cò? Những cái đầu phi nhân tính không chỉ cướp đi giòng giống, tổ tiên mà còn cướp đi chỗ ẩn náu cuối cùng của những sinh linh bé nhỏ như chú cò:  
Tổ tiên đã chết ở đây
Những gò đống cỏ xanh
Nay đã ủi đi rồi
San sát vũ trường
                           sân gôn
                                       quán nhậu
Còn sót lại một cánh cò trắng mong manh
Thấp thoáng bay
Trong ráng đỏ chiều hôm
không tìm ra chỗ đậu...
Và đến khi những chú lợn lai thế hệ Fn  được nuôi bằng thịt người vô chủ, thì
khi chết nó bỗng hóa thành người cũng là điều không lấy gì làm ngạc nhiên. Đấy là một nghịch lý thật trớ trêu, nhưng lại hiển nhiên tồn tại như một lẽ phải thông thường. Nghĩ mà rợn cả người!
Những con lợn
Nuôi bằng thai nhi nạo
                     Khi bị chọc tiết
                                            Khóc như người…
Muốn đất nước bình yên, tổ quốc khỏi lầm than, thì trong những trường hợp nhất định, cần thiết phải có không chỉ một anh hung, mà nhiều anh hùng. Oái oăm là, có những thời điểm lẽ ra không cần lắm anh hùng đến thế, nhưng vì nhưng cái đầu nhiều chưa bao giờ hạ nhiệt, nên sự thể như cụ Nguyễn Tiên Điền đã xót thương mà kêu rằng: Đỗng xương vô định đã cao bằng đầu, cũng là điều khó tránh khỏi, thế mới đau. Nhưng giá mà như Trần Nhuận Minh nói thì tuyệt vời biết bao
nhiêu:  
Có lắm anh hùng, đất nước bình yên
                                              là một điều vĩ đại
Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn
                                      bình yên, còn vĩ đại hơn nhiều
Nhưng bởi tại ông và những người cùng thế hệ “sinh ra giữa thời loạn lạc/ lớn lên gặp buổi gian nan” của nước nhà biết làm sao được. Âu đấy cũng là lẽ thường tình. Vẫn biết là vậy, nhưng người thơ cứ loay hoay đi tìm cái “lẽ ra”, nên suốt đời “mắc cạn” trong cái tôi bản thể và nhân tính ấy:
 Mỗi người một câu hỏi
Đi mang mang trong đời
Nổi chìm bao ghềnh thác
Tôi chưa tìm thấy tôi...
Dẫu biết rằng, đấy là quy luật của muôn đời, nhưng người thơ vẫn cứ ray rứt mãi:
Con người lớn lên
Từ các cuộc tranh giành
Và cái ác thấm dần vào trong máu
...
Những hận thù hôn nhân, điền thổ
Vẫn ngấm ngầm sau bao luỹ tre xanh
Có cơn mưa
Chết cháy cả lúa đồng
Lời ngon ngọt mà thân người đổ gẫy…
Có thể nói những câu thơ hào sảng đến bất ngờ, nhưng cũng thật đáng quí và hiếm hoi như thế này, dường như bị đặt nhầm chỗ trong 45 khúc đà bầu của kẻ vô danh:           
Bạn thấy chăng
Hàng triệu triệu Người
Lần lượt lao vào lửa đạn
Cho Tổ Quốc
Sáng bừng tên tuổi
Rồi để lại những nấm mồ vô danh
Trắng đến tận chân trời...
Hào sảng đấy, mà cũng xót xa đấy. Hẳn là cái sự “trắng đến tận chân trời” của những nấm mồ vô danh kia, mấy ai không biết, nhưng sao vẫn còn có những chúng sinh “lạc loài” lẫn vào trong thế giới NGƯỜI!
Có lẽ người thơ có trái tim quá mong manh, dễ vỡ khác người hay là có một tâm hồn căng như dây đàn đã so phiếm, nên ở miền vô thức nó tự rung lên theo số phận con người. Ngay ở Bản Sonate hoàng dã, ông đã ý thức được rằng:
Này đây, dòng máu tôi trong suốt chảy ngoằn ngoèo
từ ghềnh đá suối Côn Sơn hoang lạnh tơi bời
Khách khứa hai ngàn núi xanh
Này đây, quả tim tôi treo ở ngoài lồng ngực
Số phận chúng sinh làm nó tự
                                              binh bong…
Ở đây, dường như ngôn ngữ văn bản thơ theo trật tự logic thông thường đã trở nên bất lực và vô nghĩa, nhường chỗ cho cái phi lý, trật tự siêu ngôn ngữ và cái vô thức tung hoành, bộc lộ hết quyền năng của Đấng Tối Cao, đến mức ngay cả người thơ cũng ngửa mặt mà than rằng:  
Bây giờ tôi
Tự treo ngược mình
                               lên câu thơ đây
Chân tôi giần giật suy nghĩ
Tóc tôi chạm cỏ xanh
                                   nhàu nát như cỏ xanh
Và tôi thấy quê hương tôi
Là ở trên trời…
Với Bản Sonate hoang dã45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Trần Nhuận Minh đã làm một bước nhảy từ cái tự nhiên của ta, cho ta và vì ta (thực) sang cái tự nhiên của nó, cho nó và tự nó (ảo), đúng như ông đã từng nói với các nhà báo rằng:
Hai tập thơ đầu thế kỷ này của tôi là Bản xônat hoang dã  45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, tôi viết về đời sống thứ hai của con người. Ở đây, khái niệm nhân dân đã được thay thế bằng (khái niệm- Đ.N.Y) con người. Đó là đời sống văn hóa và tâm linh với những đúc kết, suy tưởng, chiêm nghiệm… Nó là hồn vía của cái thực. Cái thực không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng hồn. Nó ảo…
Nhân dân, trong ý nghĩa thông thường cũng có thể hiểu là con người. Bởi “nhân” theo tiếng Hán có nghĩa là “người”. Nhưng ở một góc nhìn khác, khi Trần Nhuận Minh nói “khái niệm nhân dân đã được thay thế bằng (khái niệm- Đ.N.Y) con người” trong mặc khải thi ca, thì khái niệm “con người” rộng lớn và khái quát hơn. Nó không còn lẫn với các thuật ngữ chính trị, xã hội hay đạo đức, mà là một thuật ngữ thơ ca, mang giá trị triết luận và tâm linh.
Thực chất diễn trình văn chương Việt không mấy người làm được như vậy. Bởi lẽ khi thơ, với sự hiểu của phần đông người đời vẫn là sự phản ánh những cái mình nghe, mình thấy, dù đấy là những cái hay, cái đẹp cần ngợi ca, khuyến khích hay là những cái dở, cái xấu cần phải lên án và xóa bỏ, thì đích thị đấy vẫn chỉ là thơ thuộc thế giới của ta, cho ta, nghiêng về cái có ích, cần phải có.
Còn khi thơ và người thơ đã vượt qua được ngưỡng ấy, tiệm cận với thế giới bản thể, tức bản thân thế giới là “bất sở cầu”, tồn tại vì chính bản thân nó giống như “hoa nở vì hoa không phải vì mùa” thì đích thị đấy mới là thế giới tự nó, một thế giới “tự nhiên như nhiên” mới là thế giới của thi ca. Tôi đồ rằng không có nhiều người làm được như vậy trong diễn trình thi ca Việt đương đại như Trần Nhuận Minh./.           
    

4 nhận xét:

Tuấn trắng nói...

Thì đây đích thị là màn PR chứ đâu nữa, nhưng mà hay, đọc rất thích!.

Nặc danh nói...

Hãy bớt trò áo thụng vái nhau. Đừng đem Nguyễn Đức Tùng vào mà "khè" thiên hạ, "Thơ đến từ đâu" của Nguyễn Đức Tùng là 1 trò vạ vật chẳng có chút giá trị nào. Trần Nhuận Minh mà hay(rất có thể) tự độc giả biết là hay. Thơ VCH đọc được cũng không nhờ blog lắm đâu. Mà bài viết(tự bài viết) nầy làng nhàng, làng nhàng rất.

Nặc danh nói...

Bài viết mòn sáo.

Unknown nói...

Mặc dù VCH đã có lời dẫn ở đầu Nhưng đây đich thực là PR rồi . Em chỉ lướt qua phớt phớt . Theo em Bác VCH nên viết những bài như CHỢ QUÊ , Phóng sự về GIA LAI về anh hùng NÚP rất hay , đọc hấp dẫn vô cùng còn những bài PR kiểu này em e rằng ít người ưa