Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

PHÍA SAU LÀNG



Ấn tượng nhất khi chúng tôi rời Kon Mahar là vào khu nhà mồ của làng. Người Tây Nguyên rất coi trọng khu nhà mồ, nó là ngôi làng thứ 2 của họ, thậm chí làm nhà mồ còn kỳ khu hơn, đẹp hơn làm nhà ở. Nhưng ở đây là những nấm đất sơ sài, phía trên phủ tranh lè tè như bọn trẻ con chơi trò chơi làm nhà xem ai nhanh hơn…


            Rất nhiều người chưa hiểu, chưa phân biệt Buôn với Plei, ví như tại sao lại là Buôn Ma Thuột chứ không phải Buôn Mê Thuột. Hoặc Ban Mê Thuột chứ không thể Ban Ma Thuột. Đơn giản, Buôn Ma Thuột là tiếng Ê Đê, tức là buôn của cha ông Thuột, còn Ban Mê Thuột là gọi theo tiếng Lào, tức là Bản của mẹ ông Thuột. Pleiku tức là làng đuôi, từ sự tích cái đuôi lợn. Giờ chúng ta gộp hết thành làng, thậm chí là làng văn hóa với cái cổng chào hoành tráng như nhau, nhưng vào từng buôn, plei, plơi… thì nó không giống nhau như cổng làng văn hóa…

            TÂY NGUYÊN MỘT THỜI

            Ngày ấy, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, khi lần đầu tiên đặt chân lên Tây Nguyên, chàng kỹ sư trẻ Phạm Đức Long đã giật mình. Từ quê mình ở Nghệ An, ra Hà Bắc học đại học nông nghiệp, đều là những nơi đất chật người đông, mảnh đất con con bằng bàn tay mà nhiều thế hệ xúm vào xới lật bắt nó quần quật sinh sản. Giờ vào Tây Nguyên, thấy bao la là rừng, mênh mang đồng cỏ (ta man), trùng trùng ngút mắt, không sửng sốt sao được.

            Anh vào nhận công tác tại ban kinh tế mới Gia Lai Kon Tum, sau rồi về sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện tại là chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn Gia Lai.

            Mới đây anh rủ: Biết bác cũng thích tìm hiểu về nông dân, mai em đi công tác, bác có xuống làng, mời bác đi luôn.

            Tất nhiên là tôi hăm hở nhận lời. Làng là một khái niệm mới, chứ Tây Nguyên chỉ có Buôn- vùng Ê Đê, Mơ Nông- Pơ Lây, Pơ lơi- vùng Ba Na, Gia Rai… Giờ người ta xây dựng “làng văn hóa” khiến cho tất cả cứ na ná nhau, nếu không tinh rất khó để phân biệt. Trên xe Long mở mang cho tôi nhiều kiến thức về nông thôn Tây Nguyên. Nói về nông nghiệp Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, có điều kiện chung giống Nam bộ: Quĩ đất rộng, bình quân diện tích đất đầu người cao, dễ làm nông nghiệp chuyên canh hàng hóa lớn. Vì vậy phải xác định nông nghiệp là thế mạnh lớn nhất của Gia Lai. Đây là vùng đất của điền trang, thái ấp. Định hướng chung cứ lấy nông nghiệp làm gốc thì sẽ giàu mạnh. Không nên mơ mộng công nghiệp chế tạo, điện tử như trước đây. Hiện nay chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai đã tạo được các vùng nông sản nguyên liệu, nông sản hàng hóa lớn vào bậc nhất Việt Nam như: Cao su gần 100.000 ha; cà phê hơn 80.000 ha; hồ tiêu khoảng 8.000 ha; bắp (lai) 50.000 ha; sắn (cao sản) 50.000 ha; mía gần 30.000 ha; thuốc lá khoảng 7.000 ha; điều khoảng 10.000 ha… Đã phát triển được hệ thống nhà máy công nghiệp chế biến nông lâm sản khá hùng mạnh, ở vùng nông thôn, gắn với vùng nguyên liệu như: Nhà máy đường An Khê công suất 7.000 tấn mía cây/ngày; nhà máy đường – Nhiệt điện Ayun Pa công suất 6.000 tấn mía cây/ngày; nhà máy sắn Krông Pa công suất 120.000 tấn tinh bột/năm; các nhà máy sắn Việt Thái An Khê, Mang Yang, Chư Prông đều ở qui mô công nghiệp lớn; 2 nhà máy chè Biển Hồ, Bàu Cạn đều có qui mô hiện đại. Các công ty nông trường hiện đều có các cơ sở sơ chế nông sản; đặc biệt là cao su. Công ty cao su công ty 74 Binh đoàn15 có nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại và qui mô nhất Đông Nam Á… Không sổ sách, Long cứ thao thao bất tận thế trong khi tôi ngơ ngác nhìn qua kính xe, những ngọn đồi trơ trọi, những cánh rừng nham nhở cháy, những người dân đeo gùi lẳng lặng đi hàng một, nhẫn nại và cam chịu. Và những chiếc xe máy chở đủ thứ hàng hóa, những cái chợ lưu động chất ngất nghểu đủ thứ trong khả năng có thể, xe thì một người, xe thì hai, chủ yếu là phụ nữ, phóng trong cuồn cuộn bụi đỏ. Đích họ đến là những buôn làng tít trong núi xa kia…

            LÀNG

            Ngày xưa làng Tây Nguyên đẹp lắm. Bao giờ cũng ở rìa các con suối, có các “giọt” nước dẫn về làng, và làng thì chênh vênh trên đồi, giữa làng là nhà rông cao vút như lưỡi rìu ngược lên trời, xung quanh là nhà sàn như đàn gà con xúm xít quanh gà mẹ. Rẫy ở xa làng, trong rẫy cũng có nhà để người đi làm rẫy nghỉ lại, có khi cả tuần mới về. Thông thường là sáng đi tối về.

            Chúng tôi chọn xã Hà Đông, là xã xa nhất, khó đi nhất của Gia Lai tính từ tỉnh lỵ Pleiku, để đến là bởi muốn tìm một thể nghiệm, để mà so sánh với hai chục năm trước, tìm lại dư ba của ấn tượng, của cảm xúc, của những dấu ấn đói khổ một thời... Chạy qua mấy làng, cuối cùng quyết định dừng ở làng Kon Mahar của xã Hà Đông. Nó là của huyện Đắc Đoa, mà Đắc Đoa thì cách Pleiku... 15 cây số, nhưng từ huyện xuống làng này là 70 cây, đường đi hun hút xuyên qua rừng già Kon Ka King. Mùa khô thì vào được chứ mùa mưa là bó… chân chấm com. Các thầy cô giáo vào dạy mùa mưa thì cứ chuẩn bị tâm thế ở lại cả mùa. Cán bộ có muốn xuống với dân cũng chịu. Vào giữa trưa mà thấy dân ở nhà khá nhiều, tức là… thất nghiệp. Trẻ con rất đông. Bao giờ cũng thế, nghèo đói thì sinh nở nhiều. Nhưng giữa làng đang có mấy cái xe tải vào chở sắn. Bà con ở đây trồng sắn, đang mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi mua hoặc đổi hàng. Trẻ con nhiều đứa trên tay cầm gói bim bim hoặc phồng má mút kẹo…

Từ huyện vào làng phải xuyên qua lõi rừng quốc gia Kon Ka King. Loang lổ những vạt rừng cháy. Lúc ra nghe rõ cả những tiếng nổ rất to từ những đám cháy ngùn ngụt. Chúng tôi hoảng hồn nhảy xuống xe chụp ảnh, còn những người Bahnar qua đường dửng dưng giải thích là... đốt rẫy đấy. Rẫy gì mà toàn cổ thụ cháy rừng rực. Cũng rất khó trách ai bởi tập quán ngàn đời là thế, lại ở sâu âm u thế, cán bộ, kiểm lâm có rải ra cũng không thể khắp được. Rồi lâm tặc người Kinh nhân đấy đánh hôi. Có một đoạn mấy thanh niên đang đốt than, chúng tôi lùi xe để ngồi trên xe chụp ảnh trong tư thế… sẵn sàng chạy vì sợ họ gây sự. Xe chúng tôi nhiều lúc đi cheo leo trên các hõm núi, nhìn sang bên kia mây trắng xóa, lại có lúc tụt xuống thung lũng, ngước lên thăm thẳm trời… 

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

Làng ở Gia Lai bây giờ chủ yếu đã được ngang bằng sổ thẳng, gần như của người Kinh. Vệ sinh hơn, sạch sẽ hơn, nhưng vẫn cứ thấy thiếu thiếu 1 thứ gì.

Té ra nó là hơi thở làng.

Nhà rông xây bằng bê tông lợp tôn chói lòa, nhà mồ cũng thế, các ngôi làng được dịch chuyển theo quy hoạch, không còn bám theo các triền suối, đặc biệt là đất đai bị thu hẹp, người dân phải đi làm thuê ngay trên đất của mình. Công cuộc… phá rừng giàu đã xong, giờ chuyển sang rừng nghèo bằng cách trồng cao su lên đấy. Nhưng không phải giao cho dân mà giao cho các doanh nghiệp. Người dân bị dồn dần vào núi xa.

 Trước mặt là đất của các ông chủ, sau lưng là rừng, là tài sản quốc gia. Người dân ngơ ngác co ro trong các ngôi làng định canh định cư hoặc đền bù tái định cư xa lạ.

Trong khi trình độ canh tác của người dân Tây Nguyên rất thấp, nên nếu tự làm cũng không ăn thua, mà làm thuê thì cũng với giá rẻ mạt. Các lý do hiện nay khiến nông thôn Gia Lai chưa bền vững là thị trường lên xuống thất thường, thiên tai dịch bệnh và cả trộm cướp an ninh nông thôn. Ngoài cao su, cà phê, tiêu… thì 50.000 héc ta sắn đã được trồng, chỉ ở Gia Lai thôi, một mặt giải quyết một phần thu nhập (dù giá rất rẻ và rất phập phù), nhưng mặt khác nó tham gia vào việc phá rừng khủng khiếp, tàn sát môi trường và bóc lột tài nguyên đất, làm đất bạc màu rất nhanh.

Chúng tôi nhiều lần vào các buôn làng Gia Lai, trừ bà con vùng Chư Sê, Chư Pưh khá giàu vì họ biết trồng tiêu, cao su và mấy năm nay giá các loại này cũng ổn định, còn các nơi khác phần lớn là nghèo, vì bà con vẫn sản xuất theo trào lưu, không có sự điều tiết, vai trò của nhà nước khá nhạt nên chu kỳ trồng- chặt phá- trồng lại… rất tốn kém và lãng phí. Thấy cái gì đang lên thì đổ xô vào làm, chưa kịp thu hoạch nó xuống lại phá đi trồng một cái giì đấy đang lên. Chưa hết, sự phân phối lao động hiện vẫn đang bị chênh lệch ghê gớm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng rộng nên nạn trộm cắp khá nhiều, nhất là trộm (thực chất là cướp) mủ cao su, cà phê chín…

Tưởng Tây Nguyên thì đất mênh mông, té ra không phải thế. Bình quân đất trên dân của Gia Lai khá lớn nhưng phân bố không hợp lý. Đất bây giờ về cơ bản nằm trong sự quản lý của các nông lâm trường quốc doanh, và gần đây là các đại gia trong “chiến dịch” biến rừng nghèo thành đất trồng cao su. Không gian sinh tồn của dân ngày càng bị thu hẹp, họ phải đi làm thuê dưới nhiều hình thức.

Tất nhiên vai trò của các nông lâm trường là không thể phủ nhận, ấy là của một thời. Cái thời cần khai hoang, cần mở đất, nhưng cũng chính nó tham gia phá rừng rất khủng khiếp. Bây giờ việc tiếp tục giao đất cho họ, và cho cả các đại gia, có lẽ không còn phù hợp, bởi nó sẽ hết đất dự phòng cho nông dân, cho người dân bản địa, mà số dân này ngày càng tăng, thậm chí là tăng nhanh vì điều kiện y tế, ăn ở bây giờ khá hơn, tỉ lệ nuôi sống trẻ em nhiều hơn thời trước. Thêm nữa thực chất về kinh tế thì hiệu quả không cao. Nhiều ý kiến cho rằng nhiều đại gia xông vào nhận đất rừng nghèo trồng cao su hoặc làm thủy điện thực chất là để… khai thác gỗ, chứ tư sản trong nông nghiệp rủi ro rất cao, không có nhiều lợi thế. Nếu bị vỡ thì nhà nước thì mất rừng mà ngân hàng thì mất tiền (cho vay dự án).

Nhiều chuyên gia cũng nói với chúng tôi rằng, năng suất cây trồng trên đất Tây Nguyên hiện nay chưa cao, tính cạnh tranh rất thấp. Ví dụ 50.000 ha bắp lai được trồng ở Gia Lai, thu hoạch chừng 200.000 tấn hạt chủ yếu chỉ làm một vụ, và bán rất rẻ vì không phơi sấy được. Họ cũng cho rằng Nông nghiệp đã qua thời kỳ lớn mạnh nhờ kỹ thuật, nhờ vai trò của nông nghiệp quốc doanh; nay muốn bứt phá phải tổ chức lại cho nông dân từ sản xuất, cung ứng, thị trường, thương hiệu….  Chúng tôi biết ở huyện Chư Sê đã có 1 Hợp tác xã nông nghiệp qui mô 6 xã, 400 ha cà phê, hoàn toàn đúng bản chất HTX của nhân loại. Họ đã có tiếng nói trong làm ăn, bảo vệ được quyền lợi cho nông dân, qua vài vụ mua phân bón đã lợi cho dân được 3 tỷ đồng...

Bên cạnh đấy phần lớn cư dân nông thôn ở Gia Lai còn ỉ lại, không phát huy tính chủ động. Cũng có lỗi do nhà nước quá dài tay, nhất là các dự án, làm xong trao chìa khóa, khi về thì các công trình cũng… vừa hỏng, mà các hệ thống nước sinh hoạt, nước tưới tiêu la liệt đắp chiếu ở nhiều làng chúng tôi đi qua là ví dụ. Theo thống kê của một chuyên gia nông nghiệp thì ở Gia Lai có đến 50% hệ thống nước sạch không hiệu quả, thủy lợi thì dân tự phá kênh mương cho nước tự chảy, nhà 134 thì chủ nhà không quan tâm… Lần chúng tôi vào xã A Yun của huyện Chư Sê, trong khi nhà thầu làm nhà 134 cho thì dân ngồi… xem, không tham gia, không góp ý. Mà mỗi cái nhà chỉ có mười mấy triệu, lại chuyển vật liệu từ xa, nếu dân không tham gia, làm xong hỏng ngay là cái chắc…

Ấn tượng nhất khi chúng tôi rời Kon Mahar là vào khu nhà mồ của làng. Người Tây Nguyên rất coi trọng khu nhà mồ, nó là ngôi làng thứ 2 của họ, thậm chí làm nhà mồ còn kỳ khu hơn, đẹp hơn làm nhà ở. Nhưng ở đây là những nấm đất sơ sài, phía trên phủ tranh lè tè như bọn trẻ con chơi trò chơi làm nhà xem ai nhanh hơn…

TRAO ĐỔI VỚI CHUYÊN GIA

Mang tất cả những gì chứng kiến và thu nhận, chúng tôi có một cuộc ngồi lại với Phạm Đức Long, nhân vật đã nhắc ở đầu bài. Ông này yêu Tây Nguyên thì thôi rồi, chả thế mà ông tiếp tục nói vanh vách ngay khi chúng tôi đưa ra câu hỏi: Thế thì làm sao bây giờ? Nói ngay không đắn đo: Cần chuyển đổi, cổ phần hóa phần lớn nông lâm trường hiện nay theo hướng: Nông trường thành HTX, hoặc cổ phần hóa, bán cho dân… Lâm trường nào liên quan đến rừng tự nhiên phải bỏ ngân sách nhà nước mà giữ, không nên kinh doanh trên tài nguyên rừng loại này, vì mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, kể cả hy sinh môi trường. Chỉ lập doanh nghiệp nơi có đất rừng trồng, và không nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước không nên đi cày đất tranh với nông dân!  Nên trả về cho dân. Cũng phải xem lại vấn đề giao đất cho đại gia, bởi có lúc sẽ mất cả rừng lẫn tiền (ngân hàng). Nên dành quĩ đất dự phòng cho nông dân nhất là dân tộc thiểu số, khi con cháu họ sinh đẻ nhiều thêm…

Ly cà phê đã tan đá mà câu chuyện của chúng tôi vẫn chưa dứt. Long kể chính anh là người lặng lẽ giúp cho cái hợp tác xã ở Chư Sê thành hình đấy. Nó mới là thí điểm nên anh chưa lộ diện, tuy thế nghe cách nói thấy có vẻ như sự thành công đã là chắc chắn.

Thực ra ý định của chúng tôi là định đi về làng tìm hiểu về văn hóa, xem cái sự biến chuyển văn hóa làng Tây Nguyên trong thời hội nhập này nó như thế nào, cuối cùng lại phải đụng đến vấn đề nông nghiệp và nông dân. Nhưng quả là đã về làng rồi, thì không thể không lên tiếng, khi mà, đời sống của dân, đã mấy chục năm đổi mới, mà vẫn chưa thấy đổi mới bao nhiêu…
                                                             
      

2 nhận xét:

minhphuong nói...

Vậy Văn Công Hùng phân biệt làng khác buôn ở chỗ nào? Ở phân mở đầu nói mọi người không phân biệt được làng, buôn nhưng đọc trong bài có thấy phân biệt gì đâu?

Văn Công Hùng nói...

@Minh Phương:
Dạ thưa anh, vấn đề làng và buôn tôi đã viết nhiều rồi. Bài này tôi không đặt vấn đề ấy. Phần đầu chỉ là cái sapo thôi, tôi viết về cái khác của làng kia. Như đã nói, tôi định viết về văn hóa, nhưng cuối cùng phải viết về kinh tế và mô hình làng dưới góc độ xã hội.
Làng- buôn- nông thôn... vô cùng nhiều điều, nhiều vấn đề cần quan tâm, trong 1 bài không thể ôm đồm hết. Tôi đã nhẩn nha viết trên blog này khá nhiều, nếu quan tâm, mời anh chịu khó đọc ở 2 mục chính: "bút ký ghi chép phóng sự" và "Những vấn đề văn hóa Tây Nguyên". Đa tạ anh...