Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

GIALAI CÀ KÊ 3

Hồi ấy khắp tỉnh Gia Lai chỗ nào cũng có cái khẩu hiệu: Cơ quan (gia đình) tôi không tiếp những người quần loe, tóc dài.

Cái ông phó phòng thứ 2 kêu mình lên căn dặn, huấn thị là người sản xuất ra cái khẩu hiệu ấy. Và mình được ông giao nhiệm vụ... theo dõi. Ông nhấn đi nhấn lại mình là cán bộ văn hóa cách mạng, phải gương mẫu, đầu cắt ngắn, quần áo đàng hoàng. Hồi này ở Quảng Bình có những đội hồng vệ binh đi đầy đường để cắt tóc và xé quần những ai tóc dài quần loe. Khổ thân mấy ông giáo sư người Huế đưa sinh viên ra đấy thực tập, bị bắt hết, tóc bị cắt nham nhở, quần xé tanh bành...


Quần mình cũng loe, là của sinh viên mang lên, đang còn mới. Tóc mình cũng dài. Nó không dài đến vai, nhưng so với số cán bộ của ty văn hóa thời ấy thì là dài. Mình cũng không ngủ sớm, không dậy sớm được. Vì tối thì đọc sách, sáng lạnh nằm co trong chăn cho sướng. Bên ngoài phó ty đi từng phòng đánh thức bắt dậy tập thể dục và vệ sinh, quét sân. Hồi ấy hầu như tất cả cán bộ đều ở trong cơ quan, ở ngay trong phòng làm việc hay cái dãy phía sau, chung 1 cái bể nước đầy lá thông và... sâu róm. Mình ở với tay họa sĩ, có hôm phó ty xô cửa xông vào, lấy cái chổi quét nhà của 2 thằng, vừa quét vừa chửi như đàn bà, 2 thằng vẫn kệ, quấn chăn như không nghe, vì không thể dậy lúc ấy. Ông quét được mấy nhát thì vất chổi, chạy ra giữa sân... chửi tiếp. Tuyệt đại bộ phận cán bộ của ty thời ấy không phân biệt được Ta Go, Pi Ta Go và Pi Cát Xô, nhưng rất hăng hái trong công việc, vì thế rất nhiều chuyện vừa ấu trĩ vừa khốn khổ đã xảy ra. Mình không biết hết, nhưng những điều sơ đẳng thì biết, và biết thì cãi, cãi thì bị ghét...

Hồi ấy đang có mấy bác của viện Văn hóa vào sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian. Việc này là do trưởng ty xử ra, nhưng bị các phó ty chống, nhất là ông phó ty hay chửi và ông trưởng phòng văn nghệ. Khốn khổ khốn nạn những cuộc họp nảy lửa và cả những trò trẻ con để chống lại việc này, nhưng trưởng ty vẫn quyết làm, và thực tế là việc làm này quá đúng. Những gì làm được thời ấy đến giờ vẫn có giá trị. Nó chứng minh rằng văn hóa không phải là cờ đèn kèn trống, không phải là bề nổi nhất thời, mà là phải nghiên cứu tìm hiểu để đề ra những chiến lược văn hóa, những vấn đề thuộc về chiều sâu con người, thuộc về đời sống tinh thần của cả xã hội chứ quyết không phải xanh đỏ tím vàng nghênh ngang ngoài phố...

Cứ ngột ngạt thế, một hôm GS Tô Ngọc Thanh hỏi mình: ông có biết ai biết dùng máy nổ giới thiệu để đoàn thuê, đi xuống làng chục ngày, mỗi ngày mấy đồng đấy, không nhớ nữa. Mình về hỏi họa sĩ: mày biết chạy máy nổ không? Nó bảo dễ ợt. Thế là mình bàn với nó đi... làm thuê cho ông Tô Ngọc Thanh. Nó đồng ý thì phải lên xin trưởng phòng. May sao hôm ấy ông này hớn hở điều gì nên đồng ý cho cả 2 thằng đi, tại vì mình bảo: tụi em đi không thanh toán công tác phí, xuống cơ sở như đi thực tế.

Thế là chuyến xuống làng đầu tiên của mình với tư cách người chạy máy nổ, làm thuê  cho viện văn hóa, do GS Tô Ngọc Thanh trưởng đoàn.

Tối nhù nhờ thì đến làng, nó chính là cái làng của ông Núp, thuộc xã Nam thời ấy. Hồi ấy đi vào vất lắm, và còn rất nhiều fulro. Đoàn của viện ở trong trụ sở ủy ban, 2 thằng mình theo ông Y Vin, diễn viên múa vào một nhà dân. Leo lên sàn thì tối, chỉ thấy leo lét đống lửa giữa nhà, và mùi hôi, rất hôi. Giờ thì quen rồi, chứ hồi ấy quả là rất khó chịu. Nhưng biết làm sao. Mình cứ to hó ngồi quan sát. Đồng bào kéo đến, ghè rượu mang ra, uống và nhổ nước bọt, sàn nhà bằng le, có kẽ hở, và mọi người nhổ rất chính xác vào các lỗ ấy, mà có không chính xác thì... mông lại di vào. Tất cả mọi người đều đóng khố, mông chai hơn gì nữa. Lát nữa thì cơm dọn ra. Hồi ấy cán bộ xuống làng còn được dân cho ăn, tất nhiên sau mình cũng tìm cách đưa lại cho họ cái gì. Bọn mình chỉ ăn của họ tối ấy, từ hôm sau thì tự nấu. Thấy 1 nồi cơm to oạch, một nồi canh cà đắng lõng bõng nước, và một bát muối giã ớt. Không đũa bát, sa ngo, dùng tay bốc. Sau này có người chế ra câu "Người Kinh nửa dại nửa khôn, ăn cơm bằng đũa sờ... mồm bằng tay" bảo là của đồng bào nói, chắc chắn là 1 ông Kinh chế tác...

Hôm sau thì bắt đầu làm việc. Có dân làng khiêng máy nổ, mình và Họa sĩ chỉ đi không, đến nơi làm thì đổ xăng vào, kéo dây, giật máy nổ, xong là chơi.  Và nhờ thế mà lang thang khắp làng... Chứng kiến làng săn được một con nai, khiêng về, mổ ra và chia rất đều, ai cũng có phần, từ bé tí đến già rụng răng. Khách cũng có phần. Chiều ấy mình đang hí hửng với món nai xào với bắp chuối (độn vào  chứ thịt ít lắm) thì thấy dân làng rùng rùng chạy ra hướng suối. Mình chạy theo ra thì, trời ạ, một người tự tử. Lần đầu tiên mình thấy một người chết vì treo cổ. Mặt bành ra, lưỡi thè, mắt lồi... rất kinh.

Lý do tự tử rất đơn giản: nhà anh này nghèo, ở tít ngoài rìa làng. Khi cầm miếng thịt được chia về, anh cảm thấy nó có vẻ nhỏ hơn của nhà khác. Thế là để bảo vệ lẽ công bằng, anh treo cổ chết.

Ấn tượng Tây Nguyên đầu tiên của mình đấy, nó cứ ám ảnh đến tận bấy giờ.

Anh này chết, dân làng lại... say, vì lại đập heo, bò để... liên hoan. Cứ để anh ta nằm đấy, mọi người làm heo, bò, đánh chiêng, nhảy múa, và tu rượu. Đoàn công tác được ủy ban xã cử cho một tốp du kích bảo vệ, một ông say lên đạn cái roạt, chĩa về phía mấy ông anh ta được giao bảo vệ. Huhu tất cả cứng người, đứng im như tượng, mặt xanh hơn đít nhái nữa. Ông Y Vin cũng ngà ngà rồi, rất nhanh đánh bật tay cầm súng của anh du kích, đoạt súng y như trong phim. Sau ông kể, ông nguyên là bộ đội nên việc ấy dễ như thò tay vào nồi bốc cơm. Cũng ông Y Vin kể: Làng ông có một con hổ thọt rất hay vào bắt heo. Một hôm uống rượu say thì ông hổ lại mò vào, nó đứng ở đầu làng... ngắm trăng. Ông Vin cởi trần lao ra, cách chừng mười mấy mét thì dừng lại, chống nạnh nói: này con hổ kia, mày là đàn ông tao cũng đàn ông, có giỏi thì đánh tay đôi, chứ đừng vào làng mà dọa đàn bà con nít. Hẹn mày tối mai ra suối Chơ Pâu, chứ giờ tao say rồi. Tối mai nhé, trăng lên nhé, tạo đợi mày ở đấy. Con hổ gục gặc đầu 1 lúc rồi... lững thững đi. Mình hỏi tối mai anh có ra không, ông Vin nói tỉnh rượu sợ sun chim, nhưng đã hẹn thì không thể nuốt lời, tối sau ông vẫn ra, ngồi trên tảng đá chờ, nhưng, may thay, con hổ đã không đến, và cũng từ đấy, nó không vào làng bắt bò lợn nữa...

Đến cái đoạn chôn ông tự tử mới kinh, nhưng thôi, mai tiếp, giờ gõ bài tết kiếm xiền đã...



3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tiếp đi chú Hùng ơi.

Nặc danh nói...

Tôi rất thích loại chuyện này. Nó như lịch sử làng quê, là hồn cốt quê hương. Ngày trước quê tôi có đầm nước rất sạch đẹp, trong làng cây cối um tùm, có nhiều chim cò, mùa hè trẻ con rủ nhau đi bắt chim bắt ve sầu, sau mùa gặt đi bắt cua cá, rồi ăn trộm trái cây, ra đầm câu cá... Bây giờ về quê chán lắm, đầm bị ô nhiễm chẳng ai dám xuống tắm-bơi, cây cối bị chặt gần hết nhường chỗ cho nhà mái bằng mái tôn giả villa đua nhau mọc lên thách thức nhau (mà ở không hết). Tình nghĩa cũng khác xưa... Buồn buồn là!
Bạn SGo

Unknown nói...

Chắc hôm sau con hổ nó cũng sợ sun chim