Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

CÔ QUY

Đời tôi học với nhiều cô giáo, nhưng 2 cô giáo để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là cô Quy và cô Quyền, đều dạy văn tôi hồi cấp 2 ở trường cấp 2 Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Hồi ấy nhà máy của mẹ tôi sơ tán về xã Châu Lộc. Ở đấy có 2 nhà máy, nhà máy diêm Thanh Hóa của mẹ tôi và xí nghiệp than bùn của chú Dược chồng cô Quy làm giám đốc. Tôi học xong lớp 7 vào cấp 3 thì cô cũng vào Vinh học đại học sư phạm (hồi ấy các thầy cô giáo chủ yếu là học 7 cộng 3 hoặc 10 cộng 2 là ra đi dạy cấp 2). Khi tôi vào Huế học đại học thì cô về dạy cấp 3 Lam Sơn, trường chuyên nổi tiếng của Thanh Hóa, 1 trong những đặc sản của Thanh Hóa.

Học trò thường mê cô giáo... đẹp, kể cả học trò... cấp 1 cấp 2. Hồi đi học cao cấp chính trị, có một cô giáo, là TS, cũng quê Thanh Hóa, xinh kinh hoàng, chân miên man như kiếm nhật, mà váy lại tăm tắp với chân, có 1 thằng ngồi bàn đầu chuyên nhắn tin cho cô: Cô ơi chân cô dài quá em học không nổi, hiihi. Có mấy đứa khác lại thì thào cãi: cái vòng cô đeo ở chân là vàng hay ngọc... Cô Quy không nghiêng nước nghiêng thành, nhưng tôi lại luôn coi cô là thần tượng. Hồi ấy cô đã có 3 con, bây giờ con gái đầu của cô đang làm sếp ở VTV, cái cô bé ngày xưa thi thoảng cho nó bú cô bảo: Hùng quay mặt đi để cô cho em bú...

Là phi lộ thế để mình đăng cái bài mình viết về cô cách đây mấy năm, như một món quà gửi đến cô, đến các thầy cô đã dạy mình (mình học ít, khác với ít học nhé. Mình biết có mấy ông hàng rổ bằng, nhưng toàn bằng... bổ túc với tại chức, loại Ha Vớt Lý Thái Tổ- Đường Lý Thái Tổ Pleku có mấy trung tâm chuyên liên kết mở tại chức, từ xa, mở... cho cán bộ. Rất nhiều ông miệt mài học cái này để làm quan, huhu, trong khi mẹ của cháu bé mới bị bảo mẫu đạp đến vỡ tim ở Sài Gòn ấy, đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, không xin được việc làm, phải đi làm công nhân với đồng lương chết đói, ở trong xóm trọ tồi tàn và gửi con trong nhà trẻ công nông tự phát vì không có tiền ra nhà trẻ chính quy). Mình chỉ học nhõn cái đại học chính quy rồi ra đi làm, còn phần lớn là tự học, nên giờ khoe bằng cấp mình ít nhất), và các thầy cô giáo nói chung, nhân... hôm nay, ngày của sự trong sáng, cao thượng và lấp lánh tri thức...
------------


          Tôi có cái may mắn là hồi học phổ thông được học văn với những cô giáo dạy văn yêu văn và tâm huyết với nghề, với học trò. Nhiều cô thầy làm thơ viết văn từ hồi tôi đang học phổ thông ấy. Nói thế bởi tôi biết sau này có rất nhiều cô giáo vào học sư phạm văn vì... không thể thi vào các khoa khác, trường khác. Một trong những cô thầy ấy của tôi là cô Nguyễn Thị Kim Quy.

          Cô Quy dạy tôi từ hồi cấp hai. Hồi ấy nhà tôi sơ tán về xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Cô Quy dạy ở đấy vì chồng cô công tác ở đấy chứ quê cô ở huyện Hoằng Hóa kia. Trí óc non nớt của tôi hồi ấy nhớ là một cô giáo thuộc rất nhiều thơ, thường bắt chúng tôi ghi những câu thơ câu văn hay vào sổ tay văn học, cuốn sổ mà đứa học sinh nào thế hệ chúng tôi đều có. Học sinh nông thôn, học dưới hầm, sách giáo khoa vở chép bài còn chả đủ, lấy đâu sách tham khảo, vậy nên, nguồn bổ sung kiến thức cho chúng tôi chính là những đoạn văn câu thơ mà cô đọc cho chúng tôi chép. Tôi thuộc khá nhiều thơ của các nhà thơ thời chống Mỹ, thuộc nhiều châm ngôn, danh ngôn cả ta lẫn tây là từ cô. Bẵng đi mấy chục năm, một hôm đang đi công tác xa nhà hàng trăm cây số, vợ tôi gọi: Anh có cô giáo cũ vào thăm, đang ngồi ở nhà mình. Tôi hỏi cô nào, vợ bảo cô Quy. Trời ạ, cô Quy. Tôi vắng nên vợ tôi thay tôi tiếp cô như chính mình là học trò cô. Khi về tôi nhận được mấy tấm ảnh của cô và chùm thơ cô gửi.

          Trước đấy thi thoảng tôi có đọc thơ của tác giả Nguyễn Thị Kim Quy trên báo Văn Nghệ, nhưng không nghĩ đấy là cô giáo mình. Khi nhận chùm thơ biết chắc chắn thì từ đấy tôi luôn hồi hộp chờ đón đọc thơ cô.

          Và bây giờ thì trên tay tôi đang là tập bản thảo của cô, tập "Sóng dội", tập thơ thứ năm của cô.

          Tất nhiên là dịu dàng. Thì nhà thơ nữ nào mà chả dịu dàng. Nó như là một thiên chức mặc định. Nhưng với cô Quy, sự dịu dàng như là bổn phận. Ông chồng đi nhậu say về: Nếu chỉ uống một chén/ Thì làm gì có say/ Phải là bao nhiêu chén/ Mới ra nông nổi này.../ Giá mà anh biết được/ Mình khi say thế nào/ Và giá anh hiểu được/ Em buồn anh đến đâu. (Rượu- anh và em). Với đứa con đang còn trong bụng: Mẹ đếm từng ngày một/ Mẹ tính từng tháng qua/ Ngày nào tròn chín tháng/ Để đón ngày "khai hoa"... Rồi vẫn ông chồng ấy: Tôi thế chấp cuộc đời tôi/ Và tôi có được một người mình yêu... có gì đấy vừa tin tưởng vừa vụng dại, vừa non nớt vừa ngây thơ. Thì tình yêu mà, làm sao mà cắt nghĩa rạch ròi được.

          Đọc thơ Nguyễn Thị Kim Quy thấy hiện lên sự trong trẻo xả thân cho thơ một thời. Nói thế không có nghĩa là bây giờ người ta không yêu thơ, nhưng bây giờ vẫn còn chút gì đó gợn gợn bởi nỗi lo cơm áo, thế sự, đời thường, còn cái hồi xưa ấy, nó thiêng liêng và thanh thản dù đời sống hồi ấy khổ hơn bây giờ nhiều. Một nách ba con lếch thếch sơ tán suốt những năm tháng chiến tranh phá hoại, thế mà cô Quy của tôi vẫn đau đáu làm thơ, mà chả thấy gian khổ gì cả, chỉ thấy ngập tràn những trong veo và hứng khởi: Tôi giữ nguyên lành ngõ nhỏ của tôi/ Tôi giữ nguyên lành vầng trăng mười sáu/ Mãi mãi nguyên lành một thời yêu dấu/ Mãi mãi nguyên lành tuổi nhỏ tôi ơi/ Tôi giữ nguyên lành màu áo thay vai/ Tôi giữ nguyên lành con đường tới lớp/ Mãi mãi nguyên lành những chiều sum họp/ Mãi mãi nguyên lành bóng mẹ- mẹ ơi... Nói thế, nhưng những va đập của cuộc đời vẫn thắc thỏm trong thơ: Cả Hà Nội đêm nay như dội sóng/ Lòng bồn chồn thức trắng với miền Trung/ Như ngày trước trắng đêm cùng tiếng súng/ Của miền Nam đất lửa anh hùng/... Hàng vạn nóc nhà chìm trong biển nước/ Hàng triệu con người bỗng chốc hóa tay không/ Núi sạt, đường trôi... lại qua không được/ "Phao cứu sinh" vào liệu có kịp không? (Phao cứu sinh).

          Luôn tự nhận mình là người làm thơ không chuyên dù đã xuất bản đến bốn tập thơ, Nguyễn Thị Kim Quy nhờ thế mà điềm tĩnh: Xuất bản dăm đầu sách/ Ngỡ thành thi nhân rồi/ Chiều nay qua quán sách/ Thơ mình... đầy bụi rơi (Tự diễu) và tự tại: Để lại phía sau tuổi trẻ của mình/ Để lại phía sau nhành hoa phượng đỏ/ Để lại phía sau nụ cười thiếu nữ/ Nụ hôn đầu đời cũng để phía sau (Để lại phía sau).

          Một thế hệ yêu thơ và làm thơ trong trẻo, và còn thổi tình yêu ấy vào lòng bao thế hệ học trò, thế hệ Nguyễn Thị Kim Quy và những người thầy chúng tôi thời ấy đến giờ vẫn rất nặng lòng với văn chương, coi văn chương không chỉ là thù tạc, là ngâm vịnh tuổi già, mà còn là một cách bày tỏ chí hướng: Lẽ đâu trăng cũng giống người/ Một đời thơ với một đời bể dâu/ Nỗi buồn khâm liệm nỗi đau/ Trong đêm tối khắc khoải màu trăng suông. Và: Tôi giữ nguyên lành màu áo thay vai/ Tôi giữ nguyên lành con đường tới lớp/ Mãi mãi nguyên lành những chiều sum họp/ Mãi mãi nguyên lành bóng mẹ, mẹ ơi...

          Và vẫn yêu cháy bỏng: Một đời tôi thế chấp tôi/ và tôi được lại những người tôi yêu, tất nhiên đấy là tình yêu chiêm nghiệm, đánh đổi, thử thách với nhiều cung bậc, để rồi mà nhiều khi vừa tổng kết vừa như tiếc nuối: Để lại phía sau tuổi trẻ của mình/ Để lại phía sau nhành hoa phượng đỏ/ Để lại phía sau nụ cười thiếu nữ/ Nụ hôn đầu đời cũng để phía sau...

          Tôi rất rụt rè và ái ngại khi được cô Quy giao cho tập thơ, "đọc trước cho cô" và những điều nhận được từ tập thơ không chỉ là những dòng phía trên, bởi trong tôi, cô luôn là người thầy ở nhiều nghĩa, vẫn trong trẻo cái thời chúng tôi mũ rơm dép cao su đeo túi cứu thương đi học dưới hầm, cái thời cô không chỉ là cô mà là mẹ đúng nghĩa, bởi bom đạn như thế, cô chính là người che chở cho chúng tôi, thế mà từ sự mấp mé sinh tử ấy, từ những ngày khốn khó tột cùng ấy, tình yêu văn chương của chúng tôi được nhen nhóm, được đốt lên, được ủ lửa bởi tấm lòng trong trẻo tuyệt vời của các thầy cô, và tất nhiên người quan trọng với tôi là cô Nguyễn Thị Kim Quy, người tinh tế và trải nghiệm đến như thế này: Biết sương rơi rất khẽ/ Mà đá cũng phải mòn/ Biết thu đi thật nhẹ/ Mà vàng rực hoàng hôn...

          Tập thơ này là thành quả lao động nghệ thuật của cô Quy, dẫu cô nhận mình là không chuyên thì nó vẫn rất đáng quý. Tài sản lớn nhất của người mẹ là gia đình với những đứa con và những trang sách. Cô đã có cả. Tôi, học trò cô, là người vinh dự được đọc trước tập bản thảo này và mạo muội có vài dòng giới thiệu...


Ảnh mình và cô Quy ở Văn Miếu ngày thơ VN 2010. Rất tình cờ 2 cô trò gặp nhau ở chốn thơ:




3 nhận xét:

Unknown nói...

Hay và cảm động quá Bác Văn!!!!

Nặc danh nói...

Cia vui với anh Hùng
Bạn SG

123 nói...

Dạ đồng chí Văn Công Công! Em luôn tin tưởng ở đồng chí...Nhưng hình như đồng chí quá yêu cô giáo của mình nên...lăng xê thơ cô chăng? Nói chung, thơ cô trong sáng đến thành dễ dãi. Đặc biệt, thơ cô giáo đồng chí ít hình ảnh, lại càng quá ít hình ảnh mang sức gợi...!? và hình như ngày xưa (cách đây chỉ độ vài chục năm thôi, nói thế cho oách!) các cụ, các cô, các đại ca làm thơ đều như vậy thì phải...!