Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

ĐƯỜNG ĐẠI TƯỚNG

Như mọi công dân yêu Đại tướng khác, sáng nay mình ngồi chờ tivi tường thuật trực tiếp lễ viếng đại tướng, theo như thông báo là từ 7h30. Huhu chả thấy đâu, và cũng không nghe thông báo lại. Giờ thì VTV1 ông Đỗ Ngọc Thống đang nói về giáo dục. Chắc là nhà đài lơ luôn rồi. Tất nhiên phải có lý do gì đó?

Đi uống cà phê, vừa nói chuyện vừa lướt iPad thì gặp bức ảnh 2 đại tướng ôm nhau thắm thiết. Mình nhớ sau năm 75 một vài năm thì phải, có một cuốn sách rất nhiều người đọc, là cuốn "Đại thắng mùa xuân" của đại tướng Văn Tiến Dũng, và ai đọc xong cũng... ngạc nhiên, vì chả thấy tướng Giáp đâu cả, giống như năm 75 thì đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ngoài cuộc vậy...

Giờ thì sự thật đã trở về, hình ảnh mấy ngày vừa qua cả dân tộc để tang và viếng đại tướng đã là một minh chứng cho việc con người, dù có thế nào, cũng không bị lãng quên nếu anh hết mình cho dân cho nước. Và rằng là, nhân dân, dẫu là thảo dân, nhưng họ biết hết, hiểu hết, và họ biết cách trả ơn cho những người hiểu họ, thương họ, dẫu âm thầm không nhộn nhạo tung hô. Mình biết, còn rất nhiều điều về tướng Giáp mà nhiều người biết nhưng chưa nói ra, cũng như nhiều người muốn hỏi mà chưa có nơi hỏi...
Nhà mình sáng nay...

Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn lại vừa thể hiện tình yêu với đại tướng mà viết một bài khá sâu sắc về chọn đường để đặt tên đại tướng. Và tất nhiên, ông Nguyễn Trọng Văn yêu quý bạn đọc blog VCH mà gửi tươi bài này lên blog để mời các bạn đọc trong thứ 7 này cho nóng sốt...
--------


VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC LỰA CHỌN TUYẾN ĐƯỜNG
ĐỂ ĐẶT TÊN "ĐƯỜNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP"    Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng sự nghiệp cách mạng với những chiến thắng lẫy lừng, nhân cách cao cả và văn tài của ông mãi mãi là niềm tự hào của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy việc Thủ đô Hà Nội cũng như tại một số địa phương khác trong cả nước, tiến hành việc lựa chọn để đặt tên của vị "Anh hùng dân tộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp" cho một tuyến đường, một đường phố thật vô cùng có ý nghĩa. Ý tưởng này đang được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Điều đó vừa thể hiện tình cảm của mọi người dân với Đại tướng, vừa là trách nhiệm của mọi chúng ta để ghi nhận công lao của một con người bình dị mà rất đỗi tự hào.

Với tư cách là một nhà thơ, một cựu chiến binh và là một công dân của Thủ đô, tôi xin có ý kiến tham góp vào việc lựa chọn tuyến đường phố nào ở Hà Nội để đặt tên Đại tướng vào dịp gần nhất.

Theo ý hiểu và cảm nhận của tôi, thì tuyến đường sẽ có vinh dự được mang tên vị Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp, là tuyến đường nối tiếp từ “Đường Phạm Văn Đồng” hiện nay. Tuyến đường cao tốc này xưa nay được gọi nôm na là đường “Bắc Thăng Long – Nội Bài”. (Tuyến đường này bắt đầu từ phía bờ bắc cầu Thăng Long tới sân bay Nội Bài). 

Một tuyến đường có nhiều ý nghĩa hợp lòng thấu tình đạt lý. Thứ nhất, đây là tuyến đường theo hướng đi lên Chiến khu Việt Bắc nơi khởi nguồn của Cách mạng và nơi khởi nguồn của Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân bách chiến bách thắng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy và lãnh đạo suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Thứ hai, đây là hướng tiến binh mà đội Việt Nam giải phóng quân dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Chiến khu Việt Bắc nam tiến về hợp lực với nhân dân Hà Nội bảo vệ thành quả cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 (Cầu Thăng Long gần bến Chèm nơi đội Việt Nam giải phóng quân vượt sông Hồng vào Hà Nội). Thứ ba, là khu vực phía tây bắc Thủ đô Hà Nội, một khu vực thể hiện rõ ràng nhất những phát triển của Thủ đô trong gần ba mươi năm đổi mới, nơi đây đã có nhiều tuyến đường mang tên những nhà cách mạng tiền bối như: Đường Phạm Hùng, đường Lê Đức Thọ, đường Xuân Thủy, đường Hoàng Quốc Việt hợp lưu với đường Phạm Văn Đồng, qua cây cầu Thăng Long - biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế cao cả của những người cộng sản Liên Xô anh em. Thứ ba đây là tuyến đường đi lên một sân bay quốc gia có tầm cỡ quốc tế, còn có ý nghĩa là nâng tầm thời đại của đất nước bay lên, cất cánh lên vào kỷ nguyên “Dân cường, nước thịnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” như ý nguyện của bao lớp Cách mạng tiền bối. Thứ tư, đây là tuyến đường có ý nghĩa tâm linh vô cùng thấm đẫm: là hướng dẫn tới đỉnh núi Sóc, nơi vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời sau khi Ngài đánh tan quân xâm lược, đây lại chính là tuyến đường cuối cùng mà thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đi qua, trước khi thi hài Đại tướng về tới quê mẹ Quảng Bình. Nó càng có ý nghĩa ghi lại chặng đường mà anh linh vị Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp để lại dấu ấn với Thủ đô Hà Nội nơi Đại tướng đã gắn bó trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của Đại tướng, mà chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" vang mãi bản hùng ca thời đại, cũng hướng tây bắc Hà Nội đó "rồng lửa Thăng Long" từ các trận địa đặt trên địa bàn huyện Đông Anh, đã vút bay lên quật đổ tại chỗ siêu pháo dài bay B52 Mỹ. Chiến thắng của 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 đã ghi đậm về sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đường Bắc Thăng Long – Nội Bài tuyến đường vinh dự mang tên “Đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp” sẽ là một “xa lộ” của công cuộc xây dựng nước ta hiện đại, văn mình và có tầm vóc thời đại như mong nguyện của Đại tướng.

                    Hà Nội, đêm mùng 9 tháng 10 năm 2013.
                                    Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn.

4 nhận xét:

Một người Huế nói...

Theo Thông báo về Tang Lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Văn phòng BCHTW Đảng ngày 6/10/2013 thì"Đài truyền hình Việt nam và Đài tiếng nói Việt nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ Truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Từ 7h00 ngày 13/10/20 mới bắt đầu truyền hình trực tiếp (ở Quảng Bình).
Lễ viếng hôm nay ở các địa điểm (có lẽ)chỉ đưa qua các chưng trình thời sự.

Alo nói...

Theo tui thì nên chọn con đường Bắc-Nam "song song" với đường Hồ Chí Minh (Từ Nam Đèo Ngang-có mộ đại tướng đến hết tỉnh QB-quê Đại tướng) để đặt tên đại tướng.

Đoạn đường Bắc Cầu Thăng Long -Nội Bài thì quá ngắn và đoạn này nó giống như một nút giao thông phức hợp hơn là một con đường.

Nặc danh nói...

Nhà nước hết tiền rồi , Cần phải tiết kiệm. Cả cái chức vụ trưởng ban kế hoạch sinh đẻ của đại tướng cũng được cắt bỏ vì sợ tốn tiền .

Nhà nước ta và Đảng ta , tiết kiệm từng đồng , tưngf cắc cho nhân dân , thế mà các Bác vẫn chưa vừa ý sao ?

Nặc danh nói...

- Nên đổi tên đường Độc Lập thành đường Võ Nguyên Giáp;
- Đường Trần Phú thành đường Văn Cao.
Lý do: đường Độc lập đối diện lăng Bác nối với đường Điện Biên Phủ qua vòng xoay chùa Một Cột; đường Trần Phú hiện hữu nối với đường ĐBP.
Đổi lại tên đường sẽ dễ dàng nhận ra: Đối diện lăng Bác là đường Võ Nguyên Giáp; đường Văn Cao nối với đường ĐBP.
Văn Cao sang tác bài Quốc ca, Đại tướng Võ Nguyên Giáp anh cả của quân đội đã làm nên chiến thắng lịch sử ĐBP. Bài tiến quân ca của Văn Cao là Quốc ca, góp phàn làm nên một Việt Nam độc lập