Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

CHỢ QUÊ



Tôi từ ô tô bước xuống, coi chợ quê như… siêu thị, nói sao móc ví thế, người quê tưởng tôi là… Việt kiều. Thôi thì một lần làm Việt kiều để mà yêu quê hơn, thương hơn cái chợ quê mà bây giờ thi thoảng mới gặp, dẫu thi thoảng nó cũng đã nhuốm tí thị thành…
----------



          Như một chấm xanh giữa trưa sa mạc, chợ quê làm mát lòng bao kẻ thị thành khi đang lang thang đâu đó bỗng nhiên bắt gặp. Không thể không dừng lại trừ trường hợp bất khả kháng.

          Nó không chỉ là chợ, nó là ký ức.

          Nó không chỉ là chốn bán mua, nó là ấm áp tình người, là trong veo cả con cá lá rau đến cái tiếng lao xao chào hỏi trả giá thân thuộc như trong nhà. Nó là non tơ một thời với cả những khốn khó lẫn những niềm vui ngập nghiễng, những niềm vui xen giữa loi thoi sấp ngửa lo toan bận rộn. Nó là sự bày ra cuộc sống tươi thật của người nông dân một nắng hai sương, và giờ họ ngắm nhìn thành quả.

          Chợ quê là sản phẩm của nông thôn, nó là nơi người ta bán lẻ, bán buôn những sản vật của chính người nông dân làm ra. Mớ cá vừa tát ngoài đồng, bó rau vừa hái vườn nhà, đến khúc mía, củ khoai, lát mì, thậm chí là bát bánh đúc, đĩa bánh bột lọc…


          Tôi đã gặp và đi chợ quê ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam này, mỗi chợ quê nó chỉ ra bản sắc nông thôn và nghề nghiệp người dân vùng ấy. Đọc ở đấy sự ấm áp, chân thành, cái vẻ quê mùa bây giờ nó lại như một cách tăng độ đạm để sản vật chợ quê ngon hơn, thú vị hơn. Chả thế mà giờ cũng rất nhiều người khôn ranh láu cá về các chợ thành phố mua đồ như chợ quê rồi mang về  chợ quê bán. Người tinh ý sẽ biết ngay, bởi sản vật chợ quê nó không đều tăm tắp như thành phố. Mớ cá chợ quê sẽ lổn nhổn nhiều loại, lớn bé khác nhau, còn cả rong rêu cát sạn, còn cá chợ thành phố, nó sạch sẽ và đều nhau tăm tắp…

          Một sáng tinh sương như thế, trên đường về quê, tôi gặp một chợ quê ngay dưới chân cầu Ca Cút.

          Đây là vùng đầm phá, chợ quê chỉ toàn cá, những rổ cá còn tươi óng, những con cá nước lợ còn ngáp trong rổ hoặc ngoe nguẩy trong chậu. Những người chài lưới thường đánh cá suốt đêm, sáng sớm cập bờ. Và nơi cập bờ trở thành chợ tạm, chỉ họp một lúc, rất nhanh, rồi lại vắng lặng như chưa từng có cái chợ tấp nập cá tôm tươi rói như thế, để đến sáng mai, lại là chợ…


          Tôi len lỏi trong chợ, cảm nhận sự hả hê của những anh chồng vừa đánh cá về, nỗi thỏa mãn của những chị vợ vừa từ nhà ra tiếp nhận cá từ chồng rồi phân loại tại chỗ, bán tại chỗ. Bạn hàng các nơi túa về. Mua ngay ở đây nó là chợ quê, tí nữa vào sạp vào hàng, nó là chợ phố. Cái cảm giác chợ quê nó râm ran khắp con tì con vị, bởi độ tươi ngon chân chất, bởi cái thật thà quê kiểng, bởi sự lao xao nửa trả giá nửa nài nỉ thân quen… dù nói thật hôm ấy, những gì tôi lễ mễ xách về đều bị cô em dâu chê đắt. Đúng thôi, tôi đã là gã không còn nhà quê nữa. Cái cách trả giá mua hàng chợ quê nó cũng khác. Tôi từ ô tô bước xuống, coi chợ quê như… siêu thị, nói sao móc ví thế, người quê tưởng tôi là… Việt kiều. Thôi thì một lần làm Việt kiều để mà yêu quê hơn, thương hơn cái chợ quê mà bây giờ thi thoảng mới gặp, dẫu thi thoảng nó cũng đã nhuốm tí thị thành…

          Bao giờ cũng thế, đang trên đường, gặp chợ quê là tôi dừng lại, vào ngắm nghía, và sẽ mua một cái gì đấy. Huống gì lần này về quê, chợ quê ngay tại quê mình. Tôi đã lần khần cho đến lúc nắng lên chợ tan mới về nhà và… ngả những thứ mua được ra, hả hê gọi bà con đến…
                                                        
 

4 nhận xét:

Unknown nói...

Bác Hùng viết hay quá . Em cũng đi xa nhà mấy chục năm . Mỗi khi về thăm nhà em ghé chợ quê mua đồ ăn mang về nhà chú em . Bao gờ cũng thấy thương cảnh chợ quê , tuy nghèo nhưng đầy ắp tình người, chào hỏi tíu tít , mua bán chẳng nói thách bao giờ ( hay tai thấy em là đứa con đi xa về? ). Nói bao nhiêu em trả bấy nhiêu mà còn muốn trả thêm nữa kia vì người bán toàn người cùng làng, xã quen biết nhau cả ( trừ một số ít từ nơi khác tới là không biết thôi ). Hàng thì hầu hết là sản phẩm tự trồng hoặc tự nuôi ,hoặc đánh bắt được bắt được . Cám ơn Bác Hùng

Unknown nói...

Bác Hùng viết hay quá . Em cũng đi xa nhà mấy chục năm . Mỗi khi về thăm nhà em ghé chợ quê mua đồ ăn mang về nhà chú em . Bao gờ cũng thấy thương cảnh chợ quê , tuy nghèo nhưng đầy ắp tình người, chào hỏi tíu tít , mua bán chẳng nói thách bao giờ ( hay tai thấy em là đứa con đi xa về? ). Nói bao nhiêu em trả bấy nhiêu mà còn muốn trả thêm nữa kia vì người bán toàn người cùng làng, xã quen biết nhau cả ( trừ một số ít từ nơi khác tới là không biết thôi ). Hàng thì hầu hết là sản phẩm tự trồng hoặc tự nuôi ,hoặc đánh bắt được bắt được . Cám ơn Bác Hùng

Unknown nói...

Dưới góc nhìn của Nhà thơ VCH chợ quê thật đáng yêu, nơi đó có bóng dáng của quê hương, của bà Mẹ quê chân chất đi về "nón lá nghiêng che"nuôi con thành người (Trong đó có thành nhà Thơ, nhà Văn!)!
Nhưng ở một "góc nhìn khác": Chợ quê đang là nơi thể hiện sự phân hóa mãnh liệt, sự "bất công" về thu nhập và hưởng thụ của người nông dân: giá cả nông sản rẻ như bèo; một gánh hàng nặng trĩu trên lưng những bà mẹ quê ấy bán đi nhiều khi chỉ để mua lại được vài món hàng công nghệ phẩm, thực phẩm thông thường hay chỉ đủ trả tiền điện sinh hoạt vốn đã tằng tiện trong một tháng!Chợ quê bây giờ cũng tràn ngập ô nhiễm môi trường; cũng đã xuất hiện nhưng "đại ca", "anh chị" bảo kê thu hụi; cũng vỡ nợ rúng động những làng quê yên bình...và cũng nên nói thêm một chút: Có cả những chợ quê bị quy hoạch "cưỡng bức" theo tư duy "duy ý chí" vào những vị trí chẳng ai buồn ghé vào nữa!!
Nhìn cả "hai mặt", không biết nên vui hay nên buồn Bác Văn nhỉ?

Mẹ mướp nói...

Chả biết chợ quê ở đâu nên em hay đi từ đầu này Phờ lây ku đến tận đầu kia, đi bằng được cái chợ Hoa Lư mới nghe!