Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

NỖI NHỚ DÃ QUỲ

Nhà văn Văn Chinh mới đặt mình viết 1 cái tùy bút 4000 chữ với yêu cầu: Viết về Tây Nguyên nhưng không được nhắc tới Dã quỳ. Có lẽ tại ông thấy mình viết nhiều về dã quỳ rồi, nó nhàm, hehe. Nhớ tết năm rồi, nhà văn Nguyễn Trí Huân bảo mình: Thằng này... giỏi, năm nào nó cũng... dã quỳ, mà vẫn mới, vẫn hay, lại hehe phát. Ấy là báo Văn Nghệ tết năm ấy lại vẫn in 1 cái tùy bút dã quỳ của mình...

Kỳ cạch gõ xong cái "Tây Nguyên của tôi" hơn 4000 chữ đầy đau đớn xót xa tiếc nuối, không có một chữ nào dã quỳ, mail cho ông Văn Chinh rồi thì lại thấy... nhớ dã quỳ, huhu... ngồi lục bên vanconghung.vnweblogs.com thấy có bài này, mời bà con đọc:

Mùa này, dã quỳ đã hết nở. Nó đang thu mình lại bằng những tán lá mướt xanh chuẩn bị cho cuộc bung hoa thứ hai trong năm, khi mùa khô bắt đầu. Chỉ mấy tháng trước, những ngả đường ra ngoại ô miên man màu vàng bất tận của quỳ. Nôn nao những con đường dằng dặc vàng đến mê hoặc chiều, hun hút trong nỗi khắc khoải trở về cõi uyên nguyên của con người, của vạn vật. Dã quỳ, cái tên vừa dân dã vừa cao sang, vốn dĩ chỉ là một loài hoa dại, tên đơn giản là quỳ, rồi quỳ dại, quỳ hoang. Và vào trong một bài thơ nào đó nó thành dã quỳ, cái tên phổ biến như bây giờ. Bây giờ, dã quỳ vào thơ vào văn nhiều lắm. Nhiều hình ảnh dã quỳ rất đẹp. Mới đây một tờ báo lớn in bài thơ "Nỗi nhớ dã quỳ" của một tác giả nữ  ở đâu đó xa lắc dưới đồng bằng, nghe nói chưa bao giờ lên Tây Nguyên, khá ấn tượng, nhiều người đọc xong gọi cho tôi, nói vô cùng muốn lên Tây Nguyên ngắm quỳ. Có nhà văn viết hẳn một tuỳ bút về dã quỳ, đọc xong cũng nôn nao, cũng bồn chồn như mình vừa từ những thảm quỳ vàng rực lộng lẫy kia bước ra. Nhà văn nữ khác, tôi đồ chừng cũng chưa lên Tây Nguyên bao giờ, đang sống ở một tỉnh phía bắc, có một truyện ngắn khá hay với cái tít rất gợi: "Nơi ấy mùa này chưa có hoa cúc quỳ". Nghe tít truyện dứt khoát biết nó phải gắn với Tây nguyên, với bazan, với cà phê, cao su, với nắng với gió... Nhà thơ nọ thì "và mơ, một ngày trở lạnh/ dã quỳ vàng ở hồ Gươm"... Rồi còn nữa: "hoa quỳ cuối mùa nép trong hoàng hôn/ ngơ ngác cái nhìn vu vơ/ ngơ ngác gió/ lặng lẽ vàng/ dã quỳ ngược chiều vào ký ức...". Còn đây, một mùa xuân Tây Nguyên hiện lên từ trong thẳm sâu của nỗi nhớ, nỗi nhớ được hun đúc đến phiêu bồng, đến cạn kiệt từ sắc vàng mê mệt nọ, và cả không loại trừ chất đắng đến tê lòng: "Em đã ước mình là bông dã quỳ bình dị/ Nở tận cùng dâng hiến/Trên cao nguyên của anh/ Em sẽ yêu anh miệt mài/ Ðể mỗi khi ngọn gió tình yêu thổi tới/  Dã quỳ em oà vỡ trong anh.../ Mùa xuân này/ Dã quỳ cháy vàng ở phía không em"...


          Những người ở Tây Nguyên, đã quá quen với những rặng, những thảm dã  quỳ, nên thấy nó... nhàm, thậm chí vô dụng, như một loài cỏ ăn chiếm đất vườn. Nhưng thử tưởng tượng một ngày nào đó, trên mênh mang bạt ngàn thảo nguyên đất đỏ bazan này, bỗng đâu cái sắc vàng kia biến sạch. Sẽ ra sao nhỉ? Cảm giác hụt hẫng trống vắng là đương nhiên rồi, cảm giác bị tổn thương, bị tước đoạt là đương nhiên rồi, cảm giác có lỗi với thiên nhiên, với con người cũng đương nhiên rồi... lúc ấy chỉ còn là những tiếc nuối mà thôi, chỉ còn ký ức mà thôi, dẫu ký ức ấy có long lanh hào sảng, có mê mị đến mấy thì cũng không có cơ trở về thực tại... Bây giờ cảm giác hẫng hụt ấy đang hiện diện khi tôi ngồi gõ những dòng này, vì quỳ bây giờ đang xanh nõn lá, xanh đến nghi ngại, đến như là không xanh.


          Nhưng dã quỳ, loài quỳ hoang dại, có một sức sống rất mãnh liệt. Nó cứ sống giữa cỗi cằn đất sỏi, cứ phô bày trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, hết mình, cứ ngạo nghễ căng mình trước nắng, trước gió, cứ lặng lẽ khiêm nhường dâng hiến cho con người những gì đẹp nhất tinh tuý nhất mà nó có, dẫu có đắng đót, dẫu có bầm dập... Nhưng đấy mới là khí chất Tây Nguyên, một Tây Nguyên bất khuất kiên cường nhưng cũng đẹp đến nao lòng, thuỷ chung gắn bó sắt son với con người bằng vẻ đẹp của riêng mình, chính mình...

          Bạn ạ, mùa này, dã quỳ đang hết mình xanh, chuẩn bị cho mùa sinh nở, vàng như không thể vàng hơn. Và ta yêu sao cái màu vàng thấm đẫm tình yêu của ta với Tây Nguyên đến thế. Hãy dành một buổi chiều, ra ngoại ô, ta sẽ sống trong một không gian dã quỳ tuyệt vời, ở đó, cái đẹp thanh sạch sẽ cùng ta tận hưởng những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng con người...
                                           Pleiku 2008

 

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

hôm nay moi biet hoa da quy la day

Nguyễn Văn Nông nói...

Cảm ơn anh có những lời văn như dát ngọc. Chắc khi viết anh có nhắm ít rượu đế và...

Daniel nói...

Hoá ra dã quỳ là một loài hướng dương dại , họ Cúc ( Asteraceae)...