Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

LÀNG VÀ CỒNG CHIÊNG

Sáng nay vừa ngồi cà phê với cu Lê Xuân Thọ báo Thanh Niên, kể với hắn là vừa tham dự cái cuộc viết, biên dịch, biên soạn và biên tập sách song ngữ Jrai cho học sinh tiểu học, thì ngay một số thầy cô giáo người Jrai cũng gọi là "lễ hội cồng chiêng" trong khi làm quái gì có cái gọi là lễ hội cồng chiêng, cái ấy là do mấy ông người Kinh thông thái đẻ ra đấy, chứ cồng chiêng cũng như ăn trâu, nó là 1 thành tố của lễ hội. Và thực ra ngày xưa ăn trâu người ta cũng không mang ra giữa thanh thiên bạch nhật ngàn ngạt người rồi đâm máu me toe toét như thế...

Lại nhớ hồi nào một đồng nghiệp nữ ở Hà Nội điện: Anh ơi, cồng với chiêng cái nào có núm cái nào không có núm? Mình bảo thú thật với em cho đến giờ anh cũng lơ mơ lắm, chả biết cái nào núm cái nào không núm. Vì thực ra người Tây Nguyên có gọi là Cồng Chiêng đâu, họ gọi là Chinh và Chêng. Về nguyên tắc của người Kinh thì Cồng có núm còn chiêng vừa có vừa không núm. Rồi mình hài hước: Thì như đàn bà ấy, hồi trẻ thì có núm, sau rồi... hết núm, hehe...

Nhưng mà cái sự cồng chiêng này cũng còn nhiều vấn đề. Cái hôm mình được mời đi dự góp ý cho kịch bản khai mạc và bế mạc Festival cồng chiêng Gia Lai hồi nào đấy thì thấy quả là hai cái cô làm kịch bản và đạo diễn cái chương trình nhiều tỉ này chả hiểu quái gì cả. Mình định góp ý nhưng hết giờ, các cô ấy bảo sau này sẽ mời một nhà văn ở đây hiểu biết về Tây Nguyên viết lời bình, ai ngồi họp cũng bảo suất ấy là của... mình rồi. Mình bảo chả bao giờ đến lượt mình đâu (và y như thế), khi nào mà họ thật sự chú trọng đến chất lượng thì mới đến lượt mình (kiêu tí chơi) ,còn chỉ vì... tiền thì sẽ có "nhà văn hoành tráng" khác nhảy vào ngay, và như bản tính cố hữu, mình sẽ lảng ngay vì xấu hổ. Ai đời các cô ấy (rất xinh đẹp) cho vợ chồng một gia đình Tây Nguyên trèo lên nhà rông trong một chạng vạng rất đẹp để tình tứ rồi mở ra bối cảnh. Nhà rông là nơi cấm đàn bà mà làm sao lên được mà đú đởn trên ấy hả giàng. Mấy lần họp góp ý sau không thấy mời mình nữa. Rồi còn định phục dựng một cái lễ "ĐÂM TRÂU MỪNG NĂM MỚI". Cái này thì mình góp ý với giám đốc sở VHTTDL nên bây giờ đổi lại thành "ĐÂM TRÂU MỪNG CHIẾN THẮNG" -Đơn giản chỉ vì người TN không đón năm mới như ta, và hơn nữa họ chỉ đâm trâu trong mấy trường hợp: khánh thành nhà rông, mừng chiến thắng... Nếu ai có nhu cầu mời thưởng thức lễ đâm trâu ở đây.

 Vân vi thế để post lại bài này:
          

LÀNG TÂY NGUYÊN- KHÔNG GIAN CỒNG CHIÊNG...



        Thực ra đề tài này không có gì mới. Nó cũ như... làng. Nhưng cứ thử xem, mỗi khi về làng, dù là làng người Việt hay làng ở Tây Nguyên, bao giờ ta cũng tìm ra những cái mới, dù đấy là ngôi làng cụ kỵ ta, ông bà ta, cha mẹ ta, rồi con cái ta đã ở, đang ở, dẫu đã nhẵn lì, dẫu đã quen đến từng vết mọt trên rui kèo, từng kẽ rêu ở viên gạch cuối sân, nhưng mà rồi vẫn cứ phải thảng thốt như Trần Đăng Khoa đã từng thảng thốt: Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương...

        Làng Tây Nguyên giống làng Việt ở chỗ nó cũng là... làng, là nơi cư trú của một cộng đồng dân cư có gắn kết chặt chẽ với nhau bằng quan hệ huyết thống và tình nghĩa xóm giềng, có tập tục và luật tục, có sự khép kín bảo thủ đến khắc nghiệt để rồi từ đó phát ra những tinh hoa văn hóa mang đầy bản sắc. Bản sắc bao giờ cũng bắt nguồn từ những khép kín nghiệt ngã như thế.

        Không gian cồng chiêng bắt nguồn từ làng và chỉ gắn với làng, nó như một mối quan hệ nhân quả, làng sinh ra chiêng và chiêng trở lại làm nên một bản sắc làng Tây Nguyên. Chiêng, vốn dĩ nó chỉ là chiêng, sau này chúng ta nâng tầm văn hóa cho nó, và cũng may là nó xứng đáng, nó hòa nhập chứ không khập khiễng như một số nơi chúng ta phong những khập khiễng làng văn hóa, nhà rông văn hóa...

        Không gian văn hóa cồng chiêng là một tổ hợp các yếu tố bền chặt quyện vào nhau không thể tách rời. Đấy là làng nhà sàn với nhà rông, những cái sân đất hoặc chái cầu thang, những đống lửa và rượu cần, những tù đọng và khát vọng, những phân đoạn và miên man, những cố định và vươn tới... Với người Êđê, M'nông... thì còn là ghế K'pan. Rồi là chiêng, tất nhiên. Có những bộ chiêng giá bằng voi, bằng trâu trắng, rồi là người chơi. Người chơi là chủ thể của một cuộc chơi chiêng, và phía sau người chơi chiêng là người chỉnh chiêng. Chưa hết, trên hết, chiêng còn mang ý nghĩa tâm linh đối với cộng đồng hoặc từng cá nhân. Thực ra chúng ta tưởng là nghệ nhân chơi chiêng, nhưng thực ra là họ đang thực hiện nghi lễ. Có nghi lễ vui và nghi lễ buồn, có nghi lễ mở và nghi lễ linh thiêng, có nghi lễ ngẫu hứng và nghi lễ quy luật... và điều quan trọng nữa, với chiêng, ai cũng là chủ trong không gian ấy, không có ai là người diễn, ai là người xem. Tất cả là chủ thể của cái không khí lễ hội hừng hực mê đắm đang diễn ra, dẫu có thể có người chả làm gì cả, chỉ ngồi ôm cần, hoặc thậm chí là... ngủ, nhưng từng chi tiết, từng thành viên, từng khoảnh khắc trong cái không gian sôi đặc hỗn độn và thời gian miên trải kia đều gắn chặt với nhau, tạo nên cái mà bây giờ chúng ta gọi là không gian văn hóa cồng chiêng để mà UNESCO đã phải công nhận nó là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, và để mà tháng 11 này chúng ta tổ chức một Festival lớn về cồng chiêng tại Gia Lai.

        Chúng tôi đã rất nhiều lần được sống cùng chiêng tại các buôn làng. Và cũng nhiều lần được xem chiêng trên sân khấu. Rất khó khi chúng ta cứ muốn giữ những gì là nguyên bản, và lại càng khó hơn khi chúng ta mang nó ra cộng đồng lớn hơn khu vực làng, vượt qua yếu tố nghi lễ tâm linh trở thành biểu diễn thi thố. Văn hóa và văn minh thường là xung đột với nhau để xã hội phát triển mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Đời này sang đời khác, cuộc giành giật níu kéo giữa phát triển và bảo tồn, giữa cái mới và cái cũ, giữa hào nhoáng và thô sơ nguyên bản, giữa bản chất và hiện tượng... luôn làm loài người phải bận tâm để rồi chúng ta có văn hóa, có văn hóa vùng miền và văn hóa nhân loại, có văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng, có văn hóa bản sắc và văn hóa đại trà... tựu trung lại, nó là những sản phẩm vô giá của con người gửi lại cho mai hậu.

        Chúng tôi thấy sự bảo thủ, nghiêm nhặt, chặt chẽ mà lại tung tẩy của làng Tây Nguyên thể hiện khá rõ ở cách chơi chiêng của các nghệ nhân Tây Nguyên. Đội hình chiêng rất chặt chẽ với nhiệm vụ cụ thể của từng chiêng, từng người, từng bước nhún bước nhẩy, từng dáng nghiêng dáng lắc mông... của đội chiêng đến cái tung hứng hào hoa uyển chuyển dịu dàng của tốp xoang. Có thể coi đây là sự hài hòa âm dương của một trong những loại hình đặc sắc trong vốn folclo độc đáo của người Tây Nguyên. Cũng như thế, những ngôi nhà sàn mềm mại ấm cúng dịu dàng xếp hàng trong một ngôi làng Tây Nguyên rất hài hòa với nhau và hài hòa với ngôi nhà rông sừng sững ở giữa làng. Ngôi nhà rông vừa biểu hiện uy quyền của làng trong sự xa cách lạnh lẽo cao vút so với các ngôi nhà sàn, đồng thời bản thân nó cũng là một sự hài hòa đến kinh ngạc. Ấy là cái dáng cao uy vũ hài hòa với những nét cong mềm mại, ta thấy có cái động trong tĩnh, cái cong trong thẳng, cái mềm trong cứng, cái ấm trong lạnh, cái nồng nàn trong xa vắng, cái gần gũi trong xa xăm, cái khoảnh khắc giữa nghìn trùng, cái bây giờ trong quá khứ và cái hiện hữu giữa hư vô...

        Sẽ không thể hiểu nổi, nếu lỡ may một ngày nào đó mà làng vắng tiếng chiêng, và cũng không tưởng tượng ra nếu chiêng mà lại vắng làng.

        Những Festival cồng chiêng như sắp diễn ra ở Gia Lai là một trong những cách để chiêng còn ở với làng và làng không vắng tiếng chiêng, dẫu không thể khác, không gian làng trong Festival phải mở rộng ra để phục vụ du khách...

P1000812[1].jpg
Alô, giữa làng vùng sâu người Dẻ Triêng huyện Ngọc Hồi Kon Tum mà sóng tốt lắm, cứ nói thoải mái đi
DSC06838[1].jpg

P1000831.jpg

                                                                 

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Người Kinh rặt 100% người ta còn đè cổ ra bắt tổ chức lễ hội để người ta vặt, huống hồ mấy bác Jrai. Phát ấn đề Trần Nam Định, đặt cục đá phong thuỷ ở Đền Hùng. Chỗ nào ngửi thấy tiền, mời bác Hùng đi chỗ khác chơi. Năm sáu chục tỉ phim Đại lễ nghìn năm Thăng Long vứt xó kia kìa bác....