Nhớ có lần mình đi cũng Viettel một vệt xuống phía đông tỉnh, về viết 1 bài theo yêu cầu của một tờ báo, được trả 1 T, hồi ấy 1T một bài báo là rất oách. Mình gọi bài ấy là bồi bút, nhưng bạn bè đọc lại khen tít mù...
Cứ coi như cái sự mình nhớ chiều qua là đúng, mình post lại bài này cảm ơn Viettel nhé:
MỘT LẦN ĐI VỚI VIETTEL
VĂN CÔNG HÙNG
Một
cơ may giúp tôi có một chuyến đi cùng Viettel Gia Lai rất thú vị. Nguyên là mấy
nhà văn tôi quen ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội có một chuyến đi viết do Tổng công
ty Viettel mời từ Hà Nội, đến Gia Lai các anh rủ tôi nhập bọn. Đi chơi thôi,
ông không phải viết gì, các anh trấn an tôi thế. Đang rất bận, nhưng máu ham
đi, mà lại chả phải viết gì, sướng nhất là đi mà chả phải viết trả nợ trả nần
ai, chỉ xuống làng chơi, lang thang ngó nghiêng, lang thang ngẫm nghĩ... thú
quá còn gì. Hơn nữa lâu nay đã nghe nhiều về Viettel, phong cách Viettel, chất
lượng Viettel, năng động Viettel... thế là gật đầu cái rụp và...
...Xe
đón tôi tại nhà. Ghế trước một ông, chắc là lãnh đạo Viettel ngồi ngoái xuống
bắt tay tôi trong khi vẫn kẹp điện thoại ở cằm và nói liên tu bất tận. Tôi ngồi
băng dưới với nhà văn Đỗ Tiến Thụy và Nguyễn Thế Hùng. Từ Pleiku xuống K'bang,
gần như cái người của Viettel đi cùng chúng tôi ở ghế trước liên tục chỉ đạo
công việc qua điện thoại, hai tay hai điện thoại, mà lại rất cụ thể, rất cương
quyết và rành rẽ chi li. Tôi thấy ông gọi đến cho từng đại lý, nhớ tên từng
người, nhắc đến từng con số, từng công việc cụ thể, mà con số doanh thu, số
liệu điện thoại thì luôn dài ngoằng và chính xác đến từng dấu phẩy.
Cho
đến khi xuống đến thị trấn K'bang ăn sáng thì cái ông ngồi ghế trước mới ngưng
được điện thoại và tất cả chúng tôi đều ồ lên ngạc nhiên vì cậu chàng trẻ quá.
Trẻ đến ngạc nhiên, đến nghi ngờ rằng có phải cái ông được giới thiệu là trưởng
phòng kinh doanh chi nhánh ngồi phía trước từ sáng đến giờ chỉ đạo công việc
liên tu bất tận kia có phải là cậu chàng tên Trung này không? Trưa ấy thì tôi
gặp rất đông các thủ lĩnh và nhân viên Viettel tại một quán ăn ở thị trấn
K'bang, và tôi hiểu thêm nhiều điều về Viettel...
Thì
ra Võ Trần Trung không phải là cá biệt. Các nhà văn của Tạp chí Văn Nghệ quân
đội đi cùng chuyến ấy kể bao nhiêu chuyện về Viettel tổng hành dinh, tức chuyện
của văn phòng tổng công ty ở Hà Nội, rằng các ông ấy thông minh ra sao, tư chất
ra sao, quyết đoán ra sao, ham sách ra sao, và... tình duyên trắc trở ra sao?
(chuyện rằng có một phó tổng Viettel yêu một cô nhạc sĩ rất nổi tiếng về đẹp và
thông minh, hay làm MC trên truyền hình, nhưng hẹn nhau mười lần thì chàng sai
hẹn cả chục, để rồi cuối cùng chàng nhận được một Email: Em rất yêu anh, anh
rất đẹp trai, tài giỏi, là ước mơ của nhiều cô gái xinh đẹp, nhưng em không thể
gắn tuổi xuân của em trong những cuộc chờ đợi vô vọng vì sai hẹn. Thôi anh hãy
trở về với những trang sách và công việc cùng niềm ham mê của anh).
Rõ
ràng là phải có một tư duy như thế nào, một cách làm việc như thế nào, để chỉ
trong vòng hai mươi năm phát triển, từ hai bàn tay trắng, hiện nay thị phần
Viettel chiếm đến trên 40% trên cả nước, vượt mặt hai đại gia Vinaphone và
Mobifone với một phong thái tự tin và một phong cách phục vụ khách hàng luôn
luôn năng động và hết mình, đúng như phương châm của Viettel: Chúng tôi luôn cố
gắng để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Ở Gia Lai thị phần của Viettel là
59% (số liệu đến hết năm 2008), khi mà trước đó hàng chục năm, Vinaphone và
Mobifone đã phát triển và chiếm lĩnh thị trường đủ nói sức thu hút của Viettel
là như thế nào?
Cái
việc mà chị Gấm, một người hoàn toàn không liên quan gì đến quân đội lại trở
thành giám đốc chi nhánh Viettel Gia Lai cũng là một việc đáng nhắc.
(Vừa học vừa viết, cắm cúi gõ laptop đến nỗi
giáo sư giảng bài phải... khen: Cái anh đẹp trai kia rất siêng ghi chép, lớp ta
cần... biểu dương, hehe, nhưng đến đây thì bí, chợt nhớ đến Đỗ Tiến Thụy, y
cũng đi bồi chuyến ấy, chắc thế nào cũng có ít dòng, thế là thì thào điện cho
y, y ra giá: Nhuận bút chia đôi. Huhu, thế thì xót quá, bèn hạ giọng: Thôi thì
coi như chú biếu anh thùng bia. Y OK và mail ngay cho mình bài của y, mình cóp
được đoạn sau đây):
Cô gái ấy có một cái tên
khá ấn tượng: Trần Thị Hồng Gấm. Xinh đẹp, lại học giỏi, tốt nghiệp xuất sắc
Khoa tiếng Anh Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, được giữ lại làm giảng viên,
nhưng cô đã từ chối. Cô tiếp tục vượt qua cuộc thi tuyển vào làm việc ở Đại sứ
quán Newzealand tại Hà Nội, nhưng cô đã không làm. Cuộc sát hạch thứ ba không
kém phần gắt gao, trúng tuyển biên tập viên, phát thanh viên Bản tin thời sự
tiếng Anh Đài Truyền hình Việt Nam, và một lần nữa cô bỏ qua vị trí bao người
mơ ước này để vào với Tây Nguyên làm một nhân viên của Viettel Gia Lai.
Ở Tây Nguyên, Gia Lai là
địa điểm đầu tiên được Viettel chọn để phát triển Tổng đài 178 cũng như mạng di
động sau này. "Vạn sự khởi đầu nan", những ngày đầu của Viettel gian truân
không kể xiết. Gấm vào Gia Lai đúng lúc bên VNPT không thu hộ cước dịch vụ 178
của Viettel nữa. Thế nên cô cùng các đồng nghiệp phải lặn lội đến tận các buôn
làng.
- Em "nhớ đời" nhất là vụ
đi thu cước ở huyện K'Bang. Ngày ấy hoá đơn cước đóng kín trong phong bì, bọn
em đâu có biết số tiền là bao nhiêu đâu. Thế nên em và cậu Võ Trần Trung, một
cử nhân Kinh tế mới ra trường cứ hăm hở đi. Đường tốt thì đi xe máy. Tắc đường
thì đi thuyền độc mộc. Rồi cuốc bộ.... Đến nơi, chủ thuê bao mở phong bì ra, bọn
em cười méo cả mặt. Hoá đơn dịch vụ 178 chỉ có... 3.700 đồng!
(Hết trích của Đỗ Tiến Thụy- hehe có một đoạn thế mà đòi chia
đôi nhuận bút)
Từ
lâu Viettel duy trì một cách phỏng vấn nhân sự rất khắt khe. Cỡ giám đốc chi
nhánh thì phải nộp hồ sơ ra Hà Nội và sau đó sẽ do một phó tổng trực tiếp phỏng
vấn sau khi đã lọt qua một loạt chuyên gia và phòng ban nghiệp vụ. Hàng mấy
chục sĩ quan thông tin cùng nộp hồ sơ, thế mà cuối cùng một cô gái mỏng mày hay
hạt đã thắng, và cho đến bây giờ thì đã khẳng định rằng việc tuyển nhân sự lãnh
đạo của Viettel quả đúng là "mắt xanh", và cứ như thế, các chi nhánh
cũng có cách tuyển nhân viên như thế để có một tập thể nhân viên đồng đều và
năng động như hiện nay.
Cho
đến bây giờ, những ai hay đi công tác xa thành phố, về các vùng hẻo lánh thì
đều biết rằng, và luôn luôn nhớ rằng, hãy mua một cái sim Viettel lắp vào, bởi
chỉ duy nhất, cho đến bây giờ, Viettel là mạng phủ sóng đến tận hang cùng ngõ
hẻm ở đất nước ta. Không chỉ thế, Viettel còn hướng đến người nghèo vùng sâu
bằng cách tặng máy, tung ra gói cước cực rẻ dành cho người ít gọi. Hôm chúng
tôi đi về K'bang ấy là để dự lễ khai trương trạm phát sóng ở xã Lơ Ku. Toàn xã
Lơ Ku có 600 hộ dân, trước đó chỉ có gần trăm hộ có máy điện thoại để bàn, chủ
yếu là những người Kinh hoặc gia đình cán bộ. Ông Đinh Huynh, Chủ tịch UBND xã
Lơ Ku không giấu được vẻ tự hào nói: "Xã chúng tôi ở xa trung tâm huyện, bị
cách biệt thông tin. Nhờ Viettel tặng 500 máy Homephone đợt này nên xã Lơ Ku
trở thành địa bàn có 100% hộ có điện thoại". Thường người ta gọi nhiều thì được
khuyến mãi, ở đây Viettel lại khuyến mãi cho người... nghèo, người ít có điều
kiện tiếp xúc với dịch vụ a lô này. Ví dụ như gói cước dành cho người ở trong
tỉnh, nếu anh ở trong tỉnh, gọi cho người có máy Viettel ở bất cứ đâu trên đất
nước ta thì chỉ có 990 đồng một phút, quả là một giá cước lý tưởng cho không
chỉ người nghèo và là một hướng kinh doanh vừa nhân văn vừa hợp lý trong hoàn
cảnh nhà nhà kinh doanh viễn thông người người kinh doanh viễn thông.
Lúc thăm làng S'tơ và Nhà
lưu niệm anh hùng Núp, tôi đã chứng kiến nhà văn Đỗ Tiến Thụy hỏi chuỵên những
người già Bahnar và bật cười khi cụ Đinh Yer vừa phì phà hút tẩu, vừa thủng
thẳng nói bằng cách diễn đạt đặc trưng của người dân tộc: "Ngày xưa người làng S'tơ muốn nói chuyện với con trai con gái đang làm
ăn ở huyện thì phải ăn hết hai ống cơm,
uống hết hai bầu nước dọc đường. Còn bây giờ muốn nói chuyện với con trai con
gái đang làm cán bộ ở Pleiku chỉ hết ba tiếng chuông trong cái điện thoại
Viettel thôi!". Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh Viettel Gia Lai Võ Trần
Trung nghe thế cũng bật cười. Anh bảo: "Đồng bào trên toàn tỉnh Gia Lai quý
điện thoại Viettel lắm. Nhờ thế nên thị phần viễn thông của tụi em mới chiếm
được tới 59% chứ!".
Chỉ
tính riêng trong năm 2008, chi nhánh Viettel Gia Lai đã tạo công ăn việc làm
cho 1.056 lao động, đóng thuế tại tỉnh 5.079.384.041 tỉ đồng. Chi nhánh đã phối
hợp với các cơ quan trong tỉnh tặng nhiều máy điện thoại Home Phone "không
cước thuê bao" cho nhiều gia đình chính sách có hòan cảnh khó khăn trên
địa bàn nhân ngày Thương binh liệt sĩ. Trong năm 2008 con số này là 277 máy cho
277 gia đình với tổng số tiền 138.223.000 đồng, chưa kể việc đấu giá sim số đẹp
được 80 triệu đồng tham gia vào quỹ khuyến học Nay Đer..
Cái
việc Viettel phát triển như vũ bão trên thị trường viễn thông thì chả còn phải
bàn cãi gì rồi. Hiện Viettel còn vươn ra cả thị trường quốc tế với mấy hợp đồng
cho Cam Pu Chia, Cu Ba... gì đó, nhưng đấy là việc của Tổng công ty. Ở Gia Lai,
bằng việc phủ sóng hầu hết mọi điểm sâu xa trên địa bàn rất khó khăn hiểm trở
này, bằng việc hướng về người nghèo và luôn cải thiện chất lượng dịch vụ,
Viettel chi nhánh Gia Lai xứng đáng lòng tin cậy và mến mộ của người dùng, và
số lượng người dùng ấy đang tăng lên từng ngày... (hehe viết từ 2008)
4 nhận xét:
"5.079.384.041 tỉ đồng"
hình như thừa chữ tỉ bác ạ!
Nguyễn Minh Tuấn:
hehe thế à, tớ lơ đãng quá, hhu, cũng chưa biết đọc đùng nó nữa, thôi kệ
Viettel còn có một văn hóa đặc trưng khác, rất hữu ích cho sự phát triển nhanh chóng của mình, đó là văn hóa chiếm dụng vốn (của nhà thầu thi công, và của người cung cấp vật tư thiết bị), cái này ai làm việc với VTel về lĩnh vực này đều nhất trí,, đừng khen quá anh Hùng ơi, cái anh thấy chỉ là 1 mặt.
Cái lày của bác đúng nà "bồi" thật....Bác có bít e Jingluk xinh đẹp bên xứ Xiêm chính là ng đã kiu mang Vịt teo những ngày còn trứng...k...Bác phải nàm bài khen e ý lữa
Đăng nhận xét