Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

THƯƠNG GỬI TRƯỜNG SA

25 năm trước, ngày này, có một vòng tròn bất tử ở Gạc Ma. Chúng ta đã phải cắn răng im lặng? Hôm nay, trong mỗi gia đình, mỗi con người, có lẽ, đều có một chút khói hương tri ân những người con anh dũng của dân tộc đã bỏ mình vì Tổ Quốc hùng vĩ thân yêu của chúng ta. Tôi, cũng như bao người con đất Việt khác, xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ...

Sáng đi họp về, check mail, thấy thư của nhà văn Nguyễn Trọng Văn: "Nhà thơ Văn Công Hùng thân mến. Nhân kỷ niệm 25 năm trận Hải chiến Trường Sa tôi gửi nhà thơ truyện ngắn "Thương gửi Trường Sa". Rất mong nhà thơ cho đăng trên mạng uy tín của nhà thơ. Xin cảm ơn".

Hôm qua đã thắp hương các liệt sĩ bằng bài van-te-chien-si-gac-ma, và hôm nay thêm truyện ngắn này của Nguyễn Trong Văn. Cám ơn anh Nguyễn Trọng Văn đã tin tưởng gửi gắm truyện ngắn vào một blog không nhuận bút.





THƯƠNG GỬI TRƯỜNG SA






 Thư của Phượng gửi....
"Hòa Thọ, ngày 8 tháng 3 năm 1988.
Anh thân yêu.
Em biết vào giờ này tàu các anh đã nhổ neo ra khơi được hơn một tiếng. Hơn một tiếng chính thức xa anh, em thấy khoảng cách như đã dài, dài lắm rồi. Và, anh biết không? Nó lại càng trống trải khi mà em biết em có muốn cũng không thể có mặt trên cầu cảng để được vẫy tay chào các anh. Một ước muốn nhỏ nhoi mà thật khó anh nhỉ? Sáng nay em thấy bầu trời thế nào ấy. Phía xa xa, chân trời không rực hồng như mọi bữa mà sáng nay nó cứ thẫm đẫm màu nước. Có phải là vì em bắt đầu thấy nhớ hay không? Hay là điều gì em không giải thích được.
Em đứng trên doi cát, chỗ doi cát mà lần đầu tiên nhận lời đi chơi cùng anh, em và anh đã đứng ở đó. Cái doi cát vừa qua đợt thủy triều nên nó mềm và âm ấm. Em tháo đôi dép ra khỏi chân, để bàn chân mình được chạm nhiều hơn vào chỗ ấm mềm ấy. Anh đừng trách em không đi đôi dép mà anh đã cất công tìm khắp chợ Hàn để mua cho em, tặng em trước khi anh lên tàu đi làm nhiệm vụ. Anh yên tâm đi, em đặt đôi dép ở một chỗ khô thoáng cách chỗ em đặt chân chỉ một đoạn ngắn. Lúc này đây, một bên mắt em hướng ra biển, một bên mắt em liếc trông chừng đôi dép. Buồn cười quá phải không anh?
Em nhìn về phía mặt trời lên, tàu các anh đi xa quá. Xa đến nỗi em dù cố gắng đến mức nào cũng không thể trông thấy được. Tại sáng nay bầu trời đẫm nước nên mặt biển cũng đẫm nước. Nếu không. Nếu trời trong và biển xanh như mọi bữa thì em tin chắc: em sẽ thấy con tàu đang đưa các anh đi ra mãi khơi xa. Em đành phải hình dung vậy.
Em hình dung lúc này anh cùng các bạn anh đang.... đang ăn sáng. Hứ, đừng cười em. Anh chẳng hay bảo là: "Lính thủy ăn sáng từ sáu giờ là gì". Anh và các anh ngon miệng nhé.
"Anh thân yêu!" em muốn anh nghe thấy câu nói ấy của em. Chiều qua, trước khi anh về đơn vị, em đã lần đầu tiên trong đời gọi lên như thế với một người con trai. Anh chắc vui lắm nên cứ ôm ghì lấy em. Khiếp con trai ôm dễ sợ luôn. Ôm gì mà làm người ta nghẹn cả thở. Lúc ấy em đã đẩy anh ra, mặt anh trông "quê" thật, cái mặt cứ thồn thộn làm em bật cười. Anh hỏi: Em có yêu anh thật không? Ông tướng, không yêu thật ai cho ôm người ta chặt thế.
Em hình dung các anh bây giờ đã ăn sáng xong. Và, và các anh đang nhìn biển. Biển chỗ tàu các anh đi sáng nay có trong xanh không? Em háo hức muốn biết là vì nếu nó cũng sẫm đẫm nước như em đang thấy thì buồn lắm. Ở trên bờ em còn có doi cát nơi anh đã .... đã ôm em. Còn trên tàu anh chẳng có cô nào để mà ôm. Nhỉ? Em hình dung anh cũng đang nhớ em. Anh ơi, con trai nhớ người yêu như thế nào nhỉ? Có khóc, có cảm như thế giới đang tan biến như con gái chúng em? Em hình dung anh cũng đang nhớ em, đôi tay anh nắm chặt vào nhau như anh ghì chặt vai em cái tối em nhận lời yêu anh đấy.
Anh à. Mình yêu nhau có nhanh quá không? Đã bao lần em tự hỏi mình như thế và em nói với em rằng: "Em yêu anh thật lòng". Em yêu anh thế thôi. Em nhớ lần đầu anh đến làm quen. Chắc anh không nhớ đâu. Người ta bảo con trai khi đạt mục đích rồi họ chẳng nhớ để đạt mục đích họ đã làm những gì. Tính đắc thắng là bản hữu của đàn ông mà. Em không nghĩ anh cũng như vậy, vì anh đâu phải là người mau quên, anh nhỉ? Lần đầu tiên anh đến trường em, amh mặc bộ quần áo hải quân trông.... chững chạc lắm. Tại cái áo hải quân với vạt yếm cùng những viền trắng làm em "đổ" luôn. Em là đứa con gái mơ mộng mà. Bà em thường mắng: "Con gái con đứa gì mà cặp mắt hay nhìn xa. Con gái mà hay thở dài sau này lận đận", đấy là bà em nói vậy chứ em mơ mộng nên mới cảm anh ngay từ đầu. Sau lần đó em cứ trách mình sao lại dễ dàng "chết" anh lính hải quân nhanh thế. Sau lần đó em cứ mắng mình "Mày đừng tưởng bở, lính hải quân đi nhiều bến bờ họ lại mau quên mày để yêu người khác ngay. Lính thủy người ta kiếm đâu không ra bạn gái".
"Em yêu anh"- Em đã nói như vậy với anh, nói như vậy với lòng mình. Bữa anh tới trường em, hôm đó là một ngày rất nắng. Cái nắng tháng bảy của miền Trung được cộng thêm gió Lào đã nóng lại càng nóng. Em vừa học xong bài học cuối cùng của cuộc đời sinh viên sư phạm. Em sẽ là cô giáo dạy văn, em tự hào vì lẽ đó. Anh nghiêng đầu chào em. Chao, chiếc mũ hải quân có hai dải bay bay trước gió mới hút hồn em làm sao. Đầu anh nghiêng nghiêng, môi nở nụ cười, nụ cười ấy em chắc hết đời em em không quên nổi. Nụ cười của anh dành cho em, một cô gái anh chưa hề quen biết. Bữa đó anh đi cùng anh bạn có người yêu học cùng lớp với em. Cô ấy đang dở việc nhờ em chạy ra cổng ký túc xá đón giúp. Vì là em đón giúp nên em rất vô tư, em chào vồn vã, em hỏi vồn vã và em cười cũng ... vô duyên nữa. Thích thật đấy, nếu bữa đó em biết cô bạn em đã "âm mưu" trước thì em chắc không tự nhiên được. Anh, anh khôn thật đấy. Anh "âm mưu" làm người ta cảm mình ngay phút gặp đầu tiên. Em hỏi thật nhé: "Anh khai mau. Các anh còn âm mưu gì nữa không?"
Chết, em lan man quá. Giờ này tàu các anh đã đi đến đâu rồi? Ngoài đó sóng có dữ không anh. Biển hôm nay khang khác chắc các anh vất vả lắm. Em nhớ bữa đó anh nghiêng đầu nở nụ cười "mê hoặc" làm em "đứt đừn đựt". Sau bữa đó em sợ lắm. Em sợ anh lại nghĩ em dễ dãi.
Ôi, em lại lan man rồi. Những người xa người yêu là thế đó. Con trai xa người yêu có vậy không anh? Hay tại em, chỉ có em như bà em bảo: "Con gái hay nhìn xa là ... hay nhớ".
Em hình dung, em hình dung, em hình dung..... em hình dung nhiều lắm. Đừng bắt em phải nói ra. Xấu hổ chết đi được.
Chỗ em đứng biển đã lùi ra xa.
Em lại xa anh thêm.
Nhớ anh. Em Phượng."

***
Trích nhật trình  của nhiệm vụ  CQ 88.
"Ngày 13 tháng 3 năm 1988. Chiều.
15 giờ. Đã tới vùng biển thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Neo tàu bên các  bãi đá ngầm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
17 giờ. Toàn đơn vị vào trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
18 giờ. Hạ xuồng đổ bộ. Chuẩn bị đưa tốp khảo sát vào các bãi đá ngầm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
19 giờ. Nhóm khảo sát vào bãi đá ngầm an toàn. Thủy triều đang xuống, được phép vận chuyển phương tiện vào cắm cờ chủ quyền.
20 giờ. Công binh được lệnh cắm cờ chủ quyền.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bãi đá ngầm Gạc Ma.
21 giờ. Công binh được lệnh thực hiện các biện pháp gia cố trụ  cột cờ.
22 giờ. Tiếp tục cho xuồng đổ bộ vận chuyển cọc bê tông và các vật dụng xây dựng vào bãi đá.
Công binh tiến hành gia cố cột cờ và gia cố các vị trí bảo vệ.
Suốt đêm thay nhau ngâm mình trong nước. Đã bám trụ tại 3 gộp đá nổi để gia cố trụ cột cờ
Chú ý: Từ chiều tối tàu yểm hộ của phía... lượn quanh khu vực bãi đá ngầm Gạc Ma và các bãi ngầm khác. Chúng hướng nòng súng về ta
Kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chủ quyền...."

***
Thư của Phượng gửi....
"Hòa Thọ, ngày 14 tháng 3 năm 1988.
Anh thân yêu.
Đã tròn một tuần anh đi làm nhiệm vụ. Em nhớ anh quá. Tự dưng hôm nay em có linh cảm là lạ lắm. Cả tuần qua biển đẫm nước, trời đẫm nước. Thời tiết như vậy có làm các anh khó khăn gì không? Em vừa đến Phòng giáo dục để nhận quyết định phân công về. Thích lắm anh yêu à. Em được phân công về dạy ở Trường X.., ngôi trường ở ngay trong xã mà anh. Vậy là em trở thành "cô giáo làng" rồi. Ba từ "cô giáo làng" làm em ngỡ ngàng đến tận bây giờ. Con bạn em nói: Đợt công tác của chàng về, mày "trói gọn" anh lính thủy đi. Mày dạy ở trường làng, chàng lênh đênh biển cả nghe cứ như trong phim ấy. Ghét con bạn em quá, em bảo: "Người ta có chịu cho mình trói không? Mày đừng có suy bụng ta ra bụng người". Anh còn nhớ con Thu bạn em? Cái đứa "âm mưu" với anh ấy. Nó sắp cưới rồi. Chết thật đấy. Bọn sinh viên sư phạm bọn em lây nhau cái "bệnh yêu lính thủy". Bệnh này lây lan và hình như không có thuốc chữa. Mặc kệ. Em cứ yêu đấy. Anh nhỉ?
Anh yêu ơi. Suốt đêm qua em không ngủ được. Mất ngủ lại toàn nhớ người yêu thôi nên khổ lắm. Em ngó trân trân lên đỉnh màn. Cái đỉnh màn trắng đùng đục, cứ mờ mờ ẩn hiện trong em hình ảnh con tàu các anh dập dềnh trên biển. Tàu các anh cứ đi miết, đi miết. Em gọi hoài các anh vẫn cứ đi.
Đôi khi em vẫn chưa hết băn khoăn. Mình có ngộ nhận tình cảm không? Em sợ lắm, vì nếu chỉ là tình yêu ngộ nhận thôi thì nó sẽ mau tan. Em nhìn thật sâu vào mặt biển để cố tìm lời giải cho mình. Từ khi sinh ra trên cuộc đời này em đã gắn bó với biển. Con gái miền biển thật thà và "quê" lắm chứ không xinh đẹp và được khéo như con gái đồng bằng. Làng em nằm bên bờ biển, đêm ngủ nghe tiếng sóng biển thúc ầm ào vào bờ cát. Thức dậy đã nhìn thấy biển. Em cùng bọn trẻ con trong làng chạy tung tăng ngoài bãi biển. Biển quê em hướng thẳng ra đại dương nên từ nhỏ tầm mắt chúng em đã mênh mông rồi. Có phải vì làng quê như thế nên em hay nhìn xa mơ mộng. Nếu có vậy cũng tại biển mà thôi. Biển cứ mênh mông, cứ ầm ào réo rắt trong tâm hồn em, cứ khơi dậy trong tâm trí em những cồn cào. Em học sư phạm văn cũng vì lẽ đó. Từ nhỏ những câu thơ biển đã in đậm trong đầu em. Với em biển luôn đẹp, luôn luôn mơ màng.
Và anh đến. Như một phép màu kỳ diệu. Người ta thường nói "tình yêu đến không hề báo trước", em tin như vậy. Anh đến giản dị và tự nhiên như điều phải đến. Nhưng thực ra trong suy nghĩ của em "em đã yêu lính thủy từ trong bài học trên ghế nhà trường".
Và anh đến, thật như câu chuyện trong cổ tích. Chàng lính thủy đẹp trai với gương mặt dạn dày sóng gió, với đôi mắt bao dung. Chàng lính thủy ấy bước vào đời em nhẹ nhàng mà thấm sâu như triều dâng ngập tràn bờ cát. Em là cái bờ cát ấm mềm ấy cho biển anh dâng đầy.
Một tuần trôi qua trong nỗi nhớ. Em lại phải hình dung vào giờ này các anh đang làm gì? Để em thử nói nhé: Các anh đang gồng mình chống chọi từng con sóng dữ? Các anh đang cho tàu của mình vượt qua vùng biển dậy sóng? Các anh đang buông neo để cho con tàu đậu vững mình ngoài biển cả?.... Có đúng không anh?
Anh xa nhớ. Hôm trước khi đi làm nhiệm vụ anh đã hứa sẽ trở về để đưa em về quê anh. Anh bảo: "Dẫn em về ra mắt họ hàng". Ghét anh ghê, ôm con nhà người ta chặt như thế mà chỉ nói dẫn về ra mắt họ hàng. Em muốn anh đưa em về quê anh để cho em được ..... chào cha mẹ anh, chào họ hàng. Em muốn gia đình anh đón nhận em – Một cô gái quê miền biển yêu anh thật thà.
Giờ này các anh đang làm gì? Em hình dung cũng không trọn được những khó khăn đang đón đợi các anh ngoài khơi xa. Ở ngoài đó chỉ có các anh , với con tàu, với lớp lớp sóng lừng. Hãy nhớ đến em! Nhớ đến em anh nhé.
Tự dưng em lại có những linh cảm rất lạ. Em thấy bồn chồn, thấy nôn nao, thấy như có gì hệ trọng lắm. Hình như con gái đang yêu thường hay nghĩ ra những linh cảm linh tinh. Anh hoàn thành nhiệm vụ trở về chắc em sẽ hết nghĩ linh tinh ngay.
Yêu chàng lính thủy.
Em Phượng. "

***
Trích điện  báo của  CQ 88
"Gửi Bộ tư lệnh. Lúc 6 giờ sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988
Phía ... cho thả 3 thuyền nhôm cùng khoảng 60 lính thủy đánh bộ có trang bị đủ(chấm) Các thuyền này chạy thẳng vào bãi đá ngầm Gạc Ma(chấm) Hai tàu yểm hộ của .... mang tên lửa là 502 và 531 đậu ở nam bãi đá ngầm Gạc Ma đều hướng nòng súng vào ta(chấm) Về ta(phảy) 3 cột cờ dựng tạm đang được tăng cường chiến sĩ bảo vệ(chấm) Chúng tôi đã cho phát loa bằng tiếng.... kêu gọi các thuyền nhôm cùng hai tàu yểm hộ rời xa khu vực(chấm) Đã nói rõ đây là lãnh thổ có chủ quyền của Việt Nam(chấm) Chúng tôi đề nghị các ... hãy tôn trọng luật pháp quốc tế rút lui khỏi khu vực Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm soát(chấm)Xin chỉ thị(Hết điện đi)

Trích điện của Bộ tư lệnh.
"Gửi các đơn vị CQ 88. Lúc 6 giờ 15 ngày 14 tháng 3 năm 1988
Thực hiện quyết tâm giữ đảo(chấm)Tuân thủ mệnh lệnh cấp trên(chấm) Không được phép nổ súng để phía ....  lấy cớ leo thang xung đột dẫn đến chiến tranh tổng lực trên toàn bộ quần đảo Trường Sa(chấm) Kiên quyết bảo vệ cờ chủ quyền(chấm) Chúc thắng lợi(Hết điện đến).

***
Thư của Phượng gửi...
"Hòa Thọ, chiều 14 tháng 3 năm 1988
Anh thân yêu.
Sao tự nhiên em lại thấy bồn chồn quá. Có gì như lửa đốt trong người em. Vì em nhớ quá đấy thôi, chứ vào giờ này chắc các anh ở ngoài khơi xa đang nghỉ ngơi.
Anh ơi, trời đang vào tối ở ngoài biển chắc càng tối hơn. Anh và các anh chú ý mặc ấm kẻo thời tiết này dễ lạnh lắm. Em nghe người ta bảo: "Người đi xa thì nhớ người yêu lắm". Anh có nhớ em không? Em tin là anh rất nhớ em vì em là người yêu của anh mà.
Sáng nay, lúc viết thư cho anh xong em đã đến trường. Sao em thấy hồi hộp quá. Ngôi trường này em từng học suốt mấy năm Trung học cơ sở, em có nhiều kỷ niệm ở đây vậy mà cứ thấy hồi hộp mới lạ chứ. Em bước qua cánh cổng trường với bao cảm xúc chộn rộn. Lần đầu bước chân trở lại trường nhưng với tư cách là giáo viên của trường nên em hồi hộp cũng phải. Mọi người đón em vui vẻ làm em quên đi hồi hộp. Anh có biết không? Thày Hùng dạy văn lớp em hồi đó vẫn còn dạy. Thày nhìn em và khen: "Em về trường là thày mừng lắm, các thày cũng đã đến lúc phải nghỉ rồi. Các em bây giờ có điều kiện học tạp và giảng dạy hơn thời các thày nhiều. Chúc mừng em trở thành đồng nghiệp". Thày nói thế làm em vừa ngượng vừa vui, em cứ lí nhí cảm ơn khiến thày phải nhắc: "Ơ kìa, cô giáo rồi, nhanh nhẹn lên chứ". Rồi cô Hòa, cô Thủy và cả thày Tiến nữa... những thày cô dạy em hồi nào đón em thật ấm cúng. Anh biết không, khi em bước vào lớp. Em dừng lại bên chiếc bàn em đã ngồi đó mấy năm. Có gì cứ réo gọi em, cứ giục giã em làm em thấy bâng khuâng. Hình như lúc đó em "trót" quên nỗi nhớ người yêu. Anh đừng trách em nhé. Em chỉ trót "quên" tí thôi rồi lại nhớ cồn cào thêm. Em ước nếu có anh bên em lúc đó chắc em sẽ tự nhiên hơn. Bên cạnh người yêu bao giờ cũng thấy ấm áp mà.
Em được mời lên bục giảng để... nói chuyện. Nói chuyện thôi chứ em chưa nhận lớp nên chưa lên lớp. Em nhìn các em học sinh. Ôi bọn trẻ bây giờ chúng nó đáng yêu thế. Bọn trẻ nhìn em dò xét và khích lệ em. Chúng nó đồng thanh hô to: "Cô giáo mới xinh quá". Thế có đúng không anh? Em cảm ơn các em và em bắt đầu ... em bắt đầu đọc thơ. Em đã đọc cho các em nghe bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của nhà thơ Chế Lan Viên. Khi em đọc đến khổ thơ cuối "Câu hát căng buồm với gió khơi/ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời/ Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi" em thấy các em học sinh đều mở tròn đôi mắt. Chúng cũng như em ngày xưa rất thích những bài thơ về biển. Hình như người miền biển ai cũng say biển, ai cũng có trong tâm hồn mình một góc nhỏ nhưng rất thiêng liêng về biển. Và em đã kể cho chúng nghe những câu chuyện "lênh đênh" của lính thủy.... em đang kể về anh đấy anh yêu ạ. Em có anh. Em có biển từ lúc sinh thành. Biển và anh thấm trong cơ thể em, trong tâm hồn em.
"Anh là bài thơ biển của cuộc đời em" – một bài thơ không viết trên trang giấy. Tự thân những gì của biển cả đã làm nên giá trị của bài thơ. Em ra về mà lòng thầm hỏi "Biển của em ơi. Anh nhớ em không?"
Bây giờ thì em lại đứng ngoài bãi biển. Cái doi cát "của chúng mình" đang được nước triều dâng lên ngập quá gối. Em lội chân ở đó, nước biển ùa vào xoắn lấy chân em. Nước biển chiều ấm nóng kỳ lạ. Nó cứ râm ran lan hơi ấm từ bàn chân lên người em. Có phải là anh đang về bên em, vỗ về em không? Em hỏi lòng mình và em trả lời lòng mình "Em và anh đang xoa dịu lòng nhau". Em hy vọng ở ngoài khơi xa kia anh cũng có cảm giác như em. Anh đang thấy hơi ấm từ người em sưởi ấm lòng anh lúc anh cùng đồng đội ngâm mình trong nước biển. Anh ơi, biển rộng dài nhưng cũng thật gần gũi phải không? Em chợt nhận ra: Lúc nào nhớ anh hãy ra biển và đặt chân xuống nước. Anh bên em trong làn nước biển mênh mông.
Em yêu anh. Em Phượng."

***
Trích điện báo  của CQ 88.
"Gửi Bộ tư lệnh. Lúc 21 giờ ngày 14 tháng 3 năm 1988
Từ 6 giờ 30 sáng lính thủy đánh bộ của ... đổ bộ lên bãi đá ngầm Gạc Ma(chấm) Chúng xông đến các gộp đá nơi ta dựng cờ chủ quyền(chấm) Các chiến sĩ ta quây quanh bảo vệ cờ(chấm) Lính thủy đánh bộ... có trang bị vũ khí  rất hung hăng(chấm) Các chiến sĩ ta giằng giật tay đôi quyết tâm giữ cờ(chấm) Chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh bị chúng dùng lưỡi lê đâm từ phía sau lưng(chấm) Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn đã hy sinh(chấm) Cờ chủ quyền của Việt Nam được giữ vững(chấm) Chiến sĩ ta đã kết thành vòng tròn xung quanh cờ(chấm) lính thủy đánh bộ.... rút ra ngoài tàu(chấm) ...
Tàu.... bắt ngờ xả đạn đại liên vào các chiến sĩ ta(chấm) Chấp hành mệnh lệnh chiến sĩ ta kiên quyết lấy thân mình bảo vệ chủ quyền(chấm)"

***
Thư của Phượng gửi.
"Hòa Thọ, ngày 14 tháng 3 năm 1998.
Anh mãi nhớ. Vậy là tròn mười năm anh đi xa mãi mãi. Mười năm em không ngày nào không nguôi nhớ anh. Anh, mối tình đầu của em. Mối tình em có cảm tưởng như chỉ có anh là người duy nhất không thể thay thế.
Sáng nay em lại ra đứng trên doi cát nhỏ. Doi cát chạy dài về phía những con sóng. Hôm nay trời đẹp. Biển xanh đến mơ màng, xanh hút mắt về về chân trời. Ngoài xa khơi kia, từng đoàn thuyền cá đang hối hả cập bờ sau chuyến đi dài ra khơi đánh cá. Nhìn đoàn thuyền cá nặng nhọc nhưng đầy hăm hở mà em thấy xốn xang. Em hình dung thấy anh, anh đang tươi cười giơ tay vẫy vẫy. Sao lạ thế nhỉ? Anh trở về trên những con thuyền cá như những người ngư dân thực thụ. Anh giơ cao hai cánh tay lên, bàn tay anh đang nâng một chú cá rất to. Con cá đang cố giẫy giụa làm văng ra những chiếc vẩy cá. Những chiếc vẩy cá sáng lấp lóa dưới ánh nắng trông như những mảnh bạc bảy sắc.
Em nhìn về phía bờ, bờ cát như cuộn lên thành từng lớp. Những lớp sóng cát nhấp nhô chạy lui vào trong rồi khuất hẳn sau hàng dương xanh lá. Em thấy mình trôi bồng bềnh, bồng bềnh, trôi dần tới đoàn thuyền cá có anh đang đứng. Em sắp tới anh rồi.
Em hét to lên, tiếng gọi anh chìm vào tiếng sóng. Em bàng hoàng nhận ra lúc này đây chỉ có mình em với tiếng gọi anh. Mười năm qua em đã bao lần gọi tên anh. Gọi cho khỏa nỗi nhớ. Gọi cho lòng mình dịu đi. Nhưng anh ơi. Lòng em lại luôn đau thắt khi mỗi khi cất tiếng gọi anh, mỗi khi em nhắm mắt lại để chờ đợi vòng tay của anh ôm ghì lấy em. Là lúc đó trước mắt em hình ảnh anh cùng đồng đội mình nửa thân mình dầm trong nước biển. Nửa thân trên đang cố gắng đứng thẳng lên trước những con sóng xô vào. Các anh đang dùng hết sức lực đã rã rời của mình sau cả ngày trời dầm mình như thế. Các anh dồn sát lại bên nhau cho chắc, hình thành những cột trụ bằng thân người dể giữ cho lá cờ tổ quốc khỏi lung lay.
Em hét to lên và không tin vào mắt mình được nữa. Tiếng hét của em bị những loạt đạn đại liên nã như điên như dại từ những chiếc tàu của..... đang nhằm vào các anh. Các anh bỗng chốc trở thành những tấm bia sống để quân thù thả sức bắn, thả sức thỏa mãn cơn khát máu. Chúng có còn là người nữa không? Chúng có còn là... là anh em như chúng leo lẻo nữa hay không?
Em hét lên đau đớn như chính em đang bị những làn đạn kia nhắm trúng....
Anh mãi nhớ. Đêm qua em nằm mơ thấy anh về bên em. Anh đứng bên giường chỉ nhìn em thôi không nói gì cả. Khuôn mặt anh đang nhăn lại đau dớn, anh cố mở to đôi mắt để nhìn em. Em chới với tay quờ tìm tay anh nhưng không tài nào chạm vào tay anh dược. Tại em nằm ngủ đấy mà. Giá như lúc ấy em không ngủ thì chắc em đã nắm được tay anh rồi. Anh cứ đứng nhìn em không nói gì cả, miệng anh mím chặt lại như cố ghìm cơn đau trong người. Em nhỏm đầu lên để thấy anh được rõ hơn, em thấy anh đứng đó toàn thân ướt sũng. Cái màu ướt sũng ấy lại đỏ tươi. Em bàng hoàng khi nhận ra đó chính là máu. Toàn thân anh phủ đẫm máu. Từng giọt máu còn tươi đang nhỏ xuống, đang chảy xuống. Chảy nhiều quá. Máu chảy ra từ những lỗ đạn chi chít trên khắp người anh. Em nhỏm hẳn người lên hy vọng đỡ anh vì thấy anh như sắp ngã nhưng tay em cứ chới với chới với không chạm tới người anh. Rồi em thấy bên cạnh anh, đằng sau anh, đằng trước anh một hàng dài các anh ướt sũng máu như nhau. Hàng ngũ các anh rùng rùng chuyển động và lùi dần lùi dần, lùi chìm trôi trong làn nước biển. Em hét lên sợ hãi. Bàn tay em chỉ có nước mắt của em.
Giấc mơ chỉ là giấc mơ sao cứ ám ảnh em mãi. Em sợ các anh ở ngoài khơi xa bơ vơ với sóng. Bơ vơ với ngàn trùng cách trở. Em xa các anh quá làm sao tới bên được, làm sao xoa dịu những vết đạn lỗ chỗ trên người các anh. Đấy lại là điều em cứ dằn vặt mình. Em tự làm khổ mình chỉ vì "em yêu anh".
Anh thân yêu. Em muốn gọi mãi như thế, như em đã gọi lên như thế. Em nhớ anh hứa với em sau chuyến công tác trở về sẽ dẫn em về quê anh chào họ hàng. Lời hứa của anh em đã thay anh thực hiện xong. Thực hiện để lương tâm em được thanh thản. Thực hiện để anh ở ngoài kia an tâm.
Em về quê anh một mình nhưng đường đi không khó tìm. Em nhớ anh dặn: Làng anh nằm bên bờ sông Luộc, con đường dẫn vào làng anh chạy qua những cánh đồng lúa. Hai bên đường có rặng nhãn lá xanh thẫm rậm rì, khẽ khàng buông câu hát, khúc hát của gió. Vào mùa lúa chín, những thửa ruộng ngả rặt một màu vàng, lẫn trong màu vàng óng ấy thoảng bay vút lên tiếng hót của bầy chim sẻ đồng. Anh kể, hồi còn ở nhà anh thường cùng lũ bạn chạy cả ngày không biết chán trên những thửa ruộng vừa gặt. Bọn anh hò hét rinh đồng làm lũ chuột đồng béo núc ních, lông vàng mượt chạy thục mạng. Lũ chuột chạy mệt nên rúc hết vào những gốc rạ xếp thành từng đụm khắp mặt ruộng. Bọn trẻ các anh chỉ việc lôi từng chú chuột ra. Sẵn có rạ trên đồng từng chú chuột được nướng thơm lức, thơm không cưỡng được những con mắt trẻ con. Em không  hình dung được lúc đó nét mặt anh như thế nào nhưng em tin các anh khoái chí lắm. Trẻ con thì ở đâu chẳng giống nhau anh nhỉ? Thích làm những việc người lớn phải lo lắng.
Em nhớ anh dặn: Đường làng anh lát những viên gạch nghiêng. Từng viên gạch là một câu chuyện tình quê mượt mà như cổ tích. Chuyện tình quê ấy nói rằng: Con gái làng khác đến lấy chồng ở làng đều phải nộp trăm viên gạch cho làng gọi là "nộp lệ". Em không rõ nộp lệ làng giờ có còn hay đã phôi pha nhưng em thấy e dè khi đặt những bước chân của mình trên con đường lát gạch nghiêng ấy. "Không biết em có phải nộp lệ cho làng nữa hay không?" em tự hỏi thế và tự nhiên thấy vui vui. Thấy vui vui như em đang chuẩn bị ... lấy chồng ấy.
Nhà của người đồng bằng ngoài Bắc không giống nhà của người miền biển quê em. Một ngôi nhà trước hiên là khoảng sân rộng. Anh nói rằng: Sân rộng hay nhỏ tùy thuộc vào mức độ khá giả hay nghèo túng của gia chủ. Nhưng to hay nhỏ thì cái sân ấy được dùng để phơi lúa. Ở quê em cũng cần có chỗ để phơi cá nhưng người quê em thường đem cá ra phơi ngoài bãi cát. Sức nóng của cát làm cong những chú cá. Cong rộp lên như những con cá đó đang giẫy mình nhảy lên trên sóng biển.
Anh ơi, em thấy ngại ngùng khi bước chân qua mảnh sân nhà để vào trong nhà. Em hồi hộp lắm. Có gì đấy làm em thèn thẹn, nửa xấu hổ, nửa mừng mừng. Mẹ từ trong nhà đi ra. Mẹ ôm lấy em, mẹ khóc. Hình như đến bây giờ mẹ mới khóc, nước mắt mẹ nóng hổi vai em, nóng ran ran trên má em. Em cũng khóc.
Rồi mẹ đưa em vào nhà. Em ngơ ngác nhìn tấm hình của anh trên ban thờ. Vẫn gương mặt dạn dày nước biển ấy, vẫn nụ cười như bữa anh tới trường em. Anh nghiêng mái đầu, vành mũ hải quân cũng nghiêng theo làm phơ phất hai dải mũ.
Đêm hôm đó, mẹ nằm ôm em. Mẹ kể em hay anh là thằng con trai nghịch vào loại nhất làng. "Nó nghịch lắm. Chứ không lành như con Hạnh chị nó" mẹ bảo thế. Em cười. Mẹ hỏi: "con cười gì?". Em trả lời mẹ: "Anh Phúc nghịch lắm hả mẹ". Đêm đó hai mẹ con ngủ rất ngon. Đã lâu rồi em mới có giấc ngủ ngon như thế. Anh à, mẹ em mất sớm. Mất từ khi em còn bé tí. Đó là một ngày bão biển đùng đùng. Miền biển quê em đã bão thì bão nát biển. Đã nắng thì nắng cháy cây. Đã mưa thì mưa trôi đất. Người quê em dù đã quen như thế nhưng rồi năm nào có bão cũng có người mãi mãi ra đi. Mẹ em ra đi trong đêm bão dội như tát nước biển vào bờ. Đêm ấy mẹ em sực nhớ ra còn mẻ cá phơi bên hàng dương phía sau nhà chưa kịp cất. Mẹ bảo mấy chị em chúng em ngồi yên trong nhà để mẹ chạy đi cất cá. Mẹ em bảo: "Các con yên nhé. Mẹ chạy ù là về ngay". Nhưng mẹ không về nữa. Sóng biển ập tới cuốn mẹ đi xa. Anh ơi. Biển giữ mẹ của em, giờ biển lại đang giữ anh của em.
Em đi chơi khắp làng. Mẹ anh dẫn em đi. Lưng mẹ còng xuống vậy mà mẹ vẫn dẫn em đi khắp. Mẹ nói: "Để con biết làng mình". Em suýt khóc khi nghe mẹ nói "làng mình". Mẹ đã nhận em là người "làng mình". Em còn câu nói đó thay anh. Anh nhỉ? Mà anh ơi, con gái Thái Bình cô nào cũng xinh. Xinh lắm cơ, các cô xinh quá làm em thấy ngại. Người miền biển bọn em ăn to nói lớn chứ đâu dịu dàng như người đồng bằng. Thế mà anh yêu em? Anh nói đi, nói rằng anh yêu em vì lẽ gì ấy?
Anh nhớ không? Hôm mình đứng trên doi cát ấy, anh đã nói anh yêu em. Anh bảo anh yêu em vì em xinh. "Em xinh thôi ư?" – em hỏi lại. Anh cười. Nụ cười anh chỉ khép lại khi môi em đặt vào đấy. Em xinh để anh yêu là được rồi. Có xinh thì anh mới yêu chứ.
Anh thân yêu. Cho em gọi thêm lần nữa. Gọi để em khuây khỏa trong lòng. Gọi để em khỏi ân hận với lòng mình vì.... vì mấy hôm nữa em sẽ đi lấy chồng. Anh có trách em không? Đừng trách em mà em thêm khổ. Nhưng em biết anh sẽ không bao giờ trách em cả. Em nhớ anh đã bảo: "Nếu được ở bên em, nếu được sống bên em. Lúc đó anh thích nhất là được.... được trông nhà cho em đi dạy". Em vẫn đi dạy đều dều anh ạ. Bài giảng trên lớp hôm nay em lại có thêm ý nghĩa mới để truyền đạt cho học sinh của mình. Ý nghĩa về sự hy sinh của các anh ở ngoài biển xa cho tổ quốc trường tồn.
Anh ơi, em sẽ đi lấy chồng. Con gái lớn ai mà chẳng đi lấy chồng anh nhỉ? Chồng sắp cưới của em cũng đã từng là người lính. Vậy là anh sẽ không trách em đúng không nào? – Vì những người lính luôn cầu mong cho đồng đội mình được hạnh phúc. Em quen chồng sắp cưới vào ngày cách đây không lâu. Chao ơi, vẫn gương mặt dạn dày ấy, vẫn nụ cười nghiêng nghiêng mái đầu ấy. Sao em thấy như chính là anh đã trở về bên em. Em đã có một người yêu là lính biển giờ em sắp có một người chồng từng trong đội ngũ với người yêu. Như vậy lòng em mới khôn lấp. Chồng sắp cưới của em cũng chu đáo như anh. Bữa mới quen anh ấy nhẹ nhàng nắm chặt tay em. Bàn tay người lính nào cũng ấm đến chân thành. Anh ấy nói với em: "Anh sẽ cố gắng để em được hạnh phúc". Em tin.
Anh thương nhớ. Nếu bây giờ anh về. Anh sẽ không nhận ra sự thay đổi của quê em đâu. Làng biển giờ đã khác nhiều ngày anh theo con tàu đi làm nhiệm vụ ở ngoài khơi xa. Ngôi trường nơi em dạy học mới xây dựng xong. Đẹp lắm anh à. Những lúc nghỉ giữa hai tiết dạy, em đứng trên hành lang nhìn ra biển. Em phóng tầm mắt ra tít xa khơi. Anh mắt em bắt gặp những con tàu màu trắng chạy ngang đường chân trời. Những con tàu với những dải cờ đủ màu sắc đang tô thêm sức sống cho bức tranh biển. Em lại ước mình thành họa sĩ. Em sẽ vẽ bức tranh biển kỳ vĩ ấy để làm quà tặng anh khi anh hoàn thành nhiệm vụ trở về. Đấy em lại mơ mộng viển vông rồi. Thảo nào bà em cứ mắng: "Con gái con đứa mắt hay nhìn xa mơ màng. Mày sẽ khổ con ạ". Em đâu có khổ anh nhỉ? Em chỉ nhớ anh thôi.
Em đi dạy đây. Chào anh thương nhớ.
Em Phượng".

***
Trích báo cáo của CQ 88
"Tình hình CQ 88  cho đến chiều tối ngày 14 tháng 3 như sau: Bãi đá ngầm Gạc Ma lọt vào tay....Các bãi đá Cô Lin và Len Đao được giữ vững. Hai tàu HQ 604 và HQ 605 bị bắn chìm, tàu HQ505 bị bắn cháy và hư hỏng nặng. 64 chiến sĩ hy sinh, 1 chiến sĩ bị mất tích trên biển, 9 chiến sĩ bị thương và bị  bắt... "

***
Thư của Phượng gửi.
"Vân Đài Tự, ngày 14 tháng 3 năm 2008.
Anh thương nhớ.
Hôm nay là ngày cách đây tròn hai mươi năm anh và đồng đội mình mãi mãi thẳm xanh trong biển cả. Hai mươi năm là đủ thời gian cho một cuộc đời sinh ra và trưởng thành. Hai mươi năm là khoảng thời gian đủ để quên đi những buồn đau. Và đủ thời gian cho cái mới tạo dựng. Dẫu biết thế nhưng anh ơi, hai mươi năm qua cứ vào ngày 14 tháng 3 định mệnh ấy em lại không kìm được lòng mình. Không kìm được dòng cảm xúc vẹn nguyên như buổi đầu anh đến bên em. Anh lại nghiêng mái đầu, nhiêng nghiêng chiếc mũ hải quân với dòng chữ "Hải quân Việt Nam". Anh cười với em. Anh nói: "Anh yêu em". Giản dị vậy thôi nhưng với em thì đó là báu vật.
Em nhớ cái ngày 14 tháng 3 năm 1988 định mệnh ấy. Sao sáng hôm đó em lại thấy bồn chồn khó tả. Sao sáng hôm đó em linh cảm như có gì hệ trọng đã xẩy ra. Người ta bảo: "Những người yêu nhau khi nhớ về nhau thường có những linh cảm như chính của mình vậy". Em tin cái giác quan thứ sáu của em đã thầm mách bảo cho em rằng: "Ở ngoài khơi xa kia, ở nơi sóng biển và sự rình rập của kẻ thù anh yêu của em đang gặp thử thách khó khăn". Em tin nhưng lại không khi nào muốn đó sẽ là sự thật. Không khi nào muốn nó sẽ xẩy ra. Bây giờ mỗi khi nhắm mắt lại em lại như thấy hình ảnh anh và đồng đội dầm nửa mình trong nước biển mặn mòi. Nửa trên các anh nhô cao và những mũi súng của quân thù cứ nhằm vào nửa nhô cao ấy mà nhả đạn. Em tự trách mình sao không làm gì để các anh khỏi đau đớn? Sao không làm gì để các anh khỏi trống trải giữa đại dương bao la? Sao không làm gì để ngăn chặn sự thủ ác của kẻ tráo trở? Sao em không làm gì?
Em phải đứng lên để chờ đợi.
Đứng lên để hy vọng sẽ được đón anh trở về?
Anh mãi mãi của em. Mẹ sinh em ra, mẹ đặt tên cho em là Hồng Phượng. Mẹ muốn em sau này sẽ luôn tươi thắm, gắng gỏi vươn lên giữa cái nắng chói chang của xứ "Quảng Nam chưa mưa đã thấm" của dải đất miền Trung chịu nhiều gió bão. Anh ơi, con người và đất miền Trung vốn tự thân đã chứa đựng những thử thách của thiên nhiên, của những gì là khốc liệt nhất. Em là người con của mảnh đất cam go ấy và vì thế chăng em .... khổ, em lận đận như bà em mắng? Ngay cái tên Hồng Phượng cũng đã thầm nói: trong con người em có nắng nhân lên, có gió nhân lên và những khổ đau cũng được nhân lên.
Anh thương nhớ. Em mãi mãi là người yêu của lính. Đấy là điều an ủi cho em trước những nghiệt ngã của số phận. Em yêu anh – anh đi xa để em chờ đợi. Em sẽ thành vợ của người từng là lính nhưng anh ấy ...  cũng đã xa em, để em thêm một lần.... khắc khoải.
Em không khóc. Nước mắt em đã khô bởi vì em biết: Nước mắt không kéo quá khứ trở về. Nước mắt chỉ làm ta yếu mềm đi mà thôi. Em nhớ, anh đã "trách" em: "Con gái gì mà cứng cỏi quá". Giờ thì em mới hiểu là anh động viên em để em vững vàng hơn trong cuộc sống có quá nhiều biến động này.
Thời gian trôi đi như nó phải trôi chảy trong dòng đời. Dòng đời sẽ nhẹ nhàng cuốn đi những gì không đáng nhớ. Và dòng đời lại lắng đọng những gì cho ta phải trân trọng.
Biết nói thế nào cùng anh bây giờ. Cái ngày 14 tháng 3 định mệnh đã gieo vào tâm hồn em hai vành tang trắng. Một vành tang trắng để nhắc nhớ anh và một vành tang trắng để tưởng niệm .... chồng sắp cưới của em. Anh ơi, em hai lần được yêu và hai lần hy vọng được làm vợ. Nhưng cả hai lần ấy chỉ cho em nỗi trống trải cùng ý nghĩ mình chưa làm gì được cho các anh. Em có đoảng lắm không? Em có long đong như bà em đã nói không?
Vào hôm em thắp hương nhớ anh sau mười năm anh đi xa, em cũng có linh cảm trống vắng. Chồng sắp cưới của em phát hiện ra trên ban thờ còn thiếu mấy bông hoa trắng. Anh ấy bảo sẽ chạy đi mua thật nhanh, anh ấy còn nói thêm: "Thiếu hoa trắng thắp hương cho anh là chưa thành lễ". Rồi anh ấy vội vã đi, đi không kịp cài cúc áo. Sao những người lính ai cũng chu đáo và vội vàng? Sao những người lính lại luôn lo toan cho dù đó chỉ là những lo toan rất nhỏ? Chồng sắp cưới của em không kịp trở về để cùng em đặt lên ban thờ anh những bông hoa trắng. Anh ấy luôn bảo: "Rất trân trọng mối tình đầu của em" và anh ấy muốn em được khuây khỏa trước ngày chúng em hạnh phúc. Em tôn trọng mối cảm thông chia sẻ của anh ấy và càng tôn trọng anh ấy hơn khi sau đó không lâu em nhận được tin dữ. Chồng sắp cưới của em đã mất sau một tai nạn giao thông khủng khiếp. Anh ấy ra đi cho em thêm một lần đau đớn.
Em nghỉ dạy từ bữa đó.Không phải vì đôi chân em không đủ sức đứng trên bục giảng. Không phải vì em tuyệt vọng. Sau những biến cố đau thương ấy em muốn làm một việc gì đấy cho phải nghĩa.
Ngôi chùa mà em trú ngụ nằm bên sườn của dãy núi Sơn Trà. Hướng mặt về phía biển. Từ đây ngày ngày em nghe tiếng sóng dội vào vách đá. Từ đây ngày ngày em thấy những đám mây trôi bồng bềnh ra biển. Những hôm trời trong biển sáng em ngước mắt nhìn ra xa. Lúc đó em thấy biển thật gần gũi - Em lại ước biển mãi êm đềm. Em trông lên bầu trời. Lúc đó em thấy bầu trời vô cùng ấm áp - Em mong trời mãi bình yên.
Anh ở xa tít ngoài kia, em không tới được.Mỗi khi nhắm mắt em lại thấy các anh tề chỉnh xếp thành đội ngũ. Những người lính hải quân tay nắm chặt tay nhau. Ánh mắt các anh căng ra như chưa bao giờ ngủ.
Em sinh ra bên bờ biển. Em lớn lên trên bờ cát. Biển đang giữ của em những báu vật của riêng mình – Mẹ và anh.
Anh có nghe thấy tiếng chuông thỉnh vào mênh mông không anh? Đấy là em gửi tới các anh, mong các anh khỏi lạnh. Anh có thấy mùi hương trầm đang lan lan trên sóng nước không anh? Đấy là em được an ủi lòng mình.
Ở ngôi chùa này mội người đều quí em. Những lúc rảnh rỗi em lại cùng mọi người ngồi dưới rặng dương. Giống dương xanh bền bỉ trước bão giông, giống dương xanh ngời trước nắng gió. Chúng em lại nói với nhau, lại kể cho nhau nghe về bài thơ biển cả - ở nơi ấy có những chàng dũng sĩ tinh anh đội biển đứng lên.
Anh thương nhớ!
Em nghe cổ tích kể hay rằng: "Có người thiếu phụ bồng con đứng trên mỏm núi ngóng tin chồng đi biển chưa về. Thiếu phụ mỏi mòn đến hóa đá". Em không tin người sẽ hóa thành đá nhưng em biết: "Thương gái biết trông chồng nên đá hóa Vọng phu"
Gửi tới các anh muôn vàn thương mến.
Em Phượng".

***
Trích tuyên dương các đơn vị thực hiện nhiệm vụ CQ 88
"Hà Nội, ngày 6 tháng 1 năm 1989.
Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho:
                 Các đơn vị và các cá nhân thuộc " Nhiệm vụ CQ 88".
                  Vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
      Khẳng định và giữ vững chủ quyền của Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa".
                                                      


                              Viết tại Hà Nội thứ 2, ngày 20 tháng 6 năm 2011

6 nhận xét:

PTN nói...

Em đọc, và nước mắt trào ra, dù mình không còn ở tuổi lãng mạn mộng mơ như cô gái trong truyện (nhất là đoạn Phượng tự mình về làng thăm mẹ Phúc), nhưng không hiểu sao, đến bức thư Phượng gửi từ Vân Đài Tự thì tự nhiên mọi cảm xúc bị khô héo lại. Lạ thật !
Ồ, mà em tưởng những viên gạch lát đường làng là của các cô gái đi lấy chồng xa góp lại chứ nhỉ ?

CUA RẬN nói...

Truyện viết cảm động. Tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Tuy nhiên lại thấy uất nghẹn. Tại sao một tác phẩm văn học viết về những sự kiện có thật mà vẫn còn phải né tránh. Lịch sử mãi mãi ghi rằng Trung quốc đã xả súng bắn các chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma... Len đao... Lịch sử khẳng định chiến sĩ ta chỉ giữ cờ mà không nổ súng. Điều này không ai có thể chối cãi.
Nghĩ lại có thể đây là ý đồ của người viết để người đọc phải suy nghĩ."Đau nỗi đau vì tội ác giặc không tên"

Unknown nói...

cảm ơn các bạn. Truyện này tôi viết cách đây 2 năm nghĩa là vào thời điểm đó câu chuyện "Hải chiến Trường Sa" vẫn còn phải "tế nhị". Tôi đã sửa lại với cách gọi đúng tên "quân giặc". Hy vọng trong lần xuất bản tới bằng sách các bạn sẽ thấy tôi không né tránh nữa.
Thưa bạn PTN, Nhưng viên gạch lát đường thì ở mỗi quê lại có một "lệ" khác nhau. Cảm ơn bạn

Unknown nói...

Cảm ơn các bạn. Lần xuất bản tới các bạn sẽ thấy tôi không né tránh khi gọi đúng tên "quân giặc" nữa.

Unknown nói...

Nước mắt trào ra..

Unknown nói...

Nước mắt trào ra..