Khuya qua, điện thoại của mình giật nẩy lên tên Dili. Thú thật là lâu lắm rồi, vì nhiều lý do "tế nhị" mình không nghe điện thoại của phụ nữ ở nhà, nhưng tối qua mình đã nghe sau 30 giây ngần ngừ...
Anh Hùng à, em biết blog cũng như facebook của anh hot lắm,... anh cho em ké tí được không (giữa khoảng ấy là những lời có cánh ca ngợi blog và fb của mình, thậm chí... so sánh nữa, mình cương quyết không đưa lên đây).
Là sao em? Em khen quá bom nó nổ đấy?
Là em mới ra tập sách, anh đưa cái bìa sách lên hộ em, rồi viết vài dòng, viết gì cũng được, chê cũng không sao, miễn là bạn đọc của anh biết em vừa ra sách...
OK, anh tưởng đốt nhà giết người thì không dám chứ việc ấy thì anh sẽ... cố gắng. (Nói cố gắng vì vừa rồi có vài bạn vào comment chê mình việc quảng bá tập "Vòm trời khác" trong khi thật sự với cuốn này mình tự quảng bá rất ít, nhưng mình vẫn cho hiện comment của các bạn ấy một cách hùng dũng).
Viết gì thì mình chả viết, vì mình chưa đọc cuốn này, nhưng có thể nói rằng Dili là nhà văn hàng đầu Việt Nam hiện nay về thể loại trinh thám, mình đàn ông mà đọc cứ sởn hết da gà lên nên hình dung nhà văn này khi viết thì phải trùm chăn ngang cổ và xung quanh là chồng và con tay lăm lăm cầm dao bảo vệ.
Chưa hết, nàng còn viết về tuổi thơ cũng rất hấp dẫn. Năm ngoái Dili có một cuốn, vừa ra mắt đã hết sạch.
Đại loại thế.
Sau đây là chương trình quảng cáo, gồm 3 phần (Mình phải gác lại phần tiếp theo của trường ca "Ngựa trắng bay về" đã post 2 kỳ).
Phần 1: bìa sách.
Phần 2: Ảnh tác giả với... tác giả.
Phần 3: Một số comment của những người nổi tiếng.
I.
II.
Mình trông như Đại... Da ấy, bên phải là Dili, trái là Vili bên bờ sông Lô... |
Tập sách không dành cho lứa tuổi teen,
nhất thiết chỉ những người nào đã, đang và sắp có gia đình mới nên đọc.
Với tên gọi như vậy, chắc các bạn cũng đoán rằng “Adam & Eva” chỉ
xoay quanh những câu chuyện về đàn ông và phụ nữ. Với 24 câu chuyện nho
nhỏ, tôi hy vọng đó sẽ là món quà tặng dành cho các độc giả nữ và cả…
các độc giả nam nữa nhân ngày 8/3.
Để cuốn sách được có mặt trên thị trường
sách đầu xuân, tôi trân trọng cảm ơn công ty sách Phương Đông, đơn vị đã
in 13 đầu sách mang tên tôi.
MC Thảo Vân, nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà
thơ Lê Minh Quốc, đạo diễn Lê Hoàng, hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã đọc rất kỹ
bản thảo và viết lời giới thiệu, lời bạt, lời tựa cho cuốn sách, cũng
như những lời chia sẻ thú vị ngoài lề.
Họa sĩ Thành Phong đã thiết kế một bìa sách rất phong cách và hài hước, dễ thương cho “Adam & Eva”.
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đã tặng cho tôi một tấm hình rất đẹp để in bìa.
Và toàn bộ những độc giả yêu quý đã ủng
hộ tôi trong suốt 5 năm qua mà tôi biết rằng có những độc giả mua tất cả
20 đầu sách trong đó có những cuốn tôi dịch từ những tác giả nước ngoài
khác. Không gì hơn đó là lòng quý mến vô giá mà các bạn dành cho tôi
trong thời đại mà văn học đã trở nên bớt quý giá và thời gian thì ngày
càng khan hiếm.
Comment về “Adam & Eva”
Đạo diễn Lê Hoàng:
Đàn ông bao giờ cũng thích thú khi theo dõi đàn bà viết về mình. Trong trường hợp đàn bà đẹp, niềm thích thú còn tăng gấp đôi.
Di Li không có vẻ đẹp của Mai Phương Thuý vì chưa có (chứ chả phải không bao giờ có) chân dài. Bù lại, nàng có nước da trắng như bông bưởi và cặp mắt sắc như dao.
Dao ấy Di Li không để uổng phí, mà nàng dùng để cứa vào đàn ông hàng trăm nhát. Nhát nào cũng sắc ngọt và thấu tận tim. Từ đó Di Li khoái chí. Nàng tin chắc lũ đàn ông sẽ chết.
Ôi thôi nàng nhầm. Trái tim và nhiều bộ phận khác nữa của đàn ông đủ sức chịu đựng cả ngàn nhát dao như thế từ hàng triệu cô gái và hàng trăm năm nay. Thậm chí, đàn ông còn coi đó là vinh dự, tự hào. Chả anh nào chết khi bị người đẹp đâm. Họ chỉ toi đời khi bị đàn bà quên lãng. Mà trong tác phẩm vĩ đại này, không có phần ngàn giây nào Di Li chứng tỏ nàng quên đàn ông. Dù chúng già hay chúng trẻ, dù chúng béo hay chúng gầy, dù chúng giàu hay chúng nghèo, Di Li đều ngày đêm quan sát, băm chặt, khát khao, thèm muốn, và đau đớn vì chúng.
Đây là cuốn sách không dành cho đàn bà, bởi vì chả có một chữ nào tác giả dành cho họ. Đối với Di Li, tất cả đàn bà là nàng, không cần thêm ai nữa cả. Chỉ đàn ông mới đáng phân loại, mới đáng chia nhỏ hoặc thống kê, xem xét... và xơi.
Đọc đến trang cuối cùng, bạn sẽ thấy Di Li không cần đàn ông đẹp trai, không cần đàn ông thông minh. Nàng cần loại có tiền, ít nhất để mua sách của nàng, và loại khỏe mạnh để đọc đến chữ Hết. Tất nhiên, tiêu chuẩn khỏe mạnh của Di Li không vì thế mà đơn giản, không dựa vào số đo vòng ngực và vòng tay hoặc các vòng lân cận.
Di Li tin chắc sách của mình sẽ trở thành một quả bom. Nàng nhầm. Đối với đàn ông hiện đại, chỉ có bom sex mới giết được chúng. Mà cuốn sách này không phải thế. Tiếc thay.
Không ai đọc sách này xong sẽ bỏ vợ. Không ai đọc sách này xong sẽ lấy vợ. Cũng chả ai mua sách này rồi mơ lấy Di Li (điều ấy quá phức tạp chứ không phải quá xấu xa).
Đọc rồi, đàn ông chỉ thấy đàn bà sẽ không bao giờ hiểu được mình. Đó chính là hạnh phúc của đấng mày râu.
Nếu như các đấng ấy đáng được hưởng hạnh phúc?
Nhà thơ Lê Minh Quốc:
Một trong những lạc thú của con người ta
là được cãi, tranh luận, biện bác, có như thế, qua đó, từng vấn đề mới
được soi rọi và tiếp cận rõ nét hơn. Tuy nhiên, có một đề tài mà từ thuở
khai thiên lập địa đến nay đã có nhiều, rất nhiều tranh luận, nghiên
cứu, tìm hiểu nhưng than ôi, cuối cùng, dẫu bộ óc “bách khoa toàn thư”
nhất cũng tắc tị, ngắc ngứ. Đề tài gì mà ghê gớm vậy? Thưa, bạn đang cầm
trên tay tập sách "Adam & Eva" của Di Li - một đề tài mà hiện nay
và ngàn đời sau nữa, con người ta vẫn còn tiếp tục tranh cãi sôi nổi,
hào hứng. Nhà văn của mùa vàng nho chín nõn và nắng tốt tươi Di Li sẽ
dẫn chúng ta đi vào thế giới ấy.
Trước hết, sự khôn ngoan của Di Li là chọn cách viết như cà rỡn, như tếu táo, như bông lơn nhưng không kém phần nghiêm túc để dẫn dắt câu chuyện về tâm lý của âm và dương, của nắng và mưa, của nam và nữ, của Adam và Eva từ chủ đề này sang chủ đề khác, từ chuyện nọ xọ chuyện kia một cách nhộn nhạo, thân mật để thỉnh thoảng phá lên những tiếng cười vui vẻ.
Phải nói không giấu diếm, Di Li đã tỏ ra hiểu sành sỏi và cảm nhận lịch lãm về phẩm chất, tính cách, tính nết, tâm tính của giới.
Với người phụ nữ, họ đòi hỏi người đàn ông của mình như thế nào? “Thưa ông Noel, chắc ông ngạc nhiên hỏi con muốn gì? Con chỉ muốn ông hóa phép cho chàng hoàng tử của con thật tỏa sáng như chàng trai Tháng Giêng, thông minh như chàng trai Tháng Hai, giàu có như chàng trai Tháng Ba, lãng mạn và tài hoa như chàng trai Tháng Tư, mạnh mẽ như chàng trai Tháng Năm và yêu con như chàng trai Tháng Chạp. Giáng sinh năm nay, con chỉ có một điều ước giản đơn như mọi cô gái khác trên đời vậy thôi”.
Điều ước đó, đơn giản ư?
Và phải là đàn bà mới có thể viết được: “Hơn nữa, tôi thấy chính đàn ông mới là khổ chứ không phải phụ nữ khổ. Ngay cả điều mà phụ nữ thường cho mình là khổ nhất thì cũng chỉ khổ so với các công việc khác chứ so với đàn ông vẫn muôn phần sung sướng hơn, ấy là cái việc chỉ có phụ nữ làm được: Sinh ra một đứa bé”.
Phát biểu rốt ráo này cho thấy một Di Li rất cá tính.
Đàn bà trên đời này từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim cũng đều có chung sự kiêu hãnh cao thượng ấy.
Và từ tâm thế ấy, Di Li lại liếc mắt sang giới mày râu, đôi lúc, tôi có cảm giác như cô “đi guốc trong bụng” họ. Từ chuyện “anh chàng đu đủ sữa” đến “đàn ông chọn vợ”… Nghĩa là cô biết tỏng về họ: “Tôi vẫn nghi ngờ việc phụ nữ trói chân đàn ông bằng một đứa trẻ, mà ngược lại mới đúng logic hơn. Nếu bạn muốn người phụ nữ ngồi im một chỗ, chẳng có cách nào dễ dàng hơn là tặng cho cô ta một cái bụng. Vì tình yêu, nàng sẽ sinh cho bạn một đàn trẻ thơ xinh đẹp, và giờ mọi đường cong của nàng bị phá vỡ, nàng tăng cân vù vù như uống nhầm phải sữa DHA, nàng kiệt sức vì tã lót bỉm sữa…”.
Đọc đến đây, ai lại có thể không gật gù và há miệng cười?
Những suy luận trong tập sách này có dẫn chứng nhiều chuyện xưa tích cũ, khiến câu chuyện đi vào chiều sâu và thuyết phục hơn. Vẫn chưa đủ. Sự hấp dẫn của Adam & Eva còn chính là những suy nghĩ chủ quan của người viết. Mà phải thế thôi, bàn luận về chuyện tình yêu, tình ái, hôn nhân của đàn ông và đàn bà bao giờ cũng từ chủ quan của người phát ngôn. Chính vì thế, các phòng mạch “gỡ rối tơ lòng”, “vườn hồng”, "nhỏ to tâm sự" của các chị, các anh Thanh Tâm, Tầm Thư, Tâm Giao, Hạnh Dung, Anh Bồ Câu, chị Diều Hâu… mới có đất sống. Và các tập sách bàn về chủ đề tương tự như nhà văn Di Li đang trò chuyện với chúng ta mới có thể tiếp tục ra đời.
Trang sách này đã mở ra, bạn hãy đọc đi. Tôi tin rằng, bạn sẽ hào hứng bởi có lúc thấy y chang như những gì mình đã nghĩ; lại có lúc bạn những muốn gân cổ lên cãi (ấy vậy, chả cãi được bởi giọng văn như bỡn, như đùa và duyên dáng quá chừng, nên thôi và tiếp tục… đọc).
Trang sách này khép lại, ắt không ít Adam và Eva tự nhủ: Ta cũng sẽ viết một cuốn sách thú vị và bay bướm thơ mộng như thế này. Di Li à, hãy đợi đấy!
MC Thảo Vân:
Có thể tôi là phụ nữ chăng, nên tôi đã
mỉm cười một mình không ngớt, khi đọc hàng nối hàng những câu chuyện
này, nhưng tôi tin cho dù tôi có là đàn ông, tôi cũng vẫn sẽ cười như
thế, khi đọc những đoạn miêu tả vừa chính xác, vừa giễu cợt, cũng vừa ưu
ái của tác giả dành cho cả hai giới. Và khi cười xong, tôi lại thấy mắt
mình dâng lên cảm giác nghẹn ngào, vì tôi nhìn thấy tôi trong những câu
chuyện ấy, và tôi thương cho cả những người (mà tôi biết là rất nhiều)
có hoàn cảnh giống tôi… Di Li đã nói những chuyện mà chúng ta ai cũng
thấy, cũng biết, cũng hiểu, nhưng không nói ra như cô được. Những câu
chuyện nho nhỏ, rất đời, với cái nhìn vô cùng tinh tế, sâu sắc, hài hước
và nhạy cảm được Di Li kể thật nhẹ nhàng, làm ai đó có muốn tức vì
tưởng nói về chính mình, cũng khó mà tức được… Và không chỉ cười, tôi
còn thấy tiếc, rằng đáng lẽ rất nhiều điều trong cuộc đời này mình đã có
thể làm được khác đi, nếu như mình được chia sẻ sớm hơn với những người
có kinh nghiệm, và mình chịu khó lắng nghe hơn, quan sát hơn, học hỏi
hơn.
Tôi thích những tản mạn này của Di Li, vì nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do chính nhất, đấy là cô đã cho tôi thấy được, đúng ra đàn bà chúng tôi nên thế nào, và đàn bà chúng tôi thực ra vừa giỏi vừa ngốc thế nào. Và mọi thứ đều có thể tốt hơn những gì chúng ta đang có rất nhiều lần, nhất là tình yêu, nếu chúng ta thật sự muốn và học cách để làm. Và tôi ước sao, các anh, hãy cũng cảm nhận ra và thay đổi, để chúng tôi sẽ không còn phải viết những lá thư cho ông già Noel để rồi nhận được trả lời rằng, điều chúng tôi mơ là không thể có.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên:
Sự khác biệt, xung đột giữa thế giới đàn
ông và đàn bà là đề tài quyến rũ bậc nhất xưa nay. Còn sống, còn yêu thì
mong muốn tìm biết nửa kia của nhân loại nghĩ gì, hành động ra sao vẫn
còn nguyên đó. Vậy nên, những câu chuyện cùng các hoán dụ mà Di Li miêu
tả hai nửa thế giới, cách thức hai nửa ấy cạnh tranh, chinh phục và
chung sống bên nhau đã chạm đúng tim đen của người đọc. Kiến thức rộng,
vốn sống dày dặn và cái nhìn tinh nhạy đặt trong những trang viết lúc
nghiêm trang, lúc lại tươi trẻ, hóm hỉnh - thế mạnh riêng có của Di Li -
hẳn đã hiện lên trọn vẹn trong tập sách này.
Tò mò, ngạc nhiên và mỉm cười thích thú là những trạng thái tôi đã trải qua khi cùng nhà văn Di Li khảo nghiệm thế giới của Adam & Eva.
Họa sĩ Lê Thiết Cương:
Tác giả tỏ ra tự tin, đanh đá, chua ngoa,
tất nhiên là thông minh và vài cá tính khác nữa. Gấp sách lại thì thấy
nếu không có những tính cách ấy thì cô khó có thể lập cước bằng cách nói
ngược, nói quá lên, nói kiểu giả sử, ngoa ngôn để khẳng định những điều
mà số đông, theo thói quen luôn cho rằng đúng. Những định kiến, những
giá trị mà phần lớn mọi người đều mặc nhiên chấp nhận thì Di Li chứng
minh là chưa chắc đã đúng, thậm chí là sai.
Khoảng đề tài mà Di Li chọn để lật đổ tưởng là hẹp mà rộng, nó là chuyện muôn đời, nó đụng chạm đến tất cả. Đó là chuyện yêu đương, chuyện đàn ông đàn bà, nhan sắc và trí tuệ của phụ nữ, chuyện phái yếu, phái mạnh, chuyện tán gái, chuyện ngoại tình, chuyện quyến rũ, và sex…
3 nhận xét:
No comment cho những bài quẳng cáu, hí hí!
Này Đại Da Văn Công Hùng!
Cánh tay phải của Đại Da đặt chưa đúng chỗ theo quy định khi "tác giả" chụp hình với "tác giả" đâu nhé. Cánh tay bác để quá sát cái ...quai túi của người đẹp Vili. Hố hố!
Này Dili! Anh ủng hộ em, ngưỡng mộ em và nếu được bầu chọn em làm người đẹp anh cũng có quan điểm như bác Hùng, có khác một chút là anh giơ cả 2 tay và giơ tới 2 lần.
Anh đề nghị Dili 2 việc (nếu được thì tốt, không thì cho anh rút lại): 1) Em dân tộc gì mà anh chưa nghe cái tên Dili bao giờ, hay tên bút danh? Nếu là tên bút danh thì em cho bạn đọc biết tên thật của nhé? 2) Em có thể cho bạn đọc (trước hết là anh) biết một chút nội dung cuốn sách của em được không (cho địa chỉ Blog có đăng bài, hoặc em nhờ các anh chị đăng giúp 1 đoạn, 1 chương gì đó, không phải phân tích đâu, bọn anh khắc biết cảm nhận giá trị, cảm nhận nghệ thuật theo khiếu cảu mình). Để làm gì ư? Tất nhiên để mau em à? Và máu lên còn mần bài lột tả cảm xúc sau khi đọc nữa.
Chúc bác Hùng khỏe, chúc Dili xinh.
Văn Công Hùng nếu viết theo kiểu Tây thành Hùng Văn Công.Đúng dzậy hông?
Đăng nhận xét