---------
Đang yên đang lành thì "bị" phỏng vấn. Một BTV xinh đẹp và dịu dàng thỏ thẻ hỏi thì dẫu ông có đầu gấu đến đâu cũng phải trả lời thôi. Báo Phú Yên đang sóng gió vì in mấy bài thơ mà ban tuyên giáo trung ương, Hội đồng lý luận phê bình VHNT TƯ, cục báo chí bộ 4T, hội Nhà Văn Việt Nam, nhiều vị có trách nhiệm của Trung ương bảo tốt, nhưng vài vị có trách nhiệm ở tỉnh bảo xấu, thế là... ùng oàng. Cô PV phỏng vấn tôi là người "được" thuyên chuyển từ vai trò TKTS sang làm báo online sau vụ này. Báo Phú Yên phát hành hôm nay, đúng ngày đại hội hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên, hehe oách.
- Có đúng là anh thích cải tiến thơ ca, như một số người vẫn nói?
Thơ
ca muôn đời luôn là cái mới. Người làm thơ là người phải tìm ra, phát hiện ra
và sáng tạo cái mới ấy, nếu không thì sẽ tự tiêu diệt mình. Tôi luôn thích và
muốn cải tiến thơ mình trên cơ sở tìm tòi sáng tạo khám phá cái mới, nhưng
không có nghĩa là tôi phá tan hoang nó ra, làm cho nó tắc tị đi, đọc chả hiểu
gì cả. Thơ tôi không dễ hiểu nhưng cũng không tắc tị, tôi cố gắng lưu lại được
những điều phía sau ngôn ngữ, hình ảnh, nói được những điều cảm xúc mình mách
bảo. Nếu chịu khó đọc thì bạn sẽ thấy dư vị phía sau những con chữ ấy.
Cải
tiến theo cái nghĩa là làm mới thì đúng là tôi có, còn theo hướng cho nó tắc tị
đi thì không phải sở trường của tôi, có muốn cũng không làm được dù nhiều lúc
tôi cũng muốn thử xem sao. Mỗi người có cái tạng cái sở trường của mình, tôi
hiểu mình có thế mạnh ở đâu và không dại gì lao đầu vào thế yếu? Với lại thơ nó
lạ lắm, không muốn mà cứ làm là không thể được. Nó là sự tự nguyện và tự nó,
không thể ép buộc được...
- Văn Công Hùng ở ngoài
đời "ồn ào", "bụi bặm" như gió Tây Nguyên, rất khác với Văn
Công Hùng trong thơ. Vì sao lại khác nhau một trời một vực như thế?
Nhiều
người đã nói với tôi điều chị vừa nói, và chính tôi cũng không hiểu tại sao.
Đúng là tôi sôi nổi trong giao tiếp nhưng trong thơ lại rất cô đơn. Thực ra
những lúc tôi ồn ào ngoài đời ít hơn rất nhiều những lúc tôi lặng lẽ trước màn
hình vi tính hoặc ngồi một mình (thời gian tôi ngồi trước màn hình vi tính một
mình trong một ngày chiếm rất nhiều trong số thời gian tôi có trong ngày). Có
điều những lúc tôi hoạt khẩu thường là trước đám đông nên nhiều người nghĩ
tôi... nông nổi. Thì cũng coi như những lúc sôi nổi ấy là những khi mình xả
street. Cũng có thể là thời gian tôi im lặng trong ngày nhiều quá nên khi có
dịp giao tiếp là tôi hết mình. Có người nhận xét là tôi hoạt khẩu. Có thể đấy
cũng là lý do để trong giao tiếp tôi thường "trội" hơn chăng? Còn
thơ, tôi luôn coi đấy là một thánh đường, uy nghiêm và sang trọng, không thể ồn
ào, muốn vào đấy phải "dọn mình" rất kỹ.
Bụi bặm những chuyến đi?
- Theo anh, công việc và
sự tỉnh táo của một nhà báo liệu có "bào mòn" những xúc cảm và sự mơ
mộng của nhà thơ?
Trung
bình ba ngày tôi phải viết được một bài gì đó, vừa là do nhu cầu nội tại là
mình phải viết như một sự tồn tại, vừa là để... kiếm tiền nuôi con học. Ngày
nào mà tôi không gõ được chữ nào là ngày ấy như người vô dụng, cứ thấy thiếu
thiếu cái gì. Khi viết, bất cứ báo hay thơ tôi đều rất cô đơn, nhưng phải đến
lúc nào cô đơn đến cùng cực thì thơ phụt ra. Thường thì tôi không hình dung ra
trước là mình sẽ viết gì, chỉ khi nào gõ phím thì chữ mới ra, có khi định viết
một cái tản văn thì nó lại ra một... bài thơ. Tôi làm thơ cũng nhanh như viết
báo, nhưng khi công bố thì rất cẩn trọng. Tôi để đấy và đọc đi đọc lại, công bố
thăm dò trên blog (ngày xưa thì làm cuộc rượu, mời bạn bè đến rồi đọc cho họ
nghe và nhờ họ... chê, giờ ai cũng bảo làm như thế là... tra tấn, mà bạn bè với
nhau thì ai nỡ mà tra tấn họ vì họ có tội tình gì đâu). Trên blog tôi có rất
nhiều bạn đọc tinh và thích thơ mình, họ nhận xét thẳng thắn và tôi học họ trên
ấy.
Tôi
thấy thơ và báo bổ sung cho nhau rất tốt. Nhờ làm báo mà tôi hiểu biết nhiều,
đi nhiều, trải nghiệm nhiều và biên độ tưởng tượng cũng được mở ra. Điều quan
trọng nữa, là có... tiền để nuôi thơ. Còn nhờ làm thơ mà câu chữ hình ảnh và
cách tiếp cận vấn đề báo chí của tôi có phong cách riêng. Tôi thấy hiện nay lối
viết báo đang bị cứng đi, lười đi, tôi thổi vào những bài báo của mình một lối
hành văn báo chí uyển chuyển và nhiều ẩn nghĩa hơn, đẹp hơn, không lười (tất
nhiên không phải bài nào cũng có thể làm được như thế, tôi thường viết về văn
hóa nên mới có thể sử dụng lối viết này).
Tôi
có thể cùng một lúc mở hai file trên laptop, một file thơ và một file báo, viết
báo bí thì quay sang thơ, và thơ bí thì lại lật sang báo, tất nhiên tư duy cũng
phải lật sang theo.
Nhưng
cũng nói thật với chị, 5 tháng nay tôi không làm một bài thơ nào, cố tình không
làm dù nó có trào ra. Tôi chăm chút cho tập sách thứ 8 của tôi, tập thơ
"Đêm không màu" ra đời và dành thời gian suy nghĩ xem có thể có thay
đổi gì trong quãng thời gian sắp tới chăng.
Cả ba cùng cười...
- Các nhà thơ kêu ca rằng
in thơ chỉ từ lỗ tới lỗ. Tập thơ mới ra mắt độc giả của anh thì sao?
Thú
thực, từ tập thơ đầu tiên của tôi in năm 1992 đến nay, tôi chưa bao giờ lấy
tiền vợ để in thơ, mà mỗi tập thơ ra đời, tôi đều có chút tiền tặng vợ và con,
dù tôi sống ở một thành phố rất nhỏ ở một tỉnh rất nhỏ và nghèo là Pleiku và
Gia Lai. Sáng qua, nhà sách Thanh Niên ở Pleiku vừa điện cho tôi nói rằng mấy
chục tập "Đêm không màu" tôi gửi ở đấy tuần trước đã... bán hết, mời
tôi ra nhận tiền và gửi sách tiếp. Trước đó khi sách này vừa ra, tôi rao bán
trên blog của tôi, và trong vòng hai ngày đầu tiên đã bán được hơn trăm cuốn,
có cả những bạn đọc từ nước ngoài mua và gửi tiền nhanh qua ngân hàng cho tôi.
Cũng nói luôn, tôi không bán theo kiểu ép buộc, nghĩa là nhờ các doanh nghiệp,
cơ quan mua. Với quan hệ của tôi, nếu lên tiếng nhờ vả như thế, tôi có thể có những
vụ áp phe thơ lớn và có lãi hàng chục, thậm chí vài chục triệu. Nhưng tôi đã
chứng kiến những chồng thơ như thế nguyên đai nguyên kiện phủ bụi nằm trên nóc
tủ các cơ quan doanh nghiệp. Điều tôi cần là có người đọc thơ tôi thật, tự
nguyện bỏ tiền ra mua thơ thì họ sẽ đọc thật. Tôi rất ít tặng thơ, chỉ tặng ai
có nhu cầu đọc thật chứ không tặng để giải quyết khâu oai, để chứng tỏ là mình
có thơ.
Tóm
lại, tập thơ này của tôi, cho đến giờ này, 12 ngày sau khi phát hành, đã... hòa
vốn.
- Trong tập thơ mới xuất
bản có nhiều bài thơ viết về Hà Nội. Trước đó, anh cũng có những tản văn rất
hay về Hà Nội. Vì sao một người quê ở Huế, sinh ra tại Thanh Hóa, sống ở Pleiku
lại nặng lòng với đất và người Hà thành như vậy?
Thực
ra chả cứ Hà Nội, tập ấy có rất nhiều địa danh, trong ấy có Hà Nội. Hồi mới ra
trường, chúng tôi được nghe rằng: Muốn làm văn chương thì ra Hà Nội, muốn làm
giàu thì vào Sài Gòn, muốn gian khổ thì lên Tây Nguyên. Tôi lại muốn... cả ba.
Thế rồi chọn Tây Nguyên như một định mệnh nhưng tôi vẫn coi Hà Nội là thiên
đường của văn chương, vì thế những gì chỉ một thoáng qua Hà Nội đã có thể giúp
tôi làm được bài thơ. Nó như một thường trực trong tôi rồi. Với lại ba tôi quê
Huế, mẹ tôi lại ở Ninh Bình, mà Ninh Bình thì gần Hà Nội lắm.
- Viết báo và làm thơ, anh
thấy mình thành công ở lĩnh vực nào?
Thơ
với tôi là vĩnh cửu, còn báo là nhất thời. Nhưng quả thật, nhiều khi báo giúp thơ
tôi dễ phổ biến hơn. Nhiều người biết tôi là nhà báo trước rồi mới biết tôi
"còn là" nhà thơ sau. Chả so sánh được, nhưng cái cuối cùng còn lại
với tôi là thơ chứ.
- Xin cảm ơn anh rất
nhiều!
Cho
phép tôi nhận xét điều này, chị là một người rất thông minh, có tư duy làm báo
và biết phỏng vấn. Đã nhiều người phỏng vấn tôi mà họ chả hiểu gì về vấn đề họ
phỏng vấn cả. Tôi tin tờ báo của chị sẽ là một tờ báo hay vì nó có những phóng
viên như chị... (câu này chắc chắn khi in sẽ bị cắt bỏ, hehe).
PHƯƠNG
TRÀ thực hiện
1 nhận xét:
Trời, bác Hùng mà cũng phải đi cắt tóc à? Chỉ cần xoa đầu mấy cái là có đầu mới thì cần gì phải đi cắt?
Đăng nhận xét