Bài này mình đã in ở báo Văn Nghệ già từ năm 2009, số tết dương lịch. Sau đó Văn nghệ quân đội online đưa lên nhưng được ba ngày thì rút xuống, vì có yếu tố nhạy cảm, huhu... Hồi ấy cái gì đụng đến bô xít là... nhạy cảm...
--------
Ảnh Dương Minh Long
Trưa
nay đột nhiên nhà văn Nguyên Ngọc gọi điện thoại kêu đi ăn cơm với ông.
Nhà văn 78 tuổi này vẫn còn rất khỏe, đi liên tục, di chuyển liên tục.
Vừa nghe ông Sài Gòn lại đã thấy ông thoăn thoắt Quảng Nam. Mới điện
thoại Hà Nội lại đã nghe vân vi Đà Lạt... Lần này ông đang cùng ông
Nguyễn Trung và một số chuyên gia đi khảo sát một lần nữa việc khai thác
Bô xit trên Tây Nguyên để làm một cái hội thảo nữa ở Hà Nội sau hai hội
thảo ở Đăk Nông. Được ông gọi đi ăn cơm cùng tại Pleiku còn cái thú nào
bằng. Mấy cô nhà báo trẻ tranh thủ phỏng vấn rối rít. Lại nhớ cách đây
hơn tháng có một cái hội thảo khá lớn ở Đăk Nông về Bô xit. Chính quyền
tỉnh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam thì muốn khai thác bô xit ở
đây, nghe nói là vô cùng nhiều, nhiều như... đất, cứ bóc vỏ đất ra là
thấy. Các nhà văn hóa, khoa học thì chỉ ra rằng, Bô xit có thật đấy,
nhưng chả bõ bèn gì, bởi vì quặng Bô xit rất rẻ, có bóc hết đất Tây
Nguyên cho nó trọc lếu trọc láo cả lên thì cũng chả đáng là bao nếu quy
ra đô la. Theo tính toán thì bao giờ Bô xit thành nhôm thì mới có giá
trị. Mà từ Bô xit đến Nhôm là cả một giai đoạn rất dài và rất tốn kém,
nghe nói có một nước nào đó ông Nguyên Ngọc đã đi thăm, thì để phục vụ
riêng một nhà máy luyện nhôm cỡ trung bình, nước này phải dành hẳn một
nhà máy thủy điện cỡ Ia Ly để phục vụ nó. Mà đấy mới là điện, chứ để
biến từ bô xit ra nhôm còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế nên nếu cứ quyết
tâm làm bô xit thì văn hóa Tây Nguyên sẽ bị băm nát. Ông Nguyên Ngọc nói
thế và nhiều người cũng biết thế. UNESSCO công nhận cồng chiêng Tây
Nguyên là di sản nhưng thực ra là không gian văn hóa cồng chiêng chứ
không chỉ mình cồng chiêng như một số người hiểu. Vậy nên vấn đề bô xit
đang nóng ở Tây Nguyên. Đụng đến Bô xit là đã đụng đến cái món không
gian văn hóa này rồi.
Lại nhớ ông Jacques Dournes đã có một quyển sách một thời rất nổi tiếng được Nguyên Ngọc dịch là "Rừng, đàn bà, điên loạn" (Forêt, Femme, Folie) nói về vai trò của rừng và mối quan hệ giữa rừng với người Tây Nguyên như thế nào. Đọc mới thấy té ra cái anh tây họ quan tâm đến chúng ta nhiều hơn ta tưởng. Trước đó một "anh" Tây khác, giáo sư dân tộc học lừng danh người Pháp Condominat đã từng lấy vợ người Tây Nguyên, sống trong buôn trong rừng với người Tây Nguyên để nghiên cứu dân tộc học và viết một cuốn sách rất hay: "Chúng tôi ăn rừng". Thì ra là thế, hàng ngàn năm, nhân dân các dân tộc sống trên dải Trường Sơn Tây Nguyên tồn tại cùng với rừng, sống trong rừng, được rừng chở che, tương hỗ nhau làm nên một vùng văn hóa hùng vĩ, giàu có đầy bản sắc, đậm tính nhân văn là bởi họ "ăn rừng". Người Tây Nguyên "ăn rừng" ân tình với rừng, chung thủy với rừng là bởi họ biết hòa đồng với rừng, tôn trọng rừng, hóa thân vào rừng, coi rừng như bạn, như ân nhân, như một môi trường sống tuyệt vời nhất gắn bó hữu cơ với đời sống của họ. Ăn rừng không có nghĩa là phá rừng, là khai thác rừng bừa bãi. Ăn rừng chính là sống hài hòa trong môi trường tự nhiên ấy. Giống như người Tây nguyên có một lễ hội rất uy nghi, rất lớn là Đâm trâu. Nhưng thực ra đâm trâu là do người Kinh gọi nên nghe có vẻ dã man, chứ người Tây Nguyên gọi là lễ ăn trâu. Họ làm con trâu ấy hiến cho Yang, cho thần linh để cảm ơn Yang, cảm ơn thần linh đã giúp họ có cuộc sống bằng lòng. Họ không hiểu nghĩa tốt đẹp như chúng ta, mà họ bằng lòng với cuộc sống. Giản dị vô cùng và nhân văn vô cùng. Trở lại chuyện ăn rừng. Vì ăn rừng, tức rừng là nguồn sống nên họ rất có ý thức bảo vệ rừng. Bắt một tổ ong họ cũng ý thức để cái cây không bị chết, tổ ong vẫn sinh sôi. Đốt rẫy họ cũng ý thức những khu đốt không được ảnh hưởng đến cuộc sống chung của rừng, và không bao giờ phung phí rẫy. Tức là đốt một khoảnh, thường là lưng chừng dốc, làm rẫy đến khi đất hết màu lại du canh, nhưng một thời gian sau lại trở lại rẫy cũ chứ không bỏ rẫy cũ để đốt rừng liên miên hoang phí. Rừng là của họ nên họ bảo vệ rất kỹ, bằng những quy định nghiêm nhặt mà ta gọi luật tục, hương ước, và bằng cả những ràng buộc tâm linh. Những bà mẹ thiếu sữa hoặc không có sữa nuôi con có một cái lễ vay nhựa cây sung. Người mẹ sau khi làm lễ cầm dao ra tách vỏ xin nhựa cây sung. Sau này có sữa, sẽ ra gốc sung ấy vắt sữa trả nợ. Thủy chung và trách nhiệm. Sòng phẳng và vị tha. Cũng như thế, người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, tất cả những gì tồn tại đều có thần linh. Và rừng là nơi thần linh trú ngụ nhiều nhất. Vì thế mà họ phải thờ, phải bảo vệ. Vì thế mà có hẳn một nền văn hóa rừng, một không gian văn hóa rừng tồn tại song song với đời sống của con người Tây Nguyên...
Tôi lên Tây Nguyên lần đầu vào năm 1981, khi ấy rừng còn viền quanh thành phố. Chiều chỉ đạp dấn ra ngoại ô một chút là gặp sóc, khỉ, hươu, nai, là thăm thẳm âm u trầm mặc rừng, là hoang mang bí ẩn rừng. Bây giờ ngút mắt là cao su, chè, cà phê, tiêu... Mấy chục năm qua, với những chính sách kinh tế quyết liệt, chúng ta đã phát hiện ra Tây Nguyên hợp với các loại cây công nghiệp vừa kể trên, thế là một mặt là định canh định cư, một mặt là kinh tế mới, chúng ta đã đưa Tây Nguyên trở thành thủ phủ của tiêu, cà phê, chè và bây giờ là cao su. Mới đây nhất là chủ trương biến 50 nghìn héc ta rừng nghèo thành 50 ngàn héc ta cao su. Rõ ràng là Tây Nguyên đang giàu lên, thậm chí là rất giàu. Người đầu tiên ở nước Nam mua máy bay riêng, lập đội bóng riêng và bắt tay với một cái tên lừng danh làng bóng đá thế giới ASENAN là người Tây Nguyên. Người một thời được mệnh danh là C đô la và mua cái xe ô tô xịn nhất thời ấy cũng là người Tây Nguyên. Người đầu tiên trong cả nước bỏ vốn làm bến xe tư nhân như một cảng hàng không cũng là một người ở Tây nguyên... Đời sống kinh tế phát triển kéo theo các mặt chính trị xã hội ổn định và phát triển theo. Người Tây Nguyên ở vùng sâu vùng xa nhất bây giờ cũng đã có điện thắp sáng, có trường học bệnh xá, có đường vào tận thôn, trong nhà đầy đủ các vật dụng thiết yếu như ti vi, điện thoại, nồi cơm điện (trong khi ở Hà Nội, mới đây vẫn còn ba làng chưa có... điện)...
Thế nhưng sao vẫn như thấy thiêu thiếu một cái gì?
Tôi
vừa có chuyến đi trở lại An Khê, vào tận Dân Chủ, cái thị trấn chiến
khu giữa rừng già Kon Ka King thuở nào, và phát hiện ra cái thiêu thiếu
ấy, chính là đời sống rừng, hơi thở rừng, dù bên mình hoa cà phê trắng
muốt thơm ngào ngạt, dù tít tắp cao su nhìn ngợp mắt, lặng lẽ thinh
không. Nơi đây đã từng là những cánh rừng già, với những thân gỗ tít tắp
mỏi mắt, với thế giới động thực vật, và những con người. Trong chiến
tranh ta chọn nơi này làm căn cứ tỉnh ủy Gia Kon và được đặt một cái tên
đầy chất xã hội chủ nghĩa là thị trấn Dân Chủ.
Rừng khác, rừng không chỉ có cây. Rừng có đời sống của rừng.
Nó phập phồng thở cùng người, thao thức cùng người, trăn trở cùng người, đau khổ cùng người. Rừng đã từng biết "rừng che bộ đội rừng vây quân thù". Tôi lại nhớ đến một đoạn trong tham luận nhà văn Nguyên Ngọc đọc ở hội thảo về Bô xit ở Đăk Nông: "Ở Tây Nguyên đất tức là rừng, và từ xưa, ở Tây Nguyên không có đất và rừng vô chủ. Rừng núi mênh mông vậy nhưng đều có chủ rất rõ rệt và cụ thể. Người chủ tuyệt đối đó là các làng, từng làng, đất và rừng của từng làng có ranh giới hết sức rành mạch, là thiêng liêng, của tổ tiên ngàn đời trao lại, của "Thần linh" ban cho làng, được ghi rất chặt chẽ trong luật tục, không ai được xâm phạm hay làm ô uế. Các nhà khoa học gọi đây là "quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng". Quyền sở hữu đó là cơ sở, là nền tảng vật chất và kinh tế của tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên là làng. Làng và rừng của làng, từng làng, là "không gian xã hội" hay "không gian sinh tồn" của con người ở đây, nghĩa là khi không gian gian ấy bị xâm phạm, bị biến dạng, bị mất đi, thì con người không còn sinh tồn, nói nôm na là không còn sống được nữa. Mất nền tảng ấy thì làng tan, văn hóa tan, con người trở nên bơ vơ, lạc lõng, tha hóa, bởi văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng, văn hóa rừng, con người Tây Nguyên là con người của làng, của rừng".
Hồi ông họa sĩ Xu Man còn sống, chúng tôi hay xuống làng ông chơi. Mười lần thì cả mười, ông đều đang trong rừng. Nói chính xác là ông ở trong rẫy nhà ông, và rẫy thì ở đâu đó trong rừng. Hôm thì chúng tôi ngồi chờ người đi gọi ông về, có hôm thì cả bọn lội bộ vào rẫy tìm ông. Đi giữa vun vút rừng, âm u rừng, vừa rờn rợn vừa thích. Có khi còn thấy cả một con trăn tướng cuộn tròn bên hòn đá khiến mấy cô nhà văn hét như cha chết. Nhưng đừng tưởng vào rừng thấy cái gì thích là nhặt. Tuyệt nhiên không nhé. Tổ ong chưa lớn, chưa đầy mật, không lấy, chim non không bắt, cây non không chặt, gặp thú non lạc đường thì giúp chúng tìm mẹ không thì nuôi lớn thả vào rừng chứ không xào lăn tái chín ninh hầm ngâm rượu như chúng ta bây giờ... cho nên ở giữa rừng mà người không bao giờ bị rừng làm hại. Ông Y Vin, người Ba Na, nguyên là diễn viên múa đoàn văn công Tây Nguyên kể: hồi ông còn thanh niên làng ông tự nhiên có một con hổ hay vào làng bắt heo, đàn bà con gái đuổi mãi không được. Hôm ấy ông ngồi rình. Trăng nhễ nhã trước sân nhà rông. Con hổ vằn mượt như nhung lớn như con bò tót mềm mại xuất hiện. Ông cởi trần đóng khố tay cầm rựa nhảy xuống cách con hổ... 30 mét, chỉ thẳng mặt con hổ nói: Mày đàn ông tao cũng đàn ông, có giỏi ngày mai ra bờ suối Chơ Pâu đánh nhau một trận, thằng nào thua là thua luôn, chứ làng tao toàn đàn bà con gái, đàn ông đi bộ đội đánh Mỹ hết rồi, mày vào bắt lợn gà là cái nhẽ làm sao. Đàn ông ai lại làm thế. Rừng mênh mông thế, sao không sống với rừng mà lại vào làng. Ngày mai, hãy tỏ rõ mình là đàn ông, tao đợi mày... Con hổ đứng ngẩn một lúc rồi cụp đuôi... chuồn. Ông Y Vin kể giữa làng ông khi một lần tôi cùng ông về làng, và dân làng xác nhận là ông kể chính xác. Thì thế, rừng bí ẩn và huyền diệu thế, phải sống tận cùng với nó, hết mình với nó, độ lượng với nó, nó sẽ chở che và hết mình lại với con người.
Cuộc sinh nở nào cũng đau đớn, sự phát triển nào cũng phải hy sinh. Biết thế nhưng vẫn rưng rưng khi nhìn thấy những lãng quên, những phai nhạt mất mát đang trôi trước mắt dẫu mất mát ấy nó có vẻ vô hình và song hành cùng phát triển. Hiền nhân dạy chúng ta nhiều rồi, cái còn lại cuối cùng là văn hóa. Các nước phát triển đang rồ lên vì môi trường ô nhiễm, vì văn hóa mất bản sắc... Hay bởi tại vì là nhà thơ mà tôi hay xúc động vặt...
Tây Nguyên ngày cuối năm dương lịch 2009
V. C. H
11 nhận xét:
Từ hôm qua, sau khi đọc mấy bài viết và thông tin về Kê Gà, về Tân Rai, xem lại một số bài viết trước đây của những người tâm huyết với Tây Nguyên, rồi giờ đọc lại bài này, cứ thấy trong người rạo rực, dâng lên một cảm xúc khó tả. Có lẽ đó là tình yêu Tây Nguyên mà mình không diễn đạt được chăng?
Bỗng có một ước muốn, muốn một vị ĐBQH được dân Hải Phòng bầu lên, xuống tận nơi nói với dân HP một câu, rằng "Iem đã cho dừng cảng Kê Gà". Ước muốn thật ngây ngô buồn cười, nhưng tôi tin nếu vị ĐBQH í làm được thì dân HP sẽ mổ con trâu vừa chọi ở Đồ Sơn, khao ông!
ASENAN !
...
ASENA...L hổng phải N bác nhà thờ ơi!
Nhà em lần đầu lên trên đó năm 1990, khi đó rừng vẫn đang nhiều. 1998 lên lại, ngoa ngán. Còn bây giờ thì đã "quen".
Bác Tấn Định:
-----
Hồi đăng bên vnweblogs bác còm hay lắm, em định bê sang đây luôn, hì...
Tài khoản google:
-----
Hì hì nhầm, coi như nhờ bạn đính chính luôn.
Nha tho viet hay qua, chau lam tu van moi truong cho cac du an, da di tay nguyen nhieu, rung bi tan pha dau long lam. Nhung minh nho nhoi qua, tieng noi cua minh di vao hu khong Bac a.
Hồi ấy, rộ lên chuyện "bạn vàng" vào Tây Nguyên khai thác bô-xít, mình ký tên vào danh sách kiến nghị dừng khai thác và viết cái chuyện vui Dự án buôn voi, đăng trên mạng Trannhuong.com. Nay xin đưa lại với Vanconghung.com, để góp vui nhé.
Voi là voi ơi…
(Dự án buôn voi)
Tây Nguyên thì phải có voi, thậm chí, phải có nhiều voi. Nhưng thời gian qua, nạn phá rừng và săn bắt dữ quá, khiến đàn voi chả còn mấy, thế thì du lịch cái nỗi gì. Mà phàm việc phát triển kinh tế, tăng GDP là phải chú trọng cái anh du lịch.
Suy đi tính lại, tôi nghĩ ra diệu kế, lập dự án mua voi ngoại về cho Tây Nguyên. Mỗi đợt chỉ dăm bảy trăm con, thì chả mấy chốc, đàn voi sẽ tăng lên vài ba nghìn con. Tây Nguyên nhan nhản những voi ngoại là voi ngoại. Cả thế giới sẽ đổ xô về du lịch sinh thái, tiền thu về như lá rừng, có bốc ra mà sưởi cũng chẳng hết.
Chuyện kín thế, mà không hiểu sao thằng bạn lại biết, bèn hỏi:
- Voi nhiều lấy gì chăn? Vả, giống này tinh ranh, nhạy cảm lắm, chẳng may phật ý, nó lồng lên thì quét sạch cả Tây Nguyên.
Tôi biến báo:
- Trước đây, kháng chiến gian khổ, Tây Nguyên đã vì cả nước, bây giờ hòa bình thì cả nước phải vì Tây Nguyên. Các tỉnh, thành góp công góp của vào mà nuôi voi. Đó là cái lẽ ở đời, mà cũng là một luận cứ đề ra dự án khả thi. Được chăm bẵm, voi sẽ sinh sôi đông đàn dài lũ, từng đàn, từng đàn sẽ tràn ra cả nước. Nước ta cũng sẽ có thương hiệu triệu voi như ai.
Nghe tôi tính vậy, nó tư lự bảo:
- Khéo mà trăm voi dân cũng chẳng được bát nước xáo, coi chừng kẻo họa voi rầy!
Chợt nghe, tôi chưng hửng, cái đồ phá đám, nếu có quyền sinh quyền sát trong tay, tôi sẽ cho nó nát như bã mía. Dự án buôn voi mà được khả thi, mình cũng kiếm được chút đỉnh. Tiếc thế!
Nó lại lèo thêm:
- Rồi người đời còn chửi cho là cái đồ rước voi rầy mả tổ, tiếng để đời.
Tiến thoái lưỡng nan, xôi hỏng bỏng không như bỡn.
Tuyên Quang, 18/5/2009
Vũ Xuân Tửu
Những năm 198x, Trần Thiệt làm mưa, làm gió QK5. Cho cả công binh mở đường, xe tăng vào rừng kéo gỗ. Chi phí thì "nước sông công lính", nhà nước chịu. Gỗ đem về thì ổng chia nhau. Đích thân ổng đến từng trại mộc ở Đn dạm bán gỗ nhóm 1;2! Muốn mua thì mua nguyên xe hàng chục mét khối, "bán lẻ mất công!" .
Ổng dùng gỗ này "biếu" cho các QK bạn, đổi lại, họ cho ổng hàng loạt lô đất "vàng" từ HN đến SG.
Cuối cùng, trong chuyến bay "nghiên cứu" gỗ ở rừng bên Lào, ổng cùng hàng chục tướng tá VN khác bị rừng trả thù. để lại vợ, 2 con và căn nhà 5 tầng gần SVĐ ĐN cho 1 sỹ quan đàn em hưởng. Ô ho, ai tai!
Ổng chết, các lô đất vàng cũng tự động đổi chủ mà vợ con có biết cũng không làm gì được. Chỉ có Tây Nguyên là tan nát dưới bánh xích xe tăng của bộ đội QK5.
Thoạt đầu tôi cũng ngây thơ tin rằng anh 3X và bộ sậu không nắm vững mọi chuyện mới quyết làm bô- xit . Té ra không phải , họ biết hết cả . Nhưng cứ mỗi lần quyết làm , một lần dừng , một lần để xem xét ....là một lần bội thu của cả nhóm .
Không tin các bác cứ đợi mà coi , dừng bô xít thì riêng tiền bán sắt vụn của công trình này cũng đủ cho cả nhóm no đủ mấy đời .
Tôi mà là anh cả 4 Tốt , tôi bỏ ít tiền lẻ tăng giá mua alumin với điều kiện nhóm nhường lại cho 4 Tốt mấy cái đảo hoang ngoài khơi . Bằng không tôi hạ giá alumin bằng giá bùn đỏ , lúc đó e trưởng nhóm mất mặt và mất luôn cả miếng .
Nếu bạn là trưởng nhóm , bạn chọn giải pháp nào có lợi cho nhóm ?
- Tôi mà là trưởng nhóm, tôi quyết làm thêm...2 nhiệm kỳ nữa, haha
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt .
Nhưng chỉ có dân đen là rưng rưng thôi , còn các nhóm bán than , bán dầu , bán đất , bán nước ... thì vẫn đang tưng tưng - sung sướng - bội thực- bội thu .
Đừng nói nữa, xin đừng nói nữa, thủ tướng chịu trách nhiệm chính trị rồi, đằng nào tiền cũng mất, rừng cũng mất và mất...
Đăng nhận xét