Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

MỘT CHUYẾN ĐI LÀM BÁO

Tự nhiên ngồi nhớ một chuyến đi khá là lịch sử. Chả là hồi ấy trang thiennhien.net có mời mấy anh em nhà báo tham gia một chuyến đi. Mình hăm hở nhận lời vì cứ có đi là khoái, đây lại là đi được mời, có người lo chỗ ăn ngủ xe cộ... mình chỉ việc căng tai căng mắt ra thu nhận và viết.

Nhưng té ra, hoàn toàn không đơn giản như thế, vì nó đụng đến khoáng sản. Và cho đến bây giờ mình cũng vẫn không hiểu tại sao khoáng sản, dù suốt ngày khai thác mù mịt tấp nập thế, thanh thiên bạch nhật thế, mà lại phải bí mật thế...


Mình cắt đi 2/3 cái ghi chép ngày ấy, hì, ai quan tâm thì nghía vào nhé:
-----------

   III. NHỮNG CON NGƯỜI TÔI GẶP

                                   Bàn tay thđá
 Thì ra, không dễ gì mà gặp những nhân vật liên quan đến khoáng sản.


        Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ thái độ hốt hoảng của vị phó giám đốc công ty cổ phần khoáng sản tỉnh Đ khi chúng tôi cố tình "đột kích" vào thẳng phòng làm việc, trong cái thế không thể... trốn, ông đã phải tiếp chúng tôi trong một tâm trạng hết sức lo sợ. Chúng tôi trình bày hết sức thân thiện rằng chúng tôi đi tìm hiểu về khoáng sản, viết những điều tốt đẹp về khoáng sản, giới thiệu cho nhân dân về tài nguyên khoáng sản đáng tự hào của chúng ta, đồng thời chỉ ra nhân dân được hưởng lợi gì từ nguồn khoáng sản của quê hương họ, qua đó nêu lên trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ và phát huy nguồn lợi trời cho này. Nhưng những gì xảy ra trong chuyến đi khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Ngoài việc cái gọi là tài nguyên khoáng sản của chúng ta vô cùng ít và đơn điệu ở những nơi chúng tôi đi qua, chủ yếu chỉ là đá xây dựng, thì thái độ né tránh, tránh được càng nhiều càng tốt, trốn được thì... tốt hơn, của những người có trách nhiệm quản lý và những người trực tiếp khai thác, từ công ty của nhà nước đến tư nhân... khiến chúng tôi hiểu mình đang tiếp cận đến một vấn đề "nhạy cảm"...


        Ông giám đốc công ty cổ phần khoáng sản Đ chắc chắn đang ở dưới xưởng ở huyện E, cách thành phố mấy chục cây số, để tiếp nhận và khai trương một cái máy mới, thế mà khi chúng tôi gọi điện thoại, nhiều người gọi nhiều lần vẫn điệp khúc nhẹ nhàng: Tôi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếc quá không tiếp các anh chị được. Bằng nhiều cách chúng tôi đã xông thẳng vào trụ sở công ty và gặp phó giám đốc. Anh này không biết chúng tôi đã liên lạc bất thành với giám đốc nên hồn nhiên nói: Cả ban giám đốc và phòng kỹ thuật đang dưới nhà máy tiếp nhận và khai trương máy. Tôi ở nhà trực, nhưng không cung cấp được gì ngoài việc mời các anh chị uống nước và biếu cả đoàn mấy tờ rơi quảng cáo nhà máy in cách đây... dăm năm, các thông số và tên nhân vật đã thay đổi rất nhiều, đến nỗi anh này phải lấy bút đỏ sửa và khoanh nhằng nhịt cho chúng tôi nhớ ....


        Trước đó, xuống huyện Kông Chro của tỉnh Gia Lai, chúng tôi được lãnh đạo huyện tiếp rất tận tình, cử cả trưởng phòng Tài nguyên môi trường dẫn đi thăm các nơi khai thác thì lại gặp sự tránh né của các chủ mỏ. Hỏi chuyện trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện tên là Tô Thành Năm thì biết anh từ phòng Nông nghiệp chuyển qua và công việc của anh cũng... nhàn. Gọi là huyện có mỏ đá cho oai chứ thực ra nó chỉ tập trung ở một xã, xã Kon Gang, và các mỏ này cũng đã bị ngừng khai thác từ tháng 7 năm 2008 theo chủ trương chung của Ủy ban nhân dân Tỉnh Gia Lai. Phải công nhận là đá ở Kon Gang khá kỳ lạ, nó như những cái cột được chôn đứng si sít nhau dưới đất, cách mặt đất chỉ khoảng hai gang tay. Bóc lớp đất mặt này ra là gặp đá đứng... chờ, chỉ việc ngoắc cáp vào kéo là những phiến đá to dài như cây gỗ, phẳng phiu bón lộn, từ từ ngã ra và lên xe xuất bến. Đá này là đá Bazan chủ yếu dùng để làm đá trang trí, xây dựng... Tô Thành Năm bảo đá này khai thác chả được bao nhiêu, mỗi mỏ như thế ký quỹ môi trường chỉ năm ba triệu, không đủ phục hồi môi trường, vì nguyên thuê xe chở đất lấp lại chỗ đá vừa khai thác thì cũng đã một triệu một xe. Tuy thế, phó chủ tịch thường trực huyện Kong Chro Phan Văn Trung bảo rằng, dẫu thế, có tí đá ấy thì huyện nghèo này cũng giải quyết một phần công ăn việc làm cho đồng bào, có đóng góp chút ít cho ngân sách, mỗi năm chừng một tỉ, anh Trung bảo như thế cũng là con số đáng kể với huyện nghèo. Đá nằm rải rác, mỗi nhà có một tí nên không đủ để khai thác công nghiệp nên chủ yếu là khai thác thủ công, mà thủ công thì xử lý vấn đề môi trường cực khó, vì bụi rồi đá vụn chả xử lý được nên cứ vất nằm đầy ra đấy. Mà thực ra, với những nơi có đá thì lâu nay dân cũng chả trồng cây gì cho ra hồn trên đất ấy. Trên địa bàn xã Kon Gang có 9 công ty đơn vị khai thác đá nhưng chỉ có hơn chục người của xã làm cho các công ty đơn vị này vì đòi hỏi phải có tay nghề mà công ty thì không có ý định đào tạo mà chủ yếu tuyển những người đã biết việc từ nơi khác. Tuy thế, số người làm công nhật khá nhiều, khoảng hai trăm người, và theo phó chủ tịch xã Kon Gang Vũ Văn Tĩnh thì một ngày họ kiếm được từ khoảng một trăm năm mươi đến hai trăm ngàn đồng, một số tiền khá lớn đối với họ, khi mà đất đai khô cằn sáu tháng nắng không một giọt nước và mùa mưa thì cứ làm đất màu chuội đi trơ đá ra. Trước khi có các công ty đến khai thác đá, người ta đã thử trồng một số loại cây như điều chẳng hạn, nhưng chỉ được vài ba năm khi điều lớn rễ gặp lớp đá là héo quắt rồi chết. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà ven đường, ông chủ nhà đang chăm vườn ớt khá tốt. Ông bảo mới trồng thử ớt mấy năm nay và thu hoạch được, vì căn trồng vào mùa mưa, và cây ớt rễ ăn không sâu, chịu khó bón phân thì cũng tốt. Tuy thế đây chỉ là cách làm ăn nhỏ lẻ, bởi hỏi ông tiêu thụ thế nào, ông bảo thì cứ hái rồi chở đi dọc đường bán, được giá ra phết. Trời ạ, một ít thì còn được, một nhà thì cũng còn được, chứ ai cũng trồng ớt rồi rong rong ngoài đường thế thì bán cho ai. Chợt nhớ cái dải đất Bình Trị Thiên hồi nào cũng từng toàn dân trồng ớt, xong rồi làm ớt bột xuất khẩu. Đi thiên lý trên quốc lộ 1 qua vùng này đỏ rực ớt và nồng nặc mùi ớt bột, người không quen hắt hơi liên tục. Người vùng này ăn ớt đến danh bất hư truyền, đến thành giai thoại, hầu như món gì cũng phải có ớt, kể cả... chè? Tuy thế mà rồi cũng chả ai sống được bằng ớt,  chứng cứ là dạo này thưa hẳn, vắng hẳn đi các cánh đồng ớt, các sân phơi ớt phẳng lỳ và cả cái mùi cay nồng xộc vào mũi mỗi khi đi tàu hoặc ô tô qua đấy. Tôi về thăm quê, muốn có một ít ớt bột mang lên ăn và làm quà, mấy đứa em điện thoại tứ tung mới kiếm được chừng nửa lon cho ông anh thỏa nỗi... nhớ ớt. Ghé vào một nhà khác gần nhà ông trồng ớt, cũng ngay trên đường liên huyện An Khê Kông Chro, thì hai vợ chồng đang tra hạt bắp. Hỏi sao không trồng ớt như nhà ông kia thì bảo ớt bán khi nào cho hết anh ơi, mà để thì không được. Thôi thì trồng lấy sào bắp ăn cho... vui. Thế anh chị sống chính bằng gì? Nuôi được gần chục con bò với gần một héc lúa nước một vụ anh ạ. Chỉ trồng được một vụ mùa mưa thôi, còn mùa khô thì chịu chết. Ngay nước ăn cũng chả có. Ở nông thôn mà phải đi mua nước như ở thành phố, mua từng can hai mươi lít ấy. Hai vợ chồng, bốn đứa con, một ngày tiết kiệm cũng hết một can hai mươi lít ấy. Hỏi có đi bốc đá thuê không, ngày cũng kiếm được trăm bạc đấy, bảo dạ có nhưng giờ việc cũng ít rồi, với lại vợ chồng đều yếu cả... Khổ, bốn đứa con không "yếu" mới là lạ.







Kỳ bốn



        IV. HỆ LỤY


        Cái lợi thì đã rõ. Có khoáng sản thì phải khai thác thôi. Có điều không phải là bằng mọi giá. Và cách khai thác nữa. Làm sao để không lãng phí và không ảnh hưởng môi trường...


        Chúng tôi có một buổi trưa nắng nhễ nhãi lội giữa rừng khộp Hờ Bông Chư Sê vào khu khai thác đá trộm. Đi vào mới thấy cái nghĩa của từ trộm nó mênh mông đến thế nào. Móc trộm ví trên xe buýt, bắt trộm con gà, hái trộm quả dưa... đều là việc làm rất bí mật, che giấu, úp mở, sợ sệt... nhưng khai thác đá trộm thì không thế. Đường xe mở rất to dẫu có khó đi cho xe du lịch, nhưng xe chở đá thì vô tư. Trong bãi đậu kềnh càng mấy chiếc xe cẩu, xe xúc và xe Reo chở đá. Có mấy người mắc võng ngủ và nghe radio trong lán và cũng chả thèm hỏi khi thấy lũ chúng tôi lỉnh kỉnh túi cặp ba lô máy ảnh máy quay phim lếch thếch lội vào. Những tảng đá to như ngôi nhà, tảng thì được để nguyên chở ra, tảng thì được chẻ cho dễ cẩu lên xe. Vùng núi Hờ Bông này là vùng khô hạn nhất Gia Lai, toàn rừng khộp, là loại rừng xấu. Tôi phải giải thích thêm nghĩa của rừng khộp vì chính mình đã từng suốt mấy chục năm cứ tưởng khộp là một loại cây rừng. Và quả là trong đoàn nhà báo chúng tôi có vài vị cũng nghĩ rừng khộp là rừng toàn cây... khộp. Rừng khộp rất ít đất vì phía dưới nửa mét là đá. Chủ yếu chỉ cỏ lau và cây dầu là sống được ở trên đất ấy. Những thảm lá mục, những hỏm đá chứa nước mưa là nguồn dinh dưỡng chủ yếu nuôi rừng. Muốn khai thác đá thì việc trước tiên là... phá rừng. Dẫu là rừng khộp thì vẫn có những cây dầu cổ thụ đường kính gần mét, những chiếc lá to như tai voi bị quật đổ ngổn ngang. Xung quanh vùng rừng khộp Hờ Bông này có dăm bảy doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, chủ yếu chế biến làm đá xây dựng. Và các chủ doanh nghiệp này, họ cũng phản ứng với các hành vi khai thác đá trộm một cách công khai này, và chính một người trong số họ đã xung phong bỏ việc nhà đang bề bộn dẫn chúng tôi vào đây. Ở huyện Buôn Đôn hiện có 11 điểm khai thác đá thì cũng có 1 điểm khai thác không phép. Có thể nói việc khai thác không phép hay gọi đúng tên là khai thác trộm diễn ra ở bất cứ nơi đâu có khoáng sản.  Có sông thì cát tặc, có núi thì đá tặc, có vàng thì vàng tặc, có than thì than tặc... tuốt luốt đều có các loại... tặc theo cách mà báo chí hay gọi bây giờ. Nạn khai thai thác trộm này dẫn đến rất nhiều hệ lụy nguy hiểm mà ai cũng đã từng biết hoặc từng nghe nói, chính quyền cũng biết và cũng ra tay quyết liệt nhưng rồi cũng đâu vào đấy, nhất là hiện nay đang dai dẳng nạn than tặc và vàng tặc, tất nhiên là ở nơi khác chứ không phải là nơi chúng tôi đã qua trong chuyến điền dã này...


 



        Tây Nguyên một thời cũng đã từng có nạn khai thác vàng trộm, nhưng nay đã hết- lý do chính, sau khi đi chuyến này thì chúng tôi đoán là do đã... hết. Còn lại chủ yếu là đá xây dựng, và cũng manh mún, nhỏ lẻ. Chúng tôi đã lội vào hầu hết các mỏ đá có ở các địa phương mà chúng tôi đi qua, cả công khai lẫn bí mật, chỉ trừ cái mỏ khai thác của công ty cổ phần khoáng sản Đăk Lăk ở Ea Ka khai thác đá bóng đá men gì đấy mà chúng tôi không cách gì vào được, thì thấy quả là tác động của các mỏ đá này đối với đời sống cư dân sở tại không đáng là bao, vì phần lớn là nó xa khu dân cư, tuy thế không phải là không có những vấn đề cần đặt ra. Ví dụ như là việc dân... tham. Hầu như ông chủ mỏ nào cũng ngán món này. Ấy là cứ đến lúc nổ mìn cần tránh là dân lại xông ra, mục đích là đòi tăng tiền đền bù... Nó tạo cho một ý thức ỷ lại trong dân, lâu dần thành một thói quen xấu, ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội, bởi được việc này họ sẽ lân sang các việc khác làm rối xã hội và tạo tiền đề cho các thói tư hữu nông dân trỗi dậy...


        Đến khi ngồi viết những dòng này, trong tôi vẫn văng vẳng lời nói của vợ người nông dân có bốn đứa con đang đi học, sống trên mỏ đá ngay bên con đường nhựa An Khê Kông Chro mà tôi đã nhắc ở trên: Các anh chị mà xuống đây vào mùa khô mới thấy nỗi cơ cực của người dân ở đây. Chả cây gì sống được, đến bò cũng sùi bọt mép... Tôi hỏi có khoan nước được không, anh chồng bảo chỉ nhà nước có dự án thì mới khoan được thôi chứ dân thì chả bao giờ tự khoan được vì nó lên đến hàng trăm triệu. Trong nhà anh chị này cũng có đủ tivi xe máy, chỉ có thiếu nước vào mùa khô thôi. Và nỗi ngạc nhiên của tôi để kết thúc bài này: Hình như càng khổ người ta càng đẻ nhiều. Nếu khổ hơn nữa, biết đâu cặp vợ chồng này có đến... 10 đứa con?...


                                                    
Có sử dụng vài ảnh của đồng nghiệp ở thiennhien.net

Không có nhận xét nào: