Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

NHÀ BÁO VÀ... TẾT

Hôm qua có một bác còm vào blog nhà cháu có vẻ dỗi: "Anh Hùng dạo này bận chạy sô báo Tết , bởi vậy các bác chịu khó dùng đồ nguội . My iP", huhu quả là có thế thật. Cả năm được một mùa các TBT hào phóng trả Nb gấp vài ba thậm chí là chục lần. Thú thật với các bác, nhà cháu cũng "vần vũ" được dăm bài rồi, mail hết đi rồi, còn vài tờ nữa đặt đang rốn mần nốt. Tất nhiên là phải đợi báo ra rồi mới post lên đây được, dẫu thế thì nhà cháu vẫn giữ tác phong làm blog... chuyên nghiệp, ấy là đúng hẹn, đúng kỳ mỗi ngày một bài.

Sáng nay phải đi họp (mang iPad tranh thủ đọc hết "Bên thắng cuộc" rồi, hehe) nên giờ mới post được ạ.
---------------

Tết thì đối với "nhà" nào cũng quan trọng và lý thú cả. Nhưng với nhà báo thì nó có cái không khí riêng của nó. Ấy là bởi dân ta từ lâu nay coi báo tết như là một phần của tết, cùng với "bánh chưng thịt mỡ dưa hành câu đối...", báo tết không thể thiếu trong từng gia đình khi xuân về. Và muốn có báo tết thì các nhà báo phải... làm báo tết... 

               Thường thì khoảng tháng 10 dương lịch các ban biên tập đã lên kế hoạch báo tết và thông báo cho các phóng viên. Các nhà báo lo xa thì có người đã có bài về xuân từ... tháng 8, thậm chí là tháng... tư. Cũng mai vàng nắng sớm, cũng lòng người hân hoan, cũng rộn ràng không khí... đây là những nhà báo "lương khô", ít có bạn đọc vì viết như thế làm sao mà có không khí, và nó cứ trơn tuột như... cầu trượt trẻ em. Có vài bác nhà báo khác thì "tìm trong sử sách" những chuyện cũ, giai thoại, được nghe ngày xưa, hình như thế... rồi bình tùm lum, nhận định như thánh... muôn hình vạn trạng cách viết báo tết. Nhưng rõ ràng, báo tết phải khác báo thường. Ấy là đẹp hơn, nhiều màu, giấy tốt, và tất nhiên là nhiều... quảng cáo. Các bài viết đậm chất văn hơn. Nhiều người không hiểu cứ tương nhiều ôi, a, nhiều thán từ, tu từ... tưởng như thế là tuỳ bút, là văn chương..., tính tổng kết rõ hơn, các ngành, các mặt đời sống đều được lên "báo cáo thành tích", và tất nhiên thế nào cũng có một bài xã luận súc tích cô đọng nhìn lại một năm. Bìa báo cũng là một kỳ công, phải mất vài ba cuộc họp, bởi khác với bìa Tạp chí, bìa báo cũng phải mang tính "điển hình", có đủ những mặt mạnh thế mạnh, mang tính cổ động trực quan mà vẫn bảo đảm tính nghệ thuật. Các Tạp chí Văn nghệ  thì lại phải xử lý hàng vài trăm bài thơ, truyện ngắn về Xuân, chọn ra vài chục bài "Xuân thứ thiệt" để đăng. Rất khó, vì bài nào cũng nồng nàn, cũng vi vút, thắm đượm, cũng phập phồng tinh nguyên! Tác giả nào cũng muốn mình có mặt? Và bác nào cũng bảo của mình hay nhất, vi diệu nhất, thánh thần nhất! Có bác còn đi phản ánh tùm lum khi thấy bài mình không được in, thậm chí nâng quan điểm rằng bài này có vấn đề, bài kia có vấn đề, làm như ta đang sống ở thời thập kỷ sáu bảy mươi. Cơ khổ là biên tập.

            Chí ít thì mỗi nhà báo phải viết một bài cho báo tết nhà mình, vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Nghĩa vụ thì tất nhiên rồi, còn quyền lợi là bởi bao giờ thì báo tết nhuận bút cũng cao hơn, sóng sánh màu mỡ hơn. Có nhà báo có tiềm lực thì viết cho ba bốn báo, thảng hoặc có nhà báo được in ở chục, vài chục báo, tết gặp nhau mặt nở như hoa... loa kèn, sau tết lại đã thấy khoe dàn vi tính xịn hoặc chiếc điện thoại mới. Có nhiều nhà báo làm quảng cáo rất giỏi, là niềm "ngưỡng mộ" của nhiều đồng nghiệp, trong đó có tôi. Không phải nhà báo nào cũng có thể làm được quảng cáo, mà phải có một năng khiếu đặc biệt nào đó. Tôi là người giao du rộng, có rất nhiều người quen nhưng luôn luôn chịu lỗi với toà soạn vì không bao giờ hoàn thành nghĩa vụ quảng cáo, trong khi nhiều người làm cả vài chục trang, làm xong báo mình làm giúp cả báo bạn. Những trang quảng cáo nhiều màu, những lời chúc tết của các cơ quan đơn vị cá nhân trên các trang báo tết mỗi khi xuân về đã thành thông lệ không thể thiếu của báo tết.

            Báo tết thì phải gắn với xuân, vì thế các tít bài báo giông giống nhau khá nhiều. Nào là Biên giới xuân về! Xuân về trên công trường! Mùa xuân tuổi trẻ! Sức xuân vùng cao... Rồi Cô giáo mùa xuân! Công trường mùa xuân! Huyện mùa xuân! Xã mùa xuân, ngành mùa xuân... Nhà đài cũng thế, các tít rất quen như là Phố Núi mùa xuân! Huyện X mà xuân! Các tít "Nhìn lại", "Thấy gì"... cũng khá lạm phát. Cũng rất khó cho các ban biên tập vì phóng viên thì độc lập viết, đặt tít, nhưng khi nộp lên thì mới thấy có nhiều "ý tưởng" giống nhau, sửa rất khó.

            Báo tết rất chuộng đề tài Tây Nguyên, vì thế, các phóng viên thường trú các báo trung ương và cả các phóng viên địa phương có đất dụng võ. Các báo trung ương thường đặt bài về đề tài này. Song không phải ai cũng có thể hiểu về Tây Nguyên một cách tường tận. Ðã có nhà báo viết rằng những vật dụng mang ra nhà mồ chia của cho người chết bị chọc thủng hoặc đập méo là do bị ăn trộm nhiều quá và lên tiếng cảnh báo thống thiết hãy chặn tay bọn ăn trộm bất lương lại? Có nhà báo phản đối quyết liệt việc đâm trâu và yêu cầu cấm tiệt, cứ làm như ông ta chưa từng biết rằng ở Visan người ta giết mỗi ngày hàng chục nghìn con, và ông ta trước khi xuống dự lễ cũng đã xơi một tô phở bò tú ụ, trong khi đồng bào chỉ khi đâm trâu họ mới được ăn thịt. Và chuyện đâm trâu để ăn thịt chỉ là phụ, cái chính là nghi lễ với tổ tiên trời đất. Còn chuyện đâm một nhát chết một con trước thanh thiên bạch nhật với việc hành quyết rất nhanh hàng ngàn con bằng phương tiện hiện đại có khác nhau không thì xin không bàn cãi. Cũng có nhà báo khai thác triệt để yếu tố "lạ" của Tây Nguyên đưa lên nhưng lại sai về bản chất, hoặc nói cách khác là không hiểu thấu đáo vấn đề...

            Nhưng mà quả thật, viết báo tết rất khó. Cả năm viết rồi, còn gì cho tết nữa. Rồi để có báo ra kịp tết thì tuy không phải tháng 8 tháng 10, nhưng chí ít giữa tháng 11 âm, tức khoảng đầu tháng 12 dương đã phải viết xong. Ðang nắng chang chang phải lọ mọ run run ngồi tưởng tượng ra tết. Ðang bình lặng ngày thường phải cháy lên nồng nàn hương vị xuân, đang thẫn thờ hoa cúc đã phải bâng khuâng hoa mai, đang hùng hục công việc lại phải nhàn tản ngày xuân... quả là những điều vô lý có thật của nghề báo. Song nếu không thế thì làm sao tết đến bạn đọc có báo xem?

            Dù sao thì bây giờ tết đã gần rồi. Mọi người sắp... rung đùi đọc báo. Nhà báo cũng sẽ... đi du xuân thăm thú bạn bè nhưng là tranh thủ ngó nghiêng làm báo. Vì ra giêng, chỉ rằm thôi, báo lại đã ra. Sốï Tân niên tất nhiên vẫn phải đầy hương vị tết, những ngày tết vừa qua. Và với nhà báo, thể nào cũng phải có một bài khai bút vào sáng mùng một hoặc đêm 30. Tất nhiên đấy là nói nhà báo siêng, còn lười thì, có người cả năm chả có bài báo nào vẫn xưng nhà báo. Còn tôi, năm nào cũng thế, cái chiều 30 tết là vô cùng quan trọng để bao giờ cũng phải có một bài "khai bút" (nhưng là Thơ) bắt đầu từ lúc ấy, và hoàn thành vào sau giao thừa. Chiều ấy, bao giờ cũng có vài người bạn thật thân, tâm giao được tôi mời tới làm mấy ly giữa cái không khí vô cùng xáo trộn và nhiều cảm xúc ấy, và khi tiễn họ về thì tôi khởi động máy...

(Hihi cũng là đồ nguội đấy ạ, nhà cháu lại phải họp đây, cuối năm nhiều họp quá ạ.)

9 nhận xét:

hồ xuân hương 2011 nói...

Chời ơi là chời, đọc bài của anh Hùng em thấy...ngợp. Thần kinh yếu, để em sống trong môi trường bình thường thì còn viết được đôi điều, môi trường" bất bình thường" thì chịu, dành tết cho anh Hùng và những người như... anh Hùng. E chỉ còn hy vọng trong những ngày tết có tiền ...mừng tuổi của anh Hùng thôi. Ngày bình thường đến em sẽ viết và...bù lại nhé. He he

nguyenmucar nói...

Kể ra bác Hùng nên trau dồi thêm để viết diễn văn khai mạc, bế mạc, chào mừng cho các cán bộ cấp từ cao xuống ..dưới vì dạo này nhiều bài nói chiện của lãnh đạo khí buồn cười quá làm sôi nổi văn hóa lốc.
Chúc bác thu nhập nhiều trong dịp cả nước mừng đảng mừng Xuân ạ...

Nông dân nói...

Gửi VCH:
Nhuận bút nhiều thì Tết sẽ ăn sang
Nhưng nhớ lo cho cái nhuận tràng!

Nguyễn Danh Lam nói...

Bác Hùng ơi, đang đau đầu thì được đọc bài này của bác! Em vừa nhận giấy mời Hội kêu ra họp. Cùng lúc, tổng biên tập gọi lên, dúi cho một đống bài, bắt hoàn thành... ngay thời gian họp. Báo em làm nguyên cụm 5 tờ báo Tết tổng cộng. Trong khi ngày thường vẫn ra báo song song báo Tết. Nghĩa là một người làm việc bằng năm, trong khoảng thời gian chừng tháng rưỡi! Vốn ngày thường em đã cày đủ tuần 7 ngày. Giờ nhét 5 ngày vào 1 ngày. Thôi rồi cái hẹn họp cuối năm ra đi Ninh Bình với bác! Cứ năm nào Tết sớm, báo Tết ra sớm mới ra HN được (như năm ngoái). Năm nay bó tay rồi! Báo Tết ơi là báo Tết!

Văn Công Hùng nói...

@ nguyễn danh lam: nhuận bút khá không, sao không đặt anh dăm bài nhỉ, đang còn thiếu cái bảnh ô tô đây

Văn Công Hùng nói...

@ nguyễn danh lam: nhuận bút khá không, sao không đặt anh dăm bài nhỉ, đang còn thiếu cái bảnh ô tô đây

Nguyễn Danh Lam nói...

Báo em là báo con nít bác ơi! Nếu bác có thơ thiếu nhi, cho em xin một chùm thì tốt quá! Về khoản nhuận bút thì... vô cùng thơ. Thơ Xuân năm ngoái chấm đâu bảy trăm bài. Báo lớn, họ trả ba tê lận!

Văn Công Hùng nói...

Nguyễn Danh Lam:
700 là oách rồi chú ạ. Đời anh được trả cao nhất là 800 chứ mấy. Anh vừa lục mãi, có nhõn 2 bài thiếu nhi, hay phết, hì hì, nhưng lại viết về... trung thu, báo chú xài đc không?

Nguyễn Danh Lam nói...

Dạ, quí hóa quá, bác cứ gửi em đi ạ! Nếu đăng theo kiểu báo, thì... dễ lắm, bác viết: Trung Thu trăng sáng quá! Em sẽ sửa thành: Giao thừa trăng sáng quá! Thế là đăng ngay. Còn không, em sẽ lưu chờ Trung Thu vậy ạ! Còn cái vụ bảy trăm, đó là báo xuân, ngày thường nó... run rẩy mong manh hơn!