Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

MỘT LẦN THỊT CHÓ GIỮA RỪNG VỚI NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC


          Lần đầu tiên tôi đến thị trấn Dân Chủ là cùng cặp bài trùng Nhà văn - nhân vật: cố anh hùng Núp và nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi vinh dự được hộ tống hai ông đi thăm lại chiến trường xưa. Các ông thì là trở lại còn tôi là lần đầu tiên đặt chân đến. Kết quả của chuyến đi ấy là một cơn sốt rét ác tính như nghiêng rừng sầm sập đổ vào tôi. Cũng may là có bà vợ làm ngành y nên sau 3 phác đồ điều trị thì tôi dứt đến tận bây giờ...

 

 
          "Dân chủ", cái tên nghe quen mà lạ. Từ giữa năm 1972, tỉnh Gia Lai chủ trương xây dựng một thị trấn giữa trung tâm căn cứ đầu não của tỉnh tại rừng già Kon Ka King trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Khu vực được chọn là một thung lũng rộng cỡ hai chục ha thuộc xã Kroong và được bao bọc bởi 3 dãy núi Bok Kang, Kbang và Mơtrong. Ðây là một vị trí rất thuận lợi cho một thị trấn kháng chiến nằm giữa lòng địch. Thị trấn nằm ở một ngã 3 đường mòn và trước khi nó được mang tên là Dân Chủ thì đã được mang ra thảo luận trong khá nhiều cuộc họp. Cuối cùng còn 2 tên được mang ra để quyết là Cao Bằng, tên một tỉnh kết nghĩa với Gia Lai, thể hiện tình cảm, mơ ước của những người kháng chiến đối với "một chế độ xã hội tốt đẹp đã thành hiện thực trên miền Bắc XHCN". Và Dân Chủ là tên mật danh cũ của tỉnh Gia Lai đồng thời cũng là một khát vọng của những người Tây Nguyên đang kháng chiến gian khổ trong lòng địch (Và cả đến bây giờ). Thị trấn Dân chủ thời đó đã có 250 m đường đất, có khoảng gần trăm căn nhà tranh vách nứa nằm dưới tán rừng già gồm nhà dân, đồn công an, trường cấp 1, cửa hàng mậu dịch... đã trở thành một đầu mối giao lưu quan trọng cung cấp một phần nhu yếu phẩm từ đồng bằng lên trao đổi, mua bán góp phần cải thiện đời sống cán bộ bộ đội, đồng bào vùng căn cứ và cả các đoàn khách qua lại trên tuyến hành lang này, tạo nên một sự sầm uất giữa đại ngàn núi non hùng vĩ. 

          Tôi đã từng đến thị trấn Hậu Hiền, "thủ đô" kháng chiến một thời ở Thanh Hoá, trong tiềm thức của tôi trước khi đến, thị trấn Dân Chủ nó cũng nhang nhác như thế. Nhưng té ra không phải vậy. Khoảng 4 giờ chiều mà thị trấn đã lờ mờ tối vì sự bao phủ của rừng già. Ngửa cổ chỉ thấy cao vút những thân cổ thụ với vài chú sóc tinh nghịch đang bám vào những cành ngang thoắt ẩn thoắt hiện. Lá mục phủ thành thảm. Ẩm ướt và thâm u. Sự nhộn nhịp (qua lời kể) của những ngày kháng chiến không còn, thay vào đó là sự tĩnh mịch của một xã vùng sâu. Ông Núp xục vào làng tìm người quen. Cũng phải cách thị trấn vài ba cây số. Trong chiến tranh ông đã từng làm bí thư huyện này. Chừng 7 giờ tối thì mấy cụ già cởi trần đóng khố mồm ngậm tẩu phập phù tới cùng một nhóm du kích khiêng một... con chó. Trong khi chủ nhà hàn huyên với ông Núp và ông Nguyên Ngọc, tôi và lái xe của ông Núp thành... đồ tể và đầu bếp bất đắc dĩ khi mà toàn bộ đồ dùng và gia vị chỉ có một con rựa của dân làng, một con dao găm của lái xe, lá lốt hái tại chỗ, muối và... mắm cái (mắm cá). Thế nhưng tôi dám bảo đảm rằng, trong đời chưa bao giờ tôi được thưởng thức một cuộc thịt chó hoành tráng đến như thế. Ăn rồi cứ thòm thèm mãi, vì con chó cũng đã luống tuổi ấy khi chúng tôi làm xong thì đã hơn 10 giờ đêm trong sự chờ đợi của khoảng... bốn chục người đều bụng đang réo sùng sục. Nhà văn Nguyên Ngọc tấm tắc mãi: Tớ không ngờ cậu... tài thế. Ðêm ấy có vẻ như ông Nguyên Ngọc và ông Núp không ngủ. Ký ức về với các ông như nó vừa mới dứt qua đây còn tươi hoanh hoảnh. Ngọn đèn bão lắc lư theo nhịp võng. Đi chuyến này các ông đều mang theo võng để nhớ những giấc ngủ rừng một thuở. Tôi nằm lẫn với anh em du kích dưới nền nhà ủy ban và cũng không tài nào chợp mắt. Rừng âm u và thăm thẳm. Tiếng thú rừng ăn đêm xạc xào gần lắm khiến mấy cậu du kích nhấp nhổm vào ra. Những cây cổ thụ hàng mấy người ôm như một chiến luỹ vững chắc chở che cách mạng những ngày kháng chiến gian khổ. Cái câu thơ của Tố Hữu mà ai cũng thuộc lòng "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" phải vào đến đây mới thấm hết cái hồn của nó. 

           Theo tài liệu thì thị trấn Dân Chủ không chỉ là căn cứ của tỉnh Gia Lai kháng chiến mà còn là nơi che chở cho một số cơ quan của liên khu V, của các tỉnh bạn trong những lần địch càn quét mạnh ở đồng bằng. Cũng chính từ nơi đây, nhiều đơn vị chủ lực của tỉnh và mặt trận Tây Nguyên (B3) đã ra đời và lớn mạnh, là nơi giao điểm của 2 tuyến hành lang trung ương Bắc - Nam và đường hành lang đông tây song với quốc lộ 19.

           Bây giờ trở lại, phải cay đắng mà thú nhận rằng, thị trấn Dân chủ đã hoàn toàn không còn như xưa, nó đúng là một thị trấn hiện đại, phố thị miên man... không thấy đâu rừng già như hồi tôi tới với ông Nguyên Ngọc và ông Núp chứ đừng nói khi nó còn là thị trấn kháng chiến. Tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh... Tào Tháo...

         

         

2 nhận xét:

Nano nói...

Ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt,sốt rét là đáng đời.
Chỉ khen bà bác sỹ tài,chữa khỏi hẳn bệnh sốt rét chỉ với ba nhát thuốc,tài đến thế là cùng.

Daniel nói...


Anh Hùng dạo này bận chạy sô báo Tết , bởi vậy các bác chịu khó dùng đồ nguội .
Cái món thịt chó kèm muỗi đốt và sốt rét này tui đã thưởng rồi , cách đây ko lâu ,cũng ở blog này.

My iP