Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

MÃ LAI VÀI CHUYỆN

Đời mình có mấy lần được đi ra nước ngoài. Ví dụ Campuchia (chạy sang Ozadao uống cốc bia rồi về), Lào, Thái, Tàu (cả đi và về là... 1 ngày mà về viết cứ như thổ dân), Sin và Mã. Hôm nay mình đi tư tác nên thôi, lục cái bài chuyện vặt Mã Lai hầu các bạn, mình có mang laptop, iPad theo nhưng thôi... chơi cho khỏe. Nói trước, bài này cũng... hay đấy ạ.
-----------



Hai ngày sốt ruột vì không điện thoại không internet, laptop hết pin mà ổ cắm mang theo từ bên nhà lại... không vào điện dù đã là ổ cắm 3 chân. Em TN mang tiền đi đặt cọc ở đâu đó được 1 cái ổ của Mã Lai để về sạc pin máy ảnh, thế là cả đoàn xúm vào ké, nhờ thế mà mình đủ pin mần 1 bài thơ sáng sớm nay và viết mấy dòng lượm lặt này. Lúc nãy phát hiện là ôm máy xuống sảnh, mua 1 cái thẻ của khách sạn giá 10 RM (ring ghít) tương đương 60 ngàn cụ Hồ, thì được vào mạng chừng 30 phút.

Nói thêm, chiều nay thèm rượu quá, mình mua 1 chai đãi các bác và đãi... mình. Vodka Mã Lai, ngon gần bằng Vodka Lò Đúc mình hay uống, chỉ khác chai này giá 80 RM, tức... 480 ngàn tiền ông cụ, choáng chưa?

----------------------



Đoàn chúng tôi gồm 10 người, ngay buổi sáng đầu tiên đã khối chuyện vui. Việc đầu tiên là một chị kỳ cạch cả đêm sạc pin máy ảnh, đến khi lên xe, chị chìa ra một cái máy ảnh nhưng... không có pin, tức là pin vẫn còn đang ở nhà. Nhân đấy chị  kể hôm có bà chị hỏi số điện thoại của một ai đó ở NXB để liên hệ, chị cẩn thận lấy giấy bút ghi số điện thoại rồi gọi lại cho bà chị, bà chị theo số ấy bấm mãi không được bèn gọi lại cho chị, trao qua đổi lại một hồi thì té ra là chị đã đọc đúng số của... bà chị cho bà chị.

        HDV dặn bên Sin và Mã người ta khác chúng ta, dù biết bây giờ chúng ta sang đấy du lịch nhiều nhưng họ cương quyết không chiều thị hiếu như chỉ dùng ổ cắm 3 chân, mà toàn bộ đồ điện Việt Nam là 2 chân, thế là đêm trước khi lên đường ai cũng nháo nhào đi mua ổ cắm 3 chân và không phải ai cũng mua được vì không biết chỗ. Việc nữa là khách sạn bên ấy không có kem bót đánh răng, không dép đi trong nhà. Việc này thì tôi cũng đã tường hồi đi Thái, nhưng vấn đề là phục cách tự kiêu của họ, không cần chiều khách, thế mà chúng ta cứ lũ lượt sang... nộp mạng. Giống hệt anh Tàu, chả thèm nói tiếng Anh, ai nói tiếng tao thì nói, tao không nói tiếng thằng nào. Dân Việt từ làm du lịch cho tới trẻ con bán Post card, anh chàng xích lô của ta nói tiếng Anh như gió, một số khách sạn ở Việt Nam còn có cả kim chỉ cúc áo dự phòng cho khách, thế mà vẫn không hút khách là bao.

        Mì tôm là món đương nhiên dân Việt chúng ta thường xuyên mang theo, từ khách vip tới người bình dân, nhưng lại luôn quên một điều là... không có nước sôi. Thế nên lại cũng phải rỉ tai nhau là đi mua cái sục của Nga để nấu nước sôi nếu không muốn ăn mì tôm sống.

        Nhà thơ T là người cẩn thận nhất, ông cất kỹ hộ chiếu vào va ly và chuẩn bị ký gửi. Thế là giữa phòng đợi sân bay ông hì hụi giũ tung va ly ra để tìm hộ chiếu trong khi nhà văn N thì "mọi khi tớ tắt điện thoại được mà sao hôm nay tắt không được, hộ tớ tí".  Ngay khi lên xe lúc 3h sáng ở cửa nhà hát lớn đã có chuyện vui. Có một ông đi tuyến khác, trong khi mọi người đang chờ một ông trong đoàn này thì lò mò xách va ly lên xe.  Lát sau, xe đến bờ đê thì có tiếng điện thoại rồi người ngồi ghế cuối cùng lên tiếng thống thiết: các bác ơi đang còn người ở Nhà hát lớn. Hốt hoảng, xe ngừng ngay tức thì, điểm danh thì thấy đủ cả. Tra vấn mãi thì ông ngồi cuối cùng lên tiếng: Ơ thế không phải đoàn ta đi Mũi Né à. Cười ào ào rồi dừng xe cho ông ấy xuống...

        Rợn ngợp, phải nói chính xác là như thế khi chạy trên đường cao tốc và vào thăm khu thủ phủ mới của Malaisia. Nguyên việc họ nghiên cứu đào một con sông nhân tạo đủ để trên đó làm mấy cây cầu rất lớn, rất hiện đại mà lại rất mảnh mai vắt vào trời xanh một dáng phất phơ như chiếc lược, như một cánh buồm mỏng dính làm xô lệch cả một góc trời Kulalampua. Chưa hết, còn bao nhiêu khúc bao nhiêu đoạn bao nhiêu điểm nhấn chỉ để làm mỗi một việc: Khách du lịch khắp nơi trên thế giới nườm nượp đổ vào xem, chụp ảnh, mua sắm, ăn uống... là thấy cái sức nghĩ sức sáng tạo của người Mã Lai kinh rồi. Rồi toàn bộ các tuyến phố  sạch như lau như li, như tự nó sinh ra đã bóng bẩy như thế dù rất nhiều cây xanh và cũng rất nhiều lá vàng nghiêng nghiêng trút xuống chiều làm cho mấy gã nhà thơ cứ rồ lên như thấy trời sập. Chưa kể nữa là địa hình Mã Lai nhấp nhô đồi núi và họ tận dụng triệt để điều ấy để xây dựng, thậm chí có cảm giác họ còn khoét thêm các con dốc, các khúc khuỷu nhân tạo để mà tạo kiến trúc của họ. Và vì thế mà đi đâu cũng thấy các loại thang cuốn hoạt động. Chả cứ trong ga tàu bay, trong siêu thị, mà thấy  ngoài phố, di chuyển từ tầng này lên tầng kia, thay bằng đi bộ, và cũng có đường đi bộ song song bên cạnh, họ có thang cuốn lừ lừ quay để ai thích, ai lười đi bộ thì đi. 

        Nhưng vẫn có mặt thứ hai của Mã Lai. Đấy vẫn là những khu ổ chuột, là những xập xệ không thể che giấu, là những dịch vụ không đến nơi đến chốn cho khách du lịch. Thôi thì không có dép trong phòng thì tạm chấp nhận... đi đất, vì khách sạn ở Mã Lai cũng sạch, nhưng cái chuyện mạng mẹo thì gay, khách sạn gần như hoàn toàn không có Internet, mà ra quán thì chả thấy nó tênh hênh ở mặt phố như bên ta, thành thử, bài viết xong nhưng cũng đành... để đấy thôi. Dân Mã Lai giàu vì diện tích thì như ta mà dân số đâu như bằng một phần tư, vì thế đồng tiền của mình rất mất giá. Ở nhà dành dụm được trăm đô là đã kinh rồi, kính cẩn xếp vào ngăn ví sâu nhất mang đi để... đập phá. Thì sang bên này nó mua được... 4 nồi canh sườn lợn nấu với vài thứ lá lảu và thuốc bắc... 

        Thì ra đi như thế này là một cách đoạn tuyệt với thế giới bên nhà. Mạng không vào được nên ghét, chả thèm mua sim Mã làm gì. 12GM (đọc là Ring ghít) một cái sim, trong ấy có 5GM để gọi, nhưng nghe đâu chỉ gọi được vài cuộc về nhà. Mà 1 GM ăn 6 ngàn tiền Việt (ra ngoài mới thấy tiền Việt của mình nó...mất giá, thua cả tiền Lào, Campuchia là hai "chú em" của Việt Nam chứ đừng nói gì tới  Thái Lan, Singapo... huhu. Giàu và mạnh thế nên nó... chướng và ngang. Ví dụ như cái Wiliam Cường, cả thế giới gọi nó là WC, là Toilet, riêng xứ Mã, chỉ cương quyết là Tandas, không thèm theo quy ước chung, thế mà mọi người vẫn biết và chả anh nào bị... lỡ đường cả. Cánh Việt Nam sang, cứ gọi bừa là cái... Tan nát, thế mà người Mã vẫn hiểu, ân cần chỉ tận nơi....

Các cụ chịu khó xơi đồ nguội, mai nhà cháu về xin hầu đồ tươi ạ.

2 nhận xét:

xuanthu nói...

Oách quá! Pác lại đi nước ngoài chơi rồi! Chuyến này tha hồ cái mà viết. Chúc pác chuyến xutaast ngoại vui vẻ, thành công.

Nano nói...

Bác Hùng đi tây như đi chợ,chắc là để cọ xát rút kinh nghiệm chuẩn bị cho "xi ghim".