Cái thời Mỹ oanh tạc Thanh Hóa dữ
dội nhất, ba mẹ lai (chở) hai anh em mình bằng xe đạp từ thị xã Thanh Hóa về
Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình gửi ở nhà bà dì ngoại. Bà dì này là em ruột bà
ngoại, ở gần nhà bà ngoại mình. Nhà bà té ra cũng cách thị xã Ninh Bình có mấy
cây số, và Ninh Bình cũng là rốn bom, cũng nằm trong mấy thành phố thị xã bị hủy
diệt: Hà Nội, Hải Phòng, Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh…
Ai
ở Thanh Hóa thời ấy đều biết ngày 3/ 4 tháng 4, nhà máy của mẹ mình cũng lấy
tên là nhà máy Diêm 3-4, nên có người chọc là loại diêm đánh 34 que mới cháy.
Bây giờ xài diêm xịn nên không nhớ thời ấy, quả là có khi quẹt cả 10 cây chưa
cháy. Mọi thứ đều làm thủ công, từ kéo gỗ dưới sông Mã lên, cưa khúc ra, chẻ
thành miếng rồi thành que diêm, xếp từng que một vào khay và… dùng tay bê cả
khay nhúng vào chậu thuốc. Đầu diêm to oành hoặc dính 2,3 que với nhau vì được
nhúng thủ công vào thuốc, có khi bật phát xòe lửa xém cả tay. Để tiết kiệm thì
bao diêm chỉ phết phốt pho một phía, thậm chí làm một cái bao diêm bằng giấy to
như tút thuốc, nhét que diêm vào đấy, bỏ một mẩu thuốc phốt pho quẹt trên miếng
bìa bằng 2 ngón tay lên trên cùng, nên diêm nhiều khi còn rất nhiều mà miếng phốt
pho đã hết, bèn quẹt diêm vào bất cứ thứ gì nham nhám, thế mà vẫn lên lửa mới
tài. Trẻ con tụi mình thích nhất là tha hồ ăn trộm thuốc làm pháo, suốt ngày nổ
râm ran, và cũng nhiều đứa bị bỏng, bị cháy quần áo… Ngày 3/ 4 chính là ngày
máy bay Mỹ lần đầu tiên oánh ra Miền bắc và Hải quân ta (hai con tàu bé tẹo)
đánh trả, thực ra là chủ yếu là… chạy lòng vòng trên sông Mã. Và chị Hằng, chị
Tuyển xuất hiện ở trận này với tư cách là tự vệ Nam Ngạn, Hàm Rồng. Hồi ấy Nam
Ngạn là bến than, nơi các xà lan than cập bến để phục vụ cho năng lượng của thị
xã Thanh Hóa, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện Hàm Rồng, cái nhà máy mà giờ không
biết có còn để đấy không, chứ hồi ấy, bản thân việc nó ngạo nghễ đứng, dù xiêu
vẹo và đầy thương tích, đã như một tự hào của dân Thanh Hóa và cũng đầy thách
thức với không lực Hoa Kỳ…
Mẹ
làm phó giám đốc nhà máy Diêm 3/4 này.
Sau
này mình hay chọc: Nhờ những người như mẹ lãnh đạo mà chủ nghĩa xã hội nó bò đến
Việt Nam lâu quá. Bà chửi bảo thời chúng tao làm bao nhiêu chúng mày phá bấy
nhiêu. Chúng tao đi làm cách mạng để thoát cơm niêu nước lọ, thế mà đến chúng
mày cơm niêu nước lọ lại thành đặc sản. Là một lần mình đưa bà đi ăn cơm niêu,
mọi người uống bia, bà uống nước suối, và mình bảo chai nước suối này giá bằng
nửa lít xăng đấy mẹ??? Sau bà thấy mình thanh toán niêu cơm 25.000 thời ấy, đĩa
rau muống 20.000, đĩa cá rô rán 100.000 thì bà choáng!
Sau
ngày 3-4 ấy thì ba mẹ gửi tụi mình về Ninh Bình.
Cậu
Ưu khi ấy là giáo viên toán cấp 2, kiêm sửa đài (Radio) kiêm nuôi dê. Những
ngày đầu mình nhớ sáng sớm mỗi thằng được một cốc sữa dê nóng hôi hổi, nóng thật
sự theo nghĩa đen, không hiểu mới vắt nó nóng thế hay là cậu pha thêm nước sôi.
Nhưng nhà cậu cách nhà bà dì khá xa nên cái khoản sữa dê nó phập phù chứ không
liên tục. May chứ hồi ấy mà uống nhiều sữa dê thì không biết bây giờ sẽ thế
nào?
Ở
được mấy hôm thì máy bay Mỹ thả bom động Thiên Tôn. Đây là nơi có cái hang luồn
bà cháu hàng ngày ra ẩn nấp. Cũng là nơi có một cái trạm y tế dã chiến, ngày
nào cũng thấy bông băng đẫm máu, có lúc thấy cả khúc chân. Bé tí chả biết gì,
nghe nói hôm trước bộ đội triển lãm gì đấy, Mỹ nó ghét nó ném bom. Mấy bà cháu
ôm nhau trong hang run lẩy bẩy. Hồi ấy tối cũng vào hang ngủ, vừa hoang vu vừa
lạ nhưng lại cũng vui vì đông người. Và mình chén món rêu đá Ninh Bình từ thời
này. Giờ nơi này là thủ phủ của… Dê núi Ninh Bình. Quảng cáo luôn phát, tuy thế
quán dê Ưu của cậu mình giờ mấy đứa em tiếp quản vẫn là hàng độc, nó ở ngay bê
đường quốc lộ, sát chân núi Sẻ cũ, ngay biển ranh giới thành phố Ninh Bình và
huyện Gia Khánh.
Thi
thoảng mẹ về thăm, lần 1 mình, lần có ba. Bảy chục cây số đạp xe trong thời chiến
đạn bom, chủ yếu là đi ban đêm nhưng mình đâu biết, chỉ biết rất mừng lúc ba mẹ
xuất hiện. Và thường là khi ngủ dậy thì không thấy ba mẹ nữa. Chỉ có một lần
như linh tính, mình cương quyết không ngủ. Cu Bình ngủ lăn lóc, còn mình cứ he
hé mắt thức. Thấy mẹ khóc đi vào hôn từng đứa, thế là mình ngồi dậy khóc toáng
lên. Mọi người (bà, đến mấy bà, ba mẹ) kéo mình ra ngoài dỗ dành, nói mình là
con trai, là anh, lớn rồi, đừng khóc để em thức. Ba mẹ đi đánh Mỹ, mấy bữa mẹ bắt
thằng Mỹ mang về cho con chơi… Có một cây hồng nở nhõn một bông, hôm trước mình
chứng kiến bà dì nâng niu nó, quát thằng cu con nhà dĩ Rỡ khi nó kéo cong cái
cây xuống, thế mà hôm nay bà mang dao cắt ngoén cho mình, rồi bế mình ra ngõ.
Mình ngoái ra sau, ba và mẹ lụt cụt đẩy xe đạp đi, vừa đi vừa quệt mắt…
Mẹ ăn cam, cái rương phủ vải bên cạnh mình nhắc ở "Ký ức mẹ" lần trước, nó theo mẹ hơn 50 năm nay. |
Cháu nội và bà |
Bà
mẹ nào khi nuôi con thì cũng thấy con mình là cục vàng, cũng luôn như là con gấu
xù lông sẵn sàng bảo vệ con, ở trường hợp mẹ mình, bà vừa thương con, bảo vệ
con, nhưng cũng rèn con ra trò.
Như
mọi người đàn bà khu Ba khác thời ấy, bà cũng... chửi con như hát hay. Là khi bà
đã về hưu. Còn hồi công tác thì hình như không. Có lẽ khi về hưu bà thoát khỏi
cái vỏ cán bộ, trở về làm một người dân bình thường, nó được tự do hơn, cởi mở
hơn, sống đúng với mình hơn. Tôi nhớ hồi đã học cấp 3, vì lỡ tay làm chết của
bà 1 con gà, mà bà thì lại rất sợ gà chết. Lạ thế, không cắt nghĩa được, cứ thấy
gà chết là bà chạy bán sống bán chết, chân tay run lẩy bẩy, mặt cắt không còn giọt
máu. Thế mà hôm ấy, tôi chơi nghịch ném cái gì đấy làm chết tươi con gà trước mặt
mẹ. Mẹ đùng đùng bỏ chạy, va đầu vào cánh cửa tóe máu. Và cứ thế từ trong buồng
bà… chửi ra. Thú thật là rất tục. Đúng lúc ấy thì 2 đứa bạn gái cùng lớp ở thị
trấn Văn Lộc cách hơn 10 cây số đạp xe vào. Ôi giời, tôi không còn chỗ nào để
chui. Bà cứ ở trong buồng, đâu có biết có khách ngoài sân, thế là cứ như cái
loa mở sẵn, bà tuôn vào thằng ăn hại đái nát là tôi đủ thứ. Hai đứa kia cũng
không hiểu đầu cua tai nheo gì, cũng đứng như… cọc Bạch Đằng. Tôi thì quần đùi
áo may ô đứng chết trân ở sân. Bây giờ mặc sooc, ba lỗ… tiếp khách bình thường,
chứ hồi ấy, bạn gái vào là quần áo dài nghiêm chỉnh lắm. Tự nhiên tôi reo lên:
Chúng mày ra đường tàu chơi không? Khổ thân chúng vừa ngoài đường tàu vào,
nhưng chúng vẫn hồ hởi: ừ đi, dưới thị trấn không có đường tàu? Thế là tôi quần
đùi áo ba lỗ chân đất khẳng khiu dẫn hai đứa con gái thị trấn thơm phức lang
thang trên đường tàu đến tối mịt thì chúng chia tay để về mà không ai nhắc hay
hỏi việc gì đang xảy ra ở nhà mày. Nhưng khi về quê nội ở Huế thì mẹ tôi không
chửi nữa, vì trong này không ai chửi tục, cùng lắm là “đồ vô hậu” thôi. Cũng
nói luôn, nhà tôi ở Triệu Lộc, là nông thôn, cách thị xã Thanh Hóa 17 cây số,
nhưng tôi vẫn là nhân vật khá nổi trong trường và ở địa phương ấy là bởi nhà
tôi là nhà cán bộ, có tem phiếu, mẹ tôi có vải phíp tem phiếu may quần, là thứ
rất đỉnh thời ấy. Con gái mà có cái quần phíp để mặc lộ hết đường cong khối
tròn là thôi rồi. Thời ấy con gái thường mặc quần may bằng vải gì ấy, cứng
qoèo, các chị có tuổi thì may quần kiểu chân què gì gì đáy xuống đến tận khuỷu
chân, mục đích cao cả là che hết tất cả những gì thuộc về phụ nữ, lụng thà lụng
thụng như đạo Hồi, nhưng duy nhất cái áo ngực thì lại tự may bằng vải bộ đội chần
đi chần lại, cứng ngắc nhô cao đến muốn rách cả cái áo sơ mi may kiểu Hồng Kông
chiết ly ở hông. Thời ấy đồ lót phụ nữ toàn là tự may, trông buồn cười lắm. Thứ
2 nữa là nhà tôi từ thị xã về, từ cách ăn mặc đến phong cách sống đều khác, ví
dụ là có hôm thấy có đứa con gái thì thầm với bạn: nhà thằng Hùng nấu canh rau
muống bỏ mì chính và cá thì rán rồi mới kho?
Cả nhà ăn cơm với mẹ tết 2009. Chắc cu Bình chụp vì không thấy có mặt trong ảnh. Nhà có bằng ấy người. Có vẻ như tất cả đang chú ý nhìn mẹ ăn |
Mẹ nói chuyện với các cậu ngoài Hà Nội |
Nhưng
bênh con thì mẹ cũng thôi rồi. Đứa trẻ con nào mà oánh hai đứa con trai bà Sừng
là đời nó ra bã. Mẹ dắt đến tận nhà, kể tội chúng, và bố mẹ chúng, nể bà phó
giám đốc, quất chúng tơi bời, có hôm quất ngay trước mặt khiến mẹ lại phải xông
vào can. Tôi nhớ mình hoặc cu Bình chỉ hơi khò khè là mấy ông y bác sĩ của nhà
máy đến khốn khổ. Sau các bố ấy biết nên bèn… bắt bệnh trước. Đại loại đang ngồi:
chị ơi chết, sao mắt cháu vàng vàng. Có khi, mà có khi gì nữa, chắc chắn bị gan
rồi đấy. Từ mai để em tiêm cho cháu Sê rê pa (mình nhớ mại mại không hiểu có
đúng tên không, chỉ biết là loại thuốc rất quý về gan hồi ấy) nhé. Và ròng rã cả
năm tiêm loại thuốc này. Lần khác: em thấy mắt cháu hấp háy hơi lạ. Vitamin A
chị nhé, dầu cá nhé, cả năm trời như thế. Thực ra là tôi có tật khi nhìn vào
đèn thì hay hấp háy mắt cho nó bung ra nhiều tia ánh sáng, đến giờ vẫn còn tật ấy,
thế mà nện bao nhiêu Vitamin A với dầu cá, lại còn ớt voi, quả rất to, bỏ hạt lấy
vỏ kho cá ăn. Giờ tôi ăn cay khá là nhờ từ hồi chữa bệnh ấy. Có lần đang chữa bệnh
mắt ấy, tiêm cái thuốc có dầu nhờn nhờn ấy, tự nhiên mẹ thấy mình có biểu hiện
lạ, là hay… cương dù mới 6, 7 tuổi. Theo dõi mấy ngày bà dẫn mình ra chất vấn
chú bác sĩ. Chú kiểm tra lại thì trời ạ, cô y tá tiêm nhầm thuốc. Là có 1 chú
công nhân đang chữa bệnh hiếm muộn hoặc dương cương gì đấy, hai vợ chồng cùng
tiêm, loại thuốc ấy nó cũng có dầu nhờn nhờn như thuốc đang tiêm cho tôi, huhu.
Việc ấy ồn cả nhà máy… Lần khác thì tôi đang ngồi, đầu gối quá tai: mày đưa cái
chân đây chú xem, lấy cái búa gõ mấy nhát, thôi chết, nó nảy yếu lắm chị ạ, khớp
rồi. Thuốc nhé, kiêng ăn mặn nhé, cứ tôm sông kho với đường ròng rã ngày này
tháng khác phát hận mấy ông bác sĩ nhà máy. Tôi còn được vinh dự nạo ve a 1 lần,
cắt a mi đan 2 lần kia. Lần một thế nào xong thì phát hiện mới cắt có 1 bên, thế
là năm sau mần tiếp phát nữa. Là hồi ấy tuyên truyền là trẻ em nên cắt a mi
đan, càng văn minh càng phải cắt vì nó thừa chả để làm gì. Giờ tôi bị viêm họng
hạt mạn tính là kết quả của việc tận diệt đến 2 lần A mi đan thời ấy. Đại loại
tôi thống kê trên đời có bệnh gì có khi thời kỳ ấy tôi đủ thứ bệnh như thế. May
là toàn bệnh lành, có tiêm thuốc uống thuốc cũng không sao, trừ cái món thuốc
cương dương kia, chứ không thì… toi.
Ba
làm ở công ty lương thực tỉnh nên quen (hoặc đến tự giới thiệu làm quen) với mấy
nhà máy xay. Đến đâu ông cũng liên hệ xin mua… trấu. Mua cả ca. Có cái nhà máy
xay ở ngay chợ Già, ga Nghĩa Trang, cách nhà tôi 3 cây số là nỗi kinh hoàng của
tôi.
Khi
ấy ba mẹ tôi đều đã về hưu, về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc xin đất làm nhà ở.
Nhà ngay đường 1, bên cạnh cái cột số Thanh Hóa 17 KM. Ba đến nhà máy xay Nghĩa Trang liên hệ mua nguyên
1 ca trấu, xong thì 2 cha con mượn xe cải tiến đi đẩy về (Cu Bình lúc này ra
Ninh Bình học với cậu Ưu). Trước khi đẩy thì phải chui vào cái phòng mù mịt trấu
với cám ấy đóng vào bao. Cứ đóng hàng trăm bao như thế xong rồi kéo và đẩy về.
Mà cái tuổi đang thích nhìn gái tán gái, thấy cái mặt mũi quần áo mình nó trắng
xóa bụi cám thế nên ngại, cứ nghĩ gái nó chê, chứ thực ra có đứa nào nó nhìn nó
để ý mình đâu. Bao giờ vào đầu ca thì ba cũng mua bánh hoặc chuối hoặc cái gì đấy…
cho mấy cô chú công nhân chạy máy. Thế là nghe tiếng trấu bay ra có vẻ nặng hơn
một tí. Trấu ấy chở về nhà, mẹ tôi mượn mấy bà trong làng rỗi việc, cùng đến
sàng, sẩy các loại, mục đích cuối cùng là mỗi ca trấu ấy kiếm được dăm bò gạo,
mươi lon tấm, còn trấu thì sảy xuống miếng đất phía trước nhà để trồng rau chứ
có đun nấu gì đâu. Đất có trấu làm phân cực tốt nên nhà tôi trồng rau nổi tiếng,
mà lại chuyên trồng trái vụ, cứ người ta sắp thu hoạch thì mình mới trồng, người
ta bán hết thì mình bắt đầu bán, mà rau lại tốt vì đất tốt (nguyên tắc của ba
là không được thải ngoài đường. Có hôm đi đâu về ông hét ầm lên kêu mình giữ
xe, còn ông thả ngay ra chạy đi tiểu vào cái nồi đất để lấy nước tiểu tưới rau.
Xong ông hể hả: tau nhịn từ sáng), nên bao giờ thu nhập từ miếng đất nhỏ ấy
cũng bằng ít nhất là gấp đôi nhà khác. Cái kết quả gạo, tấm nhiều hay ít là do
lúc ba vào ngoại giao ấy, cho họ tí bánh rồi bảo họ gạt cần hay gì đấy nới tay
một tí, cho gạo nó ra theo trấu. Cái cám lẫn trấu ấy, nó lổn nhổn đầu đày, dùng
để nuôi lợn và gà. Mà lạ, ăn thế, tít hết đít lại mà nó vẫn lớn, lâu lâu lại thấy
nhà ngả một con lợn, rán mỡ cất đi còn thịt thì bán tại chỗ (phần lớn là họ nợ
đến mùa trả lúa, nhiều nhà quỵt nữa, tôi là tên thường xuyên bị phái đi đòi nợ,
thường là đến ngõ đứng rất lâu rồi quay về nói bác ấy nói chưa có tiền để rồi
mai mẹ lại phái đi tiếp) hoặc mang ra chợ, thường thì ba tôi mang đi, bắt tôi
đi phụ, tôi rất xấu hổ mà vẫn phải đi…
(Còn nữa)
8 nhận xét:
Đọc bài của bác vui quá vì bác đề cập cái động Thiên Tôn. Em sinh ra ở đây,trú bom ở đây suốt năm 1972. Cái tên Danh Lam cũng từ đó mà ra. Động Thiên Tôn là một danh lam thắng cảnh nên bố em đặt tên em vậy luôn.
Khéo hồi cùng trú bom trong động Thiên Tôn em đã được gặp bác rồi cũng nên. Hồi đó em mới... nằm trong nôi nên không nhớ bác. Bố mẹ em làm thư viện Ninh Bình, kho sách đặt ngay trong cái động ấy. Hồi Mỹ bỏ bom Tỉnh đội, bộ đội chết cả đống, bố mẹ em giờ vẫn kể lại...
@ Nguyễn Danh Lam:
-------
Ơ thế cái động Thiên Tôn nó có ít nhất là 2 nhà văn tương lai đã núp bom ở đấy à?
Thời chú núp bom thì anh đã về lại Thanh Hóa và lên học cấp 3 rồi. Nhưng có ai ở Ninh bình, cụ thể hơn là Gia Khánh, Ninh Mỹ nữa cành tốt biết gốc gác nhà văn Nguyễn Danh Lam thì vào đây comment cho vui nhé. Nguyễn Danh Lam là nhà văn rất có tài, năm vừa rồi có tiểu thuyết "Giữa dòng chảy lạc" được giải thưởng Hội Nhà Văn đấy. Ninh Bình phải tự hào thôi. Mình cũng không ngờ Nguyến Danh Lam là dân Ninh Bình vì thấy y sống ở sài Gòn, nói giọng Sài Gòn...
Hu hu, bác Hùng nói mấy câu làm em nở toác cả mũi! Em vẫn vào web bác đều đặn ngày vài lần, nhưng chẳng biết "còm" thế nào (về mặt kỹ thuật, vì đã thử mấy lần mà nó... đi đâu mất không biết). Bữa nay mới có dịp viết mấy dòng. Em đã quay lại động Thiên Tôn được hai lần, kể từ ngày ra đi khi còn đỏ hỏn. Chỉ có một việc quên, áy náy mãi là chưa lấy được một bụm đất Thiên Tôn đem về Sài Gòn để trên kệ sách. Em chưa thành người Sài Gòn đâu, giọng nói cũng có phải Sài Gòn đâu nhỉ, bác Hùng nghe thế lào í!
Quả là lâu nay anh vẫn nghĩ chú dân SG, còn không phải là lỗi của... chú, hehe.
Nhưng giờ biết chú dân Ninh Bình thì anh... nở mũi chứ không phải chú, vì quê ngoại anh có tên nhà văn tài thế thì oai chứ. Lần này ra họp cuối năm anh em mình về Ninh Bình nhé, rủ Sương Nguyệt Minh nữa. À chú đọc "Ninh Bình hồi cố" của anh chưa,cũng trong blog này, mục bút ký phóng sự ghi chép ấy. Thử xem, Ninh Bình lắm ấy...
http://www.vanconghung.com/2011/12/ninh-binh-hoi-co.html#more
Ninh Bình hồi cố đấy, chú cop rồi dán vào thanh địa chỉ rồi xem quê chú nhé.
Em vô cùng cảm động nếu được hầu bác một chuyến Ninh Bình nữa! Lễ hội thơ Văn Miếu đầu năm rồi, không biết lúc ấy bác đang phiêu diêu ở đâu, em đã tranh thủ làm được một cú Ninh Bình. Anh Bình Nguyên đón tiếp rất vui vẻ. May hơn nữa, lại gặp lúc hai vợ chồng nhà văn Sương Nguyệt Minh- Vũ Minh Nguyệt, nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức cũng dân Ninh Bình và đang ở Ninh Bình, thế là em có vinh hạnh được cùng các bác làm một cú dê hoành tráng! Link bác gửi em đọc từ năm ngoái rồi, he he. Đợt em ra cũng đang rét ngọt. Sống miền Nam từ bé, được một chuyến rét quắp người, sướng không chịu được!
Ok cố gắng năm nay làm chuyến Ninh Bình nữa nhé Nguyễn Danh Lam
Ok cố gắng năm nay làm chuyến Ninh Bình nữa nhé Nguyễn Danh Lam
Đăng nhận xét