Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

LIỆT SĨ CẤP... HUYỆN

Chiều nay ngồi ăn cơm với họa sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, lan man đủ chuyện, xong tự nhiên lại quay về... liệt sĩ.

Là ông Chương nhắc mình: các ông làm nghề viết sao không lên tiếng việc người ta chia ra nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia với cấp tỉnh...

Mà có cấp tỉnh thì có cấp huyện cấp xã cấp xóm. Đến liệt sĩ chết rồi mà vẫn còn bị phân biệt à? Tất nhiên là mọi người hiểu các đồng chí có thẩm quyền đặt thế là theo độ lớn của nghĩa trang. Nhưng như thế cũng không được. Vẫn là sự phân biệt dù với các liệt sĩ, các nấm mồ đều như nhau, nhưng cách ứng xử của người sống như thế là không ổn. Cũng như có thời người ta để bia: liệt sĩ vô danh sau bị góp ý đã bỏ.

Từ lan man thế sang chuyện các nhà ngoại cảm chỉ trỏ lung tung để gia đình liệt sĩ đi bốc di hài người khác về nhà mình mà rồi ngậm bồ hòn làm ngọt. Chuyện này là nỗi đau của những gia đình thân nhân liệt sĩ thật, không biết phần còn lại của người nhà mình ở đâu? Mình đã từng tham gia phản ánh một vụ này, một hồi đình đám và mình khẳng định ngôi mộ chính thức của liệt sĩ mà họ đã bốc về vẫn còn nằm ở một xã của huyện Ia Pa, nhưng họ đã khăng khăng bốc (trộm) một ngôi mộ khác để quay phim rùm beng. Việc này rồi qua vì có sự can thiệp của "trên", "trên" ấy giờ đang lùm xùm một vụ khác khi viết hồi ký vừa bịa vừa chôm công và cả chữ của người khác...

Từ đấy lại lan sang chuyện những bà mẹ Việt Nam khốn khổ khi trên bàn thờ là ảnh 2 người con nhưng thuộc 2 màu áo. Một ông thì được trọng vọng thăm hỏi mỗi khi đến 27/7. Một ông thì bị thờ ơ, thậm chí nằm đâu không biết. Chỉ bà mẹ là đau đớn, bởi cả 2 là con của mẹ. Mẹ nào muốn họ phải như thế...

Lại nhớ hôm kia ngồi với nhà văn Nguyễn Trí Huân và ông Mai  Thanh Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định. Họ kể mới kinh. Ông Huân khi ấy là lính oánh nhau tơi bời ở đấy nên giờ về đấy như về nhà. Ông Thắng thì quê ở đấy. Ta tuyển quân ở vùng Hoài Nhơn ấy thành lập 1 sư đoàn. Phía bên kia cũng thành lập 1 sư đoàn, cũng toàn quân ở đấy. Nơi đấy là vùng xôi đỗ. Trên mặt đường một phe, lùi xuống 5 chục mét một phe. Khi oánh nhau thì có khi 1 nhà có 2 phe, bố cầm súng bắn con, em cầm súng bắn anh và ngược lại. Các ông ấy kể về những bà mẹ. Tuyệt vời và đau đớn, chỉ có thể nói đến thế...

Ôi lịch sử, làm sao để khỏi phải cảnh nồi da nấu thịt. Làm sao để chẳng may chết thì vẫn chỉ là con của mẹ, thằng 2 thằng 3 thằng 4 thằng 5 của mẹ, không phân biệt. Và khi chết, nằm vĩnh viễn ở đất mẹ, không phân biệt nghĩa trang quốc gia trung ương với địa phương...

Tưởng dễ, nhưng lịch sử đã chứng minh, đã mấy chục năm vẫn chưa hết hệ lụy.

Mình với ông Chương cứ trầm ngâm nói, ngẩng lên mọi người đã sang bàn nước từ lúc nào. Và mình hứa với ông Chương sẽ viết. Và mình giữ lời hứa...

14 nhận xét:

daquyvangcaonguyen nói...

Ôi chiến tranh! Những chuyện đau lòng đến khi nào mới nguôi! Xin được cúi đầu trước nỗi mất mát do chiến tranh gây ra với những người mẹ,...

Nặc danh nói...

HY VỌNG

Đàn quạ về gắp lửa
Đốt lên Ngọn nến chiều
Thắp nén hương dân tộc
Mong qua ngày đìu hiu

Nấm mồ nào vị Quốc
Nấm mộ nào vô danh
Đui Què ôm nhau ngủ
Rơi hạt lệ Long lanh

Bipam

khue nói...

Hồi mô rảnh, bác đi đường 19 về phía Tây, gần giáp với KPC, bác ghé vô Đắc Cơ thắp dùm mấy thằng bạn tui ít cây hương, tụi hắn ở đó buồn hiu à. Đứa mô có người nhận thì đã đem về gần nhà hết rồi.

Vũ Xuân Tửu nói...

Nghe nói, ở bên Mỹ, sau cuộc ciến tranh Nam- Bắc, thi hài binh sỹ hai bên đều được chôn chung trong cùng nghĩa trang và bãi binh, hòa hợp để xây dựng đất nước hùng cường.
Chúng ta chịu ảnh hưởng ý thức hệ, nên sống phân chia phe phái, đẳng cấp, mà chết cũng phân chia nghĩa trang, không thể hòa hợp dân tộc, nên hệ lụy là đương nhiên.
Vũ Xuân Tửu

Dzuithoi nói...

Bài viết ngắn, ý ko mới, nhưng vẫn hay và cần. Cảm ơn VCH

123 nói...

Ôi! những người anh hùng tử chiến
Các anh đã thật sự nghỉ yên ?
Khi bạn anh còn sống cướp công
Phết đỏ lên chiếc quân hàm màu tướng?

Bác Văn Công Hùng ơi! cho 123 em út gửi chia sẻ cùng bác với những người anh hùng đã hi sinh vì quốc gia dân tộc ha bác!

Ôi! những người anh hùng tử chiến
Còn ở đâu đó lạnh lẽo rừng già
Mấy mươi năm ngóng mong vàng thâm đôi mắt mẹ
Ở hay về? đều nặng nỗi chia xa…

Ôi! những người anh hùng tử chiến
Các anh có biết?
Đồng đội các anh xưa giờ mặt bóng nhẫy truyền hình
Miệng hả hê cười vang lừng chém gió
Tay xẻo đất quê hương dâng lũ giặc thiên triều???

Các anh vẫn đau với nỗi đau dân tộc?
Đi cùng đoàn với người nông dân mất đất
Trong mờ ảo khói nhang hình như các anh quay đi và khóc
Vui thú gì mà bày đặt dâng hương?

123 kính bút!

Dọn vườn nói...


"Chiều nay ngồi ăn cơm cùng họa sỹ Trần Khánh Chương"...Bỏ chữ "ngồi" trong câu này đi có được không ? Chỉ cần nói "...ăn cơm với..." là đủ, tại sao cứ phải thêm chữ ngồi vào, có cả ăn đưng ăn nằm cơ mà???

Dong nói...

VCH hứa sẽ viết thì viết đi nhé, chứ mới kể lại cái chuyện diễn ra chiều nay thì chưa phải đã viết.
Còn bạn "Dọn vườn" , ban đầu mình thấy ý bạn cũng hay hay. Nhưng khi đọc kỹ lại thì bắt buộc phải có "ngồi". Mặc dù, bỏ đi thì cũng được, nhưng không hay, lại mất đi sự tương tác với câu dưới gần cuối rằng trong khi hai ông vẫn còn ngồi trầm tư bên bàn ăn cơm thì mọi người đã đứng dậy và chuyển sang ngồi bên bàn uống nước. Rõ ràng, câu chuyện ấy xảy ra lúc ngồi cạnh bàn ăn cơm, có cơm, có thức ăn...trước mặt, ngữ cảnh ấy không thể bỏ chứ "ngồi".

nặcdanh nói...

He he, hay phết. Theo em thì bỏ các chữ ngồi trong cả hai câu và bỏ luôn cả chữ đứng dậy thì câu văn nhẹ hơn đẹp hơn mà vẫn không "mất đi sự tương tác" bác Dong hè?

Nặc danh nói...

Mộ liệt sỹ em thấy không có quy chuẩn nào (?), Nghĩa trang liệt sỹ xã thì mộ 1 kiểu, huyện 1 kiểu, tỉnh 1 kiểu, quốc gia 1 kiểu, càng lên cao mộ càng "đẹp" (!?). Thật xót xa đại ca ah !
Nhớ có lần nhà văn Chu Lai nói trên VTV : "Việt nam ta có một kỷ lục mà trên thế giới không bao giờ có & cũng không bao giờ muốn có, đó là kỷ lục về ĐAU THƯƠNG"

ptuanha nói...

Theo em nghĩ thì đối với thân nhân liệt sỹ và quê hương liệt sỹ, việc có nghĩa trang liệt sỹ tại xã nhà đó là nguồn an ủi động viên rất lớn đối với họ. Đối với Hội CCB cũng như các ban ngành, đó là nơi tưởng niệm và để ôn lại những truyền thống quê hương, nhắc nhớ những kỷ niệm cũng như để họ nhìn nhận lại mình. Đối với các em học sinh, đây là nơi các em hướng về tình yêu nước, truyền thống giữ nước của cha ông...

nhatrang nói...

Nhà tôi ở Hoài nhơn-BĐ.Nghe đọc chuyện tác phẩm" khi đàn chim én về" tôi xúc động lắm.Vì từng địa danh ông Huân đều biết.Cả con người ( thay tên) đều như thật cả. Tôi ngưỡng mộ tác phẩm đó lắm anh ạ

Lê Bá Dương nói...

Chú cứ nói toạc cái tên ông trên ấy là tướng 3 sao Nguyễn Huy Hiệu với cái lỗi nhè nhẹ mới đây là "đạo" gần như nguyên xi mấy chục trang sử và danh sách Liệt sĩ của trung đoàn để ráp thành cuốn hồi ức "Một thời Quảng Trị" của mình. Còn như nói chung chung là "trên" thì chẳng biết ông trên nào trong số những ông trên có ...hồi ức hay hồi ký
Lê Bá Dương
http://lebaduong.vnweblogs.com/

Nặc danh nói...

Ủa nhà văn Nguyễn Trí Huân, thời chiến tranh có ở Gò Bồi hả bác? ( Gò Bồi là quê Xuân Diệu, cũng là quê ông Mai Thanh Thắng)