Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

TIẾP TỤC VỤ BÀI THƠ ĐÀM CHU VĂN

Mình đi công tác, vừa xuống xe nhận phòng thì nhận được email anh Bùi Công Thuấn: "Xin gửi đến web Văn Công Hùng bài viết về bài thơ của Đàm Chu Văn. Hy vọng chia sẻ được với bạn văn đôi điều. Trân trọng.
Bùi Công Thuấn"
Tôi thấy anh Thuấn "chẻ" bài thơ cũng khá kỹ. Thơ hay nhiều khi không biết tại sao nó hay, không thể chẻ được, như tôi từng phản đối việc cứ đi tìm mặt chữ điền trong thơ Hàn, thế thì nó còn gì là thơ. Nhưng tôi tôn trọng cách thưởng thức thơ một cách lành mạnh chứ không hồ đồ quy quan điểm như các bạn Đồng Nai. Đăng bài này mời các bạn xem.
---------------

Bùi Công Thuấn đọc bài thơ
LỜI NHỮNG CÂY DẦU CỔ THỤ
Ở TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN
Của Đàm Chu Văn
______________________________________

Tuổi ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những toà nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
thời gian trong xạc xào tiếng lá
niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…(*)

sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
ta nghiêng vào sóng nước
nước tràn lên ta vô tận thời gian
nghiêng vào mênh mang
mênh mang nói với ta bằng lời của nắng

thuở nai, mễn đan đàn ran suối vắng
“tác…tác” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi
lặng như cây cũng muốn góp lời
có một cánh bướm trắng đang đậu
trên ngực ta vụng dại và tin cậy

Một sớm mai thức dậy
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao…(*)

Ta phải nghe những mặt nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn
nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận…
những thánh nhân bên cạnh những tầm thường
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng
_________________________________
(*) Có một vài chỗ có dấu ba chấm (…) và xuống dòng, không rõ đó là chỗ bài thơ bị cắt, hay chỉ là tác giả còn muốn diễn ý?




Lý thuyết tiếp nhận cho rằng ý nghĩa của tác phẩm là do người đọc cảm nhận từ tác phẩm, nhiều khi ý nghĩa ấy không đồng nhất với ý nghĩa của tác giả gửi trong tác phẩm. Đó là đồng sáng tạo. Tuy nhiên, Umberto Eco nói rằng :” tôi chấp nhận ý kiến cho rằng một văn bản có thể có nhiều ý nghĩa. Tôi không chấp nhận việc một văn bản có thể có bất kỳ ý nghĩa nào”.

Tác phẩm văn chương là một sinh mệnh hoàn chỉnh.Y nghĩa của tác phẩm nằm trong hệ thống cấu túc và hình tượng nghệ thuật. Những ý nghĩa nằm ngoài cấu trúc hình tượng chính là sự áp đặt, với mục đích ngoài văn chương. Đọc tác phẩm,  phải đặt tác phẩm trong môi trường văn hóa, lịch sử cụ thể của cộng đồng, bởi ý nghĩa của ngôn ngữ, kiểu tư duy, kiểu tiếp nhận là do văn hóa công đồng chi phối. Tuy nhiên, tác phẩm là phát ngôn trực tiếp của tác giả, đọc tác phẩm, trước hết phải hiểu đúng thông điệp tác giả gửi trong tác phẩm, sau đó tìm hiểu những ý nghĩa do hệ thống hình tượng nghệ thuật tạo ra. Tuyệt đối không xuyên tạc hay bóp méo ý nghĩa hệ thống hình tượng, tuyệt đối không được gán cho tác phẩm những ý nghĩa nằm ngoài hệ thống hình tượng.

Điều này đòi hỏi người đọc phải có trình độ, phải có phương pháp đọc và tâm thế đọc nhất định. Xin thí dụ, học sinh lớp 6 không thể đọc những bài thơ trong Nhật Ký Trong Tù bằng chữ Hán nếu không có thầy cô hướng dẫn. Bởi những bài thơ đó chứa đựng tri thức đông tây kim cổ, chứa đựng vốn sống, tư tưởng, tình cảm và bản lĩnh lớn của một lĩnh tụ Cách Mạng có tầm vóc quốc tế, một người đã vào sinh ra tử đối đầu với những kẻ thù lớn nhất của thời đại (Thực dân Pháp, Đế Quốc Mỹ). Hơn thế, những bài thơ ấy nằm trong thi pháp thơ Đường kết hợp với quan điểm, cách mạng về thơ ca. Vì thế, không thể giải nghĩa tùy tiện Nhật Ký trong Tù. Với bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng thế. Cần khám phá thông điệp nghệ thuật bằng những phương pháp phê bình có cơ sở khoa học, không cảm tính, không chủ quan áp đặt, không vì những mục đích ngoài văn chương, có vậy giá trị thật của tác phẩm mới tỏa sáng

1.Những cây dầu cổ thụ nói gì ?

Trong bài thơ Lời Những Cây dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân, cây được nhân hoá như một con người, quan sát, nghĩ suy, bày tỏ. Ngôn ngữ thơ là kiểu ngôn ngữ giao tiếp đời thường , ý nghĩa bộ lộ trực tiếp, không phải là hệ thống tín hiệu cấp 1 hay cấp 3

Tuổi ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những toà nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…(*)

Cây độc thoại với chính mình. Cây không nhớ mình đã bao nhiêu tuổi, hiển nhiên là nhiều tuổi hơn các ủy ban. Cây cũng là rừng đại ngàn,  là sự trường tồn của lịch sử trong thời gian, cây cũng là thực tại cuộc sống với niềm vui nỗi buồn.

Bên sông Đồng Nai, cây nghiêng về bến nước, và đã bao mùa, sông Đồng Nai dâng nước mênh mang. Tác giả tập trung hình ảnh để nói vê cái mênh mông của thời gian mà cây đã sống ở đó.

sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
ta nghiêng vào sóng nước
nước tràn lên ta vô tận thời gian
nghiêng vào mênh mang
mênh mang nói với ta bằng lời của nắng

Cây hồi tưởng lại quá khứ hoang dã, thời đại ngàn còn mênh mông là rừng, không khí trong lành, muôn vật sống hạnh phúc, khác hẳn với cuộc sống thành thị hôm nay, ô nhiễm, ngột ngạt

thuở nai, mễn đan đàn ran suối vắng
“tác…tác” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi
lặng như cây cũng muốn góp lời
có một cánh bướm trắng đang đậu
trên ngực ta vụng dại và tin cậy

Một sớm mai thức dậy
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao

Trở về hiện tại, cây ngẫm nghĩ sự đời, như suy nghiệm triết lý, từ đó cháy lên những mơ  ước, hy vọng.
Ta phải nghe những mặt nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn
nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận…
những thánh nhân bên cạnh những tầm thường
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng
Hy vọng có một thời như thời xa xưa hoang dã trong lành và hạnh phúc như hình ảnh đại ngàn năm xưa 

Cụm từ  Những mặn nhạt cuộc đời,… buồn vui số phận” hoàn toàn có nghĩa chung chỉ chung về cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:

Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt bùi…”

Cuộc đời là biến đổi, và lòng người cũng đổi thay, nhà Phật gọi là lẽ vô thường. Đó là một chân lý lớn (Khổ Đế)

Trước thực tại thành phố thì ô nhiễm lòng người thì đổi thay, cây cổ thụ mong ước điều gì?

chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng

Thèm một sáng mù sương/ không rõ mặt người. Hình ảnh này diễn tả thời rừng còn bạt ngàn, mỗi buổi sáng sương phủ kín rừng, có khi không thấy mặt người. Tại sao lại thèm khát như vậy, bởi bây giờ rừng đại ngàn không còn nữa, cũng không còn những sáng mù sương. Chẳng hạn, Đà lạt ngày xưa, 9 giờ sáng vẫn còn mù sương, trong khoảng 100m không tỏ mặt người. Bây giờ còn đâu “Đà lạt sương mờ” của thơ và nhạc ngày xưa.

Như vậy lớp nghĩa thứ nhất, lời của cây, hoàn toàn chỉ là lời của cây, không ngụ ý, không ẩn ý, Cây không phải là nhân vật dụ ngôn, vì thế bài thơ chỉ mượn cây để nói về khát vọng một cuộc sống trong lành, và nhắc nhở mọi người về chân lý quan trọng là con người phải giữ lấy thiên nhiên, giữ lấy đời sống hạnh phúc trong hoàn cảnh môi trường đang bị phá huỷ. Sự sống phải vượt lên.

hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao

2. Hàm ý của bài thơ là gì?

Hình tượng chính của bài thơ là Những cây dầu cổ thụ. Hình tượng này có ý nghĩa gì ?

Trong hệ thống cấu trúc của bài thơ thì Những cây dầu cổ thụ là đại ngàn (ta rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ),. Cây  là nhân dân, bởi nhân dân là vĩnh cửu, nhân dân mới đầm mình trong nắng sớm mưa chiều : ” thời gian trong xạc xào tiếng lá/ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…”

Tác giả mượn cây cổ thụ để chỉ ra điều này:  khi đại ngàn còn mênh mông, loài vật, con người được thiên nhiên che chở, thì được sống an vui, hạnh phúc.
thuở nai, mễn đan đàn ran suối vắng
“tác…tác” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi…
có một cánh bướm trắng đang đậu
trên ngực ta vụng dại và tin cậy

Và tác giả mơ ước một thời như thế : chợt khát thèm một sớm mù sương/ không nhìn rõ mặt người/mơ màng/hi vọng. Câu thơ này nếu không đặt trong tổng thể cấu trúc bài thơ, thì có thể suy diễn hoàn toàn sai lạc ý nghĩa, nội dung. Rằng tác giả có cái nhìn bi quan, sao lại thèm một không gian mù sương không nhìn rõ mặt người? Phải chăng tác giả sợ lòng người đổi thay, phải chăng tác giả muốn thoát ly, muốn sống trong mơ màng.

Bài thơ là lời của cây, kiểu trực ngôn, hình tượng cây không là ẩn dụ. Nếu bảo rằng cây là ẩn dụ, thì những nai, mễn, bướm, sông Đồng Nai nước dâng, khói ngạt phố thị là ẩn dụ cho cái gì? Những hình ảnh ấy là chính nó, là thiên nhiên đơn thuần.

Ngay cả những thánh nhân, tầm thường, những buồn vui số phận là ám chỉ ai? Hay chỉ là chỉ chung những con người, trong mọi thời. Bởi thời nào, ở đâu cũng có thánh nhân và có kẻ xấu xa, ở đâu lại không có những buồn vui số phận. Kinh Thánh cách nay 2000 năm là một minh chứng. Đức Giêsu là thánh nhân, bị đóng đinh cùng với 2 kẻ trộm cướp. Trong 12 môn đồ của Giêsu,  Giuda là kẻ đã bán Chúa lấy 30 đồng bạc. Đó là chân lý của muôn đời. Như vậy những câu thơ có vẻ như có ám chỉ, cũng chỉ nói cái chân lý đã có trước đó từ lâu lắm rồi. Xin cứ đọc lại thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, và quan sát những con người của thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui

3. Bài thơ đọng lại điều gì ?

Điều rõ nhất còn lại ở bài thơ là tấm lòng của tác giả với cuộc sống, với con người hôm nay.

sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức

Hình ảnh sông Đồng Nai trong câu thơ trên vừa là thực (sông Đồng Nai dâng nước ) vừa chứa đựng một lớp nghĩa rộng hơn nghĩa thực. Nói sông Đồng Nai thì cũng đồng nghĩa với cuộc sống của những con người trên sông và hai bên sông, từ thượng nguồn đến cửa biển. Đã có bao lớp người sống, chiến đấu, hy sinh, và “có hàng triệu mơ ước”. Xin cứ đọc Miền Đất Ven Sông  của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn và quan sát cụ thể sinh hoạt của nhân dân thì sẽ thấy rất rõ những mơ ước ấy là gì, đã có bao nhiêu số phận, bao nhiêu vui buồn. Tác giả bài thơ thể hiện tâm tình ấy bằng hình ảnh những nai, mễn, bướm sống vui, sống hạnh phúc trong đại ngàn. Cuộc sống chúng ta đang hướng đến là “nước giàu, dân mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Tôi nghĩ bài thơ nằm trong trường tư tưởng ấy. Cái vị đắng có trong bài thơ chỉ là để làm tôn cái vị ngọt của tình thơ và làm sáng lên cái nhìn giàu chất nhân văn mà thôi

Dĩ nhiên, trong chừng mực nào đó, ngôn ngữ thơ chưa thật giúp cho những tư tưởng tình cảm giàu chất nhân văn ấy  sáng bừng lên,  để soi tỏ cuộc đời. Tuy vậy bài thơ có nhiều tứ thơ đẹp.
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…(*)

sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức…

4. Cho cạn nhẽ

Tôi đã dừng bài viết ở những tứ thơ đẹp của bài thơ, nhưng lại thấy cần nói thêm vài điều về những gì mà người đọc có thể còn lấn cấn. Ấy là nhan đề  : Lời Những Cây Dầu Cổ Thụ Ở Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân. Có hai chi tiết người ta dùng nó để “làm khó” nhà thơ : Chữ “Ta” và cụm từ “ở trụ sở ủy ban”.
Bài thơ của Đam Chu Văn lấy nhân vật chính làm nhan đề : Những cây dầu cổ thụ. Vì thế mọi thông điệp tác giả gửi trong bài thơ nằm ở nhân vật này. Khi phát ngôn, nhân vật xưng là Ta. Vậy Ta là ai?

Tuổi ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những toà nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ

Cần lưu ý điều này. Bài Lời Những Cây dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở UBND nằm trong thi pháp thơ  kháng chiến. “Cái Ta” trong thơ kháng chiến là nhân dân, là cộng đồng. “Quê hương ta từ ngày khủng khiếp/ Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn/ Ruộng ta khô nhà ta cháy”(Bên Kia Sông Đuống-Hoàng Cầm); “ Khi ta đứng lên cầm khẩu súng/ Tata ba chục triệu người/ cũng vì ba ngàn triệu trên đời”(Miền Nam-Tố Hữu). Điều này xuất phát từ cách dùng từ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên Ngôn Độc Lập :
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn
cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”

Tôi trích hơi dài là để bạn đọc nhận ra Chủ Tịch Hồ Chí Minh dùng chữ Ta với ý nghĩa rất phong phú. Chẳng ai lại hiểu chữ “Ta” ấy là tác giả HCM, mà hiểu Ta là đồng bào, là nhân dân, là dân tộc. Thơ kháng chiến đã kế thừa cách dùng từ này. Và vì thế chữ “Ta” trong bài thơ Lời Những Cây dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở UBND cũng mang ý nghĩa ấy.Ta không phải là “cái tôi” cá nhân tác giả.
Như tôi đã minh giải ở trên. Những cây dầu cổ thụ được nhân hóa như người, và được miêu tả bằng kiểu ngôn ngữ thực, không ám chỉ, không ẩn dụ. Đó là những cây dầu cổ thụ gắn với đại ngàn, gắn với thời gian mênh mang. Đó là rừng đại ngàn với nai, mễn, với đời sống hoang dã, bình an và hạnh phúc. Đó là đại ngàn gắn với sông Đồng Nai như là nguồn sống. Hay nói bằng ngôn ngữ thời sự, những cây dầu cổ thụ và không gian đại ngàn được vẽ ra chính là thiên nhiên, là môi trường thiên nhiên, đồng thời cũng là những con người sống trong môi trường thiên nhiên ấy, là nhân dân (hàng triệu giấc mơ) trong trường kỳ lịch sử (“bao nhiêu lượt mùa xuân về”). Xin chú ý chữ “mùa xuân” có hàm nghĩa rất hay, bởi lịch sử VN có những mùa xuân rất hào hùng (Mùa xuân của Lê Lợi-Nguyễn Trãi thắng quân Minh 1428, Mùa xuân của Quang Trung chiến thắng quân Thanh 1789, và mùa xuân CM, Đại thắng 1975). Nó cũng gợi ra cái đẹp của cuộc sống và cái nhìn lạc quan tin yêu của tác giả. Bài thơ vừa trữ tình, vừa có cảm hứng sử thi.

Cụm từ “ở trụ sở Ủy Ban Nhân dân” chỉ được dùng 2 lần, một lần ở nhan đề, một lần ở câu đầu tiên, còn tuyệt nhiên không được nhắc lại trong bài thơ. Nó cũng không được khai thác như một hình tượng chính để chuyển tải tư tưởng (hình tượng chính là những cây dầu). Nói cách khác, đó chỉ là một cụm từ chỉ nơi chốn phiếm chỉ, bởi tác giả không ghi rõ là Ủy Ban Nhân Dân nào : UBND xã hay UBND Huyện hay UBND Tỉnh, và cụ thể là địa danh nào, vì thế, nếu có nghĩa thì đó chỉ là nghĩa chung, không thể áp đặt rằng đó là UBND này hay UBND kia

Bây giờ xin xác định mối quan hệ giữa những cây dầu với nơi chốn “ở trụ sở UBND” xem , đó là mối quan hệ gì, và hàm nghĩa gì?

Xin làm một phép thử. Nếu bỏ chữ “ở trụ sở UBND đi thì ý nghĩa bài thơ và thông điệp của tác giả trong bài thơ có thay đổi không?, thưa không, bởi mọi nội dung, tư tưởng, thông điệp của bài thơ nằm ở nhân vật chính là những cây dầu, không nằm ở chữ “ở trụ sở UBND”. Chữ “ở trụ sở UBND chỉ là một trạng ngữ chỉ nơi chốn, và vì thế nhan đề ấy có thể bỏ chữ “ở trụ sở UBND”, hay thay bằng ở nơi nào đó thì bài thơ vẫn nguyên vẹn nội dung tư tưởng.

Những cây dầu ấy là nhân dân là môi trường thiên nhiên trong lịch sử, thì tất nhiên nó cao hơn tuổi các ủy ban và cao hơn các tòa nhà cao tầng, nó có sức sống vĩnh cửu. Đó là một chân lý. Điều thú vị là ở chỗ, những cây dầu “ở trụ sở UBND”, không phải ở ven đường, ven sông hay ở trong thảo cầm viên. Bởi UBND là chính quyền của dân, được dân ấp ủ, (điệp từ  ) được dân cưu mang và là niềm hy vọng của dân. Lịch sử CM đã đã hiển nhiên chân lý đó : chính quyền CM là chính quyền của dân, do dân, vì dân . Nếu tác giả để cho UBND chặt những cây dầu ấy đi, thì vấn đề sẽ rất trầm trọng, tức là chính quyền lìa dân, chính quyền từ bỏ nhân dân. Cho nên  những cây dầu cổ thụ ở trụ sở UBND” làm vững chắc hơn tư tưởng về chính quyền cách mạng với nhân dân là một, được dân thương yêu tin cậy. Mọi cách hiểu tách rời UBND ra khỏi nhân dân, đặt nhân dân trong thế đối lập với UBND (UBND với cây dầu cổ thụ) đều là cách hiểu xuyên tạc và không thiện tâm.

Vì vậy những lời của cây dầu cổ thụ có thể có hai góc độ, đó là lời của nhân dân nói với UBND, cũng là lời của UBND nói với mọi người, bởi cây dầu ở trụ sở UBND, với tư cách là chủ nhân, thay mặt cho UBND, nếu cây dầu nằm ngoài trụ sở UBND thì không thể thay mặt cho UBND được. Dù ở vị trí nào và hiểu theo cách nào, thì thông điệp của bài thơ vẫn rất rõ ràng là tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống sâu nặng của tác giả trong tầm vóc nhân dân và lịch sử, có cảm hứng sử thi. Đồng thời tiếng nói của những cây dầu cổ thụ ấy nhắc nhở mọi người (không chỉ là trách nhiệm của UBND) về trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân, với những ước mơ và hy vọng. Nói cho cạn nhẽ thì đó là tiếng nói trách nhiệm của tất cả chúng ta.


Tháng 7.2012
__________________________________________
Bài này đã gửi cho NS Khánh Hòa (Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai (15.07.2012), sau đó gửi cho tác giả Đàm Chu Văn, và vài bạn văn khác. Nay nhân có bản tin của Tuổi Trẻ và Thanh Niên, BCT công bố bài viết này  để cùng bạn đọc xem bài thơ “có vấn đề “gì. Dù sao góc nhìn của bài viết chỉ là một hướng tiếp cận, mong được bạn đọc cùng chia sẻ. BCT



9 nhận xét:

Nhà thơ lông dân nói...

Bùi Công Thuấn cũng là một kiểu suy diễn, mà đã là suy diễn thì rất khó nghe.
Tuy vậy tui cũng suy diễn rằng Đàm Chu Văn cũng bị thần thánh nhờ viết lại cảm xúc về nhân tình gì đó,nhưng ĐCV không thể hiện được rành rọt ý tứ của thần thánh nên làm cho ngừơi trần mắt thịt suy đoán lung tung.

Bùi Công Tự nói...

Nhân đang học tập nghị quyết TƯ4 ,Bùi Công Tự chân thành thẳng thắn phê bình Bùi Công Thuấn thế này .
Phân tích thơ theo kiểu chẻ sợi tóc làm tư của đ/c làm mất thời giờ của bạn đọc ,nó thể hiện thiếu tôn trọng bạn đọc ,coi bạn đọc như học trò của đ/c .Đ/c nên học cách thẩm định thơ của Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam .Đ/c nên tái cơ cấu phương pháp phê bình văn học của mình .

Nặc danh nói...

Đừng nghe những gì 'chúng nó' viết
Hãy xem những gì "chúng nó" làm

Nặc danh nói...

Theo tôi đây là một bài thơ mang tính cảnh báo trước thực trạng ngày càng mất mát quá nhiều những vốn quý của văn hóa truyền thống, lẽ ra nhà thơ phải được khen mới đúng.

Văn Biên hòa nói...

Đúng là Bùi Công Thuấn dạy bạn đọc , chể sợi tóc làm tư nhưng lại tự động căt bỏ một câu trong bài thơ. Câu đó là
:"bằng bản lĩnh của loài tứ thiết"
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao…
Tại sao lại ngớ ngẫn thé hỡi nhà phê bình thưa thiệt?

Văn Biên hòa nói...

Đúng là Bùi Công Thuấn dạy bạn đọc , chể sợi tóc làm tư nhưng lại tự động căt bỏ một câu trong bài thơ. Câu đó là
:"bằng bản lĩnh của loài tứ thiết"
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao…
Tại sao lại ngớ ngẫn thé hỡi nhà phê bình thưa thiệt?

My iP nói...

Bùi Tiên sinh thưởng thơ hơi tào lao .
Chắc nghề gốc của ngài là môn hoá phân tích .

buicongthuan nói...

Thưa bạn Văn Biên Hòa, BCT dùng bản in của báo Van Nghệ. Bản in này không có câu thơ bạn nhắc đến. Blog của nhà văn Khôi Vũ đã chụp hình lại văn bản này, xin bạn xem lại

Kính thưa các bậc cao minh. BCT viết bài này không phải là để dạy bảo ai, và cũng không ai bình thơ theo kiểu chẻ sợi tóc làm 8 như thế này. Nhưng có ý kiến cho rằng bài thơ "thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện", vì thế BCT thử bóc tách các lớp nghĩa của bài thơ và dùng Thi Pháp học để lý giải xem sao

Nếu bài viết làm phiền đến bạn đọc như ý kiến của Bùi Công Tự, BCT thành thật xin lỗi và rút kinh nghiệm. Phương pháp phê bình của Hoài Thanh là phê bình trực giác cảm tính, không thể dùng để lý giải những vấn đề của bài thơ này, chẳng hạn lý giải chữ "Ta" trong thơ kháng chiến

Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Văn Công Hùng đã đăng bài, và cám ơn tất cả các bạn đã chia sẻ
Trân trọng
Bùi Công Thuấn

Nặc danh nói...

Chuyển bài thơ này cho Đông La bình phẩm (Donglasg.blogspot.com) - Nghe nói ông này tài lắm, ngang Chế Lan Viên, bạn của NQ Thiều.