-------------
Kính thưa quý vị, tôi phải xin phép nói ngay là những phát biểu của tôi vô cùng cảm tính và chả có một hệ thống gì hết, trong khi trước mặt tôi đây đều là những người lừng danh về cảm nhận, nhận xét, đúc kết, rất giỏi tìm ra những vấn đề, những quy luật của thơ. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch và nhà thơ Hồ Thế Hà trong Ban tổ chức bảo tôi là: Ông là nhà thơ người Huế, muốn về dự cuộc này thì phải có tham luận, không thì... đừng về. Mà được về Huế thăm quê thăm mẹ, và nhất là về giữa cái ngày vui và đầy ý nghĩa như thế này là mong ước thường trực của tôi, nên tôi phải ngồi cặm cụi viết, vừa viết vừa run, vì tôi biết mình đang nói trước những người vô cùng am hiểu về thơ, về Huế. Thôi thì "Một liều năm bảy cũng liều/ dầu sao tôi cũng quá yêu quê mình/ cho nên lỡ nói linh tinh/ cũng xin quý vị lượng tình cho qua...".
Nói đến Huế, cảm nhận đầu tiên của những người đã từng đến Huế hay chưa
đều bật lên là: Xứ thơ. Thơ gắn với Huế như một phần đời sống, một
thành tố làm nên Huế. Cái câu đùa tếu táo: Huế thơ Huế mộng Huế tộng
bộng hai đầu... phần nào nói lên điều ấy. Bản thân Huế đã mang đẫm tính
thơ, là một "bài thơ đô thị" mà không cần dẫn ra mọi người ngồi đây cũng
đều đã quá biết, ngoài ra nó còn là đối tượng của các nhà thơ. Mà chả
cứ nhà thơ, rất nhiều người bình thường, chả làm thơ bao giờ, đang yên
đang lành bỗng nhiên qua huế về cũng tức cảnh hì hụi làm thơ. Tức Huế
của chúng ta vừa là chủ thể, vừa là khách thể của thơ. Nhưng nếu có ai
đấy cắc cớ hỏi lại: Vậy thơ Huế là như thế nào? nó có gì khác với thơ...
không Huế. Chà, món này gay đây, chí ít là với tôi, tôi chưa trả lời
rành mạch được, dù nhiều lúc cũng thử bỏ thời gian ra nghiêm túc nghĩ
thử rồi.
Tôi
biết để chuẩn bị cho sự kiện thơ và văn hoá này, các anh các chị đang ở
Huế đã làm rất nhiều sách về thơ Huế. Nào là 700 năm thơ Huế, Thơ Huế
với lời bình, 1000 nhà thơ Huế... Ở Festival thơ trước thì là 2 tập "Dạ
thưa xứ Huế"... Vậy thì xác định thơ Huế theo tiêu chí nào? Có không một
trường phái thơ Huế trong dòng chảy thơ Việt?
Tôi
là người Huế sống xa quê, nhưng vẫn đau đáu với Huế, thường xuyên đọc
và tìm đọc thơ về Huế và thơ của người Huế và nhận ra có ít nhất là 4
dạng thơ Huế. Thứ nhất là thơ của các nhà thơ người Huế đang sống tại
Huế. Thứ hai là thơ của các nhà thơ người Huế không ở Huế. Thứ ba là thơ
của các nhà thơ không phải quê gốc Huế đang sinh sống công tác ở Huế và
thứ 4 là thơ của mọi người yêu Huế, đi qua Huế hoặc chưa, viết về Huế.
Thơ
của người Huế đang sống ở Huế thì có thiên hướng bung phá, mở ra bên
ngoài, một số cố gắng vươn tới tính triết luận, tới cấu trúc hiện đại,
thiên về lý trí nhiều hơn cảm xúc, tất nhiên vẫn thâm trầm, hài hoà, có
phần cổ kính.Thơ của người Huế đang sống ở Huế thì có thiên hướng bung
phá, mở ra bên ngoài, một số cố gắng vươn tới tính triết luận, tới cấu
trúc hiện đại, thiên về lý trí nhiều hơn cảm xúc, tất nhiên vẫn thâm
trầm, hài hoà, có phần cổ kính.
Thơ
của người Huế xa quê thì thường là giàu xúc cảm, nhiều hình ảnh về Huế,
tính hoài niệm cao, đằm sâu những suy nghĩ nhân tình thế thái. Trong
thơ rưng rưng nỗi nhớ, niềm thương, lấp lánh kỷ niệm, những kỷ niệm buồn
và đẹp, và tất nhiên là một nỗi khát khao trở về, về với những kỷ niệm
xưa và những hoài bão hôm nay.
Thơ
của người không phải gốc Huế đang ở Huế thì đa phong cách. Bên cạnh
vùng văn hoá Huế đã trở thành của họ thì vùng văn hoá gốc của họ vẫn ảnh
hưởng rất mạnh trong thơ họ, mà rõ nhất ở mảng này là thơ của nhà thơ
Hồ Thế Hà. Ngoài ra là thơ của các nhà thơ Ngô Minh, Mai Văn Hoan,
Nguyễn Khắc Thạch, Văn Cầm Hải... Số tác giả này hiện nay đang là lực
lượng chủ lực của thơ Huế tại Huế.
Thơ
của những người khác, không phải người Huế, không sống ở Huế, khá nhiều
và cũng cũng rất đa dạng, từ cực hay tới hay vừa vừa và... dở.
Nếu
gộp chung cả 4 loại trên vào một khái niệm chung là Thơ Huế thì ta thấy
đặc trưng chung của thơ Huế là phần lớn thường khắc khoải, buồn, trầm
ngâm, gắn với rêu phong, có cái bảng lảng êm đềm của tự nhiên khách quan
nhưng cũng thâm trầm nội tâm, nhiều suy nghĩ, suy tưởng. Đọc thơ Huế
vẫn thấy sự kiêu sa của quá vãng trong một tâm thế vừa bằng an vừa động
cựa. Ít thấy cái tưng bừng tở mở, nhưng lại nhiều thân phận, day dứt
dùng dằng. Nếu có bung phá, cách tân thì cũng chừng mực, nghĩ ngợi nhiều
hơn là hành động. Nguyễn Khắc Thạch, Văn Cầm Hải chẳng hạn, những cách
tân của họ vẫn đẫm trên cái nền truyền thống, vẫn bám vào cái hiện thực
đăng đối mà lập ngôn, tức nó vẫn có một cái gì đó "rất Huế" không cắt
nghĩa được, ở hồn, ở cốt, ở thẳm sâu những câu thơ, mạch thơ rất hiện
đại.
Đã
có lần tôi nhận xét với bạn bè, chỉ nguyên giọng Huế thôi, đọc thơ dưới
trời mưa Huế, sau khi đã có vài ly, trời ạ, thơ vui cũng thành buồn,
thơ dở cũng thành hay, thơ trúc trắc đến mấy cũng ngọt lịm như câu hò xứ
Huế. Nó thăm thẳm, bâng khuâng, day dứt, da diết... khiến cả người đọc
lẫn người nghe cùng... muốn khóc. Và tôi cho rằng đấy là thành công, là
thế mạnh của thơ Huế. Nghĩ cho cùng, thơ chính là cảm xúc của tâm trạng.
Vậy thì khi anh truyền được tâm trạng của mình sang người khác thì đấy
chính là đã thành công. Người có kinh nghiệm, nhất là những biên tập
viên lâu năm thì sau khi nghe tác giả trực tiếp đọc thơ giọng Huế, bao
giờ cũng tự đọc lại bài thơ bằng mắt. Nói vui thế để thấy, Huế có những
điều kiện tuyệt vời làm nền cho thơ thăng hoa và lý giải tại sao người
ta lại bảo Huế là xứ thơ. Người ta cũng bảo đã lên Đà Lạt thì phải...
yêu và đã đến Huế thì phải... làm thơ. Thì phong cảnh ấy, con người ấy,
giọng nói ấy, tốc độ ấy, tâm trạng ấy, sông ấy, núi ấy, mưa ấy và hàng
chục yếu tố đẫm chất thơ nữa... làm sao mà chả buột ra thơ, không làm
được thơ thì mới là... lạ.
Nhưng
từ làm thơ đến thành bài thơ hay là cả một đoạn trường. Huế có rất
nhiều thơ viết về mình, nhưng những bài cực hay thì chưa tương xứng với
số lượng khổng lồ kia. Tôi chưa kịp xem tập "Thơ Huế với lời bình" và
tập "700 năm thơ Huế" khi viết tham luận này, nhưng tự cảm nhận của
mình, tôi thích khoảng vài chục bài cực hay về Huế. Như thế cũng đã là
quá nhiều, nhưng lại cũng là quá ít, tuỳ quan niệm từng người. Vấn đề là
có quy luật gì không ở hiện tượng này. Phải chăng Huế giống như thơ lục
bát. Dễ làm, ai làm cũng được, nhưng để hay thì cực khó. Có ngẫu nhiên
chăng khi một trong những bài thơ hay của Hoàng Nhuận Cầm về Huế là bài
"Giữa hai hàng lục bát". Giữa hai hàng lục bát nhưng đây lại là bài thơ
tự do phá thể, cuồn cuộn phong cách sông Hồng chứ không lặng lờ như sông
Hương, dù nó viết về sông Hương. Nhưng bài thơ này vẫn đẫm Huế ở cách
cảm, cách nghĩ, ở hình ảnh, nhịp điệu thơ, tỉ như: "Chân vấp ngã mấy lần
bên Đập Đá/ một câu hò ai đã đỡ tôi lên"- Còn có thể nơi nào vào đấy
nữa, nếu không là Huế. Nhờ bài thơ thơ này mà hồi ấy khi đang còn là
sinh viên, tôi thêm một lần yêu Huế, dẫu thú thật, nó cũng hơi ồn ào so
với nhịp Huế.
Huế
có một cái gì đó vô cùng lạ, không cắt nghĩa được, càng đi xa càng nhớ,
càng thao thiết, càng tưởng tượng càng nôn nao, còn khi ở với nó thì
lại khác. Tôi có một thống kê thú vị là khoảng 50% người Huế xa quê đặt
tên con là Hương Giang hoặc liên quan đến Sông Hương Núi Ngự. Còn những
người đang ở Huế thì ít đặt tên con là Hương Giang hơn. Hiếm có con sông
nào trên trái đất có vinh dự ấy. Ai đó bảo Huế là một cô gái đỏng đảnh,
ở gần thì lãnh đạm, thậm chí là... cãi nhau, nhưng đi xa thì nhớ thương
đứt ruột. Ngay cố nhà thơ Thu Bồn cũng thế, bài thơ cực hay của ông là
bài "tạm biệt", tất nhiên là ông viết trong tâm thế cuống quýt chia tay,
chuẩn bị xa. Còn một bài nữa cũng hay của ông, ít người biết, ông viết
khi... nhìn về Huế từ trong chiến tranh:
đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai,
lô cốt giặc đen ngòm bốn phía.
Biển và mây sóng vỡ vụn chân gành.
Quê hương mẹ tôi chưa về được,
huống chi em xa cách mấy thôi đường.
Huế mờ trong khói thuốc,
Huế mờ trong đạn bom,
Huế chìm trong mưa lụt.
Cầu Trường Tiền bắc giữa giấc mơ tôi.
Nhìn bướm tím rừng sâu cứ ngỡ màu tím Huế...
Còn
tôi, cũng thế, tôi toàn viết về Huế khi đã không còn Huế, khi Huế đã
lặng lẽ lùi dần sau chiều xe chạy. Là một phát biểu về thơ, tôi xin kết
thúc bằng một bài thơ, tôi viết khi đã xa Huế:
BÀI THƠ BẠCH MÃ
con
ngựa trắng buộc mình vào mơn man cỏ biếc, những đồi bát úp gọi về bình
minh, dây cương lỏng ngựa đùi thon mi mẩy, lục lạc liên hồi te tái, mùa
xuân rã rượi tự bao giờ.mà
xơ xác lau, ngơ ngác bông dã quỳ trên gió. Mà mây trắng lang thang như
nước mắt, nước mắt chiều cuối năm vắt sang niên ngựa, những con ngựa loã
thể danh hoạ họ Từ điềm nhiên lông đuôi bờm hí. Hi hi hi ngựa Gióng về
trời.nhong nhong
nhong bồ đề liềm sọt. Còn tiên ông cưỡi ngựa ở trên trời, không còn cỏ
ngựa đành ăn cám ướt, cám ướt đà hoá nhạc leng keng.
đôi
cánh mỏng như cánh chuồn chuồn ngựa bay vào cực lạc, hết kiếp thồ, kiếp
cưỡi, kiếp xe, chỉ còn nhởn nhơ mây trắng, trời xanh và gió, chợt hoang
mang kẻ cắt cỏ đâu rồi, mà cánh mỏng phận chuồn, tìm đâu ra bờ bãi,
thôi rồi kiếp đi hoang. Ngựa khóc.
Tóm
lại, như đã thưa ban đầu, những phát biểu trên đây của tôi mới chỉ là
những cảm nhận đầy ngẫu hứng, suy cho cùng, nó chỉ là những... phát biểu
mà thôi. Xin cám ơn các nhà thơ, các nhà nghiên cứu phê bình và tất cả
quý vị đã chịu khó nghe tôi phát biểu...
4 nhận xét:
„ Có một nàng về dinh, thì một trai lỡ hẹn „
Vì chưng con gái Huế đa tình , lên đất Thần kinh có nhiều nhà thơ .
Không có Thơ Huế mà chỉ có thơ viết về Huế hoặc viết ở Huế thôi !
Những tưởng chỉ còn nhởn nhơ mây trắng, trời xanh và gió. Nhưng không! Chú ngựa trắng vụt bay và tứ thơ như được chắp cánh. Đôi cánh thiên thần tùng rinh con trẻ.
Những Hương Giang, Tràng Tiền, Núi Ngự, Thiên Mụ, Phu Văn Lâu… mỏi mòn chờ Bạch Mã… bay qua. Con ngựa trắng thơ, trắng đến ngẩn ngơ tuôn dòng lệ trắng. Cơn gió lạnh ròn, dễ vỡ bỗng dưng quay về chốn cũ.
Những ẩn ức cũ, về ngựa, có cả ngàn năm công tội. Ngựa loáng tình sử Mỵ Châu, ngựa thoáng huyền thoại Tháng Gióng, ngựa trong danh họa đá trắng họ Từ. Chữ thơ Bạch Mã cân đẩu vân giữa trời xanh bao la, mở rộng không gian thơ tới nhiều chiều.
Nếu đặt điểm nhìn từ đỉnh Bạch Mã - Huế, nhìn về muôn sau, dõi về muôn xa, thì chênh chếch là Huế - như bài thơ dở dang nơi cửa Thuận ngậm ngùi.
Chọn Bạch Mã để viết về Huế, gửi lòng mình vào hồn ngựa lỏng cương, nhà thơ họ Văn đã thoắt khỏi cương tỏa… Và… hứng giọt lệ ngựa làm chất đốt tự châm hồn mình bay theo hồn con trẻ. Lòng người đọc cũng vì thế mà rộn rã nhịp tùng rinh rinh lắc lư lân vờn trong đêm trăng sáng trung thu. Khắc thu Xứ Huế tôi chưa từng được tới.
Đọc Bạch Mã, lòng tôi cứ rộn tùng rinh rinh theo âm thanh rộn rã của câu thơ kết bài. Rộn rã thôi thúc mà không gọi ra được đấy là cảm giác gì cho đúng, cho trúng. Thôi thì đành: tùng rinh rinh rinh, tùng rinh rinh… Tùng. Rinh. Rinh! Ta về, ta về… với Huế của chàng.
Ngày 28/8/2012_Vân Đình Hùng
Đồng Khánh Ngày Xưa
Lưu Trần Nguyễn
Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa và đón mần chi không biết!
Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn làm loạn bước tui đi!
Lá thư tình ông gởi mần chi?
Cha mẹ biết rầy la tui chết!
Ông tán tỉnh mần chi không biết
Tui như ma như qủy dưới âm ty
Nói hoài lời hoa mỹ mần chi
Tui còn nhỏ, chuyện tình răng biết được?
Tội tui lắm! Cách cho vài bước
Đừng đi gần hai đứa song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị!
Theo chi rứa răng mà không biết dị
Thôi được rồi! Đưa lá thư đây!
Mai tan trường đơị ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết...
VINH HÒA- NTU
Đăng nhận xét