Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

PƠ LANG VIẾT LẠI

Hôm qua trên Facebook một bạn chụp thân cây gạo gai, đưa lên nói đây là Ngô đồng đây, mời mọi người chiêm ngưỡng. Vài người vào còm (có mình) nói là không phải ngô đồng đâu bạn ơi. Vừa may báo Văn Nghệ tuần này đã in cái Pơ lang ký của mình. Cái này trước đấy đã post một khúc lên đây nhưng rồi hạ xuống viết thêm để in...
-------------



 
PƠ LANG KÝ…
VĂN CÔNG HÙNG
Trên một chuyến xe xuống Krông Pa, huyện xa nhất của tỉnh Gia Lai về phía Nam, mấy anh em nhà văn chúng tôi lan man với nhau đủ thứ, rồi loanh quanh lại quay về... lễ hội. Đã giữa mùa mưa nên lễ hội đã hết. Với lại cũng nói thực là, lâu lắm rồi, các lễ hội dân gian tự giác không còn nữa. Chả hiểu các bác văn hóa làm ăn thế nào mà càng bảo tồn thì càng… hết. Cũng như nhà rông ấy, càng bảo tồn thì càng trơ tôn với bê tông sắt thép ra. Nó chỏi vô cùng với những ngôi làng hiền hòa trữ tình lúp xúp trên các triền đồi, các vực suối. Bây giờ muốn tổ chức gì thì nhà nước lại phải đổ tiền vào rồi “thuê” dân làm. Mà làm kiểu ấy thì nhạt lắm, đậm chất quốc doanh và lai căng. Nó trở thành nửa thầy nửa thợ, nửa ông nửa thằng, nửa khố nửa áo vét... Cũng lâu rồi không còn thấy những cái sợi bông mỏng tang trắng xóa bay lơ lửng trên trời Pleiku vương vào đầu vào áo mọi người vào cữ tháng tư tháng năm nữa. Tự nhiên tôi nhớ những cái sợi bông ấy là bởi, mấy chục năm trước, hồi mới lên Tây Nguyên, cứ khi nào thấy cái sợi bông ấy bay lửng lơ trên trời là Tây Nguyên có lễ hội, là Tây Nguyên vào mùa lễ hội. May sao, ven đường xuống Krông Pa, cái đường 25 mà ngày xưa là con đường 7 lịch sử ấy, vẫn còn những cây pơ lang rất đẹp. Những cây pơ lang đứng cô lẻ bên đường, bung lên trời những tàn lửa muộn chói chang làm nao nao lòng những kẻ duy mỹ ham xê dịch chúng tôi. Pơ lang thường xuyên nhắc về lễ hội. Nhìn thấy pơ lang lại thấp thoáng tưng bừng lễ hội. Thường thì mỗi khi đâm trâu, người ta trồng một cây pơ lang làm cọc nêu. Bỏ mả (pơ thi) người ta cũng trồng cây pơ lang, vì thế cứ đếm cây pơ lang ta có ngay số lượng những lễ mà người làng ấy đã làm. Pơ lang thực ra là cây hoa gạo ở đồng bằng, là cây mộc miên ở phía bắc, cái tên mộc miên rất hay, vừa lãng mạn vừa cổ kính, nhưng cái tên pơ lang nghe lại cứ nao nao một nỗi nhớ nhà. Nhớ ngày xưa, cái thời Tây Nguyên còn là một bí ẩn với nhiều người ở đồng bằng, một hoa khôi của Gia Lai làm ở xí nghiệp In đi đâu cũng được các chàng trai thành phố đồng bằng gọi là "Pơ Lang của anh ơi". Cô này người Kinh, xinh đẹp, nhưng luôn nhận mình là Hơ Lan người Ba Na, gọi riết một hồi thành Pơ Lang, chết cái tên ấy. Mới đây nhất, một tối nhà văn Đoàn Thạch Biền điện cho tôi rất hớt hải: có cô Hơ Lan bảo thân với ông, cô ấy mời tôi uống ghê quá. Thì ra cô này, giờ là giám đốc công ty in và văn hóa tổng hợp Gia Lai, vào TP HCM họp khách hàng. Nhà văn Đoàn Thạch Biền là khách mời. Và cô này cũng xưng là Hơ Lan, và đã Hơ Lan người Tây Nguyên mời theo tập tục thì không thể từ chối. Mà tửu lượng của cô này thì… Hơ Lan thật cũng kinh, cũng phải bỏ chạy. Tôi phải nói với Hơ Lan là em ơi anh Đoàn Thạch Biền văn thì hay người thì oách nhưng uống thì yếu, em đừng ép anh ấy, hôm nào về đây anh chịu cho em… ép, nhờ thế mà ông Đoàn Thạch Biền thoát. Rồi đến một đoàn cải lương Gia Lai thứ thiệt cũng lấy tên đoàn Hoa Pơ Lang nổi đình nổi đám một thời. Có thời mấy nhạc sĩ Gia Lai làm một cuốn sách, đã cố công nhờ một họa sĩ vẽ thật giống một bông hoa pơ lang làm bìa sách. Pơ lang ở Tây Nguyên có hai loại, loại có bông bay trắng xóa vào dịp tháng ba tháng tư, thân không có gai, và loại hoa đỏ rực như đốt cháy cả bầu trời cũng vào cữ tháng ấy thân có gai. Ngoài ra ở Tây Nguyên mùa này còn một loại cây nữa cũng giống pơ lang, nó là loại vông rừng, hoa cũng rất đỏ, rất rực rỡ. 

Cây Pơ lang bên bờ sông Đắc La

Nhắc vông rừng lại nhớ vông đồng, là cái cây ngô đồng nổi tiếng trong thơ: Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu- Một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ đều biết mùa thu đang đến... Ở Huế có mấy cây ngô đồng như thế, người ta xếp nó vào loại "Huế bảo"- tương đương quốc bảo, giữ gìn và bảo tồn với chế độ đặc biệt như bảo tồn hệ thống đền đài lăng tẩm. Ngày xưa vua Minh Mạng đã phải cho khắc nó lên Du đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh nổi tiếng, đặt trong đại nội biểu hiện uy quyền của triều đình. Mới đây nhất khi về Huế, chị Hồng Hạnh, phó tổng biên tập báo Thừa Thiên Huế, đã chiều lòng người Huế xa quê mà trực tiếp lái xe chở tôi vào đại nội ngắm cây ngô đồng và uống cà phê ở Tứ phương vô sự. Lúc ấy cây ngô đồng ở Huế không có hoa. Có lẽ nó quý vì nó… hiếm, và cái dáng của nó cũng trầm mặc lặng lẽ khiêm nhường như Huế. Rất nhiều người ở Huế cả đời cũng không biết là ở đấy có cây ngô đồng, và khi biết rồi thì… không tỏ ra ngạc nhiên: tưởng gì… Khi viết đến đây, tôi đã tốn năm cú điện thoại cho nhà văn và là một kỹ sư nông nghiệp- anh Phạm Đức Long, anh này lại tốn đến bốn cú điện thoại nữa (cho chắc chắn) cho hai chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp ở Gia Lai để xác định một điều rằng, cái cây vông cổ thụ ở đường Nguyễn Du, đoạn đường đẹp nhất ở Pleiku hiện nay, phía trên, bên hông sở Y Tế ấy,  sát cơ quan tôi ấy, ngày nào tôi cũng ngồi uống cà phê và ngắm nó ấy, có phải là cây ngô đồng không. Kết quả một người khẳng định là Ngô đồng, còn một người bảo nó là Vông đồng, còn ngô đồng chỉ có trong tưởng tượng, nó như lá diêu bông của Hoàng Cầm ấy. Tôi thiên về ý người trước, chỉ bởi người sau bảo Ngô đồng chỉ có trong tưởng tượng, trong khi nó đang tồn tại ở Huế, mà đến mấy cây, có cả trên cửu đỉnh từ cách đây mấy trăm năm. Và rất nhiều trong thơ, cả ca dao nữa: Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây, thấy cô tang tình gánh nước, tưới cây tưới cây ngô đồng. Rồi: Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông... Nhưng lại cũng phải nói điều này, rằng cái cây ngô đồng tôi thấy ở Huế ấy, nó... khác cây ở đường Nguyễn Du- Pleiku này, khác rất nhiều. Nhưng dù thế nào, nó cũng là giống cây quý, ít nhất là bởi nó hiếm. Thế mà cách đây mấy năm, suýt nữa cái cây này đã được... chặt hạ nếu như không có sự vào cuộc kịp thời của báo chí?...


Ngô đồng ở thành nội Huế

Ngày xưa mùa khô ở Tây Nguyên là mùa lễ hội, người Tây Nguyên gọi là Ning Nơng, ăn chơi quên ngày tháng, bao nhiêu sinh lực của cải của cả năm đổ ra cho lúc này, người ta đắm đuối với nhau, với trời với đất, với thiên nhiên cây cỏ, người ta trao nhau tất cả những gì dành dụm trong năm trong cuộc đời, trao vô tư, không toan tính, không vụ lợi... Tôi đã từng được dự nhiều lễ hội như thế, đắm say và tình tứ, hòa nhập và si mê, những con người phóng khoáng và hiền minh đã cho tôi hiểu thế nào là tự do, thế nào là ý nghĩa đích thực của cuộc sống, thế nào là niềm vui bất tận khi mình được sống hết mình, thở hết mình, đắm đuối hết mình với những gì mình thích, mình yêu và mình thấy thoải mái.



Pơ lang Tây Nguyên

Chán nhất của lễ hội dân gian hiện nay là khi nó được bàn tay đạo diễn của một vài nhà "thông thái" người Kinh. Đây là những người cái gì cũng biết nhưng rốt cục lại chả biết gì cả. Họ tự cho mình cái quyền can thiệp vào, sắp xếp lại, thậm chí là thay đổi, thay đổi cơ bản kết cấu và cả chi tiết lễ hội. Mà thế thì nó không còn là lễ hội, nó trở thành văn nghệ quần chúng, thành biểu diễn. Cái khác nhau giữa lễ hội dân gian và văn nghệ quần chúng chính là ở tính tự nhiên của nó. Ở lễ hội dân gian, không có diễn viên, không có khán giả, tất cả hòa nhập trong một không gian tuyệt vời, một thời gian không hạn định, lễ nghiêm ngặt, hội hết mình trong một niềm tin trong trẻo nhân hậu vào Yang, vào niềm tin và vào chính mình. Còn văn nghệ quần chúng là diễn, có bàn tay đạo diễn của người khác, nó dùng để thi thố, nó phục vụ cho... cán bộ và không vô tư, nó vụ lợi, vì... giải thưởng, vì những điều ngoài nghệ thuật,ví như đã bỏ kinh phí ra thì phải có huy chương...


Trong các lễ hội tôi đã được tham gia thì bình dị nhất là lễ hội cơm mới, sôi nổi nhất (và cũng hồi hộp nhất) là lễ ăn trâu, lâu nhất, nhiều nhất là lễ pơ thi... Lễ hội cơm mới, tiếng Bana là Sa Mơk, tức ăn cốm, mà ăn cốm thì tránh sát sinh. Tránh chứ không cấm. Thế nên vẫn có thịt, nhưng chủ yếu là cơm và rượu. Còn lễ ăn trâu thì đương nhiên là phải đâm trâu, rồi sau đó là ăn trâu. Nhiều người yếu bóng vía và tỏ ra ta đây nhân văn, bèn lên án tục đâm trâu, cho là con người ác, man rợ, không cao thượng... họ làm như cả đời họ, hay người thân của họ chưa từng cắt cổ một con gà, một con vịt, thậm chí là con chim bồ câu... Lễ pơ thi thì rất nhiều bò và rượu. Tôi đã chứng kiến một cái lễ pơ thi ở huyện Chư Păh cũ, người ta đã giết hàng trăm con trâu và uống đến hàng nghìn ghè rượu trong liên tục gần hai mươi ngày. Người Tây Nguyên theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh, vì thế các lễ, kèm theo nó là hội, nhiều là đương nhiên. Vòng đời con người bắt đầu từ lễ thổi tai cho đến lễ pơ thi, vòng đời cây cũng thế, luôn được đặt trong hệ thống tín ngưỡng, bởi cái cây nó không chỉ là cái cây, nó chính là ý chí của trời, của Yang, là khát vọng của con người ở cái thời mà khoa học còn rất tù mù, người ta lý giải cuộc sống bằng những giấc mơ, bằng những cắt nghĩa vào thượng đế, vào những quy luật siêu nhiên...

Vậy nên, pơ lang ấy, nó không chỉ là cái cây thông thường, không chỉ là cái cọc buộc trâu để ăn, buộc rượu để uống. Nó còn là nơi trú ngụ của các vị thần, hay chính xác là nơi… trung chuyển. Từ cao xanh các vị về nóc nhà rông, về các cây pơ lang cho gần dân, lắng nghe dân. Nó trở thành một phần của đời sống tâm linh của người Tây Nguyên…

Mùa này pơ lang xanh biếc lá, nó tích năng lượng cho mùa hoa sang năm. May mắn làm sao vẫn còn vài bông nở sót cuối mùa trên đường chúng tôi qua, nó nhoi nhói lên trong chiều cao nguyên cái ám ảnh bị lãng quên. Ấy thế nên cái ghi chép vụn này của tôi hy vọng sẽ nhắc mọi người nhớ rằng, đã có thời pơ lang đỏ rực buôn làng. Còn bây giờ, xe chúng tôi chạy trong mưa, những bông pơ lang đẫm nước lùi về phía sau trong màn mưa xám trời…
                                                                             V.C.H





7 nhận xét:

nhatrang nói...

Sao ở quê tôi( Hà Tỉnh) người ta gọi cây ngô đồng thì lại khác nhỉ? Thân đầy gai,xù xì, lá to như lá đa. Có cây sống hơn 100 tuổi.

(3) dung nói...

Nay em nghe ĐTNVN điểm tờ báo văn nghệ thấy có bài này của Bác, bảo Bác viết lan man bác ah.

Hoathanhquees nói...

Xin hỏi bác VCH:
Bạn nhatrang nói đúng đấy,ở nghệ an Hà tĩnh gọi cây Ngô đồng là cái cây có thân hình cao lớn sống lâu, thân bọc đầy gai, hoa đỏ, quả có hình thù rất đặc biệt y chang một cái bánh xe, lá hơi giống lá bồ đề nhưng dày hơn và quanh năm xanh biếc. Loại cây này hiện nay có rất nhiều ở thành phố Hải phòng, Thanh hóa. Gỗ và quả của cây này thì không có tác dụng gì cả làm củi đun cũng không được.Chính vì thế mà lâm tặc tránh xa cây ngô đồng.

Tuy nhiên theo như mô tả trong ca dao và các tác phẩm văn học thì suy ra cây Ngô đồng là cây không có thật.(ví dụ có bài hát mô tả một cô thôn nữ múc nước tưới cây ngô đồng, lại có câu ca dao nói cây ngô đồng không trồng cũng mọc...)
Xin bác VCH cho vài nhát khai ngu cho em. huhu.

Văn Công Hùng nói...

Bạn Nha Trang và Hoa thanh quế: theo ngu ý của tôi thì cây các bạn nói là cây gạo đấy ạ. Cây gạo và cây đa là hai loại cây rất bí ẩn ở vùng nông thôn vn và đều có thần, ma trú ngụ. Hồi nhỏ tôi ở thanh hoá hay lấy quả gạo làm bánh xe lộc ngộc lắp vào một nhánh tre chẻ làm xe. Còn cây ngô đồng như trong thơ nhạc thì nó có thật, nghe nói xuất xứ từ tàu và đang hiện diện ở huế và tôi có đưa lên trên đấy ạ.
Và về cơ bản thì, tôi cũng chưa được khai ngu về vấn đề này nên post lên để thỉnh giáo

Văn Công Hùng nói...

(3) dung: hi hi lan man là kiểu viết của tôi mà, cám ơn bạn nhé...

Lê Đăng nói...

Chào bác Hùng, quê em Quảng Trị, mọi người cũng gọi cây như bạn Hoathanhquees miêu tả là cây ngô đồng. Trước đây (vì không rõ hiện nay có còn không), ở trường Tiểu học Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị) có một cây to lắm, chắc đến hơn trăm tuổi, hồi nhỏ đi học thường chơi dưới gốc cây này, cây xù xì bọc đầy gai, khoảng 3 thằng ôm mới hết gốc, có hoa màu đỏ, lá to như lá bồ đề, quanh năm xanh tốt. Cầu trời cho các bác ở quê nhà không"cưỡng chế" cây này.

Nặc danh nói...

Ngô đồng là cây có thật, thân gỗ cao to, lá tựa như lá phong trên quốc kì Canada í. Nghe nói Cửu đỉnh ở Huế có khắc hình lá ngô đồng, còn ở Bắc Kinh, Hàng Châu (Tàu khựa) nó được trồng nhiều hai bên đường đi.