-------------------------
Có một người con gái quê Long An, khi miền nam giải phóng đang là sinh viên, bằng tất cả sự tin yêu và niềm tin trong trắng, chị đã có 2 bài thơ về bộ đội khá hay, đó là bài “Con tem quân đội” và bài “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư”. Chị là nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, những câu thơ của chị nói hộ nhiều người: “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư/ Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/ không một lần dám sống hy sinh”... Nói về những điều lớn lao ấy bằng thơ hoàn toàn không dễ. Mà lại nói hay, nói xúc động, không lên gân... cái chất thủ thỉ nữ tính giúp chị bộc lộ được những điều khó nói, và qua đó thấy hình ảnh anh bộ đội đáng yêu làm sao: “Anh có lạ lùng khi em nói em ghen/ Với quá khứ anh, những ngày đánh Mỹ/ em ghen với mắt nhìn tự tin, với nói cười thoải mái/ Ghen với những say mê em chưa có một lần/ Em ghen với bạn bè anh,ghen với những tâm hồn/ Từ dạo ấy tháng tư giải phóng”... Ơ, thế thì là yêu bộ đội rồi chứ gì? Hãy nhớ lại đi, những năm đầu giải phóng, không dễ gì người ta lại nói ra được những điều ấy. Đấy là gan ruột, là ngưỡng mộ, là niềm tin của nhân dân vào anh bộ đội cụ Hồ được nhà thơ cụ thể hoá một cách nhuần nhuyễn và ý nhị.
Khi
tôi còn là sinh viên thì Đinh Thị Thu Vân đã là nhà thơ nổi tiếng, chị
trở thành thần tượng, niềm ngưỡng mộ của rất đông bạn đọc, những bạn đọc
tuyệt vời một thuở. Sau này quen và chơi với chị, mới hay chị cùng lứa
với chúng tôi, hơn nhau vài ba tuổi. Tôi quen chị qua Nguyễn Đức Thọ,
nhà văn tài hoa mệnh yểu này tuồn tuột lôi tôi từ lầu 4 xuống phòng chị
Song Hảo và Đinh Thị Thu Vân ở khách sạn Tây Hồ (Hà Nội) trong một lần
dự họp Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp VHNT VN để... uống bia. Hắn cứ tưởng
tôi và hai nhà thơ này đã quen biết nhau rồi nên chẳng giới thiệu gì mà
cứ ngồi tì tì uống trong khi tôi tranh thủ chiêm ngưỡng hai nữ nhà thơ
Nam bộ lần đầu gặp. Song Hảo là tác giả bài thơ "Cao cao trên cửa sổ" và
"Khi nào anh đau khổ, hãy tìm đến với em...". Mồi rất nhiều và ngon.
Toàn đặc sản Nam bộ, tất nhiên là đồ khô. Và một lúc thì biết rằng, mồi
này Đinh Thị Thu Vân mang từ Long An ra. Cả Vân và Song Hảo đều vô
cùng... đàn bà. Cẩn thận, chỉn chu và dịu dàng, thấy người là nhớ đến
thơ Ôn Ga Béc Gôn "dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi". Sau
này thân nhau, khi gặp nhau chúng tôi nói đủ thứ chuyện, trừ chuyện...
thơ. Vân nấu ăn rất ngon và rất chịu khó nấu ăn. Tôi đã vài lần thưởng
thức tài nghệ ấy trong những chuyến nam du tại nhà chị. Trong nhà chị
còn một thứ rất vĩ đại nữa là... rượu. Có đến hàng mấy chục thẫu rượu
xếp hàng ngăn nắp sạch sẽ ở một góc nhà. Rượu ngâm lấy nhưng rất ngon,
và có cảm giác như trái gì, con gì cũng có thể ngâm rượu được, từ rượu
ổi, rượu nhàu, rượu trứng cá, rượu chuối cho đến tắc kè, rắn, rết...
Ngâm rất nhiều rượu nhưng... không uống được rượu. Tôi có cảm giác những
thẫu rượu kia mang đầy tâm trạng chủ nhân, những thẫu rượu cũng biết
trăn trở, thở than, cũng biết buồn vui ấm lạnh, cũng trằn trọc những đêm
gió chướng nằm nghe nước lên, cũng bồi hồi khi mùa thu phương nam rực
vàng hoa cúc... Hồi đầu nhà Đinh Thị Thu Vân ở trong một khu tập thể, có
cây phượng vĩ lẻ loi đứng ở ngay lối vào. Một nhà văn nói với tôi: Anh
cứ căn cây phượng vĩ ấy để tìm nhà Đinh Thị Thu Vân, nhờ thế tôi viết
được bài thơ “Cây phượng vĩ một mình”: “Ta về tắm nước Đồng Nai/ Thương
cây phượng vĩ cháy ngoài bến sông”... Tất nhiên chị không sống một mình,
chị ở với hai đứa con, một trai một gái, lớn lộc ngộc rồi, nhưng chị
luôn nghĩ chúng còn nhỏ lắm. Đi đâu cũng nhăm nhăm về để... chở con đi
học, nấu ăn cho chúng. Hai đứa con vừa là điểm tựa của chị, là niềm vui
đồng thời cũng là nỗi lo lắng, là gánh nặng vinh quang của chị. Chị te
tái nuôi con, sẵn sàng xù lông xù cánh vì con, hy sinh cho con, thấp
thỏm với từng bước chân thập thững của con, để giờ chúng lớn, chúng đi
hết lại từng đêm ngong ngóng lo cho chúng. Thế mà chị lại là người
rất... nhát gan. Có lần tại Hà Nội, tôi thấy chị và nhà thơ Song Hảo từ
phố về, mặt cắt không còn giọt máu, lấy tay đè ngực mãi mà không nói nên
lời khi tôi hỏi có chuyện gì xảy ra. Té ra chị và chị Song Hảo mượn xe
máy của ai đó đi dạo, loanh quanh thế nào đi vào đường ngược chiều. Gặp
Cảnh sát giao thông thổi phạt, hai bà sợ đến muốn khóc cũng không được.
Trong lúc luống cuống móc tiền, vô tình rơi ra cái thẻ nhà văn và cả thẻ
nhà báo. Anh công an, bây giờ đến lượt anh luống cuống: Sao các chị
không nói trước. Bây giờ em ghi biên lai mất rồi. Có thật chị là Song
Hảo không? Chị Hảo "bao giờ anh đau khổ" đây hả. Giời ơi, giá mà chị nói
ngay. Đây là chị Đinh Thị Thu Vân nữa hả, chị Vân "Con tem quân đội",
"Nếu không có ngày ba mươi tháng tư" chứ gì? Em thuộc các chị hết, ngày
xưa em thi vào tổng hợp văn mà trượt đấy. Thôi thế này nhé, bây giờ các
chị cứ phải nộp phạt thôi, hết ca trực em mời các chị đi chơi, em xin
làm hướng dẫn viên cho các chị và xin phép được mời các chị thưởng thức
bún ốc đặc sản Hà Nội... Tất nhiên các chị dịu dàng từ chối, và mãi vẫn
chưa hết... run.
Máy đểu của tớ chụp ĐTTV đấy |
Thời ấy, thơ chị vô cùng thật thà, chính sự thật thà ấy đã chinh phục trái tim người đọc: “Đừng
trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết/ Những nghĩ suy nông nổi của một
thời/ Những trống trải không dễ gì xua đuổi/ Nếu không có ngày ba mươi
tháng tư./ Nếu không có ngày ba mươi tháng tư/ Em giờ vẫn như thuở nào,
sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình, những lời khuyên
nghiêm khắc/ Không một lần dám sống hy sinh”... Bài thơ là sự giãi
bày tâm sự, giãi bày nỗi lòng, thủ thỉ đầy nữ tính của một người con gái
trước những người đàn ông vô hình nhưng lại rất cụ thể, người đàn ông
đã có một quá khứ hào hùng để làm nên ngày ba mươi tháng tư. Chị nói hộ
rất nhiều người sự trăn trở, đổi thay trong suy nghĩ, lối sống với cái
mốc ba mươi tháng tư: “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt
êm/ Lòng vẫn nghĩ: Tháng tư làm nhân chứng/ Ôi nhân chứng bao dung, nhân
chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn!/ Tháng tư ơi
xinh đẹp mãi tâm hồn”. Bài thơ này chị làm đúng vào ngày ba mươi
tháng tư năm 81, tức đã 6 năm sau giải phóng, có một độ lùi nhất định,
tình cảm với ngày giải phóng đã chín rồi chứ không phải bộc phát. Hãy
nhớ lại những ngày này. Đấy là những năm đất nước vô cùng gian khổ. Cơm
độn bo bo và sắn, thậm chí phải nói ngược lại mới đúng: sắn, bo bo...
độn vài hạt cơm. Những cơn đói triền miên khiến cả đất nước chỉ nhăm
nhăm lo cho cái ăn. Tất cả mọi chế độ tối thiểu bán theo tiêu chuẩn tem
phiếu. Rất nhiều người vượt biên, nhiều người ngả nghiêng, nhiều niềm
tin đổ vỡ... Bài thơ lan truyền trong giới trẻ như một sự định hướng
niềm tin và được giới trẻ đón nhận như chính tâm sự của mình. Thế mới
biết chức năng của thơ thật cao cả. Đinh Thị Thu Vân nhắc hộ cả lối sống
bàng quan, vô tình của cả một thời trước đó: “Em sẽ không hề nghĩ
đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa/ Có thể rồi sẽ quên cả mầu của lúa/
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ/ Sẽ nhọc nhằn
khi định nghĩa chữ "dòng kinh"/ Sẽ... rất nhiều, anh hiểu phải không
anh/ Ngày tháng trước, em là con ốc nhỏ/ Con ốc đa nghi cuộn mình trong
lớp vỏ/ Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh”. Bây giờ, tôi tin, có
tài năng đến mấy, cũng không bao giờ có thể làm lại được bài thơ như bài
"Nếu không có ngày ba mươi tháng tư" này. Ngay Đinh Thị Thu Vân, sau
này thơ chị cũng đã khác. Chị đằm thắm điêu luyện hơn, tinh tế hơn, dẫu
đề tài vẫn thế. Rõ ràng đã có một phong cách khác, một cách thể hiện
khác... Tinh tế hơn, trữ tình hơn, tính ẩn dụ nhiều hơn... nhưng vẫn là
một mạch cảm xúc về người lính ấy, những người lính đã làm nên ngày 30
tháng tư lịch sử như bài thơ “Áo người yêu” chẳng hạn.
Nhà
thơ Đinh Thị Thu Vân bây giờ (2007) là phó chủ tịch hội VHNT kiêm Tổng biên
tập Tạp chí Văn nghệ Long An. Ngoài tài năng thơ, chị còn có khả năng
làm kinh tế rất giỏi mà ngôi nhà 4 tầng bề thế ở con đường lớn nhất thị
xã Tân An, kề sân vận động là minh chứng. Ngôi nhà rộng đến mức tôi nghĩ
không biết trong một tháng có mấy lần chị đi hết mấy tầng nhà mình. Đến
nhà chị thay vì bấm chuông, ta phải gọi điện thoại, mà phải kiên nhẫn
gọi mấy lần, gọi di động không được thì gọi máy bàn, bởi không phải lúc
nào một người phụ nữ cũng khư khư cầm theo điện thoại khi đang ở trong
nhà mình. Chị như bận bịu suốt ngày trong ngôi nhà ấy, lặng lẽ và ưu tư,
lặng lẽ sống và viết. Và tôi cũng vừa có trong tay một tập thơ mới của
chị, tập “Một ngày ta ngoái lại”, chị viết như rứt ruột, lặn đến tận
cùng nỗi đau, nỗi buồn và từ đó lại lấp lánh sự ấm cúng, nỗi nhân hậu và
cả sự yêu đời:
em giấu một tình yêu trong sắc cỏ
giấu thanh xuân trong lặng lẽ hoa vàng
em chẳng ước gì thêm em biết rõ
có một người giấc ngủ chẳng bình an
Đọc
hết tập thơ mỏng, tôi như người đang ngơ ngẩn ở một phương trời khác,
trong veo, tinh khiết, bảng lảng... có một điều gì đó nhẹ và mỏng, khẽ
vỡ ra. Một chút khói sương, một chút an phận, và trên hết là một tình
yêu vĩnh cửu với tất cả những từng trải, chiêm nghiệm, đớn đau và xa
xót... “Một chiếc lá giao mùa đang rụng đấy/ Gió vô tâm đùa xót nỗi hao
gầy/ Hồn tôi úa võ vàng đêm giá rét/ Thôi cũng đành như lá phút rời
cây”...
Nó
khác xa cái thuở “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư” nhưng cũng vẫn
một cái nhìn ấy, một nỗi lòng ấy, một tình yêu ấy, Đinh Thị Thu Vân neo
vào lòng bạn đọc bằng những bài thơ đầy dư ba.Mãi
mãi người ta không thể quên ngày ba mươi tháng tư, cũng như không quên
bài thơ "Nếu không có ngày ba mươi tháng tư". Cả câu hỏi ấy nữa, không
bao giờ khép?...
(hì, viết từ 2007)
8 nhận xét:
Ấn tượng nhất của em về thơ ĐTTV lại là bài Bài thơ lục bát của anh, câu nào cũng thích. Ngày sinh viên chưa yêu mơ mộng mà đã "cảm" được những câu thơ kiểu "Chỉ đành trách những con đường, Khéo bay trăm lá me vương tóc người, Cho tay anh vội bồi hồi...", "Trách ngày sao để đêm về, Cho bao nỗi nhớ bộn bề vây anh, Trách ngọn đèn thức thâu canh...". Rồi đến tận lúc "Trái tim đã đập chân thành, Xin yêu ngày tháng chưa dành cho nhau". Em chắc chắn là ít, vô cùng ít người phụ nữ nói được điều này. Rồi nữa, "Thơ tặng ai em xin quên, Ngỡ xưa anh viết dành riêng tặng mình", chắc có mỗi chị Thu Vân làm được !
Anh làm thế nào mà chuyển sang cái chấm com này thế? Bảo em với! Vẫn nguyên tài sản, thích thật.
Nhờ bác Văn Công Hùng thông báo Quê choa đã hết bị treo, đã đổi tên miền:quechoa.vn. Xin cảm ơn
Vừa đọc lại bài " Tháng 5 này gió thổi dọc Trường Sơn " của anh Hùng . Chợt nhớ về các cô gái tự vệ nông trường ở Lạng Sơn cuối năm 1978...
Sáu năm sau viết nên bài thơ ấy. Sáu năm sau nữa cũng có thể viết tương tự như vậy. Nhưng bây giờ, nếu có viết theo đề tài " không có ngày ấy ", e là ý tưởng đã ...chông chênh ?.
Em lớn lên thì đã không còn việt nam cọng hòa nữa. Hình ảnh người lính năm xưa chỉ còn qua lời kể của bà và mẹ. Sau này em được mục sở thị qua những thước phim tài liệu. Bỏ qua những thành kiến, phải công nhận là người lính vnch đẹp và oai hùng trong bộ quân phục hoành tráng. Nói thật thì sợ anh giận nhưng em thấy bộ đội mình nhếch nhát quá. quân phục rất là xấu và không thấy chút gì oai hùng, Không hiểu khiếu thẩm mỹ của cô nhà văn TV như thế nào chứ em nhìn thấy bộ đội chả bao giờ thấy chút rung động nào cả. Cứ lấy hai hình ảnh ra so sánh thì sẽ thấy bên cú bên tiên đó. Xin lỗi nha.
Những người phụ nữ thế hệ anh người ta không chỉ bằng đôi mắt mà nhìn bằng trái tim và trí óc em Hương giang ạ.Gửi em mấy câu thơ thế hệ nhà văn TV:
Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp hơn hoa hồng, rắn hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt dành cho ngày gập mặt.
Thần tượng của em em có thể chọn ở các đoàn làm phim, hay một số hội đoàn tập trung các ông lính kiểng VNCH ở Mỹ.Các ông không tham gia chiến đấu bao giờ chạy sang Mỹ quân phục còn mới nguyên trông đẹp lắm
Những người phụ nữ thế hệ anh người ta không chỉ bằng đôi mắt mà nhìn bằng trái tim và trí óc em Hương giang ạ.Gửi em mấy câu thơ thế hệ nhà văn TV:
Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp hơn hoa hồng, rắn hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt dành cho ngày gập mặt.
Thần tượng của em em có thể chọn ở các đoàn làm phim, hay một số hội đoàn tập trung các ông lính kiểng VNCH ở Mỹ.Các ông không tham gia chiến đấu bao giờ chạy sang Mỹ quân phục còn mới nguyên trông đẹp lắm
Đăng nhận xét