Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

AI ĐAU KHỔ KHÔNG?

       Tôi học đại học ở một thành phố nổi tiếng về văn hoá, nhưng cũng không chấp nhận văn hoá... hôn nhau. Vài đêm cư xá lại nhốn nháo ầm ĩ vì cờ đỏ bắt được một đôi... hôn nhau. Hầu như không tháng nào không có thông báo kỷ luật sinh viên... yêu nhau quá đà, tức là hôn nhau bị bắt. Mãi sau này mới có nạn “tình yêu ri đô” chứ thời tôi nghiêm lắm. Thế mà Song Hảo dám cho hai người, một là lính, một là công nhân, hôn nhau bên một ô cửa sổ nhà tầng giữa thanh thiên bạch nhật cho rất nhiều người thấy, hơn thế nữa, còn "Chim ơi đừng bay nhé/ cây ơi hãy ngủ yên/ và hoa ơi xin đừng nở... cho đôi bạn trẻ đón xuân về..." thì quả là táo bạo nhưng lại đầy chất nhân văn và dũng cảm..

 
Song Hảo và VCH, Bến Tre 2011
 

          Tôi quen chị Song Hảo cách đây khoảng trên chục năm. Cái câu "Văn là người" vận vào chị có vẻ đúng. Nhớ cái hồi ca sĩ Ái Vân đang nổi với bài hát có cái câu: "Mặt đất còn chông gai/ cuộc đời còn bão tố/ bao giờ anh đau khổ/ hãy tìm đến với em..." làm xốn xang bao trái tim chả cứ đàn ông, mà cả đàn bà. Khiếp, kiếm ở đâu ra cái mẫu người đàn bà vị tha đến thế, nhẫn nhịn đến thế, chịu hy sinh đến thế. Anh cứ tung tẩy đi, vui vẻ đi, thoả thuê đi, phỉ chí tang bồng đi... cho đến bao giờ bất hạnh đau khổ, bị bỏ rơi hắt hủi, bị cuộc đời vùi dập... thì lại tìm về với em. Em như mặt đất bao la, như mặt trăng hiền dịu, dẫu nhiều nước mắt và nhiều đêm thao thức, nhưng vẫn nhân hậu và bao dung. Em biết trước cuộc sống này, bầu trời này nhìn thế nhưng hẹp lắm, và đầy trắc trở. Anh hoành tráng thế, mạnh mẽ thế, nghênh ngang thế... nhưng thực ra lại vô cùng yếu đuối. Em là phái yếu thật đấy, nhưng những lúc như thế này mới biết ai mạnh hơn ai. Cứ về với em, trút đi mọi nỗi ưu phiền, rồi cuộc đời lại sẽ phơi phới, bởi vì "Lòng anh còn bóng đêm/ em về làm tia nắng"... Có một bài hát nữa của nền âm nhạc Việt Nam cũng nói đến vấn đề này: “Em sẽ không đến nếu như anh buồn, bởi vì nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua đi. Em không đến nếu anh lạnh giá. Bởi nếu trái tim có lạnh rồi cũng có ngày có lửa. Em không đến khi anh đang hạnh phúc... chỉ khi nào người đàn ông trong anh bật khóc thì em mới đến để thấm khô những giọt nước mắt, những giọt tâm hồn”...(bài “Em sẽ đến”, thơ Nguyễn Lam Điền, nhạc Lương Hải mà cố ca sĩ Ngọc Tân khi hát đã đổi tất cả "anh" thành "em" và ngược lại vô cùng phản cảm dù anh hát vô cùng hay). Ấy là những ca từ tuyệt hay nói về sự vị tha, hy sinh tột cùng của người phụ nữ, sự hy sinh chả hiểu có nhiều ở ngoài đời không? Thì cái ca từ bài hát có câu "Bao giờ anh đau khổ hãy tìm đến với em" đầy bao bọc chở che kia, đầy âm vang chờ đợi, đầy ngọt ngào nhẫn nhịn, đầy cao thượng kia chính là của chị Song Hảo đấy, bài "Tâm Hồn" được chị viết vào năm 1984.

Ở ngoài đời chị cũng dịu dàng và đầy tính hy sinh như thế. Lần mới đây nhất, tôi gặp chị ở Hà Nội trong một cuộc họp các nhà văn Việt Nam. Chị nói trong chương trình ra Hà Nội lần này là sẽ đi tìm nhạc sĩ đã phổ thơ chị, cái bài “Tâm hồn” ấy mà chị chưa bao giờ gặp mặt, hiện đang sống ở Hà Nội, một người bạn mới cung cấp cho chị địa chỉ đây. Tôi tròn mắt không tin: Bài hát nổi tiếng như thế, hát từ nam chí bắc, từ đông sang tây, Ái Vân mang cả sang nước ngoài mà hai người chưa gặp nhau ư? Vậy đã bao giờ điện thoại hoặc thư từ gì chưa? Cũng chưa nốt. Trời đất ơi, sao mà lạ vậy. Thời buổi này, nhoáy một cái là véo von với nhau ngay, cả thế giới trong một cái nhấp chuột. Thế có nhuận bút nhuận bẹo gì không? có tác quyền tác kiếc gì không? Mặt ngang mũi dọc chưa biết, nhuận bút gì, chị gặp là để cám ơn nhạc sĩ đã giúp bài thơ của chị bay xa chứ chả phải đòi hỏi chia chác gì... Thế mà rồi suốt chuyến ở Hà Nội ấy hình như chị cũng chưa gặp được người nhạc sĩ kia. Tôi có nói để em tìm cho chị, ba mươi giây em tìm ra ông ấy ngay. Chị bảo để chị tự tìm nó thú vị hơn. Có một hôm chị mượn xe máy rồi rủ Đinh Thị Thu Vân đi tìm. Vừa đi được một khúc thì... bị cảnh sát giao thông bắt xe vì đi vào đường ngược chiều, tôi đã kể trong bài viết về Đinh Thị Thu Vân. Thế là ý định ấy tiêu tan vì với bản tính của mình, ba ngày sau chị vẫn... không dám ra đường, dù trong chiến tranh đã từng cầm súng rượt địch có cờ, thế là cái nỗi canh cánh trong lòng của chị suốt hàng bao nhiêu năm vẫn chưa được giải toả, chị lại phải mang về Vĩnh Long, về cái Cù Lao có nhà chị mà tôi đã vào ngồi nhậu ở cái hiên rất rộng.

 Thị xã Vĩnh Long nằm bên bờ con sông Tiền nổi tiếng. Đâu như giữa sông có một cái cù lao, phải đi phà để sang. Ngày hai lần Song Hảo đi trên con phà ấy. Song Hảo là bút danh của nhà thơ dịu dàng xinh đẹp này, còn tên thật của chị là Lê Thị Tố Lan, nguyên là một nữ sinh mộng mơ văn chương nghe theo mách bảo của trái tim yêu nước bỏ vào chiến khu Đồng Tháp Mười theo cách mạng từ khi mới mười sáu mười bảy tuổi cho đến khi về hưu là phó chủ tịch hội kiêm tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Long. Chị còn một bài thơ nữa cũng nổi tiếng được nhạc sĩ Xuân Hồng phổ nhạc là bài "Mùa xuân bên cửa sổ" với hình ảnh rất đẹp là "cao cao bên cửa sổ/ có hai người hôn nhau". Cái thời bài thơ này ra đời, tôi nhớ, hôn nhau đang còn bị cấm. Muốn tìm hiểu nhau phải báo cáo tổ chức, tổ chức có đồng ý mới được gặp nhau tìm hiểu, còn không là sẽ bị ghép vào tội “quan hệ bất chính”. Mà được tổ chức đồng ý rồi thì khi gặp nhau cũng phải ngồi... giữa nhà, hai người hai bên, cái bàn ở giữa, đèn sáng choang, cửa mở rộng. Đêm đêm, tự vệ và cờ đỏ hay đi rình bắt những cặp... yêu nhau, ngồi tâm sự dưới... hai người. Ông thủ trưởng cơ quan tôi hồi ấy sáng thứ hai giao ban nào cũng lôi vài cặp ra... kiểm điểm. Ông cũng rất hăng say cùng cánh thanh niên lặn lội đi rình, đi bắt những cặp tình nhân khốn khổ. Tôi học đại học ở một thành phố nổi tiếng về văn hoá, nhưng cũng không chấp nhận văn hoá... hôn nhau. Vài đêm cư xá lại nhốn nháo ầm ĩ vì cờ đỏ bắt được một đôi... hôn nhau. Hầu như không tháng nào không có thông báo kỷ luật sinh viên... yêu nhau quá đà, tức là hôn nhau bị bắt. Mãi sau này mới có nạn “tình yêu ri đô” chứ thời tôi nghiêm lắm. Thế mà Song Hảo dám cho hai người, một là lính, một là công nhân, hôn nhau bên một ô cửa sổ nhà tầng giữa thanh thiên bạch nhật cho rất nhiều người thấy, hơn thế nữa, còn "Chim ơi đừng bay nhé/ cây ơi hãy ngủ yên/ và hoa ơi xin đừng nở... cho đôi bạn trẻ đón xuân về..." thì quả là táo bạo nhưng lại đầy chất nhân văn và dũng cảm... Thế nên chị rất “được lòng” các bạn sinh viên. Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm kể trong weblog của mình rằng: “Nhà thơ Song Hảo bị bắt cóc tại thành phố Vinh, bị kẹt ở Hà Tĩnh. Dù không ra phố, nhưng nhà thơ Song Hảo đã bị các cậu ấm cô chiêu là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh phát hiện tại cầu Bến Thủy, thông qua nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh Vĩnh Long đang cùng nhà thơ hành phương Bắc vào tháng 2 năm 01. Vậy là Song Hảo bị lôi vào phòng Lễ tân của khách sạn, bị ép phải trả lời đã hôn ai hay chỉ tưởng tượng mà sáng tác “hai người hôn nhau bên cửa sổ”. Sau đó nhà thơ lại còn bị sinh viên bắt hát, bắt đọc thơ, bắt kể chuyện. May cho chị là cuối cùng cũng được đám sinh viên ngưỡng mộ tha và tặng cho một bó hoa cực đẹp. Bó hoa sau đó bị Văn Quốc Thanh đánh thó để tặng cho hương hồn 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc. Ngùi ngùi trước khói nhang lãng đãng, Song Hảo không biết lấy đâu ra hoa để viếng. Trong cơn bấn bí, nhà thơ đã moi trong giỏ xách ra cây son môi hàng xịn và hộp phấn ngoại, kính cẩn bày dưới chân tượng đài các nữ anh hùng mà đến nay đã trở thành người không có tuổi”.
 
          Nhớ cái lần tôi đi một chuyến “giang hồ vặt” vào các tỉnh miền Tây, có ghé qua Vĩnh Long “hành” chị Hảo mấy hôm. Các tỉnh đồng bằng sông cửu long có một đặc điểm là rất gần nhau, và vì thế mà lưu thông trên đường thường xuyên có sóng di động, chứ không như đường miền trung hồi ấy, cứ 15 phút có sóng lại một tiếng không sóng, ngồi trên xe nói chuyện cứ lo ngay ngáy mất sóng. Sáng hôm chúng tôi từ Sài Gòn về Vĩnh Long, cứ một chốc chị Hảo lại điện hỏi đến đâu rồi. Chị cứ sợ thằng em bị lạc hoặc lại ham vui tụt tạt đi đâu đó. Ðến Vĩnh Long, ngoài Song Hảo, còn nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, Văn Quốc Thanh... Văn Hồ Tĩnh Tâm tôi đọc từ lâu, và cứ tưởng anh người nam bộ thứ thiệt bởi một thứ văn rặc ri U Minh Ðồng Tháp Mười. Nhưng hoá ra anh là người Quảng Trị. Trước là bộ đội và hiện nay đang là giáo viên trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long, hội viên hội nhà văn Việt Nam. Hồ Tĩnh Tâm và Văn Quốc Thanh là hai người vô cùng nhiệt tình với bạn bè. Suốt những ngày tôi ở Vĩnh Long đi đâu ngoài chị Song Hảo đều có 2 anh. Bắt đầu từ Vĩnh Long trở vào, đến đâu cũng thấy họ tận dụng du lịch sinh thái. Mà nguyên tắc, cái gì đã dính tới du lịch là... đắt, dù là bình dân như cái xưởng làm kẹo dừa thủ công giữa cù lao sông Tiền chị Hảo đưa chúng tôi ghé vào được mời uống nước trà, được mời ăn nếm, dù chủ không mời mua nhưng ai cũng mua vì uống nước rồi, ăn kẹo rồi, dù chỉ một cái chứ kẹo dừa không đủ thời gian để ăn hai, mà không mua nó cứ như là ăn quỵt. Mỗi gói 13 nghìn, xách xách mang mang. Hôm sau đến ngã ba Sóc Trăng, Mỹ Tho, Long An, nơi bán kẹo dừa nổi tiếng, mỗi gói chỉ 7 ngàn. Chiếc thuyền chị Song Hảo thuê chở chúng tôi đi dọc sông Tiền, đoạn bọc lấy thị xã Vĩnh Long trong chương trình du lịch sinh thái. Mùa lũ, nước sông Tiền đỏ ngầu phù sa, thuyền chạy lạch phạch trên sông cho du khách ngắm cây bần cây mắm cây dừa nước... ngắm những căn chòi tạm bợ và những con rạch chằng chịt chui thăm thẳm vào những rặng dừa nước, mỗi con rạch như thế lại chạy vào một khu dân cư thòi lòi hơ hóng đâu đó, ngắm những cây cầu khỉ chênh vênh xiêu vẹo chắp nối như những cây sào gác chểnh mảng qua sông, thử thách lòng kiêu hãnh của những đôi giày cao gót, những chiếc váy ôm những cặp chân dài của khách du lịch. Vài năm nữa thôi, cầu khỉ chỉ còn trong ký ức, trong bảo tàng và các vùng bảo tồn du lịch, ai muốn đi phải... trả tiền.

 Cũng như thế, những cái nhà cầu lộ thiên xuống sông kia một thời gian nữa có kể cũng phải vẽ ra giấy người khác mới hiểu. Thì những cái hầm cá tra nổi tiếng ngày nào giờ đã được thay bằng bè cá, chả còn ai ngồi chềnh hênh, vừa ngồi vừa... nói chuyện, thải trực tiếp xuống hầm cho cá xơi nữa. Nhưng nghe dân thổ địa nói nhỏ thì cá tra xơi cái "khoản kia" thịt ngon hơn cá nuôi bằng thức ăn tổng hợp bây giờ? Dân cư nam bộ phần lớn sống bám hai bên bờ kinh rạch, quay mặt ra sông như dân ta bám mặt đường. Mọi sinh hoạt buôn bán giao thương đều diễn ra trên sông, đường vào đất liền là những cây cầu khỉ chênh vênh dài ngoẵng. Và ở Vĩnh Long này thì họ lập vườn. Những vườn chôm chôm, nhãn, sầu riêng... bạt ngàn trĩu quả với chức năng chính là... cho khách du lịch thăm quan. Các thuyền chở khách thích vườn nào thì ghé vào. Mười ngàn đồng một người, khách được ăn trái đang lủng lẳng trên cây đến thoả thuê. Mà nói thế chứ ăn được bao nhiêu. Nếu mua tại vườn thì trái cây khi ấy cực rẻ: 700 đồng một ký nhãn. Chôm chôm sầu riêng cũng tương tự, nên khi chủ vườn biết chúng tôi là nhà văn nhà báo đều tỏ ý "nhờ phản ảnh" hộ! Thăm chán, ghé nhà chị nhậu và ăn trái cây đến lở mồm. Khuya chị dẫn qua phà dạo bộ thị xã rồi ăn cháo trắng với cá bống kho, hột vịt muối. Cứ lặng lẽ dịu dàng thế. Như chưa hề có những ngày chiến khu bắn nhau chí tử. Như chưa từng trải qua những ngày khốn khó của một nhà thơ đa cảm đa đoan ngu ngơ giữa thời bao cấp. Và cho đến khi về hưu chị vẫn ngu ngơ như thế. Hạnh phúc trên tay chị, vừa mỏng manh dễ vỡ, vừa liều lĩnh dấn thân, lại vừa bạo liệt bất chấp. Chị vừa đủ đầy vừa thua thiệt, nhưng cứ dịu dàng như mọi thứ trên đời này cần phải được bao dung, phải được nâng niu chia sẻ...
Nhà thờ cụ Đồ Chiểu, Bến Tre.
 
          Nhà riêng Song Hảo ở một cù lao, phải đi phà sang thị xã và ngược lại, được bao quanh bằng đất để chống lụt, một kiểu bao rất điển hình miền Tây. Ngôi nhà khá khang trang với vườn cây rất đặc trưng Nam bộ, riêng cái hè có thể chứa được một lúc vài chục người ngồi nhậu (chợt nhớ 4 câu thơ trong bài "Tâm hồn" vừa dẫn ở trên: “Vườn nhà em đầy hoa/ Hương thơm và trái ngọt/ Mái nhà em dịu mát/ Đằm thắm và bao dung...”). Hồi còn công tác, hàng ngày chị đi phà sang cơ quan làm việc, sáng đi chiều về. Nhiều khi có khách văn chương, vài ba ngày chị mới về, gian trong của phòng làm việc, chị kê một chiếc giường, con gái chị học xong thường về đây nghỉ để đi... học tiếp. Phụ nữ làm lãnh đạo hội nên cái cách tiếp khách cũng khác. Chị bố trí hai phòng khách ngay trong cơ quan. Văn nghệ sĩ vào Nam ra Bắc ghé qua cứ vào mà nghỉ. Tính ra cũng chả hại gì. Văn Nghệ sĩ ghé qua, thế nào khi về chả có một vài tác phẩm, như thế chả phải đầu tư nhiều mà vẫn có tác phẩm viết về quê hương mình. Nói thế nhưng cái chị đầu tư chính là sự nhiệt tình tốt bụng dịu dàng đối với bạn bè văn nghệ. Cũng chả dễ dàng gì đâu. Cũng ở trong tình cảnh ấy, tôi biết. Nhiều khi muốn tốt bụng cũng chẳng được...
 
          Ước gì tất cả chị em phụ nữ vĩ đại của chúng ta, ai cũng hát hay, hát đắm đuối da diết cái câu: Bao giờ anh đau khổ, hãy tìm đến với em...
----------
Lời kết:
Sau khi bài này ra đời và in trên báo Văn Nghệ trẻ, có 2 việc đã xảy ra.

Một là chị Song Hảo đã nghỉ hưu, và giờ cũng chơi facebook. Hôm nọ tôi thấy nick của chị, có chào chị và kết bạn với chị nhưng chưa thấy chị trả lời, cũng có khi là do con gái chị lập cho chị rồi nó... quên.

Hai là nhạc sĩ Huy Tiến đọc bài đã liên hệ được với chị. Anh Huy  Tiến có điện cho tôi vài lần thông báo chuyện đã liên lạc được với chị như thế nào. Và tất nhiên là anh cám ơn.

3 nhận xét:

Năc Danh nói...

"Chim ơi đừng bay nhé"
Một câu thơ đọc đáo, đọc nhất vô nhị trong thơ ca VN.

Nặc danh nói...

Thơ Song Hảo Hay quá
Bài viết bác VCH cũng quá hay
Đọc rồi thấy rất khoái

Nặc danh nói...

Khoái