Nhớ hồi ở Huế mình cũng ngồi ở sân Thượng Tứ "tường thuật trực tiếp",
mình nói cho vui vì khoái Đình Khải, Hoài Sơn mà bắt chước, ai ngờ mấy
thằng lớp Lý khoải tỉ, mấy chục năm sau ra trường còn nhắc. Hôm rồi mới
gặp một thằng, nó bảo: Tao nhớ mày hồi ấy hay ngồi trên thành tường
thuật bóng đá. Bọn đá thì dở ẹc nên không thèm nhìn chúng đá mà chỉ nghe
mày tường thuật cho khoái. Mà thực ra thì mình cũng có... nhìn bọn đá
mà tường thuật đâu, mình tưởng tượng ra hết, hehe, mấy em lớp lý (xấu
lắm- hehe) chết mê chết mệt giọng mình.
Nhưng mình không... đụ mạ khi tường thuật, tức là thua Đình Thiệu...
---------------
Chưa bao giờ mà dân ghiền thể thao lại sướng
như bây giờ. Hết truyền hình cáp lại đến kỹ thuật số, hết internet online lại
tin nhắn điện thoại. Chả bù ngày xưa, có tí bóng đá ở sân Hàng Đẫy là lại ôm
ghì lấy cái Oriongtong tổ bố, vừa áp tai vào vừa vỗ, vừa vặn núm vừa xoay pin
nhưng vẫn tiếng được tiếng mất, mà tiếng được lại lẫn với tiếng sôi ùng ục xèo
xèo của đài... Thế mà Hoài Sơn, Đình Khải thời ấy trở thành thần tượng của biết
bao người, trong đó có tôi. Tôi nhớ ba tôi nghe hai ông Sơn và Khải tường thuật
bóng đá rồi phán: Họ không thể nói trực tiếp được, phải nói sau. (Ông không
hiểu rằng nói sau còn khó gấp bội nói trực tiếp, nhưng sở dĩ ông nói thế vì ông
thấy hai anh này liên tu ti không vấp váp gì khi mà bóng và chân cầu thủ cứ đan
dọc đan ngang vô cùng lưu loát trong... mồm các ông). Sau này đi làm báo, gặp
Đình Khải, thấy một ông lù khù như ông nông dân, nhìn ông, ngắm nghía ông, cứ
tự hỏi có phải ông này là Đình Khải tường thuật bóng đá không? Rồi đến lúc thấy
ông làm trực tiếp trên sân, ơ kìa, nhàn nhã thật, cứ như là ông đang ngồi ở sân
uống nước chè hút thuốc lào tiện thể cà kê thêm tí tí về bóng đá. Nhưng trí nhớ
của ông thì siêu phàm. Lần đầu gặp ông một tí, có ai đó giới thiệu tôi với ông,
rồi tôi bày tỏ với ông rằng tôi hâm mộ ông từ nhỏ, ba tôi cũng hâm mộ ông, hình
như ông bảo cũng có đọc tôi. Bẵng đi cả
năm tôi gặp lại ông trên sân bóng khi ông đang thủng thẳng chuẩn bị tường
thuật, chả có ô có ngăn gì, một cái bàn, micro cầm trên tay... nhưng ông nhận
ra và gọi đúng tên tôi. Điều ấy cắt nghĩa tại sao khi tường thuật, thôi thì
những Thế Anh, Cao Cường, Mỵ, Hiển, Khánh, Chính, Điểm... ông nhớ vanh vách đã
đành, đằng này tường thuật bóng đá quốc tế, hồi ấy các giải quân đội các nước
XHCN hay tổ chức ở Việt Nam, tên dài ngoằng ngoẵng, trẹo cả mồm cong cả lưỡi,
ốp, ép, xki... thế mà ông cũng cứ là làu làu chả sót một âm gió nào thì quả là
thần kỳ. Dông dài thế để nói rằng nếu không có ông và những người bình luận thể
thao thì cái khoảng cách giữa người hâm mộ và các trận đấu nó cứ xa vời nếu
không muốn nói là chả cách gì mà được thưởng thức. Và cũng để nói rằng, những
nhà báo thể thao như ông thuộc hàng thượng thặng rồi, mở mồm ra là... bóng lăn.
Khi
mà truyền hình chưa phát triển như bây giờ thì ngoài radio, báo giấy chiếm thế
thượng phong. Tôi nhớ mỗi lần Euro hoặc word cup thì các báo bao giờ cũng ra
tin nhanh, vừa phục vụ dân ghiền, vừa tăng thu nhập cho báo. Hồi ấy tin nhanh
chạy hơn tôm tươi thời bao cấp. Và cũng từ đấy mà những cái tên như Chánh
Trinh, Tường Vi, Nguyễn Nguyên... xuất hiện và khẳng định vị thế trong lòng bạn
đọc. Một loạt các nhà thơ, nhà văn, đạo diễn... cũng "lên ngôi" cùng
bóng đá như Anh Ngọc, Doãn Hoàng Giang, Tô Nhuận Vĩ, Yên Ba, Phạm Xuân Nguyên...
họ trổ tài dự đoán mà phần lớn là... sai, và sai thì trận sau lại... sai tiếp.
Lên truyền hình dự đoán sai mà vẫn được người hâm mộ chờ đón thì quả là chỉ có
bóng đá và thi nhân làm được việc ấy.
Hồi
ông Nguyễn Lưu còn ở Đăk Lăk tôi đã biết ông. Đấy là một gã đàn ông lòng khòng
ốm yếu ngu ngơ và có phần... vụng về, chỉ có mỗi cái giọng nói nhanh như chim
mổ đậu xanh là hơn người, dù tôi nghe nói ông từng là vận động viên bóng rổ
quốc gia, bóng bàn có hạng và bóng đá cũng hai chân như một. Thế mà khi chuyển
ra Hà Nội ông như một người khác, lột xác hoàn toàn. Ông tung hoành trên báo
giấy (bút danh là Amalâm), mắc võng trên truyền hình, và liên tục là khách mời của các chương trình
thể thao. Tôi vài lần được ngồi xem bóng chuyền bóng đá rồi đàm đạo bóng bàn
với ông, mới thấy ông có sự hiểu biết đáng nể và khả năng phân tích sắc sảo.
Ngược lại có vẻ ông cũng khoái tôi, một nhà thơ nhưng cũng yêu và có chút biên
biết thể thao, nên nếu có dịp là ông lại rủ tôi cùng xem, hoặc không thì gọi
điện nhắn tin không kịp thở. Thi thoảng ông gọi điện phỏng vấn, có lúc đặt bài,
và thú thật là ông đều... gà cho tôi viết, trừ lúc ông hỏi rất nhanh: Đêm nay
ai thắng? để điền vào cái ô mà ông phụ trách: "Khán giả dự đoán". Ông
là chuyên gia về bóng chuyền đến nỗi cái hồi tivi chưa rộng khắp như bây giờ,
truyền hình Việt Nam bắt mò được cái đài Thái Lan đang tường thuật Seagame, chả
biết đội nào ra đội nào vì nó nói tiếng Thái, vời ông đến, nhìn một tí ông nói
vách tên hai đội rồi ngồi vào bình luận luôn. Nên nhớ hồi ấy chả bao giờ được
xem bóng chuyền quốc tế như bây giờ mà quen mặt với quần áo cầu thủ.
Nhưng
đấy là các bình luận viên chuyên nghiệp, tôi thú nhất là được nghe các bình
luận viên nhân dân... cãi nhau. Mỗi lần đến mùa bóng đá thì thôi rồi, các quán
cà phê sáng nghìn nghịt người, và ai cũng mở hết công suất... nói. Tất cả đều
bình đẳng, từ ông giáo sư đến anh xe ôm, từ anh viên chức đến bác chủ quán, cả
mấy chú đánh giày, mấy nàng vé số, mấy cô cậu dạt vòm... Có người còn gọi việt
vị là "liệt" vị, chưa phân biệt ném biên với phạt góc, nói như ông
Hai Bửu một thời là chưa biết trái bóng mấy múi, nhưng cãi nhau hăng hơn chia
thịt bò chết ngã nước, đại loại chỉ biết gọi Ronando là "thằng" đầu
trọc, bảo cứ thấy "thằng" đầu trọc lao lên là vào, không oong đơ chi
hết..., hoặc như gần tất tần tật đều yêu anh mắt trố Colina, dù thú thật, nếu
mới nhìn lần đầu ngoài đời chắc trông ông trọng tài người Ý này gớm chết, nhưng
sự trung thực, phong thái khoan thai dứt khoát nhưng lại cởi mở của ông trên
sân đã thu phục tất cả mọi người...
Nhân
đây nói luôn về các "bờ lờ vờ" bóng đá trên truyền hình của ta hiện
nay. Có cảm giác như họ vừa tường thuật vừa... ngủ, nên chả theo dõi tình huống
trên sân. Bóng ra biên thì bảo trận đấu đang tiếp tục, trọng tài rút thẻ vàng
rồi thì bảo anh không phạm lỗi, không những thế còn luôn khẳng định "không
hề phạm lỗi", thậm chí bóng vào lưới rồi còn bâng quơ đâu đâu. Họ nói
nhiều quá trong khi lại bỏ sót điều cần nói. Lẽ ra như ông Đình Khải tường
thuật trên sóng phát thanh mới phải nói nhiều và lăn theo bóng vì chả ai thấy
trái bóng ở đâu trừ ông ấy. Còn truyền hình thì ai cũng đang xem cả, cũng thấy
rõ là bóng đang lăn ở chỗ nào, cầu thủ nào đang chạy đang đi... chả cần giới
thiệu liên tu bất tận đến ríu lưỡi lại như thế, mà cái cần là anh cung cấp
thông tin ngoài trái bóng, ngoài sân cho người xem. Và có thể là những bình
luận thật đúng, thật sát và thật tinh tế hài hước...
Nhưng
nói gì thì nói, nếu không có các nhà báo thể thao, thì sẽ thế nào nhỉ? Một trận
bóng đá chẳng hạn, thiếu đi những cái máy ảnh dài ngoẵng chờ chực ở cầu môn,
những cái áo bính lúc vật vờ lúc liến thoắng trên sân, rồi sau trận đấu, chả
thấy dòng nào trên báo, rồi tivi cứ chiếu mà chả thấy ai nói gì (dù thi thoảng
tôi có làm một cái việc không được phải lắm với các đồng nghiệp khi xem
"vilit phút bồn" là xem tivi nhưng tắt tiếng rồi mở radio để nghe),
nhưng dù sao thì cũng vẫn phải có họ. Họ là một phần của thể thao, và thể thao
thì là một phần của cuộc sống, vậy thì họ là một phần của cuộc sống vậy.
Vậy
nên chân dung nhà báo thể thao của nhà báo thể thao Nguyễn Lưu mới mần đến mấy
tập.
Pleiku đêm 17/9/2009
--------------
Đây là bài mình viết Tựa cho tập sách của ông Nguyễn Lưu từ hồi 2009, sau khi đăng bên vnweblogs.com thì có mấy chục cái còm, trong đó có cái còm này đọc còn tưng bừng hơn bài chính (người còm này nghe nói học cùng trường mình, sau mình 20m khóa, và giờ làm ở VTV):
Quyền lực V.O.V
Hôm Chủ nhật vào sân Chi Lăng xem bóng đá trận SHB.Đà Nẵng gặp Hoàng Anh –Gia Lai, thấy một CĐV trung niên mắt thì dán xuống sân Chi Lăng còn tai thì ghì chặt chiếc đài FM nghe tường thuật trận T&T.HN đá với Đồng Tâm Long An ngoài Hà Nội. Bên cạnh thằng cu con thỉnh thoảng lại giật lấy đài của bố để nghe. Chẳng khác gì mình thời nhỏ.
Một tín đồ của VOV mình chụp được trên sân Chi Lăng
Đúng là bây giờ xem bình luận bóng đá qua ti vi chán vô cùng. Các BLV cứ nhàn nhạt, thiếu cá tính, kiến thức, hoặc ăn nói bốc giời vô tội vạ. Cha mình ở nhà có trận đấu nào là ông bật hình lên tắt phụt âm thanh, lôi con đài của cụ xuống. Thế là mắt xem truyền hình còn tai nghe VOV. Tất nhiên phải là giọng của bác Đình Khải.
Hôm qua, trước khia chia tay không nhậu được với nhau mình chỉ dặn thằng em Khắc Cường ( BLV VTV 3) cố gắng bình luận cho ngon chứ đừng đi theo con đường ai cả chán lắm. Mình quý nó từ thời ra Hà Nội nhậu chia tay với đại ca Anh Ngọc sang Italia, nên mới khuyên nó thế. Nó bảo ừ em rút kinh nghiệm…
Thương nhỉ. Thiệu chó nên mời anh này đi uống cà phê
Mình đi làm mới gặp bác Đình Khải, thần tượng tuổi thơ. Ông già rồi, trên 60 mà khí lượng vạm vỡ. Đúng là người sinh ra để bình luận bóng đá trên sóng FM. Bác Khải và Hoài Sơn là cặp bài trùng bình luận bóng đá VOV một đi không trở lại. Mình ước giá như gần đây bác không nhảy sang bình truyền hình…
Cặp Khải- Sơn một tung một hứng, dí dỏm, nắm trạng thái để mê hoặc người nghe cực tốt. Hôm ở Pleiku mình nhớ bác Khải nói thế này: Bình luận viên-hiểu một cách nôm na là người đưa trận đấu đến với khán giả.Một trận đấu bên cạnh yếu tố chất lượng chuyên môn thì BLV chính là chất xúc tác làm sinh động hơn không khí trận đấu.Trận đấu hay thì phải giữ được lửa,còn trận đấu dở thì phải biết để khán giả không ngáp dài ngáp ngắn rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Hoan hô bác Khải. Chẳng trách từ nhỏ nghe bác hét: vào…vào…vào rồi mà xốn xang cả người. Đột ngột bác quay ngoắt 180 độ. " Không, các bạn ơi, quả bóng đã đi chệch cột dọc trong gang tấc.Tiếc quá!". “ Thưa các bạn. Hôm nay trời Hà Nội trong xanh lộng gió. Sân Cột Cờ ( nay là Hàng Đẫy) nắng thu vàng nhàn nhạt”… nghe lâng lâng xúc cảm…
Hoài Sơn ( áo vàng)- Đình Khải- song kiếm hợp bích một đi không trở lại của VOV.
Thiệu chó, thằng bạn vàng của mình thời đi học Đại học nửa đêm khiến cả dãy cư xá các em phải há hốc mồm nghe nó tường thuật bóng đá rồi lăn ra cười. Bằng giọng Quảng Trị trọ trẹ, nó bắt chước giọng bác Đình Khải bình luận thế này:
“Kính thưa các em cư xá đại học khoa học! Hôm nay, trời Cố đô trong xanh lộng gió. Gió miên man thổi từ cầu Tràng Tiền, len qua trường Đại Học Sư Phạm Huế, len qua háng mấy em sinh viên đẹp cực kỳ trước khi ập vào sân vận động Tự Do. Trọng tài Nguyễn Văn Mùi cầm chiếc dùi cui lùa 22 cầu thủ ra sân. 22 cô gái Huế trong trang phục áo dài truyền thống, với 22 bó hoa trong tay nhảy xổ đến tặng và hôn toẹt vào mặt các cầu thủ. Trọng tài Mùi toét còi, trận đấu bắt đầu.
Quang Sang chuyền bóng cho Quang Phú. Quang Phú đi bóng xuống. Qua một hậu vệ, hai hậu vệ, ba hậu vệ, bốn hậu vệ, năm hậu vệ, sáu hậu về, bảy hậu vệ ( sao đội bóng có 11 anh mà nhiều hậu vệ vậy trời) qua luôn thủ môn. Sút. Vào....vào..vào. Không, không vào rồi các em gái cư xá đại học khoa học ơi! Tiếc quá! Chu choa, đụ mạ bóng vọt xà. Xin lỗi các em. Anh Phú sút bằng chân trái nên không chính xác. Chân trái không phải là chân phải của anh ( lẽ ra phải nói chân trái không phải là chân thuận của anh chứ). Đụ mạ, nếu anh Phú sút bằng chân giữa thì vào rồi!
Bọn con gái trong cư xá khoái trá cười bò lăn bò càng. Vỗ tay rào rào bảo tiếp tiếp đi anh Thiệu chó.
Ai ngờ ra trường Thiệu chó đầu quân cho Đài tiếng nói Việt Nam thật. Kể cũng là duyên tiền định. Thằng này mồm mép như tép nhảy, hài hước dí dỏm hợp với VOV. Mình đã kể sơ rồi. Nó viết tin diệt chuột rồi phát ra Hà Nội: “ Kính thưa các bạn! ( mình phát hiện kinh hoàng bản tin nào của VOV cũng phải đề kính thưa đủ thứ). Hiện nay, diễn biến đàn chuột phá phách hoa màu đã phát triển trên diện rộng, rất phức tạp bà con ạ. Bà con nên căm thù, coi chuột như sài lang đế quốc Mỹ, Bin- La- Đen- mà diệt mới hy vọng thành công”. Giọng trọ trẹ đến ông Giám đốc VOV cũng lạy: Thiệu ơi! đến tau còn không dịch ra giọng mày thì bà con hiểu thế đéo nào được. Ông này nhầm to!
Đến ở tận cái Tân Yên thôn, Tân Phú xã, Tân Kỳ huyện, Nghệ An Tỉnh ( tức quê Quý đẹt) cha mình vẫn nghe được. Điện vào bảo mình ha ha cha nghe tin diệt chuột của thằng Đình Thiệu giọng đọc sướng thật. Hoánh tráng thật. Con cố mà học nó để mở mày mở mặt với bà con kẻo phí công cha cho ăn học…
Thấy hai bố con giành nhau cái đài FM trên sân Chi lăng, kỷ niệm ùa về. Không chỉ ngày xưa, mà bây giờ cũng thế, biết bao đứa trẻ vùng sâu vùng xa biết đến bao điều kỳ vĩ của thế giới bên ngoài nhờ chính cái đài FM này.
Ngày xưa ở quê mình đâu có ti vi. Đến năm 1994 mới có điện. Thành ra, tất cả những kiến thức hay rung cảm vi diệu trong tâm hồn mình đều được bạn đài VOV khai sáng. “ Đây là Đài tiếng nói Việt Nam , phát thanh từ Hà Nội Thủ đô nước Cộng Hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ”..Nhạc hiệu tằng tăng tăng…
Mình nhớ đọc truyện đêm khuya. Câu chuyện cảnh giác. Sân khấu tối thứ 7 nhạc hiệu đàn bầu nghe muốn khóc : “ tằng tăng tăng/ tăng tằng tăng tắng/ tăng tằng tặng tằng/ tăng tằng tặng tằng. Sân- khấu- truyền- thanh, giọng cô phát thanh vang lên ngọt như mía lùi ( có ai còn nhớ không ta). Sáng Chủ nhật có các vở kịch văn nghệ quân đội vở nào cũng hay. Ngày xưa sáng Chủ nhật nào cũng phải ráng nghe hết chuyện mới lùa bò đi ăn. Rồi lén lút trùm chăn nghe Tam Quốc Diễn nghĩa, Tây Du Kí, Thần điêu Đại hiệp... bởi sợ công an xóm nó bắt vì tội nghe đài Trung Quốc phản động. Những lúc hết pin cơ khổ, nghe câu được câu mất tức nổ đom đóm.
Mối lần về quê, tối nào hai cha con cũng quấn quýt nghe đài FM đến khuya. Vặn vặn, dò dò bật bật mà nước mắt lưng tròng vì thương nhớ một thuở hàn vi.