Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

NHỮNG CUỘC XÊ DỊCH ĐÃ NGỪNG

Dậy sớm xem bóng đá, lật tủ sách lấy mấy tập tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân xem. Đây là quà của họa sĩ Lưu Quốc Bình, con trai họa sĩ Lưu Công Nhân mang lên tận Pleiku tặng mình. Nhớ có lần ông (Lưu Quốc Bình) nhận xét bài mình viết về Lưu Công Nhân: Thật cảm động khi đọc bài anh viết về cha tôi (hs Lưu Công Nhân)ít người hiểu được cha tôi như anh...tôi rất xúc động và cám ơn anh rất nhiều...
[góp ý]| Viết bởi Luu quoc Binh...


Được chính con trai của họa sĩ khen người viết về cha mình "ít người hiểu được cha tôi như anh" còn gì khoái bằng, hehe
------------------------------------------------



Sáng chủ nhật 22/7/2007, tôi dậy sớm vào mạng, và thông tin đầu tiên tôi nhận được là hoạ sĩ Lưu Công Nhân đã ra đi. Ông mất hồi 14h30 ngày 21 tháng 7 tại nhà riêng ở thành phố Đà Lạt và sẽ được an táng tại đây. 
 
          Gọi điện và mail cho một số bạn bè tin này, rồi cứ bần thần. Những kỷ niệm về ông ùa về, tươi rói như vừa mới hôm qua... 

          Tôi có cơ may được quen ông và được ông tặng một bức tranh. Nguyên do là hồi ấy ông về Hội An vẽ. Ông chơi với nhà văn Vĩnh Quyền, trưởng văn phòng đại diện báo Lao Động tại Miền Trung Tây Nguyên. Khi nghe ông ngỏ ý muốn lên Tây Nguyên vẽ và cần một tên làm “tay sai” (chữ hay dùng của ông chỉ những bạn trẻ được ông quý) khi ông lên, anh Vĩnh Quyền đã giới thiệu tôi. Ông chủ động gọi điện cho tôi, hẹn ngày giờ lên. Khi lên, chúng tôi đưa ông đi thực tế mấy ngày, có mấy hôm tôi mời được ông dùng cơm ở nhà tôi, thêm mấy người bạn như hoạ sĩ Lê Hùng, nhà báo Thanh Phong, NS Nhiếp ảnh Trần Phong... Sau đó ông về Sài Gòn. Một ngày giáp tết, tôi bỗng nhận được một cái thư mà phong bì rất nguệch ngoạc, phía trên phong bì đề rất rõ tên người gửi: Hoạ sĩ Lưu Công Nhân. Hồi hộp, tôi mở ra thì bên trong là một bức tranh ký hoạ khuôn mặt một thiếu nữ rất đẹp, rất Lưu Công Nhân kèm đến 2 cái cạc vi dít. Trong tranh ông đề trực tiếp vào góc trắng bằng ba bốn loại bút, màu cũng khác nhau và cách đề cũng rất tung tẩy, tuỳ hứng đầy chất nghệ sĩ: “thân tặng thi sĩ Văn Công Hùng, một năm đầy ắp những thơ là thơ- Lưu Công Nhân- Hoạ sĩ bị ruồng bỏ- Chẳng có M nào mê cả”. Điều đặc biệt là ông vẽ trên một tờ giấy báo Bãi Bằng khổ 20X30, và để cho vừa vào phong bì, ông đã gấp... 8 nó lại. Tôi phải ép cho nó phẳng lại rồi đi thỉnh giáo hoạ sĩ Lê Hùng, Hồ Xuân Thu để làm một cái khung, kiếm giấy lót nền cho hợp tông và trịnh trọng treo nó lên tường. Vài hôm sau thì tôi thấy Báo Lao Động tổ chức bán đấu giá 10 bức tranh ký hoạ của Lưu Công Nhân tặng quỹ Tấm Lòng vàng. 10 bức ấy mỗi bức bán được một ngàn rưởi đô la. Điện cho ông và cho nhà văn Vĩnh Quyền thì được biết, dạo ấy ông ngồi vẽ một lúc 15 bức ký hoạ. Ông gửi 5 bức cho 5 nhà văn trẻ mà ông quý, còn 10 bức ông gửi cho quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao Động thông qua nhà văn Vĩnh Quyền để đấu giá cho quỹ. Bây giờ bức tranh ấy như là báu vật trong nhà tôi, dù một số nét viết bằng chì của ông đã phai. Cạc vi dít của ông cũng rất lạ, cũng độc nhất vô nhị, do ông tự vẽ lấy bằng tay. 



          Là học trò ưu tú lớp hoạ sĩ kháng chiến đầu tiên của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Lưu Công Nhân nổi tiếng rất sớm với khả năng ưu việt của mình trong hội hoạ. Ai theo dõi hội hoạ Việt Nam thì biết, có thứ bậc rất rõ ràng, đầu tiên là tứ trụ “Nhất Trí nhì Vân tam Lân tứ Cẩn”, tiếp theo là Nghiêm Liên Sáng Phái (các hoạ sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), và ông vào hàng thứ 9 thứ 10 chi đó. Ông là một hoạ sĩ thực tài nhưng cũng là người xê dịch có tiếng. Đã từng đi khắp nước, đã từng bỏ thành thị, lên cây số 3 thị xã Vĩnh Yên làm một cái nhà kiêm xưởng vẽ, ở một mình với các cô người mẫu được vợ ông, một dược sĩ cao cấp từ Sài Gòn bay ra thuê cả tháng. Đây là thời kỳ thăng hoa phát tiết nhất của ông. Ông kể: Các cô người mẫu được thuê khi đến cái xưởng rộng mênh mông và có đủ mọi thứ của ông, chỉ làm mỗi một việc là... nuy xong rồi muốn làm gì tuỳ thích: Đọc sách báo, nấu ăn, tắm, chải đầu bắt chấy, ngủ, thậm chí... cãi nhau. Ông hoạ sĩ già lặng lẽ ngồi một chỗ... ngắm rồi ký hoạ. Mỗi ngày 3 tiếng, xong rồi về tiếp tục việc đồng áng. Tranh vẽ đến đâu, ông đóng thùng tôn gửi máy bay vào TP HCM cho vợ giữ. Khi ở Đà Lạt những năm cuối đời, ông cũng thuê người mẫu và cũng miệt mài vẽ không ngơi nghỉ. Một thời ông nổi tiếng ở Việt Nam và cả ở nước ngoài là ở mảng tranh trừu tượng. Tranh ông Tây rất thích và... ta thì nửa thích nửa không. Khi về Vĩnh Yên ở 4 năm để vẽ thì ông gần như quay ngược hoàn toàn, Tranh ông rất hiện thực, một hiện thực nông thôn Việt Nam rất gần gũi, thân thuộc và mảng thứ 2 là tranh khoả thân, cũng rất mềm mại, nữ tính. Ông còn tặng tôi một bức ảnh chụp bức tranh của ông vẽ thời kỳ này, bức tranh rất đơn giản mà đẹp đến mê hồn, sau nó được bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mua thì phải. Ba con bò giăng hàng đi trong chiều, phía trước là một chú bé cầm sợi dây thừng căng ngang bức tranh, mấy cái cây trên nền vàng... nó đơn giản đến tận cùng mà cứ ám ảnh. Tiếc rằng, sau một mùa mưa, cái tủ ở phòng làm việc của tôi hồi ấy bị dột, bức ảnh bị hỏng. Tôi nhớ hồi ông lên Pleiku, một số hoạ sĩ trẻ được học trong nhà trường rằng hoạ sĩ Lưu Công Nhân là bậc thầy về tranh Trừu tượng và siêu thực, cứ khai thác ông ở mảng này và mang cả tranh loại này đến nhờ ông xem. Ông nói rất chân thành: Trước hết các bạn hãy vẽ những gì các bạn thấy thân thiết nhất, bố mẹ vợ con các bạn thấy thân quen nhất, và những người xung quanh cảm nhận được bức tranh của các bạn. Khó lắm đấy. Lưu Công Nhân trừu tượng siêu thực mãi rồi, giờ vẽ hiện thực, té ra khó gấp hàng nghìn lần. Ông là người duy mỹ, duy mỹ đến cùng cực, nhưng đấy là trong tác phẩm, còn trong cuộc sống thì ông xuề xoà và kỹ tính. Hơn chục năm nay ông bị bệnh Pakisơn hành hạ. Khi lên Pleiku ông cũng đã bị rồi, thế mà cứ đôi giày bata, ông lệt xệt đến khắp chỗ. Trước khi ra khỏi phòng khách sạn, bao giờ cũng cẩn thận ngoắc tấm biển “xin đừng quấy rầy” lên trước cửa phòng. Bảo ông kỹ tính vì trong cái bao da đeo xề xệ trước bụng, có rất nhiều tiền lẻ. Mua cái gì, ông trả đủ từng đồng tiền lẻ. Ông khoe ông bán tranh đủ ăn cả đời. Đúng ra là lâu lâu ông bán một bức tranh, đủ ăn cả đời. Tranh ông bây giờ được định giá chục ngàn đô trở lên. Vừa rồi, lầm lẫn thế nào, báo chí loan tin ông mất 139 bức tranh. Té ra không phải. Thế mà ông cũng đã khóc ồi ồi mấy lần. Cách đây chừng nửa năm, ông vẫn còn điện cho tôi, nói sẽ lên Pleiku nữa. Tôi hỏi tay chân cụ thế nào, có đỡ run không? ông bảo tay chân kệ nó, miến là trái tim mình vẫn còn run lên trước cái đẹp. Mà cậu có biết sao mình thường xuyên nuôi người mẫu trong nhà không? Ngoài việc để vẽ, còn để cho mình... tiếc. Vì tiếc mà lại càng phải vẽ. Cái đẹp lồ lộ ra đấy, không vẽ thì có tiếc không?... 

          Giờ thì đã mãi mãi, những ước mơ, những dự định của ông ngừng lại. Trái tim luôn luôn khát khao được run lên vì cái đẹp đã ngừng, mãi mãi không bao giờ còn “run” được nữa. Mỹ thuật Việt Nam lại mất một hoạ sĩ tài năng, một cây đại thụ. Nhưng những bức tranh đẹp đến ngẩn ngơ của ông thì vẫn còn đó...

1 nhận xét:

Mau huy Le nói...

.
mình định viết một bài tếu táo với văn công hùng từ nửa bên kia trái đất , sợ hắn lại toang lên mạng lợi bất cập hại. nên thôi. của đáng tội, những lúc rổi rảnh mình lại cọc cạch với cái láp tốp. thì còn biết làm ngì. ở đây không nhậu nhẹt toujours như ở nhà nên khỏe và thong thả hẳn ra. Giá hội nhà văn tổ chức cái trại sáng tác op73 đây thì hay. cách ly được rượu nó tốt mọi nhẽ. mong cho VCH thành cốt cán của Hội, rồi đổi mới cho nhà văn ra nước ngoài sáng tác. May ra như vậy mới có tác phẩm ngang tầm thời đại được!