Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

TÂY NGUYÊN THÊNH THANG

Có 2 thứ oanh tạc Tây Nguyên nhiều nhất là cao su và thủy điện. Hàng triệu héc ta rừng nguyên sinh đã biến khỏi bản đồ để thành những ô vuông ngằn ngặt rất đẹp khi ta ngồi trên máy bay ấy. Và cũng như thế là những công trình vĩ đại với "Giật mình tưởng thác điện quay giữa trời", chả giật mình gì nữa, liên hoàn các công trình thủy điện lớn bé đang lộng lẫy tàn phá Tây Nguyên. Người Tây Nguyên xưa họ sống hoàn toàn vào rừng, "ăn rừng" như tên một cuốn sách của Công Đô Mi Nát, nhưng họ có văn hóa ăn rừng chứ không ăn tạp, ăn sạch sành sanh như hiện nay
------------

          Bay trên máy bay nhìn xuống, bây giờ Tây Nguyên là những ô vuông, xanh ngằn ngặt, đều chằn chặn.
          Ba mươi năm trước, Tây Nguyên không thế. Khoảng năm 1981, một buổi chiều tôi đạp xe ra hướng Biển Hồ, phía bắc Pleiku, cách trung tâm chừng mươi cây số bỗng nghe đạn nổ vèo vèo, bộ đội chạy rầm rập, và tất nhiên tôi bị ngăn lại. Thì ra có một tốp FULRO kéo về cái làng ngay ở đấy, và bộ đội ta tấn công. Kết quả: không tiêu diệt và cũng không bắt được tên nào vì chúng chạy hết vào rừng. 
          Thời ấy, rừng viền quanh thành phố.
          Gia Lai Kon Tum khi này còn là một tỉnh. Từ thị xã Kon Tum về Pleiku là 48 cây số, khoảng 7 giờ tối trên đường từ Kon Tum về Pleiku rất nhiều thỏ rừng chạy trên đường 14, khi ăn đèn xe, nó đứng yên giương mắt đỏ quạch. Nhiều tài xế thời ấy có súng săn, thậm chí là AK, dừng xe để nguyên đèn và... đòm, một chú thỏ giãy đành đạch. Có hôm hên thì được cả một chú hoẵng hoặc nai nhởn nhơ bên đường... chào. Chuyện ấy bây giờ chỉ còn trong cổ tích. Thậm chí đi xe tốc hành Bắc Nam theo đường Hồ Chí Minh, qua những vùng ngày xưa rất âm u, chỉ nghe tên đã rợn tóc gáy như Đăkglây, Đăk Sút, Đăk Pet, Đăk Nhoong, Dục Nhầy, ngã ba Đông Dương, Kon Ploong,... đường cứ thênh thang trống lổng. Muốn nghỉ ngơi một tí ngắm rừng ngắm suối chụp vài kiểu ảnh mà chạy mãi chạy mãi cứ nắng chang chang, không tìm đâu ra một bóng cây che mát.
          Phải công nhận là đời sống bà con dân tộc bây giờ so với ngày xưa là đã khá hơn rất nhiều. Chưa phải tất cả đã no, nhưng đói dài đói rạc gần như không còn nữa. Nhưng ngày xưa ấy, tập quán đồng bào rất thú vị, khi làng có khách, hay một gia đình trong làng có khách, thì coi như là khách của làng. Khi đến bữa, mỗi nhà sẽ bưng sang một thứ thức ăn lấy từ bếp nhà mình. Chủ nhà hoặc già làng sẽ mở ghè rượu nhà mình, mọi người quây quần uống rượu, và khách thì phải ăn đồng đều, nhà ai bưng sang cũng phải nhận và cũng phải ăn như nhau không sẽ bị bảo là coi thường nhau. Tất nhiên phần nhiều khách cũng là người biết nghĩ, dù gì mình vẫn khá hơn đồng bào nên trước khi về bao giờ cũng có quà để lại. Ngày nay hơi hiếm, cơn lốc du lịch rồi kinh tế thị trường, tất cả quy ra... tiền, kể cả chụp ảnh. Mươi năm trước khi còn sống, ông vua lửa Siu Luynh là người đầu tiên đề ra cái lệ ai muốn chụp ảnh ông phải... trả tiền. Giờ thì nhiều người noi theo. Và cũng bắt đầu kiểu sống đèn nhà ai nhà ấy rạng, khách nhà ai nhà ấy lo, và có muốn uống ghè rượu thì phải trả tiền trước, muốn ăn cơm cũng phải đặt trước. Tất nhiên điều ấy là rất đúng, không ai có thể ăn chạc của đồng bào, nhất là khi mà mức sống của người ăn chạc cao hơn hẳn người bị ăn chạc. Tôi đã thấy khá nhiều cán bộ người Kinh về làng ăn xong còn có quà nữa, ấy thường là về dự đâm trâu hoặc nhân làng bắn được một con rừng gì đấy, ăn xong rồi còn làm một miếng mang về, mà họ không nghĩ rằng, đồng bào cả năm, thậm chí vài năm mới được ăn thịt, trong khi ngày nào mà họ chả rượu thịt ê chề. Cơm lam cũng thế, sau khi ăn tại chỗ thì thế nào cũng có hàng ôm được đút vào ô tô. Tôi cũng đã từng làm như thế và khi về cứ áy náy mãi. Mình có đói đâu, nhưng đồng bào, là miếng ăn thật sự của họ. Vậy nên từ nay về muốn ăn gì thì bỏ tiền ra trước nhé, chúng ta không tin các bạn nữa, những người bạn của chúng ta ạ. Bạn gì mà lâu lâu mới về và toàn đi bằng... mông. Chúng ta đi bằng chân nên chúng ta quý con đường, chúng ta làm ra nó và đi mãi cùng nó, từ những con đường mòn ngoằn ngoèo thành những con đường lớn hơn nối làng này sang làng khác, nối rừng này sang rừng khác. Nhưng sức chúng ta chỉ có thế. Giờ có nhà nước cho tiền làm đường ô tô, nhưng đường làm chưa xong đã hỏng, thường là còn khó đi hơn đường mòn của đồng bào làm, bởi đường của đồng bào làm chỉ dùng đi bộ. Đường nhà nước dành cho người nhà nước đi bằng mông xuống làng, nhưng nó hỏng nhanh quá, người nhà nước ít về mà ta cũng không có đường đi. Vì khi những con đường nhà nước làm xong thì đường đồng bào cũng bỏ. Bây giờ cả 2 con đường cùng hỏng, chỉ còn những xe chở gỗ đi được thôi. Chao ơi, càng chở gỗ thì đường càng hỏng, và đường càng hỏng thì xe chở gỗ càng lầy, cứ thế những ngôi làng Tây Nguyên âm thầm lặng lẽ thành ốc đảo tự khi nào?
          Và Tây Nguyên thênh thang.
          Có 2 thứ oanh tạc Tây Nguyên nhiều nhất là cao su và thủy điện. Hàng triệu héc ta rừng nguyên sinh đã biến khỏi bản đồ để thành những ô vuông ngằn ngặt rất đẹp khi ta ngồi trên máy bay ấy. Và cũng như thế là những công trình vĩ đại với "Giật mình tưởng thác điện quay giữa trời", chả giật mình gì nữa, liên hoàn các công trình thủy điện lớn bé đang lộng lẫy tàn phá Tây Nguyên. Người Tây Nguyên xưa họ sống hoàn toàn vào rừng, "ăn rừng" như tên một cuốn sách của Công Đô Mi Nát, nhưng họ có văn hóa ăn rừng chứ không ăn tạp, ăn sạch sành sanh như hiện nay. Họ chỉ bắt những con gì đã lớn, chỉ chặt những cây có thể chặt, du canh du cư đốt rẫy không phải đốt tràn lan lấy được, mà đốt có chọn lọc. Những khu rừng đã đốt ấy sau mấy mùa rẫy khi đã hết chất họ bỏ hoang để mấy mùa sau lại quay lại chứ không phải bỏ đi vĩnh viễn. Con người với rừng sống hòa hợp và văn minh, nương tựa vào nhau trong một mối quan hệ tương hợp và hàm ơn nhau. Đồng bào quan niệm vạn vật hữu linh nên bất cứ cái gì của rừng cũng có thần, mà đã có thần thì phải tôn trọng, không được báng bổ. Chúng ta bây giờ nhiều khi báng bổ rừng, báng bổ tự nhiên nhiều quá. Và tự nhiên nổi giận, bằng chứng là những cơn lũ, lụt, những cơn bão quăng quật hết từ miền Bắc qua miền Trung vào miền Nam, năm sau cao hơn năm trước, dữ dội hơn năm trước...
          Cái làng Tây Nguyên cũng thế, nó là một sự đau đớn để phát triển, nó mâu thuẫn nặng nề giữa phát triển và bảo tồn, giữa hiện đại và dân tộc, giữa văn minh và văn hóa. Không thể nhân danh bảo tồn rồi cứ để nó lụp xụp mãi được, nhưng bê tông rồi tôn các loại đưa vào, làng Tây Nguyên còn lại gì? Và từ cái vỏ làng ấy, toàn bộ phần hồn của làng, tâm linh của làng, những truyền thống thẳm sâu của làng... sẽ ra sao?
          Đã đành phát triển là phải hy sinh, nhưng cố gắng làm sao để sự hy sinh ấy ít hơn là một đòi hỏi đầy tính nhân văn cộng sản và biện chứng và nó chứng tỏ chúng ta là những người biết lo cho muôn đời con cháu mai sau như lời Bác Hồ dặn.
          Tất nhiên là rất khó, khó từ ngàn đời nay, càng ngày càng khó hơn, và vì thế mà đời nào cũng đau đáu những câu hỏi: ta là ai, ta làm gì, ta để lại gì và ta còn lại gì...
          Những câu hỏi không thênh thang...

2 nhận xét:

Đoàn Nam Sinh nói...

Thênh thang Tây nguyên
Trời thênh thang,
Gió lang thang,
Nắng mênh mang,
trống rỗng,
khua rang.

Dùng hàng Việt nói...

hy vọng các vị lãnh đạo ở Gia Lai, Tây Nguyên đọc được bài viết này :)

Chúc bác Hùng và gia đình ăn tết vui vẻ nhé !