Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

LẶNG LẼ XANH

Mỗi thế hệ có một cách để thể hiện cảm xúc, thể hiện mình. Thơ lớp trẻ bây giờ cũng thế. Không vòng vo tam quốc, ít ẩn dụ hình ảnh... cứ ngồn ngộn ra, cứ trực ngôn ra, cứ huỵch toẹt hết cả ra. Cũng chả biết anh nào hơn anh nào, vấn đề là nó phải chuyển tải được tư tưởng, cảm xúc của người viết. Mà người viết văn cứ bảo là họ cô đơn, họ tự họ... nhưng thực ra là họ phải, dù vô thức hay ý thức, đại diện ít nhất là cho thế hệ họ. Văn chương càng đông người đọc càng phải đại diện cho nhiều người. 

Mai Thìn – nhà thơ Lặng lẽ xanh…

Nhà thơ Văn Công Hùng - 04-11-2011 01:18:51 PM
 
VanVN.Net - Tháng 9 năm 1996 tôi dự một cái trại của Hội Nhà Văn tại Đại Lải. Đến trại muộn, làm thủ tục xong, xách va ly xuống phòng thì thấy một ông trẻ đang nằm đắp chăn và trên đầu giường chiếc quạt cây Điện Cơ bật số mạnh nhất đang thốc gió vào mặt. Nhà sáng tác Đại Lải hồi ấy chưa có khu mới như bây giờ, chưa có máy lạnh, điện thoại... và muỗi thì rất nhiều, rất to, đen sì, béo mẫm.

Nhà thơ Mai Thìn "đóng vai" gã phu xe (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi e hèm thì cái người trẻ kia ngỏng dậy: Ô anh, em đây, sao hôm nay anh mới đến? Ừ, mình có chút việc nên đến muộn, thế bạn là?... Dạ em là Mai Thìn. A, ra Mai Thìn là ông à, đọc nhiều giờ mới gặp. Ông... sốt à? thuốc men gì chưa? Dạ đâu, muỗi nhiều quá anh ạ. Ôi giời, thế thì dậy, dậy ngay, đi ra chỗ nào có gió ngồi tránh muỗi, nhân thể kiếm cốc bia tớ ra mắt trại luôn.

Phần dưới cái chăn động đậy rồi uể oải lật ra. Trời ạ, Thìn chỉ có một chân. Ông là thương binh à? Vừa lúi húi cột chân giả Thìn vừa cười: có đi lính đâu mà thương binh, nhưng cũng là “sản phẩm của chiến tranh đấy. Thế à? Bị lâu chưa? Từ hồi 10 tuổi...

Thì ra ngay sau giải phóng thì Thìn đã bị vướng mìn, bị cụt một chân. Quê Thìn nghèo vô cùng, bây giờ vẫn còn nghèo huống gì hồi ấy. Anh được gửi ra một nhà bà con ở Hà Nội để chữa trị. Hà Nội thời bao cấp tem phiếu ngặt nghèo ấy mà trong nhà tập thể lắp ghép lại xuất hiện một ông "khách ở quê ra" thì quả là... đại họa, dẫu ông khách này từ miền Nam ra, lại là trẻ con. Ông khách trẻ con này cứ buổi chiều là ra ngồi ở ban công, mắt ầng ậng nước đau đáu về phương Nam quê nhà. Ông nhỏ nhưng ông mẫn cảm, ông hiểu nỗi khó xử do ông gây ra. Và ông áy náy. Một ngày như thế, một tuần như thế, một tháng như thế và đến một năm như thế thì những câu hỏi đầu tiên bật ra bằng... văn vần. Cứ thế cho đến nay, ông thành một nhà thơ trẻ có uy tín ở miền Trung.

Quê Thìn ở An Nhơn, Bình Định, tôi đã về. Nằm giáp với sân bay quân sự Gò Quánh (Giờ là sân bay Phù Cát). Đấy là một vùng nửa đồi nửa đồng, có đá ong có đất thịt, dân chủ yếu sống bằng nuôi bò, làm ruộng và chằm nón (Nón Gò Găng có mặt trong suốt hành trình của thơ Mai Thìn). Những ngày chiến tranh, bom mìn rơi vãi đầy đồng, nên rất nhiều gia đình có người tử nạn mà Mai Thìn là một nạn nhân. Cái làng nơi Thìn sinh ra và lớn lên là một xóm nhỏ ven thành Hoàng Đế, có Văn Miếu – đền Văn Bình Định, có nhánh sông Côn hững hờ qua những bãi mía soi dưa. Mùa lũ, nước sông dâng ngập trắng bãi bờ; mùa khô, những đêm trăng sôi động tiếng hát tuồng và tiếng kẽo kịt của những chòi đạp mía… những tố chất làm nên thơ Thìn bây giờ.
Mai Thìn yêu quê hương quặn thắt từng con chữ. Mà không chỉ trong thơ. Ở tập nghiên cứu Văn hoá dân gian xã Nhơn Thành [1], anh đã đưa được vào đấy tất cả những gì của làng anh, từ chiếc “bánh ít là gai gói trong tàu chuối”, đến những tháp Chàm, những nhà lá mái, rồi Văn Miếu, và cả tiếng chuông chùa đã thành huyền thoại… Cái hay của cuốn sách là đã cung cấp thêm cho đọc giả những nét văn hoá độc đáo, làm phong phú và hấp dẫn thêm cho nền văn hoá của tỉnh Bình Định. Cuốn sách này đã được Hội VNDG Việt Nam “đỡ đầu” xuất bản theo chương trình của Chính phủ tài trợ sáng tạo năm 2003.

Thìn là người lãng mạn, ướt át và... đa tình. Sở hữu một cặp mắt rất ướt, hồi chưa cưới vợ (nói thế để vợ Thìn yên tâm) y chỉ ao ước là rủ bạn gái vào quán cà phê, ngồi trầm ngâm ngắm nhau hàng giờ, nếu có điều kiện thì... hôn nhẹ một cái lên tóc, phấn khích hơn tí nữa thì... hôn lên mắt kèm một cái vuốt tóc. Hết. Suốt thời gian ở chung phòng trong trại sáng tác Đại Lải, hàng chục lần Thìn như rên lên khi kể cho tôi cái cảm giác sung sướng hạnh phúc được hôn nhẹ và vuốt cũng nhẹ ấy.

Ơi ông Thìn cà tẩm ơi, tôi kể điều này chắc chắn bị cánh trẻ bây giờ cười khẩy: Khốt. Mà khốt thật nếu được "thưởng thức" các video clip xxx vừa qua. Mỗi thế hệ có một cách để thể hiện cảm xúc, thể hiện mình. Thơ lớp trẻ bây giờ cũng thế. Không vòng vo tam quốc, ít ẩn dụ hình ảnh... cứ ngồn ngộn ra, cứ trực ngôn ra, cứ huỵch toẹt hết cả ra. Cũng chả biết anh nào hơn anh nào, vấn đề là nó phải chuyển tải được tư tưởng, cảm xúc của người viết. Mà người viết văn cứ bảo là họ cô đơn, họ tự họ... nhưng thực ra là họ phải, dù vô thức hay ý thức, đại diện ít nhất là cho thế hệ họ. Văn chương càng đông người đọc càng phải đại diện cho nhiều người.

Năm 19 tuổi Thìn thi vào đại học Ngân hàng, nhưng oái oăm thay, trong thời gian chờ giấy báo đi học, một tai họa nữa lại ập đến, lại đúng ngay cái khúc chân còn lại, gãy xương đùi và vỡ xương bánh chè. Nhưng người yêu văn chương, có chí với văn chương, nên lập thân cách gì rồi cũng trở về với văn chương. Sau một năm nằm viện, Thìn tiếp tục đỗ vào đại học sư phạm ngoại ngữ Đà Nẵng môn tiếng Nga, có thơ in báo rồi đoạt giải nhất thi thơ Bình Định từ khi còn là sinh viên, ra trường lẽ ra là một thày giáo dạy ngoại ngữ, nhưng Thìn xin về Đài Phát thanh tỉnh. Hỏi tại sao, bảo: Nó gần với văn chương. Lại bảo: chân cẳng thế kia làm sao mà đảm đương công việc được? Phóng viên nhà Đài là phải chạy như ngựa. Thế mà không chỉ làm được việc mà còn học thêm một bằng đại học Ngữ văn cho nó danh chính ngôn thuận và cái chính là thỏa cái nỗi khát khao khám phá học hỏi văn chương.

Về nghề chuyên môn thì bây giờ đã là trưởng phòng Văn nghệ của đài Phát thanh truyền hình Bình Định. Nhiều lúc ra hiện trường, vừa là tác giả kịch bản, vừa đạo diễn, rồi cần thì ghi âm, đánh đèn... mần tuốt. Còn "nghiệp" thì đã có 5 tập thơ và một tập nghiên cứu văn hóa dân gian rất dày dặn, mà tập nào cũng đọat giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu (Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm một lần của tỉnh Bình Định), và tập thơ mới nhất là tập "Lặng lẽ xanh" đang được nhắc đến nhiều trong công chúng miền Trung.

Cái thuở ban đầu, cũng như mọi tác giả trẻ khác, Mai Thìn không dám mơ đến báo Văn Nghệ. Cao nhất cũng chỉ là Tiền Phong (TP) hoặc Phụ Nữ và một số tờ Tạp chí văn nghệ địa phương. (Thế mới thấy tờ Văn Nghệ và Văn Nghệ trẻ nó uy nghi hoành tráng đến như thế nào với người cầm bút). Tờ TP nhuận bút cao hơn nhiều nhưng với người viết trẻ, nó vẫn chưa phải là nỗi khát khao cháy bỏng. Sau này về Quy Nhơn chơi với anh chị em văn nghệ, được động viên và có được cái vững tin của người cầm bút, anh mới gửi một chùm 5 bài cho báo Văn Nghệ. Một tháng sau, anh vui mừng cầm tờ báo giới thiệu chùm thơ của mình ở mục giới thiệu tác giả trẻ. Khỏi nói anh đã sướng đến như thế nào. Từ ấy, những mặc cảm tự ti đối với “lâu đài văn chương” này không còn nữa. Sau này, khi tờ Văn Nghệ Trẻ mới ra đời, đầu tiên anh gửi chùm bài dịch, gần một tháng sau, đựợc in trang trọng ở trang giữa... Bây giờ kể lại ngày đầu ấy mà Mai Thìn vẫn còn rưng rưng, giống hệt như anh đã rưng rưng kể cho tôi cái lần đầu tiên anh vuốt tóc "mẹ cháu" bây giờ như thế nào.

Nhà của Mai Thìn ở Quy Nhơn cũng là địa chỉ Văn nghệ. Một đêm khi tôi đang dự cái trại của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, Mai Thìn ra rước cả trại vào thăm nhà trong khi vợ đi học vắng. Con gái Thìn nhỏ như cái kẹo lệ khệ kéo két bia ra, bà mẹ vợ thì hối hả tráng trứng, nướng mực. Tất nhiên là phải có rượu Bàu Đá đặc sản và cả trứng vịt Tuy Phước, nước mắm ngon Gò Bồi. Nước mắm ngon đến nỗi nhà thơ Vương Trọng suốt buổi chỉ dùng món bánh tráng nướng chấm nước mắm mà khề khà dù chẳng uống giọt rượu nào. Đứa con gái sau lẫm chẫm được sai đi mua thêm bánh tráng, món không thể thiếu trong các cuộc nhậu ở Bình Định.

Khách xúm với chủ nhà kê ghế... Vừa ổn định thì... một tắc xi 7 chỗ đỗ xịch. Lại một đoàn của báo Văn Nghệ đi Nha Trang về ghé qua. Mà cái phòng khách thì nhỏ. Cứ tíu tít cả lên và tôi cũng không hiểu sao mà gần hai chục con người dồn vào đấy được hết. Khủng khiếp nhất là cảnh bà mẹ vợ của Mai Thìn, cứ nhon nhón lên xuống, và cú nhon nhón cuối cùng là bà vào buồng ngủ của con gái bê ra một thẫu tướng rượu “Từ Hy Thái Hậu” và nói rất thật thà: Mỗi người một ly cho... khỏe, rượu tôi ngâm riêng cho thằng Thìn. Thực ra thì anh chàng này nhậu không được nhiều, nhưng ham vui. Tất cả các cuộc "ngồi" văn nghệ đều có anh, nhiều khi là 2, 3 giờ sáng.

Nhưng phải nói ngay, Thìn giỏi một thì vợ anh giỏi... mười. Hình như chị chưa bao giờ có khái niệm... mắng chồng. Cô này làm ở bệnh viện nhưng cũng có tâm hồn thi sĩ. Tôi biết đây là người mà Thìn thường xuyên đắm đuối nhìn vào mắt để lấy cảm hứng làm thơ, dẫu giờ đã là mẹ của hai đứa con. Mà Mai Thìn thì lúc nào cũng tự hào với hai cô công chúa nhỏ. Khi thôi nôi, mỗi đứa đều được bố đề tặng một bài thơ hoành tráng, in trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân Đội.

Đến Quy Nhơn, phôn một cú, có Mai Thìn. Mà không chỉ có không. Có khi còn thêm một kíp truyền hình. Một công đôi việc, ông Trưởng phòng Văn nghệ đối đãi với khách văn với cả tư cách công và tư, để cho cuộc gặp càng hoành tráng càng vui.     

Cứ lặng lẽ thế, Mai Thìn như một gã phu xe. Mà cái ảnh ở avatar blogs của anh cũng là anh đang kéo một chiếc xe ngựa, trên ấy chễm chệ một “nàng thơ”. Thơ thì lấy tên "Lặng lẽ xanh", ảnh thì phu xe, cái nghiệp cầm bút của gã thi sĩ xứ Thơ Quy Nhơn này không ồn ào nhưng rất đáng nể trọng.

6 nhận xét:

Mai Thanh Hải nói...

Tuyệt vời! Họ Mai nhà em đấy. Hôm rồi em qua Quy Nhơn, anh Thìn nhiệt tình vô cùng. Sáng uống cà phê, trưa ngồi nhậu 1 lúc rồi lại mướt mải đi làm, tối xong lại ghé qua chỗ anh em ngồi nhậu, chỉ để nghe chuyện và góp vui, chứ đâu có uống gì được...

Em rinh bài này về bên nhà em, ghăm thêm ít hình minh họa sống động, dịp mấy anh em mình đi Lý Sơn, qua Bình Định bác nhá!..

Nặc danh nói...

Hành khách trang phục bán nuy phải không bác? Lớp lái trẻ chúng em mà gặp hành khách này thế nào cũng gây tai nạn giao ... thông. hihi

Mai Thanh Hải nói...

ND 16:09 nhìn kỹ đi. Chị vợ anh Mai Thìn mặc quần âu màu sáng. Nhìn kiểu này, thảo nào lớp trẻ (như bạn) bây giờ hay gây TNGT và liên tục bị CSGT đuổi, vụt. Ke! Ke!..

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh Hải:
------------------
Chú cứ lấy về cho nó oách anh.

lặc danh nói...

Vấn đề không phải là "chuyển tải được tư tưởng và cảm xúc của ngươì viết", mà là nhà văn phải chuyển tải được tư tưởng và cảm xúc của thời đại.

Văn Công Hùng nói...

@ Lặc Danh:
-----------
Quá đúng, nhưng nó có ở ngay câu tiếp theo mà, bạn đọc thêm lần nữa đi, hì hì...