Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

SÔNG MÃ GẦM LÊN KHÚC ĐỘC HÀNH

Thế hệ mình chả được đọc thơ Quang Dũng công khai, nghe nói ông lãng mạn tiểu tư sản chi đó, tự dưng lại "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", chết, chết thật, ai lại sa đọa trụy lạc thế. Thế là phải đọc... trộm, chép tay và chuyền nhau, và trời ạ, mình không hiểu sao những câu thơ hoành tránh như thế, máu lửa như thế mà lại bị bài xích. Sau này hiểu lơ mơ, nghe đâu là do sự ganh ghét mà ra, có vài ông nhà thơ to, sợ người khác oách hơn mình, thế là vu lên thế...- là nghe nói thôi nhé...


Sáng nay bác Vân Long thì gọi điện đặt bài tết, bác Vân Đình Hùng thì mail bài này. Thôi về hậu, bác Quang Dũng coi như, cứ coi như nhé, là cũng sướng rồi, ít nhất còn những người tri kỉ như bác Vân Long và bạn bè văn nghệ...


Lễ kỷ niệm năm sinh thứ 90 nhà thơ Quang Dũng
Vân Đình Hùng


Sáng ngày 11 tháng 11 năm 2011, tại trụ sở Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội 19 phố Hàng Buồm, Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm năm sinh thứ 90 nhà thơ Quang Dũng (1921-2011). Lễ kỷ niệm được đông đảo bạn thơ, độc giả yêu thơ Quang Dũng và một lượng khá đông các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đến dự. Nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chủ trì buổi lễ.

Lễ kỷ niệm có tới 7 bản tham luận của các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và phê bình văn học: Nhà thơ Vân Long, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, PGS-TS Lưu Khánh Thơ của Viện Văn học, PGS-TS Văn Giá, Chủ nhiệm khoa Sáng tác lý luận phê bình trường Đại học Văn hóa, nhà giáo Đặng Hiển, nhà phê bình văn học Vũ Nho. 

Mở đầu là bản đề dẫn tham luận của nhà thơ Vân Long. Bài viết mang tựa đề: Nhà thơ Quang Dũng bóng mây qua đỉnh Việt, với hơn sáu nghìn năm trăm chữ, bài viết được chia thành 6 phần: Hành trang Quang Dũng đã hết tồn nghi, Tây tiến đoàn binh không mọc tóc, Nổi chìm bài thơ Tây tiến, Bài thơ đầu tiên và bài thơ thừa ra trong hành trang Quang Dũng,Tưởng là “lỡ bước” hóa là cách tân và Hồn nhiên mà độc đáo. 
Nhà thơ Vân Long đề dẫn

Bản tham luận được đọc và viết bởi người đã từng có nhiều bài báo để hoàn thiện chân dung Quang Dũng và sưu tầm di cảo cho Tuyển tập Quang Dũng lần thứ 3 (NXB Hội Nhà Văn và Công ty Truyền thông & Văn hóa Nhã Nam) sắp ra mắt, nên trong lúc trình bày, nhà thơ Vân Long như đắm mình trong những kỷ niệm quý báu với người bạn thơ vong niên Quang Dũng, lúc lại như ngỡ ngàng, ngạc nhiên với những phát hiện thú vị. Ấy là khi nhà thơ Vân Long nói về bài thơ đầu tiên Chiêu Quân và bài thơ thừa ra: bài Dặm về, trong hành trang của nhà thơ Quang Dũng. Cả hội trường chăm chú lắng nghe những thông tin khá mới mẻ và thú vị trong bản tham luận này và đón nhận những nhận định và những đánh giá xác đáng của bản tham luận.

Nhà thơ Vũ Quần Phương vốn là người rất hoạt khẩu khi nói về thơ và các nhà thơ cũng đưa ra những nhận định và đánh giá của ông về nhà thơ Quang Dũng. Ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương không có văn bản, dường như những lời gan ruột này đã nằm trong máu thịt ông, trong sự ngưỡng mộ của mình với tư cách là độc giả yêu thơ Quang Dũng với những nhận xét sâu sắc và chân thành. Do thời gian của buổi lễ khá hạn hẹp nên bài chuẩn bị khá công phu của PGS-TS Lưu Khánh Thơ của Viện Văn học Việt Nam chỉ nêu những ý chính, khái quát về những nhận định đánh giá của chị về con người và tác phẩm của nhà thơ Quang Dũng. Trong mảng văn xuôi của nhà thơ Quang Dũng, chị nhận định: Nhà thơ Quang Dũng có một tâm hồn giàu có và ấm áp trong các tác phẩm văn xuôi viết về Xứ Đoài, tiêu biểu là truyện ngắn Nhà đồi. Chị đặc biệt đề cao bài viết Chim sâm cầm Hồ Tây của nhà thơ Quang Dũng in trong tập Gương mặt Hồ Tây - tập truyện và ký của ba nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện. Hành trang khiêm tốn của nhà thơ Quang Dũng với cả đời 65 bài thơ đã sẽ ra mắt và 23 truyện ngắn và bút ký được tái bản bổ xung là những văn liệu quý giá đối với nền Văn học nước nhà, thêm một dẫn chứng “quý hồ tinh…” trong văn học. Trong đó có những bài mang cảm hứng lớn của nhà thơ trước thời đại Cách mạng, có bài in trong sách giáo khoa cho các thế hệ sau học tập.

Những văn bản của các bản tham luận của hội nghị này đã được Chủ tịch Hội nhà Văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên thông báo là đã có trong web site của Hội Nhà văn Hà Nội.

Phát biểu của nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển là những kỷ niệm của mình trong những năm đứng trên bục giảng để giảng cho học sinh lớp chuyên văn học bài thơ Tây Tiến. Ông thông tin thêm cho hội nghị là học sinh của ông: Vũ Tôn Hưng - người đoạt giải nhì môn văn trong kỳ thi học sinh giỏi văn miền Bắc năm 1967 với bài bình thơ Tây tiến. Bài viết đã được đăng trong Tạp chí Giáo dục của Bộ Giáo dục năm đó. Một thông tin thật mới mẻ và thú vị.

Để không khí buổi lễ được thay đổi, giữa chương trình chị Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ Quang Dũng được mời lên đọc bài thơ Tây tiến trong sự xúc động và mọi người trong khán phòng cũng lặng đi khi nghe Sông Mã gầm lên khúc độc hành! Chương trình minh họa thơ Quang Dũng còn có sự đóng góp của nghệ sỹ Ngọc Lan ngâm hai bài thơ: Đôi mắt người Sơn Tây, và Đường trăng. Đặc biệt nhà văn Hoàng Tiến được mời lên đọc bài thơ Lính râu ria của nhà thơ Quang Dũng, ông đọc thật xúc động, những câu thơ đã hằn sâu trong trí nhớ, không cần văn bản, bài thơ Lính râu ria được nhà văn Hoàng Tiến truyền cho người nghe chất lãng mạng của người lính trong Trung đoàn 52 Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng: Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Phần đọc thơ Quang Dũng còn có sự đóng góp đáng kể của PGS-TS Văn Giá, ông đọc bài thơ mới tìm thấy bởi chúng lưu lạc trong sổ tay bạn bè của nhà thơ Quang Dũng, bài thơ Đêm Bạch Hạc. Văn bản bài thơ Đêm Bạch Hạc và bài viết về sự tìm ra bài thơ lưu lạc ấy được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xin lại để làm văn liệu. Kết bài thơ Đêm Bạch Hạc là Một đêm dài để nhớ/ những người xa vô cùng. Bài thơ thật xúc động, nhất là nó là bài thơ lưu lạc mới tìm thấy và chắc chắn nó sẽ được bổ xung vào Hành trang nhẹ mà nặng đằm cảm xúc của nhà thơ Xứ Đoài mây trắng.

Khán phòng được lôi cuốn bởi giọng vang và trong của nhà phê bình văn học Vũ Nho, giọng ông có sức  lôi cuốn kỳ lạ. Ông cũng là người nghiên cứu khá kỹ thơ Quang Dũng. Chủ đề bài nói của ông là Những nét độc đáo trong bài thơ Tây tiến. Ông tôn vinh cái lãng mạn, chất lãng mạn trong bài thơ Tây tiến. Ông cho rằng nỗi nhớ trong bài thơ Tây tiến đã bổ xung vào nỗi nhớ chiến sỹ trong thơ Việt kháng chiến nói chung. Nỗi nhớ Tây tiến song hành cùng nỗi nhớ của những cuộc chia xa mà bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên là tiêu biểu.

Trong lễ kỷ niệm này còn trưng bày một số bức tranh do nhà thơ Quang Dũng vẽ, chúng đã in dấu thời gian trên sắc vàng của giấy vẽ. Những bức hoạ đã làm tăng thêm cái đa tài đa cảm của nhà thơ Xứ Đoài. Nhà thơ Trần Lê Văn đã nhận xét: Quang Dũng viết văn xuôi cũng là một cách làm thơ… bằng văn xuôi. Cũng như anh vẽ tranh cũng là làm thơ… bằng hội hoạ.

Phần cuối của lễ kỷ niệm là phần trao tặng 150 cuốn sách Nhà thơ của Xứ Đoài và Tây Tiến Quang Dũng do ông Nguyễn Huy Thắng, phó giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng tặng, ông cũng là người biên soạn cuốn sách này và ký dưới bút danh Huy Toàn. Người nhận sách tặng là chị Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ Quang Dũng. Sách đã được phát gần hết cho số cử toạ đến dự buổi lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 nhà thơ Quang Dũng.

Họa sỹ Tôn Đức Lượng đại diện CLB Văn nghệ sỹ Xứ Đoài nói về việc dựng tượng đồng nhà thơ Quang Dũng tại trường THCS Đan Phượng, quê của nhà thơ, cũng là nơi ông học tiểu học ngày xưa tại quê nhà. Việc đúc tượng và dựng tượng nhà thơ được một nhóm những người yêu thơ Quang Dũng khởi xướng và đã làm là một nghĩa cử đẹp với văn nghệ sỹ nói chung.

Buổi lễ kết thúc trong sự hoan hỷ của những người tham dự. Những câu thơ Quang Dũng như theo chân, vương vấn trong trí nhớ những người yêu thơ ông, yêu đời thơ gian nan của ông.  Những câu thơ: Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm/ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành đã sống thật lâu cùng bạn đọc nhiều thế hệ.

Khúc độc hành, chữ trong thơ Quang Dũng được Hội Nhà văn Hà Nội lấy làm chủ đề và in trang trọng, đậm nét trên poster cho Lễ kỷ niệm lần thứ 90 sinh nhật ông. Mặc dù nhà thơ Xứ Đoài mây trắng đã về với vĩnh hằng 23 năm, tiếng dội của Khúc độc hành vẫn như còn âm vang trong lòng bạn đọc gần xa yêu thơ ông...

1 nhận xét:

nong thi xuan nói...

Vang!Chi vi long ghen ghet cua To Huu ma nha tho Quang Dung phai kho.Nhung thoi doi cung rat cong bang.Muoi nam sau tuoi tre khong biet To Huu la ai,nhung tran nam sau ho van nho ve nha tho Quang Dung.