Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

CHUYỆN CÔ TẤM


          Mấy hôm nay thấy báo chí đưa tin về việc ở một cuốn sách giáo khoa nào đó, người ta đã sửa cái kết của truyện Tấm Cám để cho Tấm ít... ác hơn. Nếu nói lâu nay ngành giáo dục tùm lum bao nhiêu chuyện thì theo tôi đây là đỉnh điểm của việc tùm lum ấy. Và nó lạ đến nỗi tôi không thể không viết những dòng này...


          Từ nhỏ tôi đã có cảm giác là cô Tấm hiền dịu mà mẹ tôi và các thầy cô giáo luôn dạy là hiền dịu xinh đẹp nhân từ thực ra là rất ác. Lớn lên thì tôi khẳng định đây là cô gái ác nhất trong những người ác. Cô Cám dù sao ác nhưng cô ấy thẳng thắn bộc lộ quan điểm và khát vọng của mình, 1 cái khát vọng nữ nhi bình thường, muốn sung sướng, muốn hạnh phúc... nhưng Tấm, bên ngoài cái vẻ thơn thớt nói cười, cái sự nhẫn nhịn ấy là 1 tâm địa vô cùng ác độc. Hổ dữ không ăn thịt con, mà đây Tấm, khi đã vinh hoa phú quý còn nỡ dội nước sôi em mình, đấy là 1000 lần ác, thế mà người đàn bà kinh khủng này còn mang cái xác chết bỏng ấy làm mắm gửi cho chính mẹ của nạn nhân ăn thì cái ác ấy nhân lên đến 10 vạn lần. Những ai đã nghe tôi giảng môn mỹ học ở trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai suốt hai chục năm tôi là giáo viên thỉnh giảng ở đấy đều nghe tôi nói điều này, và xác nhận là tôi đã nói thế nhé.


          Vấn đề là tại sao người ta lại cố tình chọn truyện này để dạy trong trường phổ thông, và phổ biến nó khắp nơi, toàn diện như là một câu chuyện tiêu biểu của tâm hồn Việt, bản sắc Việt. Từ đó người ta thổi bùng lòng hận thù dì ghẻ con chồng, vô cùng hận thù. Thế hệ mẹ tôi, tham gia cách mạng từ năm 1945, mang trong lòng sự căm thù giai cấp và căm thù dì ghẻ con chồng ấy. Đến khi lớn, tôi về nhà thăm bà ngoại, gặp bà ngoại dì, tức vợ hai của ông ngoại tôi, ông lấy bà khi bà ngoại tôi đã mất, thấy bà hiền từ vô cùng. Nhiều trang viết về ký ức tuổi thơ của tôi là từ bà ngày ấy, ví dụ như cái cảnh bà đi ăn giỗ về, tay cầm miếng lá chuối, trong ấy có tí xôi và miếng thịt gà gió thổi bay, bà đã dúi cho tôi giữa một lũ cháu nội ngoại. Cái mùi thơm của xôi gà ấy cứ phảng phất trong tôi đến tận giờ. Thực ra mẹ tôi cũng rất quý bà tôi, nhưng cứ mở câu chuyện ra là bao giờ cũng "Bao giờ bánh đúc có xương, bao giờ dì ghẻ lại thương con chồng..." nghe mãi thành một đường mòn trong não...

          Truyện Tấm Cám này theo như các thầy dạy tôi ở trường đại học và tôi cũng đọc tài liệu thì thấy nó có đến 500 dị bản, và có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới, thế mà chúng ta xưng xưng nhận là của chúng ta và chọn cái dị bản Tấm ác nhất để phổ biến, nhưng lại luôn cho rằng Tấm tốt, xinh đẹp, nhân hậu, đằm thắm, vị tha vân vân, rất nhiều đức tính tốt được dồn cho Tấm khiến nhiều cô gái hiện đại mơ ước sau một đêm ngủ dậy mình trở thành Tấm. Và rất nhiều tác phẩm VHNT hiện đại đã ca ngợi Tấm, trong đó Thơ và Nhạc là hoành tráng nhất.

          Bây giờ thấy Tấm ác, thấy học trò phản ứng thì lại... sửa cái kết là chúng ta đi từ sai lầm này sang sai lầm khác. Cách tốt nhất là chúng ta lơ đi, cho cô Tấm tàn ác nhưng được che đậy trong cái vỏ bọc nhân từ ấy nghỉ chơi luôn, không có mặt trong sách giáo khoa nữa, không xúm vào ca ngợi như một hình mẫu lý tưởng của cô gái Việt Nam nữa. Có hơi cực đoan nhưng tôi nghĩ vẫn tốt hơn là sửa kết truyện nhưng vẫn lộ là Tấm xinh đẹp nhưng ác.

          Mà tại sao truyện cổ tích, chúng ta lại thò tay vào sửa cái kết ngon ơ vậy nhỉ. Vậy thì cần gì phải sưu tầm nghiên cứu, ngồi nghĩ ra 1 cốt truyện cho hợp rồi đề là: truyện cổ tích...

          Kết thúc, xin hiến bài thơ tôi viết về Tấm cách đây gần hai chục năm:


CÂU HỎI VỀ CÔ TẤM




                              Vàng ảnh vàng anh
                              nhẹ tay áo phơi bờ dậu
                              quả thị thần tiên thơm ngôi hoàng hậu
                              miếng trầu têm cánh phượng dẫn em về


                              Bống bống bang bang ơi
                              trót ăn cơm người chỉ còn xương cá
                              chỉ còn áo gấm chỉ còn hài son
                              chỉ còn xinh đẹp chỉ còn lọ lem
                              chỉ còn mây trắng chỉ còn thơ ngây


                              Mà nên duyên phận mà lên ngôi cao
                              em là cô Tấm của tuổi thơ tôi
                              đi dọc triền cổ tích
                              mỗi trưa hè bà lại “bống bống bang bang”...


                              Nay bà mất rồi tôi chưa kịp hỏi
                              cô Tấm làm mắm có còn sống không ?...


                                                                            Đại Lải 1/6/96




20 nhận xét:

Phạm Doanh nói...

Bài viết hay,cảm động và có lý. Bài thơ rất hay, có khi còn hay hơn nhiều bài thơ bay giờ của tác giả (Dĩ nhiên thơ bây giờ của tác giả không dở rồi !)

I nói...

Khi chiều tụi em cũng bảo, tốt nhất là không sửa và lờ tịt đi...
Thời xưa, nó là khát vọng bõ ghét vì bà con không chạm tới được cường hào ác bá. Nay thì nhiều giá trị đã được thay đổi. Có khi là cái tốt hẳn hoi đấy mà ra đường vẫn bị đòn vu vơ và chảy máu thật...
Thế nên, chả phải đau đớn vì Tấm mà rõ là đau đớn vì người.

Văn Công Hùng nói...

@ Phạm Doanh:
--------
Đại ca đã phán thì... cấm cãi, hihi

Văn Công Hùng nói...

@ I and you:
-------
Ừ nhỉ, Tấm có tội gì, có chăng là người đời.

ptuanha nói...

Anh có cách nhìn tuyệt vời.
Tôi chẳng có kiến thức gì về văn học chuyên sâu cả, nhưng tôi xin bạo miệng góp vài lời nhé.
Cô Tấm ban đầu và cô Tấm lúc cuối câu chuyện không phải là một, hình như ở đây có sự biến thiên chuyển từ cực thiện sang cực ác qua nhiều lần chuyển kiếp. Theo ý kiến riêng tôi, Cô Tấm ở đây đại diện cho những mảnh đời trong hiện thực mọi thời đại và trong mỗi con người chúng ta, vấn đề là dân gian đã nhìn thẳng vào, mà nhiều người không dám như vậy

Văn Công Hùng nói...

Ptuanha:
--------
Quá chí lí, cám ơn bạn.

Hưng nói...

Cái gì thuộc về thì quá khứ rồi thì nên tôn trọng, bác nhỉ! Tuy nhiên, chuyện sửa cái kết truyện Tấm Cám, ở nước mình tôi lại thấy nó thường bác ạ! Này nhé: di tích- sửa, lịch sử- sửa...

Nguyễn Lưu nói...

Chào 2 ông bạn Văn Công Hùng và Phạm Doanh!
Đang bực "thằng" Tuổi trẻ về vụ bàn cách "giảm án" cho cô Tấm, biến đổi cá lịch sử văn học-nếu có thể nói như thế, liền đọc blog của họ Văn, thêm ý lão Phạm, sướng! Đúng là như thế.
Tôi chợt nhớ ngày 1-1-1997, có viết bài mở đầu chuyên mục "Diễn đàn đầu năm" của báo Nhân dân (do Thế Văn và Lê Quang Trang mời) và lấy vụ cô Tấm để gây sự. Gây cái sự là con này ác nhất thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam, rồi cúi xin mấy anh họ Phó gì đó nên dẹp những kiểu ăn theo cổ tích ấy đi. Tôi chờ phản hồi và 4 năm sau có GS Vũ Ngọc Khánh viết bài nhè nhẹ, trong đó cụ bẩu" phải chăng cách nhìn này mang tính giai cấp? Tôi chả hiểu sao, tuy nhiên vụ này cũng tát nước ao bèo, không sung bằng mấy vụ lùm xùm sau đó cho tôi gây sự, sẽ tâm sự với bạn vào dịp khác nhé. Lần đầu vào đây gặp kẻ đồng sàng đồng mộng, xin chào sân chào bạn đã!



Nguyen Luu

Writer/Reporter

Vietnam Investment Review

Lăcdanh nói...

Theo tôi nên cấm lưu hành chuyện cổ tích Tấm Cám trong trường học phổ thông các cấp. Không thể nói như đã từng dạy cho trẻ con rằng Tấm là cái Thiện còn Cám là cái Ác, mà cả hai đều sử dụng cái Ác tột cùng để đạt mục đích ( Mưu cầu hạnh phúc-vinh hoa phú quý quyền cao chức trọng). Khác nhau chỉ là Cám dùng cái Ác để đạt mục đích, còn Tấm dùng cái Ác khi đã đạt mục đich. Câu chuyện cổ tích này muốn nói rằng con người xuất thân từ mông muội thì sẽ phát triển thành dữ cầm thú.

Nặc danh nói...

Có bài này bên VNN ngày hôm nay. Các bác sang VNN tham khảo nhé. "Thạc sĩ ĐH Paris 7 bàn chuyện Tấm Cám". Tôi thấy vị này viết cũng có lý.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Tiên sinh:
-------
Hân hạnh đón tiếp Ama Lâm ở tệ xá chật hẹp thiếu tiện nghi này. Không những thế lại còn được tiên sinh cho chữ ngọc lời vàng. Về cái vụ Cô Tấm, kể ra cụ Phó cũng đã không hà tiện giấc mơ. May mà mấy đứa con gái nhà cháu nó chưa ước là cô Tấm, nó chỉ ước nó là nó thôi tiên sinh ạ.

Văn Công Hùng nói...

@ Hưng:
-------
Thực ra thì có thể họ quen cái gì cũng sửa được nên cái truyện cổ tích không có tác giả ấy, không phải trả bản quyền ấy ta cứ sửa phắt đi cho tiện, là chắc các bác giáo dục nghĩ thế...

Văn Công Hùng nói...

@ Lặc danh:
--------
Quả là cái chuyện cô Tấm này có đến 500 dị bản và có ở nhiều nước, còn vì sao mình chọn nó là tinh hoa của phụ nữ nước Nam thì chịu. Nhưng qua vụ này rõ ràng người ta cũng đã thấy có gì đấy gợn gợn, chắc là sắp tới ta nhường cho nước bạn bản quyền vậy, ta tập trung cho vụ Hạ Long thành kỳ quan của Niu Se vần wuo là đủ rồi...

Nặc danh nói...

Thế thì câu "Vàng ảng vàng anh có phải vợ anh chui vào tay áo"Vì cứ nghe thấy vàng anh là bọn trẻ nghĩ ngay đến cô bé diễn viên Hoàng Thùy Linh.Tôi đã nghe mấy "ông chíp"rủ nhau :Ê sang Gia Lâm đi vàng anh không mày?

An An nói...

Lâu lắm mới vào đọc bài và chào anh một tiếng được. Bài viết rất hay và có lý dù chuyện cô Tấm ác thì hầu như ai cũng biết(trừ những người cho cô Tấm vào sách giáo khoa và dạy rằng: "Cám là hiện thân của cái ác, Tấm là hiện thân của cái thiện..." mà thôi.
" Tấm Cám" ngoài chuyện thiện ác ra cón nhiều chuyện để bàn lắm. Em xin bổ sung 1 chuyện nữa. Chuyện này nằm trong 1 TN ( không được đăng) từ thời học phổ thông, đại ý chuyện thế này:
Học trò (nhiều chuyện) hỏi cô:Tại sao vua lại cưới Tấm? Cô giảng rằng " Vua cưới Tấm vì Tấm xinh đẹp, dịu hiền, chăm chỉ, hiếu thảo...". Học trò ( ní nuận): Nhưng khi ấy Tấm có đang cấy lúa, bắt cua đầu lấm đầy bùn ở ruộng đâu, vua chỉ gặp Tấm ở hội, lúc ấy Tấm mặc đồ đẹp, đi hài cưỡi ngựa (toàn đồ giả thôi huhu)chứ có quần cộc, áo vá chân đất,mắt sưng (vì khóc) dắt trâu ngoài đồng đâu làm sao vua biết Tấm tốt đẹp, chăm chỉ, hiền lành? Cô giáo:??? Học trò: ...Vua lấy Tấm vì thấy Tấm ăn mặc đẹp, cưỡi ngựa đi hài tưởng Tấm là công chúa nên mới mê ( chứ không phải là yêu), đi tìm và xin cưới Tấm thôi. Cô giáo:....
Học trò này dĩ nhiên không thể là học sinh giỏi văn nên chẳng mơ có ngày chính bản thân được quyền đưa những cái mình thích vào sách giáo khoa biến những cái phi lý thành chân lý cho bao thế hệ học theo huhu!
Chúc anh luôn mạnh khỏe, vui vẻ anh nha!

Văn Công Hùng nói...

@ An An:
-------------
Cám ơn đã đọc và hiểu. hôm qua có người gọi điện cho mình nói có ai đó nói mình... mù màu, không biết được Tấm là hiện thân của nhân dân với bao điều tốt đẹp, rằng khi đọc Tấm phải biết lọc, biết suy ngẫm, hehe. Mình chỉ muốn nói hai điều chính (với nhiều điều phụ, hì hì) rằng là Tấm Cám không phải là sản vật duy nhất VN có, vậy sao cứ phải cố sống cố chết biến nó thành hiện thân của văn hóa Việt (điều này hơi trùng với việc cả nước, từ em bé 5 tháng tuổi, cháu nội ông bộ trưởng Văn thể du HTA đến nam phụ lão ấu hùng hổ chĩa đt lên trời bấm bầu chọn cho Vịnh Hạ Long), và 2, quan trọng hơn, tại sao lại dám sửa truyện cổ tích, đại loại thế em ạ. Chắc chi tiết kia là trong truyện ngắn của em chứ gì?

Nặc danh nói...

Bọ lập có kể chuyện: "Anh Mai Văn Tấn còn viết hẳn một chuyện cổ tích Sự tích cái ống bương nước để trêu Văn Lợi. Đại khái ngày xửa ngày xưa có anh Văn Loi hiền lành tốt bụng cưới một cô gái rất xinh đẹp tên là A Tung. Vì quá yêu vợ, Văn Loi không để cho A Tung làm gì cả. Một hôm Văn Loi vào rừng săn bắn tối mịt vẫn chưa về. Ở nhà hết nước, A Tung không đợi Văn Loi về lấy nước như mọi khi, đành quảy gánh xuống suối. Lâu ngày không quen gồng gánh, đêm tối dốc trơn, A Tung bị ngã, chết thảm dưới chân dốc. Văn Loi ôm lấy vợ kêu khóc thảm thiết, nói ôi A Tung ơi, không có A Tung thì đời Loi còn nghĩa lý gì nữa, nói rồi ôm vợ lao xuống thác, chết tốt. Từ đó dân Vân Kiều bỏ tục gánh nước, chỉ lấy nước bằng ống bương"
té ra người thời nay có thể sáng tác ra chuyện cổ tích nhẩy? hehe

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc Danh:
------------
hehe mình cũng có thời đi sưu tầm văn học dân gian và thi thoảng cũng... sáng tác thêm đấy...

Nặc danh nói...

Cháu xin có ý kiến ở đây là nhân vật Tấm không ác. Việc sáng tác kết thúc truyện là của nhân dân không màng đến cô Tấm được. Đó là hình phạt của ông cha muốn răn đe cũng như gửi gắm Ác giả ác báo thôi. Không thể cứ nói là Tấm ác hay là hiện thân của cái ác đâu ạ. Xin hết

Hương Ngọc Lan nói...

Hay quá chú ơi