Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

CÀ MAU

Mình đến Cà Mau lần này nữa là bốn lần- đừng nói lái nha. Từ Pleiku bay xuống Sài Gòn, hẹn trước với bọ Lập, bọ "triệu tập" thêm ông Đỗ Trung Quân và Huy Đức. Máy bay vừa dừng bật điện thoại thì bọ nhắn: Đến nơi gọi ngay. Mình gọi bọ chỉ đường cho tắc xi đưa thẳng đến bờ kè kênh Nhiêu Lộc, Lê Huy Mậu cũng từ tàu cánh ngầm xông thẳng đến đấy, trong khi chương trình là về nhà mình đã rồi mới đến. Nhưng đúng là chỉ có điên mới đi như thế và mục đích khoe với ông Mậu cái nhà của mình cũng thành hiện thực khi khuya 2 đứa đứ đừ về đến nhà và sáng sau thì hỏi nhau rằng mình về đây như thế nào, thằng nào trả tiền tắc xi, và ai cũng chối, bảo mình không trả, huhu. 5 người 2 chai Ba Len Thai ballantines (Ông Mậu 1 chai và mình mang 1 chai, chai của Nguyễn Thành Phong cho hôm trước, hehe, lấy của người này đãi người kia). Vấn đề là khi giải tán thì cả 2 chai đã... sạch bách, nên trưa sau bay xuống Cà Mau vẫn còn trong trạng thái lừ đừ...

Và vì lừ đừ thế nên mới chỉ chụp vội mấy cái ảnh từ trên máy bay, còn chưa ngẫm nghĩ gì. Chiều ăn cơm, cứ thấy ai cầm ly rượu đến là co rúm người lại. Ăn xong về trước cửa khách sạn ngồi uống... nước rau má, chờ Nguyễn Ngọc Tư đến, nhưng chờ 1 lúc cũng trĩu người lại, thế là điện, em ơi lúc khác nhé. Và vì thế nên mời mọi người xơi món... nguội, là những dòng tớ viết từ lần đầu đến Cà Mau, năm 2005. Và cũng tiếc rẻ, giá như có chú Dong ở nhà... nhưng thôi, cám ơn chú đã còm và chia sẻ...

Ðến đây mới hiểu tại sao người miền nam thích hát cải lương và mê cải lương đến thế? Những tháng năm mở đất, những bước chân phiêu du với tất cả sự cô độc của con người cũng như dữ dội của tự nhiên đã khiến họ cứ càng ngày càng xa quê hương bản quán. Trước mặt họ là biển, là mênh mông ruộng đồng tít tắp, là dằng dặc những con sông tuần tự nước rong, nước ròng..., lúc này trước tự nhiên, con người vô cùng nhỏ bé và họ cần trang trải nỗi lòng, cần động viên mình, khẳng định mình. Ðêm đêm những con người tha hương ấy ngồi ôm nỗi nhớ vời vợi ngắm sao trời, bên những xị đế, họ thả lòng mình vào những câu ca hoà quyện mênh mang sông nước mà buồn đến não lòng. Dân ca là để chuyển tải tâm trạng, vì thế mà nó buồn, nhưng cái buồn của nam bộ khác với dân ca miền trung luôn bị núi choài ra biển, bị đèo chắn ngang nên nghe gập ghềnh nhấp nhô cà giựt. Ở đây câu vọng cổ bay là là mặt nước, chở nỗi buồn giao cảm đi khắp mênh mông ruộng bờ. Tôi là người không thích cải lương, thậm chí là ghét. Nhưng vào đây tôi đâm mê. Làm sao mà nó lại hợp cảnh quan con ngưòi đến thế. Gần như ở tất cả các quán nhậu tôi được dẫn tới, đều có các em vừa bưng bê chạy bàn, vừa ca cải lương rất mùi, kể cả ở nhà hàng Ðất Mũi, chốn nhậu xa nhất tổ quốc ta. Thường thì chỉ cần một ghi ta phím lõm và một nhạc công, còn thì tất cả các em phục vụ, tiêu chuẩn đầu tiên là phải... biết ca. 
 
           Tôi làm một cuốc xe lôi lang thang thành phố Cà Mau với một tâm trạng khó tả. Bao nhiêu năm trước, nơi đây là biển, là sình lầy với mênh mông bần đước, với thăm thẳm rợn ngợp U Minh, với lúc nhúc chuột trăn rùa rắn cá tôm. Bao nhiêu năm trước, cha ông chúng ta, những lưu dân Việt, những tiền nhân tiên phong, bằng cơ bắp của mình đã mở mang bờ cõi. Tôi đã vào đền thờ của những thủ lĩnh mở đất ấy ở các tỉnh phía nam. Những là Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Trịnh Hoài Ðức, Mạc Cửu, Phan Thanh Giản... Con kinh Vĩnh Tế dằng dặc là một minh chứng cho sự bất tử của lao động con người. Không chỉ cơ bắp, những Văn miếu trấn biên ở Ðồng Nai, Tao đàn ở Vĩnh Long, Hà Tiên... là sự khẳng định của tri thức, của văn hoá trong hành trình dựng nước, mở nước và giữ nước. Và hành trình ấy vẫn thon thót, nhoi nhói những câu thơ buốt ruột, những hoài quốc khắc khoải mà can trường: Ai về bắc ta theo với/ Thăm lại giang sơn giống lạc hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long... Các thành phố thị xã phía nam phần lớn được bao bọc bởi những con sông. Mỹ Tho, Bến Tre là thế, Cần Thơ, Vĩnh Long là thế, Châu Ðốc, Hà Tiên, Rạch giá là thế... Và Cà Mau, con sông Gành Hào chia đôi thành phố, có gì đấy nhang nhác thành phố Huế quê tôi cổ kính bên lững lờ dòng Hương. Khác với Sóc Trăng, xe lôi Cà Mau và Cần Thơ được kéo bằng xe gắn máy, phần lớn là xe 67 và nó có thể chở đến 6,7 người một cách sang trọng và cơ động. Mà ngồi xe lôi thú thật. Mát và êm, nó đưa tôi đến một vườn chim khổng lồ giữa lòng thành phố. Hàng vạn con cò con diệc con vạc con nông... các loại đang giờ về tổ. Chúng nháo nhác kêu, bay lên đậu xuống trắng xoá cả một góc chiều. Xung quanh vườn chim người ta xây tường rào và khoá rất cẩn thận. Tôi tìm được ông giám đốc, đưa thẻ nhà báo xin vào trong vườn một chút thôi, cho có cảm giác. Ông hăm hở nhất trí, dẫn tôi lội một vòng về cổng chính, tra chìa khoá vào ổ và... không mở được. Ông bảo người ta mới thay ổ khoá mà chưa báo cáo với ông. Thì biết thế. Nhưng ông động viên tôi: Ðứng ở ngoài đẹp hơn, nhìn được toàn cảnh hơn, vào trong ấy chỉ thấy cây, tổ chim và... cứt chim. Không khéo nó lại rơi vào đầu thì khổ. Ông kể cho tôi nghe nỗi khó của cái sự trồng thêm cây trong vườn. Cây chưa kịp lớn đã bị cò đậu gãy hết trơn, trồng cả trăm cây may được một cây sống sót. Nhưng mà như thế là mừng bởi chim yêu vườn và sinh sôi nảy nở. Hết chùa dơi, giờ lại vườn chim tự nhiên khổng lồ giữa lòng thành phố, quả là phương nam có nhiều kỳ lạ để kể, để nói. Buổi chiều quãng 5 đến 6 giờ là lúc chim về tổ khách đến ngắm vườn chim đông lắm. Thì đã bảo người ta tận dụng tất cả những gì thiên nhiên ưu đãi để làm du lịch sinh thái. Nhưng vì thế mà giá cả khá đắt đỏ. Ở Plei Ku có thể dễ dàng tìm một phòng ngủ khoảng bảy tám chục ngàn, nhưng vào miền nam thì không dễ. Hai phòng  ngủ 5 giường đôi nhưng rất nhỏ ở Hà Tiên giá 480.000 một đêm. Chúng tôi ngủ ở khách sạn du lịch công đoàn Cà Mau, may là được nhà văn Nguyễn Thanh chủ nhà, chủ tịch Hội VHNT Cà Mau tuyên bố ngay: "Chú để cho anh "vinh dự" được trả tiền phòng. Chả mấy khi chú ở tây nguyên xuống. Tiền của chú chú cứ giữ, đến chỗ nào mà thấy thằng cha chủ nhà mặt chụ ụ một đống thì lo mà trả, đây tao còn cười được. Nhưng mai nghe mày kể mà có thằng nào lại mò xuống nữa thì tao... khóc". Ối ông Thanh ơi là ông Thanh ơi. Hôm sau trên đường về, tôi gặp các ông Ðà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum rồi cả Ðắc Lắc đang trên đường về "thăm" Nguyễn Thanh. Ông nhà văn Ðức Ban tận Hà Tĩnh cũng làm một xe và hào sảng khoe với tôi: Tao sắp xuống "thăm" Nguyễn Thanh. Mày chỉ đường cho tao. Tao quý lão lắm, lão rất tốt, rất nhiệt tình. Tất cả họ, những người đang xuống và sẽ xuống, đều hồ hởi lắm, cũng như tôi đang hồ hởi, vô cùng hồ hởi sau mấy ngày tận hưởng và xúc động với mảnh đất thiêng liêng tận cùng tổ quốc. Anh em văn nghệ ai cũng yêu, cũng muốn đến mảnh đất mệnh danh là ngón chân cái của đất nước ấy thì ông Nguyễn Thanh càng tự hào nhưng mà két của Hội Văn nghệ thì nhanh rỗng, và ông Nguyễn Thanh, nhà văn đàn anh mà tôi luôn kính trọng từ lâu, con người thông minh mà hài hước sẽ khó mà cười tươi như hôm đón tôi được nữa? Có một hôm tôi ngồi với chị Ðỗ Tuyết Mai, biên tập tạp chí Bán Ðảo Cà Mau, quân của ông Thanh, tôi nói đùa: nghe nói khi nghe tin tôi xuống đây, ông Thanh hốt hoảng quá phải triệu tập... 5 cuộc họp... Chị Mai rũ ra cười, cười đến chảy nước mắt, cười lịm đi mà không thanh minh. Hình như câu đùa tếu táo của tôi có một phần sự thật. Văn nghệ nước ta nó khổ thế. Có điều kiện tôi sẽ kể hội VHNT Gia Lai đón và tiếp khách như thế nào? Nó có thể bằng cả nền hài kịch Anh và Pháp cộng lại. Nhưng mà vui và tình cảm lắm. Bởi vì khách là ai không biết, nhưng nếu mà là nhà văn và các văn nghệ sĩ thì địa phương chủ nhà chỉ có lợi. Mười người đến như thế, chí ít cũng có năm người có tác phẩm, những tác phẩm về quê  hương anh, địa phương anh mà anh chả phải đầu tư gì. Trong khi có lúc anh bỏ ra hàng nhiều trăm triệu mời rất đông văn nghệ sĩ về mà lại chả cơm cháo gì? Cho nên nói đùa cái sự văn nghệ sĩ hay đi lang thang. Chả lang thang đâu, tất cả đấy là đi làm việc...

           Hôm sau nhà văn Nguyễn Thanh hào phóng đãi chúng tôi một món quà bất ngờ: Thuê một con thuyền chạy máy ô tô chở chúng tôi về tận đất Mũi, nơi mà trên bản đồ tổ quốc là một cái chấm li ti nhô ra biển. Tên chính thức của nó là ấp Rạch Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Từ thành phố Cà Mau về Ðất Mũi dài 140 km chỉ có duy nhất một con đường là đường sông với 3 loại phương tiện chủ yếu: Một là tàu đò đi mất đúng 12 tiếng. Ðây là loại đò dài khượt như chiếc ô tô chở được sáu bảy chục khách chạy lừ lừ trên sông. Hai là loại chúng tôi đi, nhỏ hơn, chở khoảng hai chục người lắp máy xe IFA hoặc HYUNDAI, chạy khoảng 5 tiếng và ba là HOBO chạy xé gió trên sông khoảng hai tiếng rưỡi chở năm sáu người chi đó. Cả 3 loại đều không có nhà vệ sinh, khi nào khách đồng loạt yêu cầu thì nhà đò ghé lại một vạt đước nào đó cho khách xả, xong lại tiếp tục hành trình. Một điều thú vị làm tôi rất ngạc nhiên là cái cách tài công ở đây điểu khiển vỏ lãi. Nó y như chúng ta điều khiển xe máy trên đường, rất nhanh và chính xác và lại có thể chạy lùi như ô tô. Các đường cua đường lượn đều rất mượt. Ghe thuyền vỏ lãi chạy trên sông cũng y như ô tô trên đường một làm mấy chú lái xe ô tô lác mắt. Trên thuyền, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài bày cho tôi cách phân biệt cây bần, cây đước, cây mắm. Cây bần thì rễ ăn ngược lên trông tua tủa như những bàn chông, cái rễ bần ấy, dân gọi là cặc bần có thể làm nút chai hoặc nút phích rất tốt, bởi độ mềm và đàn hồi rất cao. Cây đước thì rễ cắm xuống phồng như cái nơm, lênh khênh như một cái chuồng gà tránh lũ, còn cây mắm thì giống hệt về hình dáng và cả lá nhưng đen hơn cây đước. Bên cạnh con người thì những bần, đước, mắm, dừa nước...là những tác nhân vĩ đại giúp con người lấn biển và giữ đất. Chính những bộ rễ chùm khẳng khiu kia, khi cắm xuống nước mặn đã như những bức mành giữ lại phù sa trong chùm rễ của chúng, cứ thế ngày này qua năm khác, bần trước đước sau, từng mi li mét đất nhích dần ra phía biển. Mũi Cà Mau, vì thế, hàng năm đều nhích ra phía biển từng mét một...Trên đường về Ðất Mũi, tôi mê mẩn trước những vẻ đẹp tự nhiên và cả nhân tạo, mà chợ nổi trên sông là một kỳ thú như thế. Tôi nhớ đã xem một bức ảnh đoạt giải ở đâu đó chụp chợ nổi Cà Mau. Mỗi con thuyền là một thế giới hàng hoá, cũng biển hiệu xanh đỏ tím vàng, cũng nhạc xập xình, cũng cà phê hủ tiếu, cửa hàng xăng dầu, tiệm sửa chữa máy nổ, chụp hình thuê băng... cũng áo hoa váy đầm thướt tha, cũng đanh đá chua ngoa trữ tình ngúng nguẩy, có cả cắt tóc gội đầu mát xa thanh nữ... Một thế giới màu sắc, âm thanh, hương vị... bập bềnh trên sông làm sinh động hẳn đời sống của một vùng quê vô cùng tĩnh lặng...  Tôi cũng nhớ đã đọc một bài báo nói về Cà Mau mùa đất lở. Thì nay, tôi đang tận mắt chứng kiến những cơn đất lở đau lòng ấy. Phần nhiều nhà của bà con ta bên bờ các kinh rạch là những căn chòi lá tạm bợ, đủ để chui ra chui vào và nhất loạt ngoảnh mặt ra sông. Những năm gần đây, đời sống khá hơn, nhiều gia đình đã làm nhà xây kiên cố. Nhưng kỳ lạ là đi trên sông ra Ðất Mũi bắt gặp rất nhiều ngôi nhà ấy bỏ không đang dần dần bị nước ăn dần. Ðúng hơn là những căn nhà xây bên bờ sông, chắc trước chúng ở cũng khá xa bờ sông, nhưng nay đất dưới chân chúng đang lở, và chúng sập. Những ngôi chưa sập chúng tôi thấy thì đang chuẩn bị sập. Sóng ì oạp chui vào dưới nền nhà nhấp nhô. Nguyên nhân. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài giải thích là do sóng của những tàu cánh ngầm, những hobo cao tốc kia. Mà sóng của chúng khủng khiếp thật. Tàu của chúng tôi cũng là tàu lớn và mạnh thế mà nhiều lúc chúng chạy qua đã chao như gặp bão. Sóng khi gặp các tàu cao tốc xé nước chạy làm con tàu như nhấc bổng lên khỏi mặt nước khiến mấy vị lần đầu đi trên sông hết hồn. Và cứ ngày này qua ngày khác như thế, bờ sông lở vào hàng chục mét, và còn lở nữa... Những căn nhà trơ trọi sập đổ lam nham ấy cứa vào nắng quái buổi chiều như những câu hỏi ngơ ngác vẳng vào thinh không. Bởi ở rất nhiều ngôi nhà như thế, tôi thấy cả những bàn thờ còn chưa kịp dọn! những chiếc võng trống không còn đung đưa trong gió! những người chủ, giờ đã lại phiêu dạt nơi nào? Rất nhiều khách du lịch khi đã đến Cà Mau đều tìm cách về đất Mũi, và cũng chỉ có một con đường chúng tôi đang đi. Và tại Ðất Mũi, công ty du lịch Minh Hải đã chiếm cứ ở đấy tự bao giờ để đón khách. Sau khi được hướng dẫn đi một vòng thăm quan, gần như ai cũng cố chụp một bức ảnh dưới lá cờ tổ quốc đang phần phật bay ở ngay mốc toạ độ quốc gia có chữ MŨI CÀ MAU, ai cũng cố thò chân xuống mặt nước biển ngay nơi được giới thiệu là cái chấm cuối cùng trên bản đồ. Trên bản đồ nó là cái chấm, nhưng ở thực địa nó rộng mênh mông, nhìn về tay trái là biển đông, tay phải là vịnh Thái Lan, nước biển ngầu phù sa, không đỏ như phù sa sông Hồng, mà màu bùn non, đặc sánh, ì oạp lồng lộng tận tít mắt, chả thấy chân trời đâu cả. Có một anh trong đoàn, học tập tiền nhân, quỳ xuống hôn mảnh đất đậm đặc mùi bùn tươi này rồi trải tờ báo đã chuẩn bị sẵn, đào một cục bùn cỡ ký lô gói lại nhét vào túi áo ký giả căng phồng. Hầu như ai cũng cảm động khi rón rén đi trên từng thước đất như còn đang phập phồng thở này. Ai cũng muốn hít căng lồng ngực rồi giang tay hét thật to, ai cũng muốn tận hưởng từng giây cái gió biển độc nhất vô nhị ở tận cùng phương nam này, nhưng thú thực, cái cách bày tỏ cảm xúc của gã kia nó cứ cải lương thế nào. Bữa trưa ở nhà hàng Ðất Mũi cũng đầy ấn tượng. Có ca cải lương, có trà đá... nhưng có hai món làm ngạc nhiên du khách khi được kể xuất xứ, một là... rau muống, và hai là cá thòi lòi nấu lẩu. Ðể có hai món này, từ giám đốc đến nhân viên nhà hàng đều cật lực làm (Bắt cá thòi lòi và khoanh đất trồng rau muống) đều đặn 2 buổi sáng chiều. Ðặc điểm lớn nhất và cũng là khác biệt lớn nhất của nhà hàng này là chỉ phục vụ từ 11 giờ trưa, và chậm nhất là 13h30 là hết khách, chỉ còn lại chơ vơ nhân viên nhà hàng ở lại đất Mũi, còn khách đã theo tàu về để đến Cà Mau kịp tối, ở Ðất Mũi chưa có dịch vụ nghỉ trọ. Nói ngạc nhiên là bởi để trồng được rau muống ở đất này là cả một kỳ công. Tôi chưa được ra Trường Sa, nhưng đồ chừng cái cách trồng rau muống ở 2 nơi cũng na ná nhau. Có khác chăng là chất đất ở 2 nơi khác nhau và Trường Sa thì khắc nghiệt hơn. Cái món lẩu cá thòi lòi nó như thế này: nước lã pha gia vị mắm muối và mẻ nấu sôi, thả cá vào nước đục lờ lờ, chín thì nhúng rau muống và... ăn. Ở miền nam, bất cứ bữa cơm nào cũng có một nồi lẩu. Và rau nhúng vào lẩu là tất cả các thứ rau hái xung quanh nhà, có cảm giác phàm là lá cây đều nhúng được hết, nhiều khi tưởng không hợp nhưng lại ngon đáo để, như rau muống nhúng nước mẻ cá thòi lòi tôi vừa kể. Cũng xin nói thêm, chuyến đi của tôi cũng hơn nửa tháng mà không hôm nào "chết" vì xỉn cũng bởi cách nhậu miền nam tôi chịu được. Ấy là vào bữa nhậu theo cách hiểu của tôi thì họ lại bê cơm ra. Hôm đầu tiên thấy chủ nhà xới cơm ăn ngon lành, tôi thắc mắc: Quái, mời người ta nhậu mà lại hì hụi ăn, chả thấy "tuyên bố lý do" rồi cụng ly "đứng lên ngồi xuống gì cả". Cơm rất thơm với cá tươi kho tộ, "tép" xào bồn bồn, lẩu cá rất nhiều rau... chén kễnh bụng mới bắt đầu... nhậu. Dọn sạch trên bàn và mang khô hoặc trái cây ra: Cuộc nhậu bắt đầu. Mỗi người lại được một ly trà đá châm nước và đá thoả thích. Rượu xây chừng rất tự giác chứ không căn ke như miền trung. Ở miền trung hú nhau đi nhậu, gạ nhau gài độ nhậu... cứ làm như thèm rượu lắm nhưng khi ngồi vào bàn tị nhau từng giọt rượu, thắc mắc nhau từ cái cặn, cái long đèn bia, không ai chịu uống hơn ai, anh nào cũng tìm cách thoái thác, uống càng ít càng tốt, để hôm sau lại gạ nhau... nhậu. Chất hiệp sĩ hào sảng của người miền nam thể hiện trong cách nhậu. Không căn ke ly đầy li vơi. Thích ai nâng ly lên mời: Tôi với ông nhen, xong uống một nửa hoặc quá hơn tuỳ đối tác, trao ly cho đối tác, bốc khô ăn hoặc chiêu trà đá. Một điều nữa là rượu khá nhạt chứ không cháy cổ cháy họng như Vân miền bắc và Bàu Ðá miền trung... Ba điều ấy: cơm no, trà đá và rượu nhạt đã giúp tôi "bảo toàn tính mạng" trong những ngày lênh đênh miền nam, thậm chí lại lên cân. Nhớ những cuộc nhậu miền trung mà kinh, chả ăn được gì, cứ hùng hục uống, có khi mấy ngày bụng ong óc nước, người vật vờ như kẻ chết trôi. Có một anh bạn mới quen ở Kiên Giang nói với tôi: Tôi uống ít, tuần uống một lần, mỗi lần có... một tuần và một tháng chỉ... bốn lần. Cứ cách uống như thế, tôi cũng đã phải ngồi từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm thì giả vờ lăn kềnh ra tại chỗ. Anh bạn Trương Thanh Hùng, chủ tịch hội văn nghệ Kiên Giang có một câu tự nhận "Tôi uống rượu như trâu uống nước đìa" trong khi tôi khen một người khác là uống bia như "voi hít bã mía". Cả chủ tịch, phó chủ tịch là nhạc sĩ Phạm Ðịnh và chánh văn phòng hội văn nghệ Kiên Giang là một nữ nhà văn trẻ xinh đẹp tên Nguyễn Thị Diệp Mai đều có tửu lượng rất kinh. Tôi đã tận mắt hãi hùng trước hai ông trên nhưng nghe nói hai ông này đều xếp hàng sau Diệp Mai. Ấy là nghe doạ thế, chứ quả thật tôi chưa thấy Mai uống nhiều, chỉ gầy cuộc, cổ vũ, uống nhấp nhấp và mua mồi khô, chạy trà đá trong khách sạn rất giỏi. Nhưng văn chị thì tôi đọc kỹ, mới đây nhất là 2 cái truyện in trên Văn Nghệ Quân Ðội (Chim Nhạn bay về)  và Văn Nghệ (Ðại ca Bầu) khá ấn tượng, đậm đặc chất phương nam.... 

Cà Mau từ cánh máy bay hôm nay đây:



8 nhận xét:

Nặc danh nói...

"Vấn đề là khi giải tán thì cả 2 chai đã... sạch bách, nên trưa sau bay xuống Cà Mau vẫn còn trong trạng thái lừ đừ..."
Vấn đề là ... cái bác nhà văn này đang ở Sài Gòn. Vậy bác "bay xuống Cà Mau" từ sân bay nào và đáp xuống sân bay nào vậy? Anh cho tôi cùng xuống đó nhậu với anh nhé! Tô sẽ đãi bác vài chai Ba-len-thai nữa! He! He!

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
---------
Hơ hơ bạn này, này nhé, tôi bay từ Pleiku xuống Sài Gòn ngày 25, chuyến bay 4h20, đến SG là 5h30, hôm sau (26, tức hôm nay) tôi bay từ SG xuống Cà Mau chuyến bay lúc 14h20, 40 phút sau đã Cà Mau rồi. Có rượu thì mang đến đây nhé, tôi đang ở KS Hải Châu, 229 Hùng Vương, Cà Mau.

Mục Nam nói...

Sao lại gọi là "cà mau" bác?
Em chỉ biết cà từ từ thôi.

Văn Công Hùng nói...

@ Mục Nam:
--------
Ờ nhỉ, cà từ từ thú hơn, hi.

Tư tèo tèo nói...

Cà mau là nói gọn tên Tưk Kmao -Nước đen, vì chất mùn mục theo nước triều về tới vùng Soc trăng đã nhiều, huống hồ là...Cà mau.
Mà lâu lâu mới cà từ từ thì còn hơn thế nữa, nhẩy ?

Văn Công Hùng nói...

@ Tư tèo tèo:
-------
Chô cha cám ơn anh Tư nha, anh thật thông thái, cái gì cũng biết. Giải thích này thật lý thú. Nhưng sẽ lý thú hơn nếu anh giải thích đc tiếp, cái vụ bác cựu tổng ấy, 72 tuổi lấy vợ lại, có... mần ăn chi được không?

phạm thái dương nói...

em người cà mau. chỗ mâm cơm nào cũng có lẫu là không hoàn toàn đúng ạ ^^. vì lẫu mắm hay lẫu cá hoặc các loại lẫu khác, chỉ xuất hiện vào những khi đại gia đình sum họp đông đủ hoặc đôi
lúc trong các tiệc nhậu thôi ạ

Văn Công Hùng nói...

@Phạm Thái Dương, ahuhu, thế tức là ăn cơm bình thường thì không lẩu ạ. Có thể mình nhầm, vì mình ăn cơm thường nhưng ở... KS.