Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

XỨ NGƯỜI LUÊNH LOANG

Mấy hôm trước đọc báo thấy đưa tin: Một bà sồn sồn, đâu như trên ba chục tuổi, sang Singapore đánh bạc, thua sạch, bà bèn... gạ bán thân. Lại nhè đúng tay đội trưởng bảo vệ mà gạ với giá 200 Đô Sin. Thế là alê hấp, mệ vào tù nhé. Ở VN tuổi ấy còn chả bán được, mà lại còn dám sang tận Sin mà bán với giá ấy thì mẹ này ghê quá. Nhưng rồi lại nhớ vài chuyện hồi mình đi, viết ra đây...
 
        
 Có thể nói bây giờ, đi đến chân trời góc bể nào cũng gặp người Việt. Chả bù cho ngày xưa, mới cách đây hơn trăm năm, sau hàng năm trời lặn lội, Nguyễn Trường Tộ đến được nước Pháp rồi về suýt bị chém đầu vì dám kính cẩn bẩm với vua rằng ở bển người ta đi xe hai bánh không ngã và đèn thì thắp lộn ngược.
        Nhưng đông nhất, tấp nập nhất mà trong khả năng đi lại hạn hẹp của mình tôi thấy là ở các chuyến bay đi Mã Lai.
        Trước khi sang Mã Lai, thú thật tôi luôn nghĩ trong bụng rằng là cái xứ ấy nó thua mình xa, trông người như thế, phong cách ăn mặc như thế, văn hóa ẩm thực như thế, kể cả... đá bóng như thế, đánh bóng chuyền như thế... thì chúng ta hơn đứt là cái chắc...
        Trên chuyến bay sang Mã Lai hồi cuối tháng 7 vừa qua, chật ních khoang hành khách là người Việt, trong ấy một nửa là người đi du lịch, nửa kia là số đi sang lao động, ăn mặc đồng phục, có lô gô công ty.
        Thì ra Mã Lai không như tôi tưởng. Nó phát triển và hiện đại hơn nhiều, có thể nói là ngoài tưởng tượng của tôi, một người hay tưởng tượng và mơ mộng, và vì thế mà đi... làm thơ...
        Trong trập trùng người ấy, té ra, người Việt mình rất đông chứ không cô đơn như lâu nay cứ tưởng.
        Tô Ny Triều là thạc sĩ quản lý kinh tế. Anh sang Sin học đại học bằng học bổng. Hai năm đầu thì gia đình phải gửi thêm tiền sang, nhưng từ năm thứ 3 thì anh tự túc vì kiếm được việc làm thêm. Bây giờ xong thạc sĩ, anh... ở lại luôn, làm nhiều việc, trong đó hai việc chính là hướng dẫn viên du lịch và du học. Lại nhớ mới đây báo chí đưa tin, cô sinh viên Việt Nam chết trong tủ áo ở Singapore dạo nào chính là do cô tự tử vì anh người yêu hứa gửi tiền học phí cho cô nhưng lại... quỵt khiến cô tiến thoái lưỡng nan vì đã nói với gia đình là mình có học bổng du học. Singapore là một đất nước mà giáo dục và y tế rất phát triển, vì thế dân Việt rất thích sang đấy chữa bệnh và học, từ phổ thông tới tiến sĩ. Nhưng đất nước này cũng rất nghiêm, nhất là trong việc trừng trị tội ma túy, mà sinh viên Tường Vân của Việt Nam học tại Úc đã từng bị treo cổ ở đấy dù đã được cả hai nhà nước Việt Nam và Úc can thiệp chính thức bằng công hàm là một ví dụ, vì thế cũng có một số gia đình gửi con sang đấy để rèn. Sang Sin gặp rất nhiều các cháu sinh viên đi làm thêm, giá 5 đô Sin một giờ, chủ yếu là phiên dịch, từ dịch cho các cửa hàng bán đồ cho người Việt sang du lịch, đến dịch trong bệnh viện, chợ, các tour... Cũng xin nói là, sang Sin và Mã Lai, vào các cửa hàng mà các hướng dẫn viên du lịch đưa vào, mới biết là họ mở ra chỉ để bán cho người... Việt Nam. Từ việc tuyển một đội ngũ giỏi tiếng Việt, đến việc nói vanh vách những điều mà người Việt thích nghe, nhất là những người còn đang lưỡng lự, cốt để họ mạnh tay rút ví, và khi đã mua về thì thế nào cũng người ở nhà... chê đắt.
        Ở Mã Lai thì người Việt làm thuê nhiều hơn, có cả những khu cho người lao động Việt Nam ở. Chủ yếu họ sang trồng cây cọ dừa, một loại cây đã đem lại phồn vinh giàu có cho người Mã Lai. Số người này đúng nghĩa là lao động chứ không phải phục vụ việc nhà (Ô Sin) như sang Đài Loan. Tôi gặp mấy thanh niên ở Nghệ An, hỏi thăm và được biết họ sang đã được 2 năm, đời sống tạm ổn, có tiền gửi về nhà. Có điều ở bên này thèm... rượu quá, lâu lâu kiếm được một tí uống trộm mà bị bắt thì coi như... xong chục ngày lương.
Nhà em cụp qua cửa kính ô tô đấy ạ
        Lại nhớ trên chuyến bay từ Sài Gòn sang Kulalampur hôm trước, hai phần ba số khách là sang Mã lao động phổ thông. Thì cứ gọi là náo loạn máy bay: Nói to, gọi nhau í ới, đổi chỗ loạn xạ, bình phẩm râm ran, đi lại nhốn nháo... thế nên mấy thanh niên trồng cọ dừa hai năm kia kể: Đầu tiên sang rất khó chịu vì phải vào khuôn phép. Ở nhà thích đâu vất rác đấy, bạ đâu khạc đấy, tiện đâu... tè đấy, sang đây răm rắp như máy, sạch lau sạch ly. Ngay cái đoạn đi xe ngoài đường mà không được bóp còi là khó chịu lắm rồi. Ô tô xe máy sắm ra cái còi để bóp, thế mà không được bóp, xe nối nhau chạy như cua bò, tức chết đi được. Hôm lên cao nguyên Genting, chúng tôi bắt gặp một nhà hàng Việt Nam, nơi duy nhất bán bia trong cái khu đại tổ hợp giải trí mua sắm ăn chơi ấy. Nhà hàng lấy tên là Hội An có hình tượng cái chùa Cầu. Mấy cháu mặc áo dài Việt rất đẹp đứng chào khách. Hỏi thì biết các cháu được bà chủ là người Việt cùng quê về đưa sang, lương mỗi tháng khoảng năm triệu tiền Việt, nhiệm vụ là đứng trước cửa, có khách thì đưa vào, chạy bàn và làm các món đơn giản như món phở cuốn giá... 60 ngàn tiền Việt một cái. Một chai bia Ken ở đây trị giá 80 ngàn tiền Việt, tô phở cũng tương đương. Tất nhiên là chúng tôi không thử nên không biết độ ngon dở thế nào, nhưng nhìn cái cuốn phở thì thấy nếu ở Việt Nam bán năm nghìn cũng chả có người ăn. Tiền mình mất giá nên sang đấy mua hoặc ăn cái gì mà lẩm nhẩm sang tiền Việt là mất vía chả dám ăn, ví dụ như một đĩa cơm giá 50 Ring ghit, nhưng nếu tính ra tiền Việt thì nó là... ba trăm ngàn. Còn chai Vodka Malaysia tương đương chai Vodka Hà Nội 65ml có giá là 80 Ring ghit, tức 480 ngàn tiền mình, uống mà hoa cả mắt ù cả tai. Vậy nên lương chừng năm triệu tiền Việt ở bên ấy chả thấm béo gì. Nhưng cũng may là Mã Lai không có hàng họ quán xá ăn nhậu gì nên cũng ít phải tiêu vặt. Cứ lầm lũi làm đến tháng lĩnh lương cất đấy về Việt Nam tiêu thì cũng không đến nỗi.
        Lĩnh, một chàng trai ở Biên Hòa nói với tôi: Người mình đâu đến nỗi ngu đâu anh, thế mà sao phải đi làm thuê nhiều quá, mà sang đây toàn chỉ được làm việc phổ thông. Trong khi người Việt sang Mã Lai làm thuê thì người Mã lại sang Singapore làm thuê. Cứ buổi sáng, các xe tải thùng chở người Mã Lai sang Sin làm thuê nườm nượp trên phố. Chỉ được làm ban ngày, tối lại leo lên thùng xe trở về. Bên Sin và Mã Lai không cấm xe tải chở người mà cũng chưa nghe nói đến tai nạn từ xe tải chở người. Nhiều cô gái sang Singapore nói là đi làm này làm nọ, nhưng thực chất là đi bán thân ở khu đèn đỏ. Cảnh sát cửa khẩu của Sin rất tinh, thấy các cô qua lại mấy lần là theo dõi, bắt cô nào trúng cô ấy.
        Chúng tôi ở Malaysia đúng ngày có tin 5 cô gái Việt Nam đi trên một chiếc xe bị tai nạn. Có nhiều giả thiết về sự xuất hiện của các cô ở đấy, nhưng ở một khía cạnh khác, thấy phập phù thân phận người Việt quá. Có người bảo các cô là nạn nhân của một vụ buôn người. Nó nhói một cái như nhai phải một sợi mì sống...
------------
Mai đi Hà Nội- Tuyên Quang, chả có gì mới, lại... lười, post lại bài này từ vanconghung.vnweblogs.com. Quan trọng là để lưu bài nữa. Bên ấy có đến 766 bài viết, mất thì chết. Ai phải đọc lại thì thông cảm nhé.
                                                       

5 nhận xét:

Mai Thanh Hải nói...

Bác ra rồi à? Sao không a lô anh em phát. Em cũng mới đi Điện Biên về đêm qua!

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Bác bay rồi à? Lên Tuyên Quang bác điện cho em phát nhé.

bimbim nói...

Xứ người luênh loang còn xứ mình thì lênh láng.
Em hôm qua lần đầu lên Điện biên,chắc chắn là đối đầu xe bác MTH(trừ khi bác MTH đi máy bay) mà không biết.
Có thơ rằng:
Điện biên xa mấy cũng đi
Xem hầm Đờ cát tơ ri thế nào
Thì ra nó bé tẻo teo
Ngoài sức tượng tượng của nhiều nhà thơ.

ảo vọng nói...

Bác Húng tùy bút bài này hay quá ! Giá mà bác gởi cho báo tuổi trẻ đăng thì cũng đáng, sẽ có khối người thú vị đấy.

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh Hải và NM Tuấn:
--------
Mai tớ mới bay mà. Ngày kia mới xuất phát đi Tuyên Quang. Chiều mai còn họp tại 9 Nguyễn Đình Chiểu. Có một bạn ở VTV hẹn trưa mai ngồi phát mà phải hủy vì 11h mới tới Nội Bài, 12h tới HN mà 2h30 họp, ngồi... chả bõ. Hẹn lúc khác vậy. Tớ sẽ gọi Hải khi thoát được nhé, hihi. Còn lên Tuyên tớ sẽ gọi Tuấn.
@ Bimbim:
Mình ước ao chuyến này sẽ lên cả Điện Biên, cả Hà Giang mà k biết có đc không?
@ Ảo vọng: Thú vị nhất là nếu đc in ở TT thì NB sẽ rất cao, người thú vị đầu tiên sẽ là... tác giả.
Cám ơn tất cả các bạn.